Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 120

Lời Lành Hay Lời Dữ




Gióp 8:8-10, "Xin hãy hỏi dòng dõi đời xưa, Khá chăm chỉ theo sự tìm tòi của các tổ tiên. (Vì chúng ta mới có hôm qua, và chẳng biết gì; Bởi các ngày chúng ta trên đất khác nào một cái bóng); Chớ thì chúng sẽ chẳng dạy ông, nói chuyện với ông, Và do nơi lòng mình mà đem ra những lời lẽ sao?"

Sách Gióp được xem như là một tác phẩm giá trị vĩ đại trong tôn giáo cũng như văn học. Một văn hào nổi tiếng người Pháp, ông Victor Hugo nói về sách Gióp rằng: "Có lẽ sách Gióp đứng hàng đầu tuyệt phẩm của trí óc loài người." Một triết gia, sử gia, văn hào, thầy giáo người Anh, ông Thomas Carlyle đã nói: "Không kể đến những lý thuyết về sách nầy, tôi cho nó là một trong những tác phẩm vĩ đại nhứt từng được viết ra. Ðây là bản văn thứ nhứt và cũ nhứt của bài toán vô tận, tức là số phận của loài người và các đường lối của Ðức Chúa Trời đối với họ trên mặt đất. Tôi tưởng không một tác phẩm nào có giá trị văn chương bằng sách Gióp." Chúng ta không rõ ai viết sách Gióp, chỉ biết rằng sách có 42 chương, là một thi ca của lịch sử, và căn cứ vào một biến cố thật đã xảy ra. Nó dường như là một cuộc tranh luận công khai về ý nghĩa sự khổ nạn của Gióp - một bản tranh luận triết lý, dùng lời lẽ thi ca mà nói về vấn đề khổ nạn của loài người. Thông thường, khi ai gặp hoạn nạn thì người ta nghĩ rằng người đó đã phạm tội với Chúa và Ngài đã trừng phạt họ. Tuy đây là một lý do để giải thích, nhưng lý do này không đúng với ông Gióp; vì ông là một người công bình, kính sợ Chúa. Ngài không trừng phạt ông, chính ma-quỷ đã hành hại Gióp (Gióp 1:12, 2:6-7). Nhưng Gióp không biết điều này, những người bạn của ông lại nghĩ rằng Chúa đã hành phạt ông. Chúa chỉ cho phép sa-tăn hành hại ông để bày tỏ rằng Gióp là người kính yêu Chúa hết lòng và quyền năng của Ngài trên mọi việc!

Trong khi Gióp bị hành hạ đau đớn, khổ sở, thì những người bạn đã đến thăm và an ủi ông, trong đó có 4 người được nhắc đến trong sách này, đó là Ê-li-pha (chương 4,5,15,22); Binh-đát (chương 8, 18, 25); và Sô-pha (chương 11, 20); Ê-li-hu (chương 32-37). Binh-đát là người bạn thứ nhì, đến diễn thuyết 3 lần với Gióp. Ông cũng như những người bạn kia, nghĩ rằng Gióp đã phạm tội và cần xưng tội với Chúa để được chữa lành và thoát khỏi tai họa. Sau khi nghe Gióp đáp lại Ê-li-pha trong chương 7, thì Binh-đát bắt đầu diễn thuyết lần thứ nhứt trong chương 8. Ông nhấn mạnh rằng Ðức Chúa Trời là công bình trong cách Ngài đối xử với loài người; rằng sự khổ nạn của Gióp là chứng cớ tỏ ra ông gian ác; rằng nếu Gióp chịu quay về với Ðức Chúa Trời, thì mọi sự lại sẽ tốt lành. Từ câu 8 đến câu 10, Binh-đát làm chứng về lời truyền thống của tổ tiên và cho rằng kiến thức của chính Gióp có về tổ tiên cần phải ôn lại. Binh-đát nói, "Tôi xin anh hãy tìm hiểu kinh nghiệm của các bậc tiền nhân, và suy xét những gì tổ tiên của họ đã tìm thấy. Vì chúng ta mới có mặt ngày hôm qua và chẳng biết gì, vì những ngày của chúng ta trên đất qua mau như cái bóng. Há chẳng phải các vị tiền bối sẽ dạy anh và bảo anh, và sẽ nói cho anh biết tri thức nằm lòng của họ hay sao?" (Gióp 8:8-10, BDM2011). Trong câu 9, Binh-đát nói Gióp như là người mới sanh ra nên chẳng biết gì nhiều, và rồi cuộc đời ngắn ngủi như "cái bóng" nên có thể không có kinh nghiệm như tổ tiên của ông. Vì thế, Gióp nên ôn lại kinh nghiệm của tổ tiên và những lời truyền khẩu của họ, để biết rằng chính tội lỗi đã gây ra hoạn nạn cho ông và gia đình!

Binh-đát đã dùng những kinh nghiệm truyền thống của tổ tiên để khuyên Gióp, nhưng lời đó không đúng với hoàn cảnh của Gióp. Điều này nhắc nhở chúng ta cần cẩn thận khi dùng những lời truyền của tổ tiên, nhưng phải theo Lời Kinh Thánh, và luôn tìm kiếm ý Chúa trước khi dùng lời khuyên bảo anh em mình. Chúng ta không biết được lý do gây ra những hoạn nạn thì chúng ta không nên nói điều gì làm cho nạn nhân khổ tâm hơn. Chúng ta không nên chỉ trích, xét đoán, hay lên án ai, nhưng nên nhớ lời sứ đồ Phao-lô khuyên chúng ta về lời nói, "chớ có một lời dữ nào ra từ miệng anh em; nhưng khi đáng nói hãy nói một vài lời lành giúp ơn cho và có ích lợi cho kẻ nghe đến" (Ê-phê-sô 4:29). Đời sống của chúng ta chóng qua, nhưng Lời Chúa còn lại đời đời, chúng ta nên suy gẫm Kinh Thánh kỷ càng và xin Chúa ban cho khôn ngoan khi dùng Lời Ngài để khuyên bảo anh chị em chúng ta! Nguyện xin Chúa giúp chúng ta biết cầm giữ miệng mình, cho chúng ta mau nghe và chậm nói; xin Ngài dạy chúng ta biết nói những lời ngọt ngào và có ơn và khích lệ anh em chúng ta! A-men!

Gặp người hoạn nạn, nói lời lành,
Giúp ích thêm ơn, khích lệ anh,
Thận trọng giữ mồm, đừng đoán xét,
Khi ta chẳng rõ hết ngọn ngành!
Lời Ngài suy gẫm, ngày đêm nhớ,
Khuyên bảo lẫn nhau, chớ ghét ganh,
Tha thứ yêu thương như Đấng Christ,
Sống sao bày tỏ được Tin Lành!

Ngọc-Huỳnh-Bích

Ghi-chú:
"Tôi xin anh học hỏi thế hệ trước, Nghiên cứu những điều cha ông họ tìm ra, 9 Vì chúng ta mới sanh hôm qua, chẳng biết gì, Ngày đời chúng ta trên đất qua đi như cái bóng. 10 Nhưng các tổ tiên sẽ dạy dỗ và chỉ bảo anh, Nói lên những gì họ hiểu biết." – Gióp 8:8-10 (BDM)
"Xin anh học hỏi các thế hệ đã qua, và nghiền ngẫm kinh nghiệm mà tổ tiên để lại. Vì chúng ta mới ra đời hôm qua nên chẳng biết gì, các ngày chúng ta trên đất khác nào một cái bóng. Họ không dạy anh, không nói chuyện với anh, không dùng lời lẽ nói ra những hiểu biết của họ sao?" – Gióp 8:8-10 (BHD)
"Tôi xin anh hãy tìm hiểu kinh nghiệm của các bậc tiền nhân, và suy xét những gì tổ tiên của họ đã tìm thấy. Vì chúng ta mới có mặt ngày hôm qua và chẳng biết gì, vì những ngày của chúng ta trên đất qua mau như cái bóng. Há chẳng phải các vị tiền bối sẽ dạy anh và bảo anh, và sẽ nói cho anh biết tri thức nằm lòng của họ hay sao?" Gióp 8:8-10 (BDM2011)