Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 325

Khát Khao Chúa

Từ bài giảng luận "Tôi Với Chúa"

CN Oct 08, 2017 - Hội Thánh North Hollywood

Hỡi Đức Chúa Trời, Chúa là Đức Chúa Trời tôi, vừa sáng tôi tìm cầu Chúa (Thi-thiên 63:1)

[đọc Thi- thiên 63]

Thi thiên 63 được vua Đa-vít sáng tác trong lúc đang gặp khó khăn, trôn chạy trong đồng vắng thuộc lãnh địa Giu-đa. Người lấy sự thiếu thốn nước uống về phần thể xác để nói về sự khao khát của phần tâm linh, nhu cầu đó chỉ được đáp ứng và thỏa thuê trong Giê-hô-va Đức Chúa Trời của chính mình. Cho dù không diễn giải toàn thể bài ca cổ này, nhưng chỉ với ba câu được trích ra cũng đã là những điểm nhần đủ để nhắc nhỡ chúng tôi nhìn lại tương giao giữa mỗi cá nhân với Chúa. Hãy xem thái độ, tấm lòng nói lên tình cảm của Đa-vít với Đức Chúa Trời của người.

Hỡi Đức Chúa Trời, Chúa là Đức Chúa Trời tôi, vừa sáng tôi tìm cầu Chúa; Trong một đất khô khan, cực nhọc, chẳng nước, Linh hồn tôi khát khao Chúa, thân thể tôi mong mỏi về Chúa (câu 1). Điều quan trong trong câu này là ở mệnh đề: vừa sáng tôi tìm cầu Chúa. phần tiếp theo chỉ là mượn hoàn cảnh thực tế để diễn tả nỗi lòng của mình với Đấng mà mình hết dạ tôn thờ. Không phải vì khó khăn, thiếu thốn, gặp nghịch cảnh mới thấy cần đến Chúa. Cả hồn lẫn xác lúc nào cũng khao khát mong mỏi nơi Chúa. Tất cả những tâm tình kín giấu đó được gói gọn trong hai chứ "tìm cầu", một động từ ghép để nói lên lòng tìm kiếm và kêu cầu cùng Đức Chúa Trời. Bài thơ thật hay, có ý nghĩa đến từng chữ.

"Vừa sáng’, không đợi đến sáng tỏ, trong lòng đã nghĩ đến việc được gặp Chúa để được thỏa dạ. Hãy xem nguyên do được mô tả ở câu 6: "Khi trên giường tôi nhớ đến Chúa, Bèn suy gẫm về Chúa trọn các canh đêm". Không phải đến lúc thức giấc mới nghĩ đến Chúa, suốt cả đếm luôn để tâm đến, để nhớ đến Đấng lòng mình thờ kính. Cho dù không thể trực tiếp gặp Chúa, nhưng trong lòng lúc nào cũng có một mối tương giao vô cùng khắng khít với Đấng sẵn sàng ban cho mình mọi nhu cầu sống, chẳng phải chỉ là vật chất nhưng vô cùng dư dật cho cả phần tâm linh.

Linh hồn tôi đeo theo Chúa; Tay hữu Chúa nâng đỡ tôi (câu 8). Chữ "đeo theo" được diễn giả giải thích là: bám chặt, là bấu víu, là không chịu xa lìa đối tượng mình nương cậy. Đó là lòng kiên quyết, là lòng tin cậy hết mực, là nhìn biết rõ ràng chỉ có Chúa mới có thể đáp ứng đầy đủ mọi nhu cầu cho đời sống mình. Thật là một đời sống hoàn toàn đặt hết lòng, hết ý, hết sức, đặt tất cả mọi kỳ vọng vào chỉ một mình Chúa toàn năng.

Tôi phải học theo lòng tôn kính Chúa của tiền nhân, phải biết rõ mình cần đến Chúa và chỉ một mình Chúa thôi. Cần đến mức trông đợi, kháo khát để có một tinh thần tìm cầu Chúa mọi lúc mọi nơi. Không phải chỉ là lý thuyết suông, nhưng với một cuộc đời luôn gắn mình với Chúa để thấy được bình an dưới bóng cánh Chúa, để được thấy tay hữu quyền năng của Chúa thi thố mọi ơn lành từ trên cao ngay trong cuộc sống tầm thường của chính mình.

Bài thơ được thành hình trong nghịch cảnh của vua Đa-vít, không có nghĩa là đến những lúc cấp bách như vậy Chúa mới ra tay nâng đỡ tôi. Chúa đang nhìn vào tấm lòng thành kính của tôi ngay trong giờ này, Chúa muốn thấy tấm chân tình tôi dành cho Ngài để rồi Ngài ra tay làm ơn dồi dào cho đời sống tôi, để tôi được hạnh phúc trong Ngài và đem phước hạnh đó chia sẻ với những người lân cận mình.

Tôi nhớ đến một câu nói để đời của Phao-lô: "Ân điển ta đủ cho ngươi rồi, vì sức mạnh của ta nên trọn vẹn trong sự yếu đuối. Vậy, tôi sẽ rất vui lòng khoe mình về sự yếu đuối tôi, hầu cho sức mạnh của Đấng Christ ở trong tôi".(2Co 12:9).Ơn của Chúa không hể thiếu cho tôi, và điều tôi khoe ra chính là sự yếu đuối của mình để mọi người sẽ thấy nơi tôi sức mạnh vô song của Chúa. có thể nói, biết mình yếu sẽ là khởi điểm để khơi dậy sức mạnh từ nơi Chúa đặt để trong mỗi người thuộc về Chúa Toàn Năng.