Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 1024

Tính Không Thay Đổi Của Đức Chúa Trời

Cách đây khoảng 4.500 năm, Pharaon Khafre đã tạc bức tượng Sphinx (nhân sư) từ một nền đá vôi. Kể từ đó, bức tượng cao 22 mét nầy gồm một cái đầu người với thân sư tử vẫn đứng trong sa mạc Ai Cập. Qua hàng ngàn năm, nó vẫn còn nguyên không thay đổi. Hay là nó thay đổi ? Thật vậy, tượng đài nầy đã trải qua nhiều biến đổi. Khafre không bao giờ hoàn tất bức tượng trong đời ông. Khoảng 1.000 năm nó bị bỏ mặc cho các lớp cát trong sa mạc Ai Cập. Vào năm 1400 T.C.. Thutmose IV đã dỡ bức tượng ra và sơn nó màu xanh da trời, vàng và đỏ và rồi dựng một bức tượng của cha mình ngay phía trước ngực của tượng nhân sư. Sau đó một Pharaon lớn khác, Ramese II, làm lại bức tượng Sphinx một cách bao quát hơn vào năm 1279 T.C. Sau đó các lớp cát của Ai Cập một lần nữa lại phủ quanh gương mặt và thân mình khổng lồ của bức tượng. Gió cát bắt đầu ăn mòn những gì mà các Pharaon đã làm.

Vào đầu thế kỷ thứ 15 S.C., một sử gia Á Rập đã viết rằng bộ mặt của tượng nhân sư đã bị biến dạng. Năm 1818, một thuyền trưởng đi biển đã dọn dẹp lớp đất đá vôi khỏi ngực bức tượng và bày ra một khu điện thờ cổ xưa phía trước tượng. Ông ta cũng tìm được những mảnh vỡ từ bộ râu bằng đá của tượng nhân sư, hiện đang được giữ ở viện Bảo tàng Anh Quốc. Vào đầu năm 1900 một kỷ sư người Pháp dọn dẹp bức tượng nhân sư đến tận nền móng của nó và dựng nên một bức chắn bằng đá để ngăn thời tiết xói mòn. Suốt thập niên 1980, các phiến đá lớn đã được bổ sung nhầm cố ngăn chận sự xói mòn. Dầu vậy vào năm 1988, một phần ở vai phải bức tượng đã bị rời ra.

Bức tượng nhân sư đang bị ăn mòn thậm chí càng nhanh hơn nữa vào ngày nay. Trong thập kỷ cuối cùng nầy, các công trình sửa chữa một lần nữa lại được tiến hành cho bức tượng cổ nầy. Các phiến đá lớn được bổ sung vào năm 1980 đang được thay thế bằng những viên đá trông có vẻ tự nhiên hơn. Nhiều kế hoạch nhằm cứu bức tượng nhân sư khỏi tình trạng hư hỏng thêm đang được đề ra. Rõ ràng là sự sống trên đất đang thay đổi. Kể từ khi Ađam sa ngã, từ khi tội lỗi xâm nhập vào thế gian; sự thay đổi đã trở thành một phần của đời sống con người. Giây phút chúng ta được sinh ra, chúng ta bắt đầu già đi. Chúng ta lớn lên, phát triển, và suy yếu. Dầu cho khoa học hiện đại có nỗ lực gì đi nữa để làm chậm lại quá trình nầy, nó vẫn cứ tiếp tục mà không hề dừng lại. Những tượng đài vĩ đại của chúng ta như tượng nhân sư không chứng minh cho sức mạnh dựng lên được một điều gì đó không thay đổi, mà chỉ là những nỗ lực lớn nhất của chúng ta để trì hoãn sự suy tàn và tàn phá của thời gian.

Hy vọng duy nhất của chúng ta trong đời nầy nằm ở một sự kiện : Đức Chúa Trời không bao giờ thay đổi. Ngài là Đấng bất biến mà chúng ta có thể nương cậy trong khi đó mọi thứ khác chung quanh chúng ta đều suy tàn.

Một sự kiện thú vị về nhiều tôn giáo trên thế giới là tính chất không lường trước được của các thần của họ. Những người theo phong trào Thời Đại Mới tin rằng mọi sự đều là thần và thần là mọi sự. Nguồn thẩm quyền của "lẽ thật" theo họ, chính là điều bạn kinh nghiệm. Shirley Maclaine, một người ủng hộ tôn giáo Thời Đại Mới nói rằng : "Kinh nghiệm xuất khỏi thân thể của riêng tôi... được phục vụ nhằm chứng minh đúng các trả lời cho nhiều câu hỏi, đó là : sự hiểu biết bảo đảm nhất được xuất phát từ kinh nghiệm." Nói cách khác, ngày nay bạn có thể tin một điều là đúng, nhưng rồi kinh nghiệm ngày mai sẽ thay đổi chân lý ấy. Và điều bạn tin là đúng sẽ không đúng đối với tôi. Đối với những người theo tôn giáo Thời Đại Mới, chân lý của họ luôn thay đổi.

Nhưng chúng ta học biết rằng lẽ thật Đức Chúa Trời không bao giờ thay đổi. Hôm nay và cho đến đời đời chân lý ấy không hề thay đổi. Những người theo Phật giáo tin rằng sự cứu rỗi nằm ở nghiệp. Kenneth Latourette, một sử gia giáo hội hàng đầu, giải thích niềm tin của Phật giáo như sau : "Nghiệp có thể mô tả như là tổng cộng những suy nghĩ và hành động của một người trong tất cả những kiếp trước của người ấy. Trong mỗi kiếp, người ấy làm thay đổi nghiệp của mình để hoặc tốt hoặc xấu... Mục tiêu tối hậu không phải chỉ để cải thiện nghiệp của một người mà để làm nhiều hơn, nói nôm na, là để thoát khỏi hàng loạt thay đổi bất tận, sự nối tiếp của những sự ra đời và tái ra đời vô tận kinh khiếp. Như thế là sự cứu rỗi." Điều nầy thật khác xa kế hoạch cứu rỗi không thay đổi và đơn giản của Đức Chúa Trời ! Với chương trình của Đức Chúa Trời, chúng ta biết chỗ mình đứng, điều mình phải làm, và kết quả - một vị trí đời đời không hề thay đổi trong gia đình của Đức Chúa Trời.

Những người theo thuyết vạn vật hữu linh và thờ hình tượng đã hình thành sự hiểu biết của họ về cách các thần của họ hành động từ nền văn hóa dân gian được tích lũy. Các thần tượng của họ thất thường và hay thay đổi đến nỗi phải không ngừng được xoa dịu bằng các của tế lễ và rất nhiều nghi thức khác nhau để các thần đừng thay đổi luật chơi. Nhưng chúng ta có thể đọc tất cả các luật lệ của Chúa trong Lời không hề thay đổi của Ngài.

Đức Chúa Trời của Thánh Kinh là Đấng tối cao duy nhất không thay đổi. Ngài không bao giờ đổi thay tí gì về bản chất hoặc mục đích của Ngài. Đó là điều làm tôi yêu mến Đức Chúa Trời kỳ diệu và tuyệt vời của chúng ta. Tôi đã biết Ngài cách cá nhân từ năm 1944, và ngày nay Ngài vẫn y như vậy trong sự thánh khiết và tình yêu thương, ân điển và lòng thương xót như khi tôi mới dâng đời sống mình cho Ngài. Các nhà thần học gọi sự nhất quán và đáng tin cậy đó là tính bất biến của Đức Chúa Trời.

Khi tôi thức giấc vào buổi sáng để cầu nguyện, sự trả lời của Ngài không khác với lúc tôi cầu nguyện với Ngài vào giờ đi ngủ. Khi tôi đối diện với một hoàn cảnh khó khăn, tôi có được sự bình tịnh của tấm lòng bởi vì tôi biết Thánh Linh không thay đổi của Ngài đang hiện diện để chỉ dẫn tôi.

Kinh Thánh trình bày Đức Chúa Trời mà chúng ta thờ phượng là Đấng đời đời cho đến đời đời không hề thay đổi. Tác giả của sách Hêbơrơ so sánh sự bất biến của Chúa với tạo vật hay thay đổi của Ngài như sau :"Trời đất sẽ hư đi, nhưng Chúa hằng có; trời đất sẽ cũ đi như cái áo; Ngài sẽ cuốn nó lại như cái áo choàng, rồi trời đất sẽ biến đổi nhưng Chúa vẫn y nguyên, các năm Chúa không hề cùng." Ngài không bao giờ thay đổi trong bản thể Ngài, không bao giờ thay đổi cách Ngài hành động đối với con người tội lỗi, đối với sự ăn năn của con người, hoặc đối với sự thờ phượng của con người. Tội lỗi và lòng vô tín luôn luôn làm Ngài buồn lòng; sự vâng lời của đức tin luôn luôn làm ấm lòng Ngài.

BILL BRIGHT (Theo Khám Phá Đặc Tính Của Đức Chúa Trời)