Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 63

Mùa Xuân Đến, Suy Nghĩ Tản Mạn Về Ngũ Phúc Lâm Môn

Cứ mỗi lần mùa xuân về là nhiều người đều ao ước cho gia đình mình được ngũ phúc lâm môn. Mong ước điều tốt lành, phước hạnh đến với mình và gia đình mình là điều tốt, nhưng điều tốt lành, phước hạnh đó có đến với mình và gia đình mình hay không lại là một chuyện khác. Không phải hễ mình muốn là được, ước là thấy đâu, mà bèn là phải do một Đấng có quyền năng và nắm giữ một phước hạnh trong tay có ban cho chúng ta hay không?

Ngũ phúc lâm môn là gì? Chắc chắn có nhiều người biết rõ. Ở đây chỉ xin nhắc lại để chúng ta cùng suy gẫm nhân mùa xuân về cho thêm phần thú vị.

Phúc đầu tiên đó là... phước: Nghĩa là những điều may mắn, tốt lành trong cuộc sống.

Ai trong chúng ta mà không mong ước cho mình và gia đình nhận được nhiều điều may mắn, tốt lành. Nhưng nhiều khi mong phúc đến thì nó lại không chịu đến, mà họa lại đến. Vả lại, ông cha ta cũng đã có kinh nghiệm rằng “Phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí” (Phúc thường không đến hai lần, họa thường không đến một lần).

Phúc thứ hai là lộc. Nghĩa là sự thịnh vượng về của cải, tiền bạc do ông Trời ban cho mình.

Của cải, tiền bạc ai mà không mong ước cho được nhiều. Muốn có của cải, tiền bạc nhiều thì trước hết, ta phải siêng năng, chăm chỉ làm ăn một cách chính đáng, và xin nhờ ông Trời ban ơn cho công việc làm ăn của mình thì mới được, chứ không phải tự mình có thể “làm ra tất cả” được đâu. Người Việt Nam ta có câu rằng: “Trời cho không thấy, Trời lấy không hay” thật là chí lý vậy. Nếu ông Trời không ban cho mưa thuận gió hòa, thời tiết tốt đẹp thì mọi điều chúng ta cố công, cố sức làm ra cũng không thể đem lại kết quả được.

Hoàng Trung Thông, một nhà thơ vô thần Việt Nam đã nói một câu rất cao ngạo rằng:

“Bàn tay ta làm ra tất cả/ Với sức người sỏi đá cũng thành cơm.”

“Sỏi đá cũng thành cơm” đâu không thấy, chỉ thấy cho đến bây giờ, Việt Nam mình vẫn còn nghèo nàn, lạc hậu, vẫn “không chịu lớn” như đáng phải lớn với người ta, dù đã bốn ngàn năm rồi??? Nghĩ mà buồn!

Kinh Thánh khẳng định rằng: “Kiêu ngạo đi trước sự hủy diệt. Tự cao đi trước sự sa ngã.” (Châm Ngôn 16: 18 - BDM). Và: “Đức Chúa Trời chống cự kẻ kiêu ngạo. Nhưng ban phước cho người khiêm nhường.” (I Phi-e-rơ 5: 5 - BDM).

Phúc thứ ba là thọ. Nghĩa là sống lâu.

Ngày xưa rất xa xưa, con người sống rất thọ, thọ đến gần cả ngàn tuổi. Kinh Thánh có ghi lại ít nhất là bảy người sống trên 900 tuổi, như Ê-nót (905 tuổi), Kê-nan (910 tuổi), Sết (912 tuổi), A-đam (930 tuổi), Người đạt được danh hiệu Á địch 2 về tuổi thọ là Nô-ê (950 tuổi), Giê-rệt giành ngôi Á địch 1 (962 tuổi), và người vô địch về tuổi thọ trong suốt cả cõi lịch sử của con người là Mê-tu-sê-la (969 tuổi) (Sách Sáng-thế-ký, chương 5, 9). Tương truyền bên Trung Quốc cũng có nhắc đến câu chuyện về một người sống lâu thiệt là lâu, đó là ông Bành Tổ sống đến 800 tuổi mới ... chịu chết.

Mong ước được sống lâu trăm tuổi là mong ước của con người từ lâu nay, nhưng số người thọ một trăm tuổi trở lên càng ngày càng thuộc vào cảnh “xưa nay hiếm”. Để sống được đến ... ba vạn sáu ngàn ngày là điều không phải ... dễ, vì sự sống của con người ta không do họ quyết định được mà bèn là do ông Trời định đoạt cơ mà. Cho nên nhiều khi ta muốn mà Trời không cho thì cũng đành chịu chứ biết làm sao. Thi sĩ Nguyễn Công Trứ ngày xưa đã từng cho biết một cách thật chính xác về việc ông Trời là Đấng quyết định tuổi thọ của con người như sau:

Giang sơn còn nặng gánh tình
Trời chưa cho nghỉ thì mình cứ đi
Bao giờ Trời bảo thôi đi
Giang sơn cất gánh ta thì nghỉ ngơi.

“Bao giờ Trời bảo thôi đi”. Khi nào ông Trời “gọi” thì con người ta phải “dạ” và vâng theo thôi, không thể khác hơn được phải không bạn? Không ai có thể chống lại được với ông Trời. Chống lại ông Trời thì chẳng khác nào như “lấy trứng chọi đá” vậy. Thất bại là điều chắc chắn. Dù biết rằng con người không có quyền quyết định việc tuổi thọ của mình, nhưng mong ước được sống lâu là một mong ước chính đáng, đáng phải mong ước.

Phúc thứ tư là khương. Nghĩa là mạnh khỏe. Mạnh khỏe là ước mong của mọi người xưa nay. Nếu giàu có mà cứ đau ốm hoài thì có ý nghĩa gì đâu. Ông cha ta từng có câu đố rằng “Trên đời có thứ gì mà từ vua cho đến dân, từ già cho đến trẻ ai cũng mong có được?” Câu trả lời chính xác, đó chính là sức khỏe. Ông cha ta cũng đã khẳng định “Sức khỏe quý hơn vàng” là vậy.

Có phước, có lộc, có thọ mà không có sức khỏe, cứ đau ốm hoài, ăn không ngon, ngủ không yên thì cũng chẳng sung sướng gì, chẳng vui vẻ gì? Cho nên mạnh khỏe thật là cần, thật là quý biết bao cho con người!

Và phúc thứ năm là ninh. Nghĩa là bình an, yên ổn.

Bình an, yên ổn cũng là điều mà mọi người mong ước có được. Một gia đình mà vợ chồng bất hòa nhau, con cái không thuận thảo với cha mẹ và thuận hòa với nhau thì đó chính là ... địa ngục của trần gian rồi.

Kinh Thánh dạy: “Kìa, thật tốt đẹp và vui vẻ biết bao, khi anh em sống hòa thuận với nhau.” (Thánh-Thi 133:-BDM).

Sống hòa thuận với nhau thì mới có thể hưởng những thứ phước khác được, chứ nếu lòng luôn bất an, thì không thể tận hưởng được những thứ phước kia một cách bình tâm được.

Đó là năm điều phúc mà ai cũng muốn mời vào nhà mình khi mùa xuân đến, khi năm mới về.

Thế thường, con người thường hay tập trung cả đời mình để chạy đi tìm kiếm những điều đó. Và con người thường thất vọng khi không tìm được, vì con người bỏ quên một điều đáng tìm để có được những điều đó. Điều đáng tìm trước tiên không phải là tìm kiếm “ngũ phúc” như nhiều người lâu nay vẫn làm, mà bèn là tìm kiếm Đức Chúa Trời để thờ phượng Ngài, phục vụ Ngài. Một khi con người biết làm như thế thì con người không cần phải lo chạy tìm kiếm ngũ phúc nữa mà Đức Chúa Trời sẽ đưa ngũ phúc và hơn cả ngũ phúc nữa đến với mình. Bởi chính Chúa mới là nguồn của mọi phước hạnh cho con người chúng ta.

Kinh thánh khẳng định: “Nhưng trước hết hãy tìm kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài, thì Ngài sẽ cho thêm các ngươi mọi điều ấy nữa.” (Sách Tin Lành theo thánh Ma-thi-ơ, chương 6, câu 33). Một chỗ khác trong Kinh thánh cũng cho biết Đức Chúa Trời mới chính là nguồn của mọi phước hạnh cho con người: “Mọi ân điển tốt lành cùng sự ban cho trọn vẹn đều đến từ nơi cao và bởi Cha sáng láng mà xuống. Trong Ngài chẳng có sự tối tăm đâu, cũng chẳng có bóng của sự biến cải nào.” (Sách Gia-cơ, chương 1, câu 17).

Như thế thì để chúng ta có thể có ngũ phúc đến nhà không chỉ khi mùa xuân đến mà là trong cả cuộc đời chúng ta thì mỗi chúng ta phải thay đổi suy nghĩ và hành động của mình từ chỗ tự tìm mọi cách để tìm kiếm ngũ phúc cho mình, đến chỗ chỉ tìm kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài thì chắc chắn chúng ta sẽ được Ngài ban cho không chỉ ngũ phúc mà còn mọi phước hạnh khác nữa.

Kinh thánh chỉ dẫn cho chúng ta cách để nhận phước hạnh trường cửu ở trong Ngài đó là để “Đức Giê-hô-va chăn giữ” mình, thì “phước hạnh và sự thương xót sẽ theo” mình trọn đời (Xem bài thơ thứ 23 trong Thánh thi của Kinh thánh).

Ước mong bạn cùng tôi quyết định tìm kiếm Đức Chúa Trời trước tiên trong cuộc sống để rồi sẽ cùng nhau đón “ngũ phúc lâm môn” và hơn thế nữa vào lòng mình, vào nhà mình ngay trong mùa xuân mới nầy và mãi mãi trong cuộc đời của mỗi chúng ta.

Chúc bạn hưởng một mùa xuân mới với nhiều phước hạnh mới từ Đức Chúa Trời ban cho ngay trong năm mới nầy, khi bạn biết tìm kiếm Đức Chúa Trời trước hết trong đời sống của mình.

Mong ước được gặp bạn trong đại gia đình của Đức Chúa Trời để chúng ta cùng được hưởng “mọi thứ phước thiêng liêng ở các nơi trên trời.” (Kinh Thánh sách Ê-phê-sô chương 1, câu 3).

Mục sư Nguyễn - Đình - Liễu.