Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 1020

Tăng Trưởng Trong Chúa

Mức độ uy quyền và quyền năng của chúng ta gia tăng khi chúng ta xử lý thành công các nghịch cảnh. Nói cách khác, chúng ta tăng trưởng để bước vào quyền cai trị của chúng ta. Trở lại lời khích lệ của Phierơ là hãy "trang bị chính mình" để nhận thêm ánh sáng :

Vậy, vì Chúa Cứu Thế chịu khổ trong thân thể, hãy trang bị chính mình anh chị em bằng thái độ như thế, người nào đã chịu khổ trong thân thể được dứt khỏi tội lỗi. Vì kết quả đó, người ấy còn sống bao lâu sẽ không sống theo dục vọng con người, nhưng cho ý muốn của Đức Chúa Trời. (1Phi 4:1-2).

Những ai chịu thử thách thì đã được dứt khỏi tội lỗi. Phierơ có ý nói gì khi nói vậy ? Ông nói về việc đạt đến sự trưởng thành thuộc linh, trở thành những người nam, người nữ trưởng thành trong Chúa. "Người trưởng thành thuộc linh" trong Nước chúa không còn sống cho những tham dục con người mà dâng mình trọn vẹn cho ý Chúa và làm theo ý Ngài. Người đó không còn đầu hàng, những áp lực của hệ thống thế gian nữa mà bây giờ phá đổ các đồn lũy ấy. Phaolô mô tả quyền năng này trong 2Côrinhtô 10:6 là "sẵn sàng sửa phạt mọi hành động không vâng lời."

Chúng ta phải nhớ rằng, dầu tuổi tác chúng ta bao nhiêu, chúng ta những người được sinh ra trong gia đình Chúa, đều là những "em bé" thuộc linh. Và Ngài mong chúng ta tăng trưởng.Trong một thư tín khác, Phaolô minh họa giai đoạn kế tiếp của sự tăng trưởng thuộc linh, làm con trẻ : "Lúc ấy, chúng ta sẽ không còn là trẻ con nữa, bị sóng đánh trôi dạt và cuốn theo mọi luồng gió đạo lý của những người bịp bợm, xảo trá dùng thủ đoạn lừa gạt" (Êph 4:14). Và một lần nữa Phaolô viết, "Thưa anh chị em, đừng suy nghĩ như trẻ con, nhưng về sự ác hãy như trẻ con, hãy trưởng thành trong sự suy nghĩ" (1Cô 14:20). Chúng ta hãy trở nên ngây thơ như con trẻ khi liên quan đến tội lỗi; nhưng trong sự hiểu biết và ổn định chúng ta phải trưởng thành như người lớn.

Một em bé phản ứng theo những gì nó được dạy dỗ, dù sự dạy dỗ đó tốt hay xấu. Trẻ em cũng dễ bị lạm dụng, dễ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, một người lớn thường biết mình đang đứng ở chỗ nào và không thể dễ bị điều khiển bởi những thế lực tội lỗi. Chúng ta được khuyên là hãy tăng trưởng trong Chúa để chúng ta có thể đứng vững trong lẽ thật và dập tắt hay hình phạt tất cả sự bất tuân. Theo Phaolô, cần sự hiểu biết để trưởng thành trong Chúa. Nhưng cần hơn thế nữa, và Phierơ có nói đến điều này.

Làm sao chúng ta tăng trưởng thuộc linh ? Để hiểu rõ, trước hết chúng ta cần xem xét sự phát triển về thể xác và tinh thần. Điều gì cần thiết để tăng trưởng thể xác hay điều gì giới hạn sự tăng trưởng của nó ? Thời gian. Có bao giờ bạn thấy một em bé sáu tháng tuổi mà cao một mét rưỡi không ? Không, thường thì phải mất mười mấy năm sau thì mới đạt đến độ cao như vậy. Sự phát triển thể xác cần thời gian.

Sự phát triển tinh thần, song hành với sự phát triển thể xác, không bị giới hạn bởi thời gian. Tôi đã gặp một em mười bốn tuổi đã tốt nghiệp trung học và được gọi là "cậu bé thần đồng". Tôi cũng gặp một người năm mươi tuổi mà chưa tốt nghiệp trung học. Vậy sự phát triển tinh thần hay lý trí không thuộc vào phạm trù thời gian mà thuộc vào phạm trù học vấn. Bạn phải học từ lớp một đến lớp hai, rồi học tiếp đến lớp ba, lớp bốn, lớp năm và cứ thế học lên. Nhưng bạn có thể làm việc này nhanh tùy bạn thích.

Sự tăng trưởng thuộc linh thuộc phạm trù nào ? Bị giới hạn bởi điều gì ? Câu trả lời là sự chịu khổ. Hãy xem lại lời của Phierơ : "Người nào chịu khổ trong xác thịt thì dứt khỏi tội lỗi" (1Phi 4:1). Người nào đã dứt khỏi tội lỗi thì đã đạt đến sự trưởng thành thuộc linh hoàn toàn. Một lý luận nảy ra ở đây là, "Tôi quan sát nhiều người chịu khổ và hiện nay họ rất cay đắng." Vâng, chuyện đó có xảy ra. Phải có một yếu tố khác nữa và yếu tố đó là chìa khóa để trưởng thành thuộc linh. Tác giả thư Hêbơrơ soi sáng cho chúng ta điều này : "Dù là Con, Ngài cũng phải học tập vâng lời trong những điều thống khổ Ngài đã chịu" (Hê 5:8).

Sự tăng trưởng thuộc linh không đến khi ánh bình minh soi rọi bước đường của chúng ta.

Câu này cho biết rằng Chúa Giê-su không tự động vâng lời Chúa Cha khi Ngài đến trên đất; Ngài phải học hỏi và Ngài đã học cách trọn vẹn : Ngài không bao giờ phạm tội hay phạm lỗi lầm. Vấn đề chính mà chúng ta bàn đến ở đây là Chúa Giê-su học vâng lời bởi sự chịu khổ. Kèm theo câu Kinh Thánh này với những lời của Phierơ cho thấy rằng sự tăng trưởng thuộc linh không đến khi ánh bình minh soi rọi bước đường của chúng ta, khi mà mọi người đều khen chúng ta và đối xử tốt với chúng ta, và khi mà mọi thứ đều trơn tru. Không, chúng ta tăng trưởng thuộc linh khi chúng ta tiếp tục vâng lời Chúa trong lúc thử thách. Chúng ta sẽ tăng trưởng mạnh mẽ hơn khi chúng ta đầu phục sự khôn ngoan của Chúa mỗi khi người ta phỉ báng chúng ta, nói xấu chúng ta, ngược đãi chúng ta hay cố làm hại chúng ta... hay khi chúng ta vừa mất việc làm, nhận tin xấu từ luật sư hay bác sĩ, hay không biết tài chánh mà mình cần đến từ đâu.

Chúng ta chọn tin cậy Chúa giữa khó khăn, ngay cả dường như bất lợi cho chúng ta. Chúng ta chọn chống cự tội lỗi tấn công chúng ta bằng cách vâng Lời Chúa trước hết. Đây là lúc sự tăng trưởng thuộc linh đích thực xảy ra. Điều này được thể hiện đẹp đẽ trong cuộc đời của Giô-sép, con trai của Gia-cốp.

JOHN BEVERE (Theo Không Nao Sờn)