Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 1023

Quyền Tự Quyết Của Linh Hồn

Hê-bơ-rơ 8:10-11

Gần đây, lần đầu tiên tôi đã tham gia vào một bồi thẩm đoàn và đây là một vụ xét xử về năng lực của một bị cáo. Nhiệm vụ của chúng tôi là xem bị cáo có khả năng nhận biết đúng sai để có thể chịu trách nhiệm về hành động của mình hay không ? Chúng tôi không được dựa vào việc anh ta có nhận hay không nhận là mình phạm tội. Thật sự là chúng tôi thậm chí cũng không biết người ấy bị cáo về tội gì. Việc của chúng tôi chỉ là xem anh ta có năng lực, có đủ khả năng để chịu trách nhiệm về việc mình làm hay không mà thôi.

Hai nhân chứng được gọi đến, một người bào chữa, một người tố giác. Người bào chữa là một chuyên gia tâm lý, còn người tố giác là một chuyên gia tâm thần. Nhà tâm thần học thuyết phục chúng tôi là bị cáo biết rất rõ pháp luật. Nghi can đã từng vào tù ra khám. Và anh ta chọn ở trong bệnh viện tâm thần thay vì ở tù, như vậy anh chỉ giả vờ thiểu năng.

Chúng tôi chỉ mất năm phút để tuyên bố rằng bị cáo hoàn toàn đủ năng lực nhận thức, và vì thế phải chịu trách nhiệm cho hành động của mình. Điều đó có nghĩa là anh ta phải trả giá cho tội mà anh đã bị truy tố.

Kinh nghiệm này đã đem lại cho tôi ý nghĩa mới về một trong những niềm tin căn bản nhất của người cơ đốc, đó là quyền tự quyết của linh hồn. Đây là tín lý nói rằng Đức Chúa Trời đã tạo nên chúng ta với khả năng nhận biết Ngài một cách cá nhân và đáp ứng với Ngài một cách trực tiếp. Tín lý này cho thấy đức tin là một vấn đề có tính cách cá nhân giữa Đức Chúa Trời và loài người. Chúng ta có thể tự mình đối diện với Chúa mà không cần sự can thiệp hay hỗ trợ nào của con người.

Đây là một tín lý nền tảng và vô cùng căn bản đến nỗi E. Y. Mullins, một trong những học giả đáng kính đã quá cố của chúng ta đã gọi quyền tự quyết của linh hồn là một "sự thật đương nhiên của tôn giáo",là một chân lý hiển nhiên được toàn cầu công nhận.

Đây lẽ ra phải là một tín lý đương nhiên được thừa nhận, nhưng đối với nhiều người thì không phải như vậy. Có những người nói rằng, "Chúng ta không thể trực tiếp cầu nguyện với Chúa. Chúng ta phải cầu nguyện với các thánh và qua các thánh." Họ nói, "Chúng ta không thể xưng tội trực tiếp với Đức Chúa Trời. Chúng ta phải xưng tội với linh mục hay mục sư trước rồi ông ấy sẽ thay mặt Đức Chúa Trời để tha tội cho chúng ta." Họ nói, "Chúng ta không thể giải nghĩa Kinh Thánh cho mình. Giáo Hội mới có thể làm việc đó cho chúng ta." Họ lại nói, "Giáo Hội đối với Kinh Thánh cũng giống như Tòa án Tối cao đối với Hiến Pháp. Giáo Hội mới có đủ thẩm quyền để diễn giải Kinh Thánh."

Tín hữu của một giáo phái đã nói về Giáo Hội của họ như vầy, "Một khi những lãnh đạo của chúng tôi phán quyết tức là mọi người không cần phải suy nghĩ gì thêm. Khi họ đề xuất một kế hoạch thì đó là kế hoạch của Đức Chúa Trời. Khi họ chỉ cho chúng tôi con đường thì không có con đường nào khác an toàn hơn." (Trích The Mormon Corporate Empire, của John Heinermand và Adson Shupe). Không một người Báp-tít thật nào lại chấp nhận những tín lý như vậy. Chúng ta không để ai suy nghĩ thay mình, hoặc quyết định ý chỉ của Chúa cho chúng ta, hay là hạn chế công việc Chúa ở một số ít người được chọn. Chúng ta kiên trì nắm chặt quyền được phán đoán cách riêng tư, quyền tự do cho chính mình và cho mọi tín hữu mà không phải lệ thuộc vào hàng giáo phẩm trong giáo hội. Tất cả chúng ta đều có đặc quyền và trách nhiệm về thuộc linh như nhau. Ở đâu cố tước đoạt quyền hạn này khỏi bất kỳ một ai thì đó là một chính thể chuyên chế.

Niềm tin của chúng ta vào quyền tự quyết của linh hồn được đặt trên ba điều: sự sáng tạo của Đức Chúa Trời, sự nhập thể của Đấng Christ và lời khuyên mời của Đức Thánh Linh. Chúng ta tin rằng Đức Chúa Trời là Đấng khôn ngoan, đầy quyền năng và tình yêu thương. Và chúng ta tin rằng con người là tạo vật đặc biệt được dựng nên bởi Đức Chúa Trời, theo hình ảnh của Ngài.

Nói con người được dựng nên theo ảnh tượng của Đức Chúa Trời là có nghĩa gì ? Điều đó có nghĩa là con người có sự khôn ngoan, có lương tâm và có linh hồn. Chúng ta có lý trí, đạo đức và tâm linh. Con người có trí khôn. Con vật hành xử chủ yếu là do bản năng. Nhưng con người có suy nghĩ và lý luận cách khách quan. Chúng ta có cố dạy môn hình học cho con voi hoặc dạy vũ trụ học cho con chó, hoặc thần học cho con chim ưng thì chúng ta chẳng bao giờ có thể học được. Nhưng một người man rợ nguyên thủy nhất sống trong rừng sâu có thể học được cả ba điều này. Đó là bởi vì người ấy giống Đức Chúa Trời. Người ấy có trí khôn.

Ngoài ra, con người còn có lương tâm; tiếng nói của Đức Chúa Trời ở trong lòng anh ta. Anh ta có một nhận thức bẩm sinh về cái đúng, cái không đúng. Một con chó có thể cắn bạn, một con trâu có thể húc bạn mà chẳng hề cảm thấy hối hận. Nhưng con người thì khác. Con người có tâm linh. Đức Chúa Trời đã "trồng sự đời đời" trong lòng chúng ta (Truyền đạo 3:11). Ở sâu thẩm bên trong chúng ta có một nhận thức về điều ở trên chúng ta và có quyền năng hơn chúng ta, đó là sự nhận biết về Đức Chúa Trời.

Tín lý quyền tự quyết của linh hồn còn dựa trên sự mặc khải của Đức Chúa Trời. Ngài đã đến với chúng ta qua hình hài Đấng Christ. Điều này nói lên mối quan hệ thân thiết giữa Đức Chúa Trời và loài người. Sự nhập thể chính là một sự kiện lịch sử về quyền tự quyết. Nó nói lên rằng Đức Chúa Trời có thể giao thông với loài người và con người, có thể nhận lấy sự mặc khải. Nếu như chúng ta không có khả năng để đáp ứng thì Đức Chúa Trời bày tỏ về Ngài cho chúng ta để làm gì?

Sự khuyên mời của Đức Thánh Linh cũng ngụ ý về quyền tự quyết. Trong toàn Kinh Thánh, Đức Chúa Trời liên tục mời gọi chúng ta đến với Ngài. Hãy lắng nghe lời mời cuối của Ngài: "Thánh Linh và vợ mới cùng nói: Hãy đến ! Kẻ nào nghe cũng nói rằng: Hãy đến ! Ai khát khá đến. Kẻ nào muốn, khá nhận lấy nước sự sống cách nhưng không." (Khải huyền 22:17). Nếu chúng ta không có khả năng nhận biết Ngài cách cá nhân và đáp ứng trực tiếp với Ngài thì Đức Chúa Trời mời gọi chúng ta đến với Ngài làm chi ?

Đây là tín lý mà người Báp-tít bảo vệ chắc chắn và nhất quán nhất. Không có tín lý nào chính yếu và quan trọng đối với chúng ta như tín lý này. Đây là đóng góp vĩ đại nhất của người Báp-tít cho lịch sử.

Tác giả sách Hê-bơ-rơ đã nói về quyền tự quyết của linh hồn chúng ta khi ông đối chiếu Cựu Ước và Tân Ước. Trong Cựu Ước, Đức Chúa Trời phán với con người qua các đấng tiên tri và con người đến với Đức Chúa Trời qua thầy tế lễ. Nhưng trong giao ước mới, mỗi người đều có thể trực tiếp ra mắt Đức Chúa Trời. Ông đã dẫn chứng sách Giê-rê-mi: "Đức Giê-hô-va phán: Này là giao ước mà ta sẽ lập với nhà Y-sơ-ra-ên sau những ngày đó. Ta sẽ đặt luật pháp ta trong bụng chúng nó và chép vào lòng. Ta sẽ làm Đức Chúa Trời chúng nó, chúng nó sẽ làm dân ta. Chúng nó ai nấy sẽ chẳng dạy kẻ lân cận mình hay là anh em mình mà rằng: Hãy nhận biết Đức Giê-hô-va ! Vì chúng nó thảy đều biết ta, kẻ nhỏ cũng như kẻ lớn. Đức Giê-hô-va phán: Ta sẽ tha sự gian ác chúng nó, và chẳng nhớ tội chúng nó nữa." (Giê-rê-mi 31:33-34).

Kinh Thánh nhắc ta nhớ rằng tất cả mọi người, từ thấp bé nhất đến vĩ đại nhất, nay đều bình đẳng trước Chúa. Không ai được biệt đãi cũng như không ai bị khước từ.

PAUL W. POWELL (Theo Hội Thánh Ngày Nay)