Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 1049

Sự Bất Kính

Những ai trong chúng ta sống trong những năm đầu của thế kỷ 21 đã chứng kiến tội lỗi xảy ra trong hội thánh, không chỉ giữa vòng tín đồ mà cả giữa vòng các lãnh đạo hội thánh. Trong những năm tôi đi lại hầu việc Chúa, hầu như là tháng nào tôi cũng nghe về một mục sư, giáo sĩ, trưởng lão hay nhân sự hội thánh phạm tội gian dâm, thường là với các phụ nữ trong hội thánh của họ.

Lòng tôi đau xót khi tôi chứng kiến cảnh người ta thao túng và lừa dối xung quanh chuyện dâng hiến và của dâng. Không chỉ người ta nói dối về sự dâng hiến như Anania và Saphira mà nhiều lần tôi nghe các lãnh đạo hội thánh sử dụng sai tiền quỹ của hội thánh. Tôi đã nghe hai kế toán làm việc cho các chức vụ từ hai tiểu bang khác nhau trải lòng ra với vợ tôi và tôi về chuyện tham lam và lừa dối họ thấy trong các chức vụ này. Có người nói : "Nếu một mục sư khác đến văn phòng tôi, tìm cách "xin xỏ” thêm tiền và trốn thuế thì tôi sẽ đóng cửa văn phòng không cho vào.”

Đôi khi người ta lấy tiền dâng là vì tham lam hơn là vì dân sự Chúa. Phaolô nói : "Ấy không phải tôi cầu mong quà biếu, nhưng cầu mong kết quả dồi dào cho tài khoản của anh chị em.” (Phi 4:17). Trái với lời trên, tôi nghe các lãnh đạo tìm cách cắt xén số tiền dâng của tín đồ. Tôi đã thấy những lá thư được các công ty tư vấn viết bóp méo sự thật để lấy tiền. Một số nhà tư vấn khoe rằng họ đã tính toán rất khoa học và đưa ra những dự án rất chính xác so với nhu cầu. Phierơ cảnh cáo rằng sẽ có những lãnh đạo nổi lên trong những ngày sau cùng là kẻ "tham lam sẽ bịa đặt nhiều chuyện để bóc lột anh chị em... và sự hủy diệt của họ chẳng hề ngủ.” (2Phi 2:3).

Nếu lối sống như thế này đã xảy ra trong bối cảnh chúng ta thấy trong sách Công Vụ, sự phán xét chắc chắn xảy ra nhanh chóng. Tuy nhiên, ngày nay sự phán xét được trì hoãn, vì đèn của Chúa đang tàn. Sự tuôn đổ về vinh hiển của Chúa chưa xảy ra.

Salômôn than lên, "Bấy giờ tôi thấy kẻ ác chết, được chôn cất linh đình vì họ thường ra vào đền thánh. Nhưng những người công chính ngay trong thành lại bị lãng quên. Đây cũng là một việc khó hiểu.” (Truyền đạo 8:10). Ông nói những con người hư hỏng này thường đến đền thờ (nhà thờ) và rất kỉnh kiền nhưng dường như là họ đã chế nhạo Chúa qua hành động của họ và chết mà không chịu phán xét nhãn tiền. Lý do là vì Chúa trì hoãn sự phán xét.

Salômôn nói tiếp : "Loài người chú tâm làm ác vì kẻ ác không bị trừng phạt ngay. Và người phạm tội dù làm ác cả trăm lần, vẫn được sống lâu. Tuy nhiên, tôi biết những người kính sợ Đức Chúa Trời sẽ được phước lành, vì họ kính sợ Ngài, còn kẻ ác sẽ không được phước lành, cuộc đời kẻ ác sẽ qua đi như cái bóng, không lâu bền, vì họ không kính sợ Đức Chúa Trời.” Tại sao kẻ ác lại được phước ? Vì sự phán xét được trì hoãn chứ không phải bỏ qua.

Chúng ta được cảnh báo trước trong các câu Kinh Thánh sau đây :Kìa, Đấng Thẩm Phán đang đứng trước cửa. (Gia cơ 5:9 )

Vì tất cả chúng ta đều phải ra trước toà án Chúa Cứu Thế để mỗi người sẽ nhận phần của mình, tùy theo những điều thiện, điều ác mình đã làm khi còn ở trong thân xác. (2Côrinhtô 5:10)

Chúa sẽ xét đoán dân Ngài. Sa vào tay Đức Chúa Trời Hằng Sống là một điều khủng khiếp ! (Hêbơrơ 10:30-31)

Tôi đã nghe nhiều tín đồ và lãnh đạo bào chữa cho sự bất tuân khi nói rằng mọi chuyện đều được ân điển hay tình yêu Chúa "xí xoá”. Ân điển là không bởi công trạng và nó che đậy, nhưng không phải che đậy như cách chúng ta đã được giảng dạy. Ân điển không phải là lời bào chữa mà là mặc lấy sức mạnh. Việc thiếu sự quân bình đã đầu độc lý trí chúng ta cho đến khi chúng ta cảm thấy thoải mái hoàn toàn để không vâng lời Chúa bất cứ khi nào chúng ta thấy tiện hay lợi cho mình. Ngay cả khi chúng ta phạm tội, chúng ta hay trấn an mình và xoa dịu lương tâm bằng ý tưởng, Ân điển Chúa che đậy điều này, vì Chúa yêu mình và hiểu cuộc sống rất khó khăn. Ngài muốn mình hạnh phúc, bất kể phải trả giá như thế nào ! Ừ nhỉ !

Đành rằng chúng ta không nói ra những ý tưởng này, nhưng nó lại có trong đầu chúng ta. Rõ ràng là Phaolô đã nói trước hậu quả của lối lý luận như thế.

Dù ân điển có che đậy nhưng không phải bao che. Ân điển còn xa hơn nữa. Ân điển ban cho chúng ta sức mạnh để sống đời sống thánh khiết và vâng phục thẩm quyền của Chúa. Tác giả thư Hêbơrơ khích lệ : "Nên ta hãy ghi ơn vả hãy lấy lòng kính sợ, tôn kính mà phục vụ Đức Chúa Trời cách đẹp lòng Ngài.” (Hê 12:28). Ân điển được mô tả ở đây không phải là bao che hay "xí xoá”, mà là sức mạnh giúp chúng ta lấy lòng kính sợ thánh mà phục vụ Chúa theo cách được Ngài chấp nhận. Nó chính là quyền năng đằng sau đời sống vâng lời. Nó là bằng cớ của sự cứu rỗi.

Phaolô tiếp tục mô tả những người trong hội thánh thuộc thời đại chúng ta là những người thiếu đi quyền năng giúp họ sống tin kính. "Còn những kẻ gian ác... lường gạt người ta rồi bị lường gạt lại.” (2Ti 3:13).

Cái nhìn mang tính tiên tri của Phaolô đã được xác chứng ngày nay. Chúa tuyên bố với những nhà lãnh đạo băng hoại và tín hữu giả mạo trong giáo hội :

Chúa hỏi : "Sao ngươi giảng Lời Ta mà ngươi lại không kính sợ và vâng lời Ta ? Sao ngươi lừa dối người khác và cả bản thân ngươi ? Ngài nói với những người này: Ngươi đã làm những điều này nhưng Ta im lặng. Ngươi tưởng Ta giống như ngươi, nhưng Ta sẽ quở trách ngươi, buộc tội ngươi ngay trước mặt ngươi. (Thi Thiên 50:21).

Chúa phán : "Ta im lặng.” Trì hoãn phán xét, chứ không bỏ qua phán xét, vì Chúa khẳng định : "Ta sẽ quở trách ngươi, buộc tội ngươi... ” Hãy nhớ trật tự thiên thượng có trước vinh hiển tỏ bày. Một khi vinh hiển được bày tỏ, sự vô trật tự sẽ hứng chịu sự phán xét ngay lập tức để đảm bảo duy trì trật tự thiên thượng. Chúa hứa rằng sự phán xét đang chờ những người này : "Hãy biết rõ là chắc chắn sẽ có sự chấn chỉnh lại trật tự, vì Ta sẽ chấn chỉnh lại.”

Để ý rằng chính lương tâm của họ xoa dịu sự bất tuân qua lối hành xử bất kính của họ. Họ tin Chúa hoàn toàn giống như họ. Họ hạ thấp hình ảnh vinh hiển của Chúa xuống mức con người hư hoại !

Vì sẽ đến thời kỳ người ta không chịu nhận giáo lý chân chính, nhưng chiều theo dục vọng mà quy tụ nhiều giáo sư quanh mình để dạy những điều êm tai. (2Timôthê 4:3.)

Thật đáng buồn khi nói rằng chúng ta đang sống trong những ngày như vậy. Rất nhiều mục sư và tôi tớ Chúa dường như chỉ muốn thu hút đám đông hơn là duy trì đời sống ngay thẳng. Họ sợ giảng lẽ thật cách can đảm, lo rằng họ sẽ làm nguy hại đến những gì họ đã dày công xây đấp bấy lâu nay. Họ giảng cho tín đồ những gì người ta muốn nghe và tránh không quở trách tín đồ.

Hậu quả thật tai hại. Tội nhân cứ ngồi trong nhà thờ mà không bị cáo trách tội lỗi và không biết gì về một đời sống ngay thẳng. Nhiều người cứ đinh ninh là họ được cứu, trong khi thực tế thì họ chưa được cứu. Cùng lúc, một số người hầu việc Chúa tìm kiếm chút "ân huệ” và phần thưởng của con người mà không nghĩ đến ân huệ của Chúa, trong khi đó các tín hữu sống tin kính thì kêu cầu liên tục, "Chúa ở đâu rồi ?”. Tệ hơn nữa là trong khi xã hội vẫn sống trong bóng tối mà hội thánh thì bị che mắt. Khi hội thánh bị nhiễm bệnh vì thiếu lòng kính sợ Chúa thì hội thánh không thể nào giúp đỡ xã hội được.

Câu trả lời của Chúa là gì ? Nó được tìm thấy trong từ "sót lại”. Như trước đây Chúa tìm thấy dân sót là những người run rẩy trước Lời Ngài để đổ đầy vinh hiển của Ngài trong cơn mưa đầu mùa thì Ngài cũng sẽ tìm thấy các tín hữu còn sót lại trong những ngày sau cùng này trong cơn mưa cuối mùa để qua đó Ngài bày tỏ vinh hiển của Ngài một lần nữa. Tầm mức hay số lượng của dân sót này không quan trọng. Những tín hữu này yêu mến và vâng phục Chúa bất kể đời sống cá nhân họ phải trả giá nào. Có những lãnh đạo, những tôi tớ Chúa và những tín hữu khắp thế giới ngày nay là những người sẽ kêu cầu Chúa ban cho một sự tuôn đổ như thế.

Vị trí quá khứ hay hiện tại của chúng ta không phải là vị trí mà chúng ta nhắm tới trong tương lai ! Chúng ta phải ngước mắt lên chân trời và mong đợi sự vinh hiển sắp hiện ra của Ngài!

JOHN BEVERE (Theo Kính Sợ Chúa)