Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 178

Đầy Tớ Ngang Ngạnh

Từ bài giảng luận "Sứ Mạng Không Thể Chối Từ"

CN Dec 14, 2014 - Hội Thánh North Hollywood

2 Người cầu nguyện Đức Giê-hô-va rằng: Hỡi Đức Giê-hô-va, tôi cầu xin Ngài, ấy há chẳng phải là điều tôi đã nói khi tôi còn ở trong xứ tôi sao? Vì đó nên tôi lật đật trốn qua Ta-rê-si vậy. Bởi tôi biết rằng Ngài là Đức Chúa Trời nhân từ, thương xót, chậm giận, giàu ơn, và đổi ý không xuống tai vạ. 3 Hỡi Đức Giê-hô-va, vậy bây giờ, tôi nài xin Ngài hãy cất lấy sự sống tôi; vì về phần tôi, chết còn hơn sống! (Giô-na 4:2,3)

Sách tiên tri Giô-na ngắn lắm, chỉ chiếm hơn hai trang của Kinh Thánh tiếng Việt, trong đó có lời rao báo gói gọn độ mươi chữ (3:4b), là một thông điệp từ Giê-hô-va Đức Chúa Trời của tuyển dân Y-sơ-ra-ên dành cho một dân ngoại bang. Sứ mạng này lại được giao cho một tiên tri hết sức cá biệt. Có lẽ nên đọc lại toàn bộ quyển sách nhỏ được xếp vào bộ "tiểu tiên tri" này, để một lần nữa thấy những điều khác thường trong tiến trình của sự việc. Nội dung của sách mô tả phần nào về một người của Chúa hết sức là ngang ngạnh, vậy mà, Chúa Giê-hô-va vẫn kiên nhẫn tận tình sửa sai cho.

Thật ra, nội dung của bài giảng luận hướng về nhiệm vụ đem Tin Lành đến cho người chưa biết Chúa, lấy Giô-na như một điển hình để nhấn mạnh công việc Chúa giao cho Hội Thánh là một sứ mạng phải hoàn thành và không có quyền từ chối. Câu gốc của bài giảng là Ma-thi-ơ 24:14, nhưng một vài chi tiết khiến tôi muốn viết bài này theo ý của Giô-na 4:2&3, được trích ra ở trên, câu nói rất giống với Thi thiên 145:8. Tôi không bàn về lý do tại sao Giô-na lại có thái độ và hành động bất tuân thánh lệnh, cũng không cần phải biết nhiều hơn về vị tiên trị đầy cá tính này. Điều tôi chợt nhận ra đằng sau mọi chi tiết của sự kiện là lòng nhân từ, sự thương xót, chậm giận, dư dật ơn ban của Đức Chúa Trời; Ngài sẵn sàng tha thứ cho lầm lỗi của những con người bất kính và tôi là một trong số đó.

Thông tin Đức Giê-hô-va muốn Giô-na rao báo cho thành Ni-ni-ve là một tin dữ, sứ giả của Chúa phải "kêu la nghịch cùng nó; vì tội ác chúng nó đã lên thấu trước mặt Ta" (Giô-na 1:2) cùng lời loan báo rằng: "Còn bốn mươi ngày nữa, Ni-ni-ve sẽ bị đổ xuống!" (3:4). Theo như cách nói của Giô-na, hình như người đã thảo luận với Chúa trước khi người có quyết định trốn qua Ta-rê-si, để lánh khỏi mặt Đức Giê-hô-va (1:2). Đức Chúa Trời biết tính khí của Giô-na, Ngài biết cả mọi toan tính trong lòng người và Chúa lên một kế sách đặc biệt để đối kháng.

Từ những sự việc được ghi lại ngắn gọn trong sách, tôi nhìn thấy một Giô-na rất thành thật. Ông thành thật nhận mình là mối họa lớn cho mọi người trên chiếc tàu gặp cơn bão dữ bất thường. Ông thành thật bày tỏ lòng tôn kính Chúa khi ở trong bụng cá ba ngày. Ông thành thật bày tỏ sự phật ý và giận dữ của mình vì Chúa không hành động như lời Ngài đã dạy ông nói với dân thành Ni-ni-ve. Kèm theo đó, lòng tự ái của ông lớn đến nỗi không còn muốn sống bởi lời tiên tri mình bỏ công rao báo không được ứng nghiệm. Phải chăng đó là lý do mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã không phế bỏ hay trừng phạt một đầy tớ bất tuân? Tôi không thể vin vào điều đó để thử Chúa, nhưng tôi phải nhìn biết lòng nhân từ, thương xót, chậm giận, giàu ơn của Chúa. Chợt nghĩ đến ngày nay, có vẻ như thế gian này càng ngày càng khó tìm thấy lòng thành thật đối với nhau, chẳng phải chỉ trong lãnh vực chính trị mà cả giữa người với người. Trong cộng đồng kính yêu Chúa và thương yêu nhau, anh em luôn thành thật với nhau trong sự quan phòng của Chúa hay cũng chỉ như sau một tấm phủ huê dạng là những gì đó trái ngược?

Từ tính khí khó sửa đổi của một tôi tớ ngang ngạnh, Đức Chúa Trời đã dùng mọi cơ hội để làm ơn cho nhiều người khác. Cả một tập thể dân ngoại trên chiếc tàu định mệnh đã trở nên "rất kính sợ Đức Giê-hô-va. Họ dâng của lễ cho Đức Giê-hô-va, và hứa nguyện cùng Ngài" (1:16). Rồi thì, sau khi nghe người của Đức Chúa Trời rao tin dữ, toàn thể cư dân của thành Ni-ni-ve "tin Đức Chúa Trời. Họ rao ra sự kiêng ăn và mặc bao gai, từ những người rất lớn trong đám họ cho đến những kẻ rất nhỏ" (3:5). Sự đồng lòng đó đưa đến chỉ dụ tối hậu của nhà vua: "Mọi người khá ra sức kêu cùng Đức Chúa Trời; phải, ai nấy khá bỏ đường lối xấu mình và việc hung dữ của tay mình. Ai biết rằng hoặc Đức Chúa Trời sẽ không xây lại và ăn năn, xây khỏi cơn nóng giận mình, hầu cho chúng ta khỏi chết, hay sao?" (3:8,9). Còn hơn thế nữa, biến cố Giô-na ở trong bụng cá lớn ba ngày được Đức Chúa Giê-xu nhắc đến như một phép lạ ứng với sự chết của chính Ngài làm nên ơn cứu chuộc cho cả nhân loại (Ma-thi-ơ 12:40).

Tôi chẳng có gì để sánh mình với tiền bối Giô-na. Tôi lại càng không thể mãi luôn lạm dụng lòng nhân từ, thương xót, chậm giận, giàu ơn của Chúa. Tôi cũng không thể viện cớ Chúa đầy quyền năng có thể dùng sự bất toàn của tôi để làm nên công ích lớn. Tôi ơi! Nếu tôi cứ tưởng mình là không mắc sai lầm, nếu tôi chỉ luôn thỏa mãn tự ái riêng tư, nếu tôi không chịu nhìn thấy người khác cũng cần đến tình yêu thương của Đức Chúa Trời chí nhân chí ái; tôi sẽ khó trở nên một tôi tớ đủ tốt lành cho công việc lớn của Chúa. Chúa muốn nhìn thấy một Giô-na trong tôi chịu thay đổi.