Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 190

Chúa Ở Cùng

Từ bài giảng luận "Ta Ở Cùng Ngươi"

CN March 08, 2015 - Hội Thánh North Hollywood

Đức Chúa Trời phán rằng: Ta sẽ ở cùng ngươi; nầy là điều làm dấu cho ngươi biết rằng ta đã sai ngươi đi: Khi ngươi dắt dân sự ra khỏi xứ Ê-díp-tô rồi, thì các ngươi sẽ phụng sự Đức Chúa Trời tại trên núi nầy. (Xuất Ê-díp-tô ký 3:12)

[đọc Xuất Ê-díp-tô ký 3:1-12]

Một thông điệp từ bài giảng luận: "Không một ai có đủ điều kiện, đủ tiêu chuẩn hay đủ khả năng để làm công việc của Đức Chúa Trời. Tất cả đều là ân sủng, và trên hết mọi sự, chính Đức Chúa Trời có hứa và chắc chắn sẽ ở cùng tôi tớ của Ngài để hoàn thành công việc giao cho". Đó chẳng phải là một điều khích lệ, là điểm tựa lý tưởng để tôi hầu việc Chúa sao? Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngày xưa đã phán cùng tiền bối Môi-se rằng: " Ta sẽ ở cùng ngươi", và thêm vài điều rất thuyết phục này nữa.

Câu 2 của Xuất Ê-díp-tô ký đoạn 3: "Thiên sứ của Đức Giê-hô-va hiện ra cùng người trong ngọn lửa, giữa bụi gai kia. Người nhìn thấy cả bụi gai đang cháy, nhưng không hề tàn". Thật đáng phải suy nghỉ khi Đức Chúa Trời không hiện ra ở những cây cối có tầm cỡ xứng hiệp với địa vị cao trọng của Ngài. Chúa không hiện ra nơi cây hương nam, cũng chẳng cần nhờ đến cây nho, cây vả hay cây ô-li-ve; Giê-hô-va đã chọn bụi gai. Chông gai và tật lê là giống cây được sản sinh từ lỗi lầm của tổ phụ loài người (Sáng 3:18); thứ cây gây khó khăn, trở ngại, gây thương tích khi tôi đụng chạm đến chúng; thứ cây rác rưởi chỉ thuộc hạng mục dành cho sự bùng phát của lửa. Thế mà khi có Đức Chúa Trời hiện diện nơi đó, lửa cứ cháy nhưng bụi gai chẳng hề tàn lụi. Tôi thích được ví mình như cây ô-li-ve xanh tươi, như cây nho thạnh mậu, như cây kè, cây hương nam trồng trong nhà Chúa; chớ có bao giờ chịu đặt mình ngang hàng với loại cây hoang tệ hại kia. Thế mà thứ cỏ rác không trồng vẫn cứ mọc mạnh trong lòng, trong đời sống tôi, làm nghẹt ngòi những hạt giống tốt được gieo. Nếu tôi có Chúa ở cùng, biết đâu những thứ ngang ngược, gai gốc sẽ được Đức Chúa Trời sử dụng cách nào hay lúc nào đó theo ý muốn của Ngài. Chẳng thể lấy việc này để tự hào và dể ngươi, Chúa muốn tôi nhìn nhận sự bất toàn yếu đuối của mình và Ngài sẽ lấy tình thương vô biên để thay đổi tôi.

Câu 5 tiếp theo sau của đoạn 3 này: "Đức Chúa Trời phán rằng: Chớ lại gần chốn nầy, Hãy cổi giầy ngươi ra, vì chỗ ngươi đang đứng là đất thánh". Mảnh đất sản sinh ra những bụi gai đồng nghĩa với việc chẳng được chăm sóc, chẳng mầu mỡ, có thể lẫn lộn nhiều sỏi đá, cỏ dại làm nghèo đất cát. Đời sống tâm linh của tôi không ít khi phải nếm trải nhiều tình huống tương tự. Tôi cất công di chuyển để tìm cho mình cái gọi là đất sống, nhưng than ôi! Tôi cứ phải trăn trở với thất vọng cho dù luôn tự nhủ rằng đừng đòi hỏi một môi trường hoàn hảo. Vấn đề không phải là nơi chốn nào, rộng hay hẹp, lớn hay nhỏ; mà quan trọng là ở đó có Đức Chúa Trời ở cùng hay không? Không ai có thể tự tạo ra sự thánh khiết cho nơi này hoặc nơi kia bằng vật chất hay cả bằng những thứ được xem là thiêng liêng, chỉ có sự hiện diện thường trực của Đấng Thánh mới có thể biến một nơi tầm thường hay dưới cả mức bình thường trở nên nơi biệt riêng ra cho Giê-hô-va Đức Chúa Trời Chí Thánh. Tôi không thể lấy điều này để bênh vực những suy nghĩ hay quyết định nông cạn, tuy nhiên, Đức Chúa Trời quyết định lựa chọn theo ý định tốt lành của Ngài, không theo tiêu chuẩn xác thịt của tôi. Tôi phải nghe được tiếng Chúa phán: "Hãy cổi giầy ngươi ra, vì chỗ ngươi đang đứng là đất thánh", bằng không, tôi không thể đứng nổi trước mặt Chúa hôm nay và mai sau.

Phần sau của câu 12 là một giao kết: "... nầy là điều làm dấu cho ngươi biết rằng ta đã sai ngươi đi: Khi ngươi dắt dân sự ra khỏi xứ Ê-díp-tô rồi, thì các ngươi sẽ phụng sự Đức Chúa Trời tại trên núi nầy". Núi mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời hiện ra để kêu gọi Môi-se bước vào chức vụ có tên là Hô-rếp (xem câu 1), và Hô-rếp có nghĩa là khô cạn. Có lạ lùng không? Một bụi gai khẳng khiu mọc trên chỗ đất cằn cỏi thuộc ngọn núi khô khan thiếu nước, đúng là đủ một bộ sậu! Dẫu vậy, không có gì thất vọng cả khi Chúa sử dụng chúng, ở nơi đó có sự hiện diện của Đức Chúa Trời Tự Hữu Hằng Hữu. Khi Đức Chúa Trời đã chỉ định một nơi thờ phượng Ngài, dù không vừa mắt vừa lòng theo cách xem xét của loài người, vẫn là nơi đủ để tôi phải quan tâm, vì tại đó Chúa vui lòng ngự và tiếp xúc trực tiếp với con dân Ngài. Người ta thường thích cái gì đó cao sang, quý giá, hiếm hoi; có thể người ta sẽ vận dụng đủ mọi phương cách để chứng tỏ rằng làm như vầy thì đúng, làm như thế kia là không xứng đáng. Tôi cần ân tứ để nhìn biết nơi nào có Chúa ở cùng, chỗ nào thật là nơi thờ phượng Đức Chúa Trời Tối Cao Tối Thượng?

Tôi không dám vẽ vời ngụy biện, bởi trong mươi câu Kinh Thánh liền nhau ghi chép một sự kiện, Đức Chúa Trời Ba Ngôi đã kết họp đến ba điều bất toàn lại với nhau và ở đó có sự vinh hiển của Ngài. Có lẽ chỉ với mục đích duy nhất là thuyết phục một Môi-se thu mình trong vỏ ốc nhận lấy trách nhiệm giải phóng cho dân tộc của Lời Hứa. Một bụi gai vô tri, một khoảnh đất cằn cỏi, một non cao hoành tráng mà thực chất lại khô hạn; Đức Chúa Trời còn dùng được tất cả huống chi là một con người, một con người có lòng. Chúa Giê-hô-va cần thảo luận và trông chờ sự đồng ý của Môi-se để đạt đến thảo hiệp đồng công cộng tác.

Xin thêm một lời kết luận: "Đã vậy thì chúng ta sẽ nói làm sao? Nếu Đức Chúa Trời vùa giúp chúng ta, thì còn ai nghịch với chúng ta?" (Rô-ma 8:31). Tôi phải tự quyết định trước mặt Chúa.