Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 302

Tiếng Nói Lương Tâm

Từ bài giảng luận "Chính Trị hay Chính Trực (phần 1) "

CN Aprl 30, 2017 - Hội Thánh North Hollywood

Nguyện Đức Giê-hô-va chớ để ta phạm tội cùng chúa ta, là kẻ chịu xức dầu của Đức Giê-hô-va, mà tra tay trên mình người, vì người là kẻ chịu xức dầu của Đức Giê-hô-va. (1Sa-mu-ên 24:6)

(đọc 1 Sa-mu-ên 24)

Đoạn Kinh Thánh này ghi lại một sự kiện hết sức thú vị trên đường chạy trốn của Đa-vít, người đẹp lòng Đức Chúa Trời. Con người đặc biệt này đã có một hành động hi hữu, đúng ra phải nói là một quyết định khác thường, nhưng như thế mới thực sự nói lên được tính cách của một người sống đẹp lòng Chúa. Gần như toàn bộ bài giảng luận nhắc đến hai chữ lương tâm và trích dẫn những câu Kinh Thánh có hai chữ này để phân tích hành vi của Đa-vít: cắt vạt áo tơi của vua Sau-lơ khi người đi tiện trong hang đá Ên-ghê-đi chứ không lấy mạng sống của người chịu xức dầu hầu chấm dứt khổ nạn cho chính mình. Và, tiêu đề của phần đầu này là: "Lắng Nghe Lương Tâm".

Theo như lời thư Phao-lô viết cho anh em ở thành Rô-ma: "Vả, dân ngoại vốn không có luật pháp, khi họ tự nhiên làm những việc luật pháp dạy biểu, thì những người ấy dầu không có luật pháp, cũng tự nên luật pháp cho mình. Họ tỏ ra rằng việc mà luật pháp dạy biểu đã ghi trong lòng họ: chính lương tâm mình làm chứng cho luật pháp, còn ý tưởng mình khi thì cáo giác mình, khi thì binh vực mình" (Rô-ma 2:14,15). Đức Chúa Trời đã tạo dựng nên con người, và Ngài có đặt trong lòng mỗi người một bản năng phân biệt điều thiện và điều ác, không cần phải ăn đến trái cây xinh đẹp và quí báu kia. Ai cũng biết, điều đó chính là lương tâm. Với tôi, điều Đa-vít có trong lòng lúc bấy giờ còn cao hơn cái gọi là lương tâm, chính Đấng tạo ra lương tâm đang hướng dẫn tâm tư của người Ngài yêu, Ngài chọn để chính con người chính trực đó biết mình phải làm điều gì đẹp lòng Chúa.

Không dễ dàng gì tự mình quyết định một hành động, chứ không phải được chính Chúa soi sáng. Bởi quanh Đa-vít lúc đó là dư luận, dư luận nhìn thấy một thuận lợi nằm gọn trong tay Đa-vít và ủng hộ người lợi dụng vận may vô tiền khoáng hậu này. Đã vậy, có người còn cho rằng đó thật sự là ý muốn của Giê-hô-va Đức Chúa Trời, dứt khoát không thể lầm lẫn được, Ngài tạo cơ hội bằng vàng dành cho người Ngài đẹp lòng để kết liễu sự ngông cuồng của kẻ đang ganh ghét và muốn tiêu diệt Đa-vít. Tất cả mọi góp ý nghe khá bùi tai, nếu tôi ở trong hoàn cảnh đó, chắc chắn tôi sẽ chọn giải pháp kết thúc sớm để thoát khỏi những đắng cay, khổ hạnh, nguy cả đến tính mạng mình. Ai lại từ chối việc góp phần trong việc tiếp tay với Chúa để hoàn tất chương trình Ngài đã định sẵn. Tuy nhiên, Đa-vít đã làm thất vọng mọi kẻ đi theo người, ông không dám lợi dụng cơ hội bằng vàng đó, với ông, mọi việc phải do chính Chúa quyết định, mạng sống của Sau-lơ cũng như chính sinh mạng của ông. Điều đó chỉ có thể có trong con người thật sự giao đời sống mình trọn vẹn trong tay Chúa. Bởi "tôi sống, không phải là tôi sống nữa, nhưng Chúa sống trong tôi" (xin phép đoạn chương thủ nghĩa với Galati 2:20).

Đa-vít còn có tinh thần cao hơn thế nữa, ông cảm thấy mình đã sai lầm khi cắt vạt áo tơi của vua Sau-lơ: "Nhưng Đa-vít đứng dậy, cắt trộm vạt áo tơi của Sau-lơ. Đoạn lòng người tự trách về điều mình đã cắt vạt áo tơi của vua" (câu 4,5). Tôi chưa biết điều này có được nhắc đến trong phần còn lại của bài giảng luận hay không, nhưng tôi đã sớm nghĩ đến, Giê-hô-va Đức Chúa Trời có thể dùng sự yếu đuối của Đa-vít làm nên cơ hội thay đổi lòng dạ hẹp hòi cứng cõi của Sau-lơ ở cuối câu chuyện hết sức ly kỳ này. Cho dù đó không thể là lý do để tôi bàu chữa cho những hành động vụng dại của tôi, nhưng tôi có lòng tin vào sự nhân từ và thương xót của Chúa, Ngài có thể biến những cái chẳng ra gì của tôi thành ra điều dùng được để làm vinh hiển danh Chúa. Và điều đó cũng nói với tôi rằng Chúa luôn sẵn sàng chăm sóc tôi trong mọi hoàn cảnh khi tôi đặt lòng mình hoàn toàn tin cậy nơi Ngài. Do vậy, tôi phải cẩn thận sống trong Chúa, sống gần với Chúa và hết sức lắng nghe lời chỉ dạy của Ngài để không bao giờ hành động lầm lỡ hay sai lạc.