Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 48

Tình Cha Trong Thơ Tâm Linh Tường Lưu

Tường Lưu là một thi sĩ Cơ-đốc viết sung sức nhất mà tôi được biết cho đến nay. Mai sau thì không biết có ai vượt qua được Tường Lưu về bút lực không, điều đó phải còn chờ đợi thời gian sẽ trả lời, nhưng nếu có thì tôi đoan chắc cũng còn lâu lắm l?m? Cho đến nay, Tường Lưu đã cho ra đời vượt xa con số một ngàn bài thơ ca ngợi Chúa rồi với chừng đâu mươi lăm Thi tập Tâm Linh đã được phát hành. Đó là những con số mà bất cứ nhà thơ nào cũng thèm muốn, nhưng không dễ gì có thể đạt được. Tất nhiên những con số về bài thơ, về tập thơ không thể làm nên tên tuổi một nhà thơ. Có người cả đời chỉ để lại một bài thơ thôi, nhưng chỉ như vậy thôi cũng đủ để người ấy trở nên một nhà thơ thực sự. Có người đã cho ra đời nhiều bài thơ, phát hành nhiều tập thơ, nhưng vẫn không thể nào trở thành một nhà thơ với đúng nghĩa của từ đó, vẫn không có được một chỗ đứng nào trong lòng bạn đọc. Riêng với thi sĩ Tường Lưu thì khác, ông làm được thật nhiều bài thơ, xuất bản được nhiều tập thơ và thơ ông đã đến được với bạn đọc ở nhiều nơi và tôi tin rằng nhiều bài thơ ông còn đọng lại được trong lòng không ít người. Đó không phải là điều ông muốn mà được, nhưng là điều Chúa ban cho ông, Chúa thưởng cho ông, vì ông có lòng thành thật với Chúa khi làm thơ.

Đọc các thi tập Tâm Linh của Tường Lưu, để ý, ta sẽ thấy trong tất cả các thi tập của ông, ông luôn luôn ghi trang trọng những dòng như thế nầy trước tập thơ: "Con cảm ơn BA MẸ đã cho con những dòng thơ nầy". Điều đó chứng tỏ BA MẸ của ông là một trong những nguồn thi hứng chính trong cảm tác thơ của ông.

Và quả thật vậy, trong hầu hết các thi tập Tâm Linh của mình, Tường Lưu dành khá nhiều những vần thơ để viết về Ba Mẹ. Có thể nói cảm xúc về Ba Mẹ như là một trong những dòng cảm xúc nổi bật tuôn chảy trong thơ của Tường Lưu.

Nhân ngày Lễ Phụ Thân (Chúa nhật thứ 3 của tháng 6 hàng năm), mời bạn đọc cùng tôi thưởng thức những vần thơ viết về người cha của thi sĩ Tường Lưu, để thấy được tình cha trong thơ của thi sĩ dạt dào, tha thiết là dường nào.

Thi sĩ ở đất khách quê người, cách xa người cha già thân yêu ở quê nhà hàng ngàn dặm, nên nỗi nhớ đong đầy trong lòng thi sĩ, như muốn vỡ oà ra. Ta hãy nghe ông bộc bạch nỗi nhớ niềm thương ấy:

Đêm nay con khóc, nhớ về Ba/ Thảm cảnh cô đơn lúc tuổi già/ Con thấy Ba ngồi yên, trầm mặc/ Mắt nhắm như nhìn vào cõi xa... Đêm nay con khóc, nhớ về Ba/ Buồn quá, tim con muốn vỡ oà/ Con thấy Ba ngồi yên, trầm mặc/ Xót lòng con lắm! Ba ơi Ba! (Thưa với Ba –CKTL).

Mỗi lần nhìn hình Ba Mẹ treo trong nhà của mình, những kỷ niệm xưa như hiện về đầy tràn trong ký ức của thi sĩ:

Hình Ba Mẹ ... nói cho con tất cả/ Kỷ niệm xưa, ký ức chẳng phai mờ/ Ba Mẹ ơi, mới đó tưởng trong mơ/ Mà Ba Mẹ bây giờ không còn nữa.(Hình Ba Mẹ-NPTL).

Kỷ niệm xưa hiện về đem đến nỗi nhớ lớn lao trong lòng thi sĩ, nhưng rồi thi sĩ cảm nhận được niềm vui khi biết rằng Ba Mẹ đã xong "việc trần gian" và được "về nước Chúa", và thi sĩ mong sớm có ngày được tái ngộ với Ba Mẹ nơi Thiên đàng vinh hiển:

Không còn nữa, Ba Mẹ về nước Chúa/ Việc trần gian Ba Mẹ đã xong rồi/ Con còn đi đường vất vả trên đời/ Mong sớm đến một ngày vui tái ngộ. (Hình Ba Mẹ – NPTL)

Ai trong chúng ta sinh ra và lớn lên mà không nhờ vòng tay Ba Mẹ. Chính vòng tay yêu thương đó đã nâng đỡ chúng ta trưởng thành và vượt qua được biết bao nhiêu những khúc quanh trong cuộc đời. Thi sĩ cũng vậy, vòng tay Ba Mẹ đã để lại cho thi sĩ biết bao niềm cảm xúc yêu thương, ngay cả khi Ba mẹ đã đi rồi, vòng tay ấy vẫn như còn ôm lấy thi sĩ vào lòng:

Ngày xưa thơ ấu, tuổi thiên đường/ Chưa biết chuyện đời, chưa vấn vương/ Tiếng cười, tiếng khóc còn trong sáng/ Vòng tay cha mẹ biết bao thương/ ... Cha mẹ đi rồi... bên quê hương/ Đêm đêm vẫn thổn thức canh trường/ Một trời hối hận, mênh mông lệ/ Vòng tay cha mẹ biết bao thương. (Vòng tay cha mẹ-NPTL).

Ca dao Việt Nam có câu:

Còn cha gót đỏ như son/ Một mai cha mất gót con đen sì. Và nhiều câu khác nói về sự mất mát, thua thiệt của người con mất cha mất mẹ. Cha mẹ mất đi rồi, bao giờ cũng để lại một nỗi buồn lớn lao cho những người con, những nỗi buồn ấy theo thời gian cứ như thấm sâu vào trong tâm khảm với bao niềm thương nhớ. Hãy nghe thi sĩ giải bày tâm trạng ấy:

Từ khi Ba Mẹ không còn/ Về thăm, dù chỉ ... mộ phần, cũng thôi!/ Nửa khuya thương nhớ, bồi hồi/ Công cha, nghĩa mẹ... đền bồi được sao?/ Nỗi buồn càng thấm càng sâu... (Giờ đây Ba Mẹ không còn-CVTL).

Trong một bài khác, thi sĩ cũng đã diễn tả nỗi nhớ về Ba Mẹ khôn nguôi trong lòng của mình, khi Ba Mẹ đã gởi xác cho đất, gởi linh cho Trời, nhất là mỗi khi về đêm, cõi thinh không im ắng, chỉ còn có tiếng côn trùng kêu mà thôi:

Công ơn Ba Mẹ xiết bao/ Giờ đây xác thể nằm sâu... lạnh lùng!/ Nhớ về Ba Mẹ ... ngàn trùng/ Đêm nghe dế gáy... não nùng, khôn nguôi!/ Thể linh Ba Mẹ ở Trời/ Con dâng dòng lệ ngậm ngùi, nhớ thương! (Nhớ về Ba Mẹ-TĐTL).

Bên cạnh nỗi nhớ niềm thương da diết về Ba Mẹ, nhất là khi Ba Mẹ đã đi về Thiên quốc, thi sĩ còn diễn tả niềm vui mừng lớn khi biết Ba mình "đã đánh trận tốt lành, đã xong sự chạy, đã giữ được đức tin" (II Ti-mô-thê 4: 7):

Ba đã xong sự chạy/ Đã đánh trận tốt lành/ Ba đã giật được giải/ Đã giữ được đức tin/ Bây giờ Ba gặp Chúa/ Mão tuổi, Mão tên Ba/ Thêm Mão Triều Thiên nữa/ Thiên đàng duy nhất Ba! (Thiên đàng duy nhất Ba-TLTT).

Ngày Lễ Phụ Thân là dịp tiện quý để những người con nhớ đến người Cha của mình, thể hiện tình cảm dành cho người Cha của mình, nhưng nhớ Cha, thể hiện tình cảm dành cho Cha đâu phải chỉ chờ đến ngày Lễ đó mới làm một việc gì đó mà đủ đâu. Nhớ cả đời, biết ơn cả đời cũng không đủ, vì công ơn của đấng sinh thành bao la như biển cả. "Công cha như núi Thái Sơn" mà. Thi sĩ viết:

Con nhớ Ba nhiều, bao kỷ niệm/ Đâu phải chờ gì ngày lễ Cha/ Những tháng, những năm dài hối hận/ Tội con bất hiếu, con xấu xa/ Ôi, đấng sinh thành, lòng biển cả/ Con cúi đầu xin Ba thứ tha!/ Nước mắt sao tan niềm ray rứt/ Thời gian đâu lẽ dễ phôi pha/ Ba ơi, trên nước Thiên Đàng ấy/ Vần thơ con khóc nhớ thương Ba. (Nhớ Ba, nhớ Mẹ-TLTT 12).

Khi đọc bài thơ "Đọc thơ trên mộ Ba", tôi thật sự xúc động trước tình cảm của thi sĩ dành cho người cha vô cùng yêu thương của mình (cụ cố Mục Sư Thi Sĩ Lưu Văn Mão, bút hiệu là Nam Sơn- một nhà thơ lớn của nền thơ ca Cơ-đốc Việt Nam-NV). Tình cảm của thi sĩ dành cho người Cha kính yêu ta thấy như trải dài ra trên từng con chữ, từng câu thơ. Với thể thơ thất ngôn, một cách tài tình, thi sĩ đã giải bày tâm hồn mình một cách thật cảm động:

Những đêm khuya khoắt, những đêm dài/ Con nhớ về Ba như ... đêm nay/ Ba nêu gương sáng, gương tin kính/ Dẫu đời nghiêng ngả, gió đời lay/ Con cũng ê hề bao gian khổ/ Đếm không hết được những chua cay/ Tình thương cao cả, tình phụ tử/ Cho dù Ba khuất bóng... trời mây/ Nhớ Ba, con muốn ngồi bên mộ/ Đọc mấy vần thơ say, thơ say. (Đọc thơ trên mộ Ba-TLTT 13).

Có thể nói dòng cảm xúc về Ba Mẹ trong tim Tường Lưu rất là dào dạt, cứ chảy mãi, chảy mãi không hề dứt trong hồn thơ căng tràn tình yêu của thi sĩ. Tôi tự hỏi vì sao thi sĩ lại có một

tình cảm dạt dào đến thế về Ba Mẹ? Và qua chính thơ của thi sĩ, tôi khám phá ra rằng, vì ông đã từng có những năm tháng ... dại dột, sống làm cho Ba Mẹ buồn khổ, vì ông đã từng có nhiều năm tháng trong cuộc đời phải sống xa Ba Mẹ, không được gần gũi bên Ba Mẹ, nên tình cảm bị dồn chứa, sự nhớ nhung bị đè nén, sự ăn năn lỗi lầm trào dâng, và thi sĩ đã cho vỡ oà những cảm xúc đó vào trong thơ của mình, bởi thơ là nơi chuyển tải tốt nhất, tuyệt vời nhất những cảm xúc bị đong đầy như thế.

Hình ảnh người Cha người Mẹ trong thơ Tâm Linh của Tường Lưu là một hình ảnh thật đẹp và thật xúc động. Nó đẹp và xúc động không phải do lời thơ bóng bẫy, chải chuốt làm nên, mà là do trong thực tế hình ảnh ấy vốn dĩ đã thực như vậy. Tôi nghĩ, thi sĩ tường Lưu thật là người có phước. Ông có phước không phải vì có Ba Mẹ giàu có, hay là làm ông nọ, bà kia, nhưng ông có phước là vì có Ba Mẹ là người đã biết dâng trọn cuộc đời để hầu việc Chúa, làm một Mục Sư để rao giảng Tin Lành của nước Đức Chúa Trời cho mọi người. Đặc biệt, Ba ông, cụ cố Mục Sư Lưu Văn Mão lại là một thi sĩ nữa, một thi sĩ Cơ-đốc nổi danh trong nền thơ ca Cơ-đốc nước nhà. Ông có phước vì ông đã tin Chúa Giê-xu, ông đã thuộc về Chúa Giê-xu và ông đã biết dâng hồn thơ của mình để ca ngợi một mình Chúa Giê-xu- Đấng ông yêu thương mà thôi. Phước hạnh là như thế!

Tôi thích thơ Tường Lưu, vì thơ ông chân thực, gần gũi, không cầu kỳ, kiểu cách. Những bài thơ viết về Ba Mẹ của ông lại càng gần gũi, chân thật hơn thế, nên nó đã đem đến một sự đồng cảm lớn với người đọc.

Cảm ơn Tường Lưu thi sĩ đã có những vần thơ viết về Ba Mẹ thật cảm động như thế cho chúng ta. Những vần thơ ấy sẽ giúp cho chúng ta biết chỉnh sửa những khiếm khuyết của mình trong cách ăn, nết ở, trong cách đối xử của chúng ta với Ba Mẹ, để có thể sống làm vui lòng Ba Mẹ của mình nhiều hơn.

Nguyện Chúa ban phước cho các bậc Cha Mẹ thật nhiều nhân ngày Lễ Phụ Thân đáng yêu. Những ai có Ba Mẹ còn sống, đó là điều phước hạnh, hãy tận dụng cơ hội để bày tỏ lòng hiếu kính Ba Mẹ theo như lời Kinh Thánh đã dạy để chúng ta hưởng phước của Ngài ban cho: "Hãy hiếu kính cha mẹ ngươi, hầu cho ngươi được sống lâu trên đất mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi ban cho." (Sách Xuất Ê-díp-tô ký 20: 12). Những ai có Ba Mẹ đã qua đời rồi, hãy sống làm vinh danh Ba Mẹ mình qua chính đời sống của mình. Đó là cách thể hiện lòng biết ơn Ba Mẹ đúng đắn nhất.

Mục sư Nguyễn - Đình - Liễu.

* Những chữ viết tắt trong bài là tên các Thi Tập Tâm Linh của Tường Lưu:

+ CKTL: Ca Khúc Tâm Linh.

+ NPTL: Nguồn Phước Tâm Linh.

+ CVTL: Chân Vọng Tâm Linh.

+ TĐTL: Thách Đố Tâm Linh.

+TLTT: Tâm Linh Thi Tuyển.

+ TLTT12: Tâm Linh Thi Tập 12.

+ TLTT 13: Tâm Linh Thi Tập 13.