Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 31

Danh Nữ Truyền Giáo Cho Trung Hoa – Gladys Aylward (1902-1970)




"Ngài phán rằng: Trong luật pháp có chép điều gì? Ngươi đọc gì trong đó? Thưa rằng: Ngươi phải hết lòng, hết linh hồn, hết sức, hết trí mà kính mến Chúa là Đức Chúa Trời ngươi; và yêu người lân cận như mình." - Lu-ca 10:26-27

Cô Aylward sinh vào ngày 24 tháng 2, 1902, trong một gia đình thuộc tầng lớp lao động ở Edmonton, Luân-đôn. Cô là một người bình thường, dáng người nhỏ bé, nhưng có tấm lòng yêu mến Chúa và một tâm tình khát khao truyền giáo. Cô đã để nhiều thì giờ chìm đắm trong tình yêu Chúa qua Kinh Thánh và sự cầu nguyện, trông mong Ngài đáp ứng cho tiếng gọi cứu rỗi tội nhân.

Mặc dù là một ngưòi công nhân trẻ làm việc trong một quốc gia văn minh phồn thịnh, và dù chỉ nghe nói đến công việc truyền giáo tại Trung Hoa một vài lần, nhưng tâm trí cô lúc nào cũng vương vấn nơi chốn xa xôi ấy với những con người hoàn toàn xa lạ… Vì thế cô đã quyết tâm trang bị cho mình để có thể dự phần vào cánh đồng truyền giáo này. Tuy nhiên khi nộp đơn tại Trường Thần Học Nữ, Luân Đôn, cô đã bị từ chối vì ông hiệu trưởng thấy cô cần được huấn luyện thêm vài năm trước khi đi truyền giáo ở nước ngoài, và ngôn ngữ cũng là một trở ngại vì kinh nghiệm cho thấy một người gần ba mươi tuổi như cô thì rất khó có thể tập tành và thông suốt tiếng Hoa nhanh chóng.

Thay vào đó, ông hiệu trưởng đã đưa cô đến giúp đỡ hai vợ chồng giáo sỹ vừa từ Trung Hoa trở về hưu trí ở Birstol. Cô đã học hỏi nhiều kinh nghiệm truyền giáo và nhận được nhiều khích lệ từ hai vợ chồng truyền giáo này. Cô vẫn kiên nhẫn chờ đợi cơ hội mới, và Chúa cũng đã có những chương trình tốt cho cô. Vào năm 1930, Chúa đã mở cánh cửa đưa cô đến Trung Hoa. Cô đã dùng tiền tiết kiệm của mình để trang trải cho một chuyến đi đến Vận Thành (Yuncheng), tỉnh Sơn Tây (Shanxi), xứ Trung Hoa. Chuyến đi đầy nguy hiểm này đã đưa cô đi xuyên qua xứ Siberia.

Tại Trung Hoa, khi đã đến Vận Thành, cô Aylward làm việc với một nhà truyền giáo lớn tuổi, bà Jeannie Lawson. Hai người đã mướn một ngôi nhà và đặt tên là Ngôi Nhà Trọ của Tám Hạnh Phúc (The Inn of the Eight Happinesses) – theo bà Jeannie thì tám hạnh phúc là: chung thủy, đức hạnh, hiền lành, khoan dung, trung thành, thành thật, xinh đẹp, và tình thương, và vì số tám là số trọn vẹn của người Hoa. Trong một thời gian, cô Aylward phục vụ như là một trợ lý của chính phủ Trung Hoa; cô là một người "thanh tra bàn chân" của những người du lịch các vùng nông thôn để thực thi luật mới chống lại chính sách bó chân của những cô gái trẻ Trung Hoa. Tại đây, Cô Aylward đã gặt được nhiều kết quả tốt trong một cánh đồng truyền giáo mà có nhiều sự kháng cự, bao gồm cả bạo lực đối với những người làm thanh tra như cô.

Cô Aylward đã trở thành một nhân vật được tôn kính trong nhân dân Trung Hoa. Cô chăm sóc những trẻ mồ côi, cô cũng nhận vài đứa làm con nuôi của chính cô; cô đã can thiệp vào một cuộc nổi loạn nhà tù và ủng hộ cho việc cải cách nhà tù; cô cũng mạo hiểm chính đời mình nhiều lần để giúp đỡ những người đang cần giúp đỡ. Năm 1938, khu vực cô đang làm việc đã bị xâm lược bởi quân lực Nhật Bản. Mặc dù bị thương, Cô Aylward đã dẫn 94 trẻ mồ côi đến một nơi an toàn trên các ngọn núi.

Trong thời gian này, cô dự định kết hôn với một sĩ quan Trung Hoa, Đại tá Linnan. Qua nhiều lần thưa chuyện với Chúa, Ngài đã bày tỏ cho cô biết rằng công việc truyền giáo của cô sẽ không được trọn vẹn nếu như cô lập gia đình với một người chưa tin Chúa. Sau đó, cô hiểu ra rằng: sự ngưỡng mộ và lòng biết ơn của cô đối với ông Linnan đã làm cô bị mù quáng chính mình, vì thực tế thì ông chưa là một tín hữu Cơ Đốc, và chính lý do đó đã khiến cô kết thúc mối quan hệ này. Tuy lòng buồn bả vì phải từ giã người yêu, cô vẫn cương quyết tiếp tục đi theo tiếng gọi của tình yêu Thiên Chúa. Trọn cả đời, cô Aylward đã không bao giờ kết hôn với người nào cả.

Năm 1949, khi chính quyền Cộng Sản mới lên cầm quyền, cô Aylward và những nhà truyền giáo khác buộc phải rời khỏi Trung Hoa. Trở về Anh Quốc, cô Aylward tiếp tục đi đây đó làm chứng hùng hồn về quyền năng của Chúa và thách thức tín đồ Đấng Christ mạnh mẽ hầu việc Ngài. Cô đã tìm cách để trở lại Trung Hoa, nhưng đã bị từ chối tái nhập cảnh bởi chính quyền Cộng Sản, nhưng thay vào đó cô đã đi định cư tại Đài Loan vào năm 1958. Ở đó, cô thành lập Nhà Trẻ Mồ Côi Gladys Aylward, cũng là nơi cô làm việc cho đến khi qua đời.

Cô Aylward đã về với Chúa vào ngày 3 tháng Giêng năm 1970. Cô được chôn trong một nghĩa trang nhỏ trong khuôn viên của trường Cao đẳng Cơ Đốc tại Guandu, Đài Bắc, Đài Loan. Cô được người Hoa biết đến bằng tên gọi 艾偉德 ‘Ai De Wei’, có nghĩa là ‘một người đạo đức’. Ít lâu sau cái chết của cô, một trường trung học Edmonton trước đây được biết đến như là Weir Hall, giờ đã được đổi tên thành Trường Gladys Aylward để vinh danh cô.

Cô Gladys Aylward là một người nữ đơn giản bình thường, nhưng có một tấm lòng yêu kính Chúa cao đẹp, có tình thương nhân loại, và biết dâng đời mình cho Chúa dùng trong chương trình cứu rỗi tốt đẹp của Ngài! Cô thật là một gương sáng truyền giáo đáng cho chúng ta noi theo! Cầu xin Chúa hướng dẫn mỗi đời sống chúng ta đi trong đường lối vinh hiển cho Ngài, nhất là trong công việc truyền giáo trên khắp đất! Amen!


Ngọc-Huỳnh-Bích