Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 288

Bình Đẳng

Từ bài giảng luận "Sự Hiệp Một Trong Hội Thánh "

CN Jan 22, 2017 - Hội Thánh North Hollywood

Vả, như thân là một, mà có nhiều chi thể, và như các chi thể của thân dầu có nhiều, cũng chỉ hiệp thành một thân mà thôi, Đấng Christ khác nào như vậy. (1 Cô-rinh-tô 12:12)

[đọc 1 Cô-rinh-tô 12:12-31]

Hội Thánh là hình mẫu của một xã hội hoàn hảo, một cộng đồng lý tưởng, một tập hợp của những người "đồng chí, đồng tình yêu thương, đồng tâm, đồng tư tưởng"; vậy mà, vấn đề hiệp một lúc nào cũng như mới toanh mỗi khi được nhắc lại. Phân rẽ là đòn chí mạng của ma quỉ luôn luôn sẵn dành để phá hoại mọi công trình xây dựng trong Hội Thánh. Những nguyên lý về hiệp một ai cũng thông biết, được nhắc đi nhắc lại không mệt mỏi, nhưng cho dù ở thời kỳ mới thành lập được ghi lại trong Thánh Kinh hay thời đại hiện tại, hiệp một vẫn là vấn đề nổi cộm khiến Hội Thánh hữu hình phải vất vả dù phạm vi của Hội Thánh địa phương lớn hay nhỏ. Tưởng như là phát triển, gắn bó, một lòng một dạ với nhau, nhưng sâu bên trong hay đằng sau bức màn yêu thương là những đối kháng, nghi kỵ, bè đảng, tranh đấu, buồn giận… Trước làm sao, nay vẫn chưa gột rửa cho sạch trước mặt Chúa.

Nhắc lại một chút về những điều ai cũng đã nghe biết quá nhiều lần trong đời sống theo Chúa qua thư Phao-lô gửi cho Hội Thánh Cô-rinh-tô.

"thân là một, mà có nhiều chi thể" (câu 12-14) . Mọi người được cứu và gia nhập vào thân thể Đấng Christ y như nhau, bình đẳng, chẳng ai hơn ai về bất cứ phương diện nào. Tuy khác biệt, chẳng ai giống ai về thể chất cũng như tâm hồn, nhưng đều thuộc về một thân thể. Thân thể đó không thể tách riêng ra từng chi thể, nhưng tất cả phải hiệp lại với nhau, chỉ sống còn khi gắn bó mật thiết với nhau. Ra khỏi Chúa là chết; tách rời ra là không thể kết quả và chỉ còn chờ bị quăng vào lữa. Ai cũng biết rõ ràng như thế, vậy mà, vẫn không tránh khỏi cách biệt nhau, với nhiều lý do vô cùng hợp lý: không cùng cách nghỉ, không hợp cách làm, trách nhiệm mỗi người mỗi khác. v.v… Lúc nào cũng tuyên bố là hầu việc Chúa cùng mỗi một mục đích, nhưng không thể ngồi lại để cùng nhau bắt tay vào việc. Nhiều trường hợp không có những tranh cải lớn, nhưng bởi vì để cho yên ấm nên từ từ xa cách nhau như chưa hề ở chung trong cùng một thân.

"vì ta chẳng phải là" (câu 15,16) . Sự tách biệt đó có khi có nguyên do từ cá nhân, cảm thấy mình không bằng anh em, một mặc cảm tự ti, sinh ra sự tách biệt tự thân ở nhiều cấp độ. Điều đáng nói là các chi thể khác không nhìn thấy sự tẻ tách đó và vô tình đẩy một cá nhân rời tập thể. Vấn đề không phải Hội Thánh không có tình yêu thương đủ để giữ anh em, nhưng có thể là vô tư, vì quá bận bịu với việc lớn mà bỏ qua những việc tưởng chừng không có gì đáng lưu tâm. Đó cũng là cái bệnh thời đại, ít đẻ ý, ít quan tâm đến người khác.

"Mắt không được nói với bàn tay rằng: Ta chẳng cần đến mầy". (câu 21) . Một bệnh khác ngược lại với tự ti là tự cao, tự đại, tự mãn. Nguyên tắc của Chúa là bình đẳng, không ai hơn kém ai. Nguy hiểm đến từ chính bản ngã xác thịt lúc nào cũng chực sẵn để làm trổi dậy cái tôi to đùng. Từ đó sinh ra cao ngạo, bè đảng, độc quyền và trưởng thượng. Không ai nhìn nhận mình ở trong trạng thái đó, nhưng trên thực tế, chính đó lại là những nguyên tố gây tranh cải, chia rẽ rồi bỏ mặc công việc Chúa cho nhau. Không có sự bất bình đẳng trong đối xử, sự tôn trọng dành cho mọi người trong thân thể Chúa đều phải như nhau. Có khi chính mình vô tình là người đem lại sự bất bình đẳng gây nên thảm kích phân rẻ trong Hội Thánh của chính mình.

"Đức Chúa Trời đã sắp đặt các chi thể của thân chúng ta, ban cho mỗi một chi thể cái địa vị theo ý Ngài lấy làm tốt mà chỉ định" và câu 28; "Đức Chúa Trời đã lập trong Hội thánh" . Có ai không biết là mình làm việc dưới sự chỉ huy của Đức Chúa Trời tối cao? Mỗi người phải làm trọn công việc trong vị trí mình được đặt để. Thế nhưng vẫn có sự tranh chấp, hám danh, thủ lợi, có những bất đồng quan điểm.

Nhắc lại một lần nữa, tất cả những điều kể trên không có gì là mới, ai cũng biết, thời gian cứ trôi đi, nhưng tất cả những yếu tố phương hại đến sự hiệp một của Hội Thánh vẫn cứ tồn tại và làm khổ sở những tấm lòng có trách nhiêm với Chúa.

Có câu trả lời ở cuối phân đoạn này: "Hãy ước ao cho được sự ban cho lớn hơn hết. Bây giờ, tôi sẽ chỉ dẫn cho anh em con đường tốt lành hơn" (câu 31). Đó là khởi điểm cho một vấn đề được nói đến ở đoạn Kinh Thánh quan trọng kể tiếp: 1 Cô-rinh-tô 13:, nói về "Tình Yêu Thương".

Đức Chúa Giê-xu phán: "Nếu các ngươi yêu nhau, thì ấy là tại điều đó mà thiên hạ sẽ nhận biết các ngươi là môn đồ ta".(Giăng 13:35). Vấn đề cũng quá cũ, nhưng lúc nào cũng cần phải thận trọng xem xét lại. Tất cả sẽ được giải quyết bằng Tình Yêu Thương, nhưng Tình Yêu Thương đó như thế nào? Có đúng là Tình Yêu Thương học được từ nơi Chúa? Nếu kết quả vẫn không tốt lành, thì việc phải làm là xem lại mối tương giao giữa tôi và Chúa, có sai trật gì đó trước khi nói đến tương giao với anh em trong một thân thể của Chúa.