Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 5

Nguyễn Du

Trong tháng 7 năm 1994, người Việt Nam có một tin vui. Đó là tin "Tìm Thấy Một Bản Truyện Kiều Được Viết Tay Từ Năm 1894, tại Luân Đôn."

Hầu như tất cả chúng ta đều phải nhận rằng Truyện Kiều là một án văn tuyệt tác trong văn chương Việt Nam. Người viết Truyện Kiều là Đại Văn hào Nguyễn Du tự là Tố Như. Nguyễn Du đã theo "Truyện Thúy Kiều" của Thanh Tâm Tài Nhân, bên Trung quốc để viết Đoạn Trường Tân Thanh tức là "Truyện Kiều" ngày nay. Dù vậy, "các nhà phê bình văn học đều cho rằng, Đoạn Trường Tân Thanh của Nguyễn Du là một tác phẩm có tính cách sáng tạo." (1).
Khi đọc Truyện Kiều, ai cũng phải khen ngợi Nguyễn Du đã viết những dòng thơ tả tình, tả cảnh thật đặt sắc. Nhưng, nếu chúng ta đọc Truyện Kiều chỉ để thưởng thức cái hay tả cảnh, tả tình thì chưa đủ. Tại sao? Tại vì Nguyễn Du vốn đã từng làm quan với nhà Lê, nhưng nay phải ra làm quan cho nhà Nguyễn. Điều này Ông cho là lỗi đạo với nhà Lê. Nên Ông đã viết Truyện Kiều để gởi gấm tâm sự của mình. Ông mượn lời nàng Thúy Kiều để than thở với Nhà Lê: "Kim Lang ơi! Hỡi Kim Lang! Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây!"

Điều đặc biệt hơn nữa, là khi viết Truyện Kiều, Nguyễn Du đã đưa ra những vấn đề trọng đại về quan điểm niềm tin trong Nho giáo, trong Phật giáo và niềm tin riêng của Ông.

Nho giáo tin vào Trời, tức là Thượng Đế. Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đề cập rất nhiều về niềm tin Nho giáo. Viết Truyện Kiều tới 3240 câu, thế mà mới viết đến câu số 7, Nguyễn Du đã đề cập đến "Trời", Ông viết: "Lạ gì bỉ sắc thư phong, Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen."

Trong niềm đớn đau, nhìn con phải bán mình chuộc cha, Vương Ông than thở: "Trời làm chi cực bấy Trời!"

Thúy Kiều có khi đã phó thác số phận của mình cho Trời: "Cũng liều nhắm mắt đưa chân, Thử xem Con Tạo xoay dần tới đâu?"

Niềm tin vào Trời của Nho giáo đã được Nguyễn Du viết rõ ràng như sau:
    "Ngẫm hay muôn sự tại Trời, Trời kia đã bắt làm người có thân,
Bắt phong trần phải phong trần, Cho thanh cao mới được phần thanh cao."

Nho gia tin rằng Trời đã định cho ai số mạng thế nào, thì người đó phải chịu vậy mà thôi. Chính Khổng Tử dạy: "Tử sinh hữu mệnh, phú qúy do Thiên" (Chết sống có mạng, giàu sang tại Trời).

Nếu chúng ta để ý sẽ thấy Nguyễn Du không những đề cập đến Nho giáo mà Ông cũng đề cập đến Phật giáo nữa: "Rỉ rằng: Nhân qủa dở dang." Nhân qủa là một giáo lý rất quan trọng của Phật giáo. Nguyễn Du giảng giải thêm rằng:
            "Kiếp xưa đã vụng đường tu, Kiếp này chẳng kẻo đền bù mới xuôi."

Dần về cuối truyện, niềm tin của Phật giáo được Nguyễn Du diễn đạt rõ ràng hơn nữa:    "Đã mang lấy nghiệp vào thân, Cũng đừng trách lẫn Trời gần,
        Trời xa, Thiện căn ở tại lòng ta, Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài."

Nghiệp là gì? Phật giáo tin rằng "nghiệp do mình, tự nơi mình gây ra, không có Ông Trời ở trong cái NGHIỆP. Mình gây ra 'cái nghiệp' thì mình chịu kết quả và ảnh hưởng của nghiệp ấy... Nhà Phật chủ trương nghiệp báo; không công nhận mệnh Trời"(2).

    Nho giáo dạy Đệ Tử tin vào Trời. Phật giáo dạy Phật Tử tin vào chính mình. Đức Phật dạy rằng:  "Tội lỗi do tâm của người tạo ra, không ai có quyền thưởng phạt được." (3). Vì "Nghiệp lực do tâm tạo, nghiệp lực cũng do tâm hủy diệt. Tự chính mình tạo lấy, rồi tự chính mình hủy diệt. Không có một vị Thần Linh nào có quyền hủy hoại hoặc ban phước cho ai cả."(4). Cho nên: "Hạnh phúc hay đau khổ do mình chủ động trọn vẹn, chớ không do ai khác, ngay Phật, Trời cũng không dự phần trong đó."(5). Vị Hòa Thượng dạy thêm rằng: "Đừng bao giờ xem Đức Phật đủ cả quyền năng ban phúc, giáng họa. Cũng không nên ỷ lại, gởi gắm cả cuộc đời mình vào quyền năng của Ngài. Nếu có tư cách đó là phản bội Đức Phật và cũng không phải là người Phật Tử."(6).

Như vậy, trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã đề cập đến "Thiên mệnh" của Đạo Nho, Cái Nghiệp" của Đạo Phật.

Ngoài ra, Nguyễn Du còn nói đến một niềm tin của riêng Ông. Ông viết:  "Có Trời mà cũng tại ta."

Điều này, Nguyễn Du đã đi đến niềm tin giống như niềm tin trong Đạo của Chúa Cứu Thế Jêsus. Chúa Cứu Thế Jêsus đã dạy: "Vì Thượng Đế yêu thương nhân loại, đến nỗi đã ban cho họ Con Một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư vong, nhưng được sự sống vĩnh phúc." (Phúc âm Giăng 3:16). Sống vĩnh cửu là sẽ được sống ở Thiên Đàng với Chúa Cứu Thế Jêsus mãi mãi. Thật phước biết bao! Trong câu này có hai điểm chính: (1) Thượng Đế tức là Trời; (2) hễ ai, trong đó có "ta."

A.- Khi Nguyễn Du nói "Có Trời." Ông đã nói đúng vào điều quan trọng trong Đạo Chúa. Đạo Chúa nói: "Trời" và nói rõ, vì "Trời" đã yêu thương nhân loại. Nhìn vào nhân loại, ai cũng thấy đầy dẫy tội lỗi như: "Gian ác, hiểm độc, nói xấu, phao vu, ghét Thượng Đế, xấc láo, kiêu căng, khoác lác, ưa tìm cách làm ác mới mẻ, nghịch cha mẹ, không phân biệt thiện ác, bội ước, không tình nghĩa không thương xót." (Thánh thư, La mã 1:29-31. BDY). Dù nhân loại tội lỗi như vậy, Thượng Đế cũng thương yêu đã bằng lòng ban bố cho nhân loại Con Một của Ngài, là Chúa Cứu Thế Jêsus, là Đấng đã đến trần gian và đã chịu khổ hình trên cây thập tự như một tội nhơn, dù Ngài vô tội, để chịu hình phạt thay cho những người biết mình có tội bằng lòng tin nhận Ngài làm Cứu Chúa của mình.

B.- Khi Nguyễn Du nói "cũng tại ta." Ông đã nói đúng vào điều quan trọng nữa ở trong Đạo của Chúa. Đạo của Chúa nói: ‘ta,’ ở trong chữ ‘hễ ai;’ nghĩa là "hễ ai tin Con ấy," tức là tin Đức Chúa Jesus là Con Đức Chúa Trời." Ta phải tin. Tại sao? Vì dù Chúa Cứu Thế Jêsus đã hoàn tất chương trình cứu rỗi nhân loại mà Thượng Đế đã hoạch định để cứu loài người, nhưng không phải vì vậy mà tất cả nhân loại đều được cứu. Sự cứu rỗi phải có ở hai phía: Một bên là do Thượng Đế, một bên là do loài người. (a) Bên phía Thượng Đế, là "Trời." Ngài đã hoàn tất điều Ngài cần phải làm, là Con Ngài đã chịu chết thay cho tội nhơn trên cây thập tự. (b) Bên phía loài người là ta. Ta phải tin nhận Đức Chúa Jêsus làm Cứu Chúa của mình chính. Thánh Kinh dạy rõ: "Vì chính bởi ân huệ mà anh em đã được cứu, nhờ lòng tin." (Ê phê sô 2:8. LM. Nguyễn thế Thuấn). Ân huệ là do "Trời", còn lòng tin là do chúng ta.

Thượng Đế cho chúng ta được tự do, chúng ta được tùy ý quyết định tin hay không tin Con của Ngài là Đức Chúa Jesus. Cho nên, chúng ta có thể nói như Nguyễn Du đã nói: "Có Trời mà cũng tại ta."

Thưa Qúy Độc giả thân mến, trong tình yêu cao quý của Đức Chúa Trời, chúng tôi thiết tha kính mời Qúy Vị hãy thực hiện điều Qúy Vị cần nên làm. Điều đó là Quý vị tin nhận Chúa Cứu Thế Jêsus làm Cứu Chúa của chính Quý vị. Xin đừng từ chối Chúa Cứu Thế Jêsus vì Ngài đã hy sinh để chuộc tội cho chính Qúy Vị. Chúa đang mời gọi Qúy Vị rằng: "Ta là cái cửa, ai vào cửa này sẽ được cứu rỗi." (Phúc âm Giăng 10:9BDY). Hiện nay có hàng tỷ người đã bằng lòng bước vào "Cửa cứu rỗi JÊSUS". Đức Chúa Jesus đang dành sẵn nơi ở vĩnh cửu là Thiên Quốc vinh hiển của Ngài cho những ai bằng lòng tiếp nhận Ngài, chịu làm con dân của Ngài.

Chúng tôi ước ao được gặp Qúy Vị nơi phước hạnh này. Cầu xin Thượng Đế Từ Ái thăm viếng và ban phước cho Qúy Vị./.

Cước chú: (1) Hồ Đình Chữ. BÁO VIỆT LUẬN, ngày 4/3/94. Trang 55. (2) Vân Hạc Văn Hòe. CHUYỆN KIỀU CHÚ GIẢI. Trang 599. (3) Hòa Thượng Thích Thiện Hoa. PHẬT HỌC PHỔ THÔNG. KHÓA I & II. Trang 114. (4) Tỳ Kheo Thích Phước Nhơn. Ý NGHĨA QUY Y VÀ THỌ GIỚI. Trang 82. (5) Hòa Thượng Thích Thanh Từ. NGHIỆP DẪN LUÂN HỒI TRONG LỤC ĐẠO. Trang 7. (6) Hòa Thượng Thích Thanh Từ. PHẬT GIÁO VỚI DÂN TỘC. Trang 113.


Mục sư Trần Hữu Thành