Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 1073

Thiên Sứ (Phần 1)

Các thiên sứ thánh của Đức Chúa Trời là những sứ giả vô hình thực thi lời cầu nguyện của bạn. Kinh Thánh dạy rằng số các thiên sứ của Đức Chúa Trời vượt xa số lượng loài người (Hê 12:22). Là thọ tạo của Đức Chúa Trời, trách nhiệm chính của họ là thờ phượng và hầu việc Đấng Christ (Hê 1:6-7). Kế đến, họ được Đức Chúa Trời giao nhiệm vụ giúp việc "những người sẽ hưởng cơ nghiệp cứu rỗi” (Hê 1:14). Thiên sứ quan tâm sâu sắc mọi điều liên quan đến chúng ta vì chúng ta quan trọng đối với Đấng Christ. Chúng ta là Hội thánh Ngài – nàng dâu của Ngài.

Cách Thiên Sứ Giúp Đáp Lời Cầu Nguyện.

Kinh thánh ghi lại cách Đức Chúa Trời đã dùng các thiên sứ Ngài để giúp đáp lời cầu nguyện của nhiều vĩ nhân. Khi Ápraham cầu thay cho cháu mình là Lót sống ở thành ngoại bang Sôđôm, Đức Chúa Trời đã sai các thiên sứ giải cứu Lót trước khi hủy diệt thành ấy (Sáng 19). Chắc chắn, Giacốp đã cầu nguyện thiết tha khi ông chạy trốn ông gia mình là Laban, vì Chúa bảo ông trở về giữa vòng bà con mình (Sáng 31:3, 11-12) và sai các thiên sứ bảo vệ ông (Sáng 32:1-2). Khi chạy trốn khỏi Giêbabên, Êli cầu nguyện trong tuyệt vọng, thì Đức Chúa Trời sai thiên sứ Ngài hai lần đến chu cấp lương thực cho ông (I Vua 19:5,7). Khi các thế lực thù nghịch vây hãm Êlisê, Đức Chúa Trời đã sai vô số thiên sứ bảo vệ ông (II Vua 6:17).

Khi Êxêchia và Êsai cầu nguyện than khóc với Chúa, Ngài đã sai một thiên sứ đến giải cứu thành Giêrusalem khỏi quân thù mình (II Sử 32:20-21). Sau khi Đaniên - chiến sĩ cầu nguyện, bị ném vào hang sư tử, ông đã làm chứng rằng : "Đức Chúa Trời tôi đã sai thiên sứ Ngài và bịt miệng các sư tử (Đa 6:22). Khi ông tìm hiểu khải tượng, Ngài sai thiên sứ Gapriên đến giải nghĩa cho ông (8:15-16). Ông tiếp tục cầu nguyện, kiêng ăn và Chúa lại sai thiên sứ Gapriên đến với ông (9:3, 20-23). Một lần kia, Đaniên trải qua 3 tuần cầu nguyện và kiêng ăn một phần thì thiên sứ Gapriên hiện ra và báo tin Thiên sứ trưởng Micaên đã giúp mình đem đến câu trả lời của Chúa, dù đã bị ma quỷ quyết liệt chống đối (10:2,13). Khi tiên tri Xachari thấy khải tượng và cầu nguyện thì Chúa sai thiên sứ đáp lời ông xin (Xa 1:8-9).

Thời Tân Ước Đức Chúa Trời đã sai thiên sứ hiện đến với Xachari, cha của Giăng Báptít, báo tin lời cầu xin một con trai của ông đã được nhậm (Lu 1:11-13). Thiên sứ đã báo tin Chúa phục sinh cho các bà đến viếng mộ Ngài (Mat 25:8). Hai thiên sứ đã nói với các môn đồ khi Chúa Giê-su thăng thiên (Công 1:10-11). Khi các sứ đồ bị Thầy tế lễ cả bắt, Đức Chúa Trời đã sai một thiên sứ đến mở cửa ngục và bảo họ đi ra rao giảng Tin lành (Công 5:19-20). Trong cuộc phục hưng tại Samari, một thiên sứ đã bảo Philíp đi về phía nam trên đường Gaxa, để gặp và làm chứng cho hoạn quan Êthiôpi (Công 8:26). Chắc chắn, thiên sứ cũng đã đem ông đi cách siêu nhiên từ chỗ đó đến các vùng truyền giáo khác (c. 39-40).

Khi Hội thánh cầu nguyện cho Phierơ lúc ông bị giam trong ngục, Đức Chúa Trời sai một thiên sứ đến mở cửa ngục và dẫn ông ra ngoài (Công 12:5-10). Khi Hội thánh tiếp tục cầu nguyện, Đức Chúa Trời sai một thiên sứ đến hủy phá kẻ bắt bớ họ là vua Hêrốt (Công 12:17-24). Suốt cơn bão bi thảm và dai dẳng ở Địa Trung Hải khi Phaolô và những người cùng tàu sắp mất mạng, thì Chúa sai thiên sứ đến xác quyết Ngài đáp lời cầu nguyện của ông - mọi người trên tàu đều được cứu thoát (Công 27:23-24). Không nghi ngờ gì, sự trợ giúp của thiên sứ đã góp phần tích cực trong việc đem tất cả bọn họ sống sót vào bờ. Khi sứ đồ Giăng cầu nguyện lúc bị đày trên đảo Bátmô, Đức Chúa Trời đã sai thiên sứ Ngài đến ban cho ông sự hiện thấy được chép trong Sách Khải Huyền (Khải 1:1).

Quả thật qua suốt các thời kỳ trong Kinh thánh, các thiên sứ của Đức Chúa Trời đã năng động hơn nhiều so với sự hiểu biết của chúng ta. Chúa Giê-su cũng nhận được sự vừa giúp của thiên sứ. Chúng ta biết rằng có ít nhất hai lần khi Ngài cầu nguyện, các thiên sứ đã đến thêm sức và giúp đỡ Ngài (Mat 4:11; Lu 22:43). Kinh thánh muốn nói rằng các thiên sứ ngày nay cũng năng động như thế.

Chúng Ta Quan Trọng Đối Với Các Thiên Sứ.

Bạn nên vui mừng trong lẽ thật vinh diệu này là mình không bao giờ cô đơn. Ngay cả trẻ em cũng dường như có một thiên sứ đi kèm (Mat 18:10). Các thiên sứ của Đức Chúa Trời đang hằng dõi xem bạn (I Cô 11:10; I Tim 5:21). Phaolô nói : "Đức Chúa Trời dường như đã phơi chúng tôi... làm trò cho thế gian, thiên sứ, loài người cùng xem vậy” (I Cô 4:9). Không có một khoảnh khắc nào trong cuộc đời bạn mà mắt các thiên sứ không trông xem bạn. Không nghi ngờ gì, họ là những người giữ các sách của Đức Chúa Trời có ghi tất cả ý nghĩ, lời nói và việc làm của bạn (Khải 20:12; Đa 7:10), để Ngài có thể ban thưởng cho lời cầu nguyện và sự phục vụ do yêu kính Chúa của bạn (I Cô 3:11-15).

Đức Chúa Trời ban phước hạnh đa diện cho chúng ta, điều phối đời sống và sự phục vụ Ngài của chúng ta theo ý chỉ Ngài, để bày tỏ cho các thiên sứ chương trình, ý định và đường lối trọn lành của Ngài. Vì vậy, đời sống chúng ta trở nên các công cụ được gọt dũa qua đó các thiên sứ có thể nhận biết Đức Chúa Trời tốt hơn. "Ấy vậy, hiện nay sự khôn sáng mọi đường của Đức Chúa Trời cậy Hội thánh mà bày tỏ ra cho các kẻ làm đầu và những kẻ cầm quyền trong các nơi trên trời” (Êph 3:10).

Thiên Sứ Thường vô Hình.

Trong sự khôn sáng vô hạn của Đức Chúa Trời, Ngài muốn giấu khỏi mắt loài người sự nhìn thấy thiên sứ. Tuy nhiên, chúng ta thường nhận ra rằng Đức Chúa Trời bảo vệ chúng ta cách kỳ diệu. Ngài làm điều này như thế nào ? Có thể Ngài đã dùng một hoặc nhiều thiên sứ của Ngài. Tôi nhớ rõ một dịp khi đang nghỉ phép sau đợt công tác truyền giáo của mình. Trên đường đến bang Ohio để hầu việc chúa, một chiếc xe đang chạy đã bị lạc tay lái ở một khúc quanh và trượt sang lề về phía xe của tôi. Ngay trước lúc chiếc xe đó đâm vào xe tôi, thì bổng dưng nó lại phóng thẳng ra và xượt qua xe tôi trong gang tấc. Khi đang vượt qua xe tôi, chiếc xe đó lại bị trượt lái. Lập tức tôi biết rằng thiên sứ của Đức Chúa Trời chắc chắn đã giơ thuẫn ra chắn xung quanh xe của tôi.

Một lần khác, một chiếc xe đang đến gần đã đột ngột đổi hướng sang giữa về phía tôi. Tôi có thể nhìn thấy được cái đầu của người lái xe gục sang một bên như thể anh ta đang ngủ hoặc say ma túy. Đột nhiên, như thể có một bàn tay vô hình đặt vào tay lái, khiến chiếc xe trở lại đúng làn xe quy định và đi qua an toàn. Thật rùng rợn khi tôi trông thấy mắt của người lái xe đó đang nhắm. Tôi cảm tạ Chúa, biết rằng một lần nữa Ngài đã dùng thiên sứ Ngài che chở bảo vệ tôi.

Đôi Khi Có Thể Nhìn Thấy Thiên Sứ.

Khi Sadhu Sundar Singh, nhà truyền giáo người Ấn, gốc nhân sự, đi công bố phúc âm giữa tuyết giá của cao nguyên lộng gió ở Tây Tạng, ông đã nhiều lần từng trải sự bảo vệ và yểm trợ kỳ diệu của Đức Chúa Trời. Chuyến viếng thăm đến làng Rasar là một trong số kinh nghiệm lạ lùng đó. Vị Lạt ma lãnh đạo Phật giáo ở đó đã ra lệnh bắt Singh và tuyên án tử hình vì tội rao giảng Đấng Christ. Ông bị ném xuống một cái giếng sâu và khô – đây là một trong hai hình thức hành quyết.

Sundar Singh chìm ngập trong hố sâu đầy xương thịt thối rữa của những người đã chết ở đó trước ông. Mùi thối dường như không thể chịu nổi và sau ba ngày đêm, đôi lúc ông mới phần nào tỉnh táo. Bất kỳ chỗ nào ông chạm đến đều là thịt đang thối rữa. Vào đêm thứ ba khi đang cầu nguyện, ông nghe thấy tiếng chìa khóa lách cách ở nắp giếng bên trên. Ông kinh ngạc thấy nắp giếng mở ra. Và một tiếng nói bảo ông hãy nắm lấy sợi dây đang dòng xuống. Sau đó ông được nhẹ nhàng kéo lên khỏi giếng. Nắp giếng được đậy và khóa lại, rồi lập tức người giải cứu Singh biến mất.

Sundar Singh đã ngợi khen Đức Chúa Trời và ngày hôm sau ông lại tiếp tục truyền giảng trong làng. Vị Lạt ma lại ra lệnh bắt ông và giận dữ truy xem ai đã lấy cắp chiếc chìa khóa duy nhất và giải thoát cho ông. Khi tìm kiếm, người ta thấy chiếc chìa khóa đang cài ờ thắt lưng của chính vị Lạt ma này. Vì kinh sợ Chúa của nhà truyền giảng phúc âm này, ông đã yêu cầu Sundar Singh rời khỏi làng trước khi họ bị giết bởi quyền phép lớn lao này.

WESLEY L. DUEWEL (Theo Lay Động Thế Giới Qua Sự Cầu Nguyện)