Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 333

Được Chọn Để Phục Hồi

Từ bài giảng luận "Gia Phả của Hy Vọng"

CN Dec 03, 2017 - Hội Thánh North Hollywood

Gia phổ Đức Chúa Giê-xu Christ, con cháu Đa-vít và con cháu Áp-ra-ham. (Ma-thi-ơ 1:1) [đọc Ma-thi-ơ 1:1-17]

Đọc gia phả, lại là gia phả của một Đấng Cứu thế, như thế này thật không thấy gì thú vị cả. Quá tầm thường, dưới cả mức tầm thường. Lại còn có nhiều điều đáng lý không nên nói ra, vì sẽ gây ảnh hưởng không tốt cho một người đáng tôn trọng trong vị trí một lãnh tụ, một giáo chủ. Tuy nhiên, đây là gia phả được Chúa Thánh Linh hà hơi để ghi lại, là Lời của Đức Chúa Trời, là tất cả mọi điều mà Đức Chúa Trời muốn mọi người phải xem xét cẩn thận để chấp nhận và hết lòng ngợi khen tình yêu thương từ trời đã được ban cho trần thế này. Tình yêu đó đã trở nên một niềm hy vọng không có gì sánh kịp, bởi Đức Chúa Trời đã ban cho thế gian đáng nguyền rủa này một Đức Chúa Giê-xu Christ, Đấng trung bảo để giải hòa giữa Đức Chúa Trời và loài người.

Có một vài điều nổi bật đáng nhắc đến trong bản gia phả hy vọng này.

Như vậy, từ Áp-ra-ham cho đến Đa-vít, hết thảy có mười bốn đời; từ Đa-vít cho đến khi bị đày qua nước Ba-by-lôn, cũng có mười bốn đời; và từ khi bị đày qua nước Ba-by-lôn cho đến Đấng Christ, lại cũng có mười bốn đời (câu 17). Đây là câu kết thúc của bản gia phả, lại chứa đựng trọn vẹn tóm tắt cuộc sống của loài người, của tuyển dân Y-sơ-ra-ên và của một cá nhân được tạo thành dưới mắt của Ba Ngôi Đức Chúa Trời Chí Cao. Ba nhân vật lớn được nói đến trong câu Kinh Thánh này là: Áp-ra-ham, Đa-vít và Đấng Christ. Áp-ra-ham, đại diện cho một lời hứa của Đức Chúa Trời khi kêu gọi ông ra khỏi xứ mình đang ở để đi đến một miền đất hứa mơ hồ. Người đã thuận phục ra đi bằng đức tin, và trở thành nguồn phước cho cả nhân loại. Điều đó cũng mang ý nghĩa Đức Chúa Trời đã dựng nên con người với mục đích hưởng hạnh phước tuyệt hảo từ nơi Cha trên trời đầy lòng yêu thương. Tuyệt đỉnh của thời kỳ này là Đa-vít, người được Đức Chúa Trời yêu và xức dầu để riêng ra cho Ngài. Vậy mà sau đó, loài người càng ngày càng tệ hại, cũng như sau thời thịnh trị của vua Đa-vít là một khoảng thời gian dài tuột dốc thảm hại, tuyển dân gần như mất hẳn phước hạnh, chịu nhọc nhằn của thời kỳ bị lưu đài, biệt xứ. Thời kỳ này chấm dứt khi Cứu Chúa ra đời, đem lại hy vọng cho những ai sẵn lòng nhận Ngài làm Chủ, làm Chúa cuộc đời mình.

Một vấn đề khác, có những nhân vật hết sức dị biệt lại được ghi vào gia phả quan trọng này. Giô-sép là chồng Ma-ri; Ma-ri là người sanh Đức Chúa Giê-xu, gọi là Christ (câu 16). Gia đình này không bình thường chút nào dưới mắt người đương thời, và ngay cả ngày nay, nếu không thấu hiểu ý muốn của Đức Chúa Trời, chúng ta cũng khó lòng mà chấp nhận. Ngày xưa, người nữ không hề được nhắc đến trong gia phả của dân Do-thái. Vậy mà ngoài Ma-ri, còn có bốn người phụ nữa khác được có tên trong danh sách của Đấng chịu xức dầu này. Và còn hơn thế nữa, họ đều là những người đáng bị lên án bởi thuộc dân ngoại và có đời sống gia đình không lấy gì làm gương tốt cả. Xin được trích một đoạn nhỏ trong Thánh Kinh giải Nghĩa của W. Barclay về những con người này: "Nhưng khi chúng ta tìm hiểu những người nữa này là ai, họ làm gì, thì vấn đề còn lạ lùng hơn nữa. Ra-háp trong Cựu Ước là "Kỵ nữ" Ra-háp (Giô 2:1-7). Ru-tơ không phải là phụ nữ Do-thái, nhưng là một người Mô-áp (Ru 1:4), luật pháp đã không từng ghi "dân Am-môn và dân Mô-áp sẽ không được phép vào hội Đức Giê-hô-va dầu đến đời thứ mười cũng chẳng hề vào được" (Phục 23:3) hay sao? Ru-tơ thuộc về một dân ngoại bị ghét bỏ. Ta-ma là một kẻ cố ý cám dỗ và là một người đàn bà tà dâm (Sa 38;1-30). Bát-sê-ba, mẹ của Sa-lô-môn, là người nữ bị Đa-vít đoạt của U-ri, chồng nàng, bằng một hành động tội ác không thể tha thứ được (2 Sam 11:1-12:25). Nếu Ma-thi-ơ lục lọi trong các trang sách Cựu Ước thì cũng khó có thể tìm được bốn người nào khác mất uy tín hơn bốn nhân vật kể trên để làm tổ mẫu của Chúa Cứu Thế Giê-xu".

Tại sao vậy? Tôi xin dùng phần kế tiếp của sách giải nghĩa để kết thúc bài viết này: "nhưng chắc chắn điểm rất hay và lý do ở đây là ngay từ đầu Ma-thi-ơ đã dùng biểu tượng để chúng ta thấy yếu tính của Phúc Âm Đức Chúa Trời, là trong Đức Chúa Giê-xu mọi bức tường ngăn cách đều bị hạ xuống,

1. Bức tường ngăn cách giữa người Do-thái và dân ngoại bị triệt hạ… Chân lý vĩ đại là trong Chúa Cứu Thế Giê-xu hoàn toàn không còn phân biệt người do-thái hay người Hy lạp. Tại đây, ngay từ đầu Phúc Âm, tình yêu của Đức Chúa Trời đã có tính phổ thông.

2. Bức tường ngăn cách giữa nam và nữ bị triệt hạ … sự khinh miệt xưa không còn nữa, trước mặt Đức Chúa Trời, nam nữ được quí trọng ngang nhau và quan trọng như nhau đối với mục đích của Ngài.

3. Bức tường ngăn cách giữa thánh nhân và tội nhân bị triệt hạ. Bằng mọi cách, Đức Chúa Trời sử dụng những đại tội nhân cho mục tiêu và kế hoạch của Ngài. Chúa Giê-xu phán; "Vì ta đến không phải để cứu kẻ công bình, song cứu kẻ có tội (Math 9:13) ".