Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 324

Xung Đột

Từ bài giảng luận "Nội Chiến"

CN Oct 01, 2017 - Hội Thánh North Hollywood

Kìa, anh em ăn ở hòa thuận nhau, thật tốt đẹp thay! (Thi thiên 133:1)

[đọc 2 Sa-mu-ên đoạn 2,3,4]

Tâm phục, khẩu phục. Nhìn thấy 3 đoạn của sách sử ký này đã phải phát hoảng, vậy mà sư phụ đã tóm gọn lại chỉ trong ba điều đơn giản ai cũng biết, có liên hệ mật thiết với nhau, để nói đến vấn đề mang tầm cỡ quốc tế, rồi thu nhỏ lại thành bài học đơn giản cho những sinh hoạt bình thường của từng con người trong môi trường sống hiện tại. Nội chiến là chuyện lớn, xung đột là chuyện thường gặp, đó cũng có thể gọi là không hiệp một, thiếu thông cảm, trái ý nhau, hay không ưa, không thương mến nhau.

THIẾU THỐNG NHẤT (đoạn 2). Phân đoạn này ghi chép lại những diễn biến xảy ra sau cái chết của vua Sau-lơ. Đa-vít được chi phái Giu-đa, người nhà mình, tôn lên làm vua nhà Giu-đa (câu 4). Còn những người dưới trướng Sau-lơ lại tôn con trai của người là Ích-bô-sết làm vua cai trị Y-sơ-ra-ên (câu 9). Tuyển dân của Chúa coi như bị chia đôi, do lòng đố kỵ của những người trong cuộc. Từ đó sinh ra tranh chiến giữa hai tướng lãnh cao cấp đang nắm binh quyền của cả hai phía. Đó cũng là nguyên nhân đưa đến sự không hiệp một của gia đình, Hội Thánh hay những định chế lớn hơn ngay ngày hôm nay. Đó là điều ma quỉ, thế lực đối nghịch lại với Đức Chúa Trời, vẫn thường dùng để phân rẽ cộng đồng thánh của Chúa, và chúng ta vẫn cứ luôn rơi vào bẫy quá cổ điển này. Thời nào cũng vẫn cứ rơi vào vết xe đổ này, nên Phao-lô cũng đã có lời nhắc nhỡ với Hội Thánh rằng: "Vậy nếu trong Đấng Christ có điều yên ủi nào, nếu vì lòng yêu thương có điều cứu giúp nào, nếu có sự thông công nơi Thánh Linh, nếu có lòng yêu mến và lòng thương xót, thì anh em hãy hiệp ý với nhau, đồng tình yêu thương, đồng tâm, đồng tư tưởng mà làm cho tôi vui mừng trọn vẹn" (Phi-líp 2:1,2).

THIẾU THA THỨ (đoạn 3). Áp-ne vì bất bình với nhà Sau-lơ nên ngã sang nhà Đa-vít. Vua Đa-vít sẵn lòng tha thứ cho Áp-ne, nhưng Giô-áp thì không. Kết quả là Giô-áp đã giết chết Áp-ne. Dẫu vậy, Đa-vít vẫn bày tỏ lòng thương tiếc đối với người anh em đã từng là thù nghịch của mình. Không thể tha thứ thời không thể hiệp một, không thể xóa đi ranh giới của lòng thù hận đáng kinh khiếp. Bởi thế cho nên, Lời Chúa đã dạy tôi như vầy: "Hãy ở với nhau cách nhân từ, đầy dẫy lòng thương xót, tha thứ nhau như Đức Chúa Trời đã tha thứ anh em trong Đấng Christ vậy" (Ê-phê-sô 4:32) và "Ai ghét anh em mình, là kẻ giết người; anh em biết rằng chẳng một kẻ nào giết người có sự sống đời đời ở trong mình". (1Jo 3:15). Chính Đức Chúa Giê-xu cũng đã từng dạy rằng: "Các ngươi có nghe lời phán rằng: Hãy yêu người lân cận, và hãy ghét kẻ thù nghịch mình. Song ta nói cùng các ngươi rằng: Hãy yêu kẻ thù nghịch, và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các ngươi" (Math. 5: 43,44). Đó là điều tôi phải thực hành khi mỗi ngày tôi vẫn thường cầu nguyện với Chúa rằng: "Xin tha tội lỗi cho chúng tôi, như chúng tôi cũng (đã) tha kẻ phạm tội nghịch cùng chúng tôi" (Math. 6:12). Hòa bình chỉ có trong thế giới của những người thuộc hoàn toàn về Chúa, những người đã được đổi mới để sống nhân từ với nhau, yêu thương và tha thứ cho nhau trong tình yêu thương Thiên Chúa.

THIẾU TIN KÍNH (đoạn 4). Hai thủ hạ thân tín bên nhà Sau-lơ đã nhân cơ hội giết vua Ích-bô-sết và đem đầu người đến cho Đa-vít để lãnh thưởng. Với Đa-vít, đó không phải là hành động của những người kính sợ Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên; nên cũng như lần trước, người ra lệnh hành hình những kẻ ác này. Cứ tưởng mình "thế thiên hành đạo" nhưng thực chất lại làm điều gian ác trước mặt Chúa. Những hành vi đó vẫn có thể xảy ra trong đời sống tôi hôm nay nếu tôi có lòng tin kính Chúa chưa đúng mực. Hãy xem một lời nhắc nhỡ trong thư tín: "Hãy kính sợ Đấng Christ mà vâng phục nhau" (Êph. 5:21).

Tóm lại, không có gì khó nhớ, khó hiểu cả; không có lòng tôn kính Chúa sẽ khó có thể tha thứ cho nhau, và đã không thể tha thứ thì làm sao mà hiệp một cho được. Mọi người đều hết lòng, hết sức, hết linh hồn mình để kính sợ Chúa thì thiên đàng ở ngay trên đất này. Bằng không, vẫn còn có một hi vọng ở thời kỳ được Thánh Kinh gọi là "ngàn năm bình an" dưới sự cai trị của Cứu Chúa Giê-xu Christ. Đừng chờ đợi đến cái ngày mà mình không thể kiểm soát đó, ngay bây giờ hãy nhờ Chúa ăn ở hòa thuận nhau. Thật tốt đẹp thay!