Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 73

Cùng Nhớ Chúa Giáng Sinh Với Thi Sĩ Thái Trịnh

(Tặng thi sĩ Thái Trịnh với lòng quý mến của tác giả!)

Thái Trịnh (ThTr) là một thi sĩ Cơ-đốc đã có danh trên văn đàn Tin Lành từ khá lâu và được nhiều người biết đến. Thơ ThTr nhẹ nhàng, tình cảm dạt dào, đằm thắm nhưng sâu lắng khó quên. Th Tr viết khá nhiều về chủ đề người Mẹ. Những bài thơ của thi sĩ về Mẹ thật hay và đầy ân tình. Đọc là nhớ và còn nhớ lâu nữa.

Ngoài chủ đề về Mẹ, chủ đề về Chúa giáng sinh, về sự vào đời của Chúa Cứu Thế cũng được thi sĩ dành một phần rất trang trọng trong “tâm hồn thơ” của mình để ...nhả tơ.

Nhân dịp Giáng sinh về, mời bạn cùng tôi “cùng nhớ Chúa giáng sinh với thi sĩ ThTr” để rồi cùng gẫm suy, chiêm nghiệm về tình yêu cao sâu, mầu nhiệm của Thiên Chúa dành cho nhân loại, nói chung, dành cho bạn và tôi, nói riêng.

Nói đến Giáng sinh, một trong những hình ảnh mà thi sĩ nhớ đến trước tiên, đó chính là cái máng cỏ, nơi có Chúa Hài Đồng vừa sinh hạ. Hình ảnh máng cỏ bày tỏ về tình yêu lớn lao của Đức Chúa Trời dành cho nhân loại, vì yêu thương con người tội lỗi mà Con Trời bằng lòng sanh nơi thấp hèn nhất của trần gian. Hơn thế nữa, Ngài còn bằng lòng chấp nhận làm sinh tế chuộc tội cho chúng ta. Nhìn Hài Nhi Giê-xu, Đấng được mệnh danh là Vua của các vua, Chúa của các chúa mà lại nằm trong máng cỏ tồi tàn, bạn và tôi thực sự thấy được sự khiêm nhường tột cùng của Đấng Thần Nhân. Chúa yêu thương chúng ta như vậy, thì làm sao chúng ta lại không thương yêu Chúa cho được phải không bạn?:

Chuồng chiên máng cỏ quá bần cùng
Hài Nhi đương ngủ dáng khiêm cung
Da non lạnh lẻo không tiếng khóc
Không nệm không giường giữa tiết đông.

Càng nghĩ càng thương lắm chúa ơi !
Vì con Ngài bỏ cả ngôi trời
đem thân Thiên Tử làm sinh tế
Chấp nhận đau thương suốt cuộc đời.
(Noel thương nhớ)

Mỗi khi nhắc đến Giáng sinh, người ta cũng không bao giờ quên nhắc đến một địa danh được gọi là Đất Thánh, vì tại nơi đó Chúa Cứu Thế đã sinh ra. Trước khi Chúa Giê-xu sanh ra tại nơi nầy, nó chỉ là một tiểu thôn cô quạnh, không ai biết đến, đến nỗi Tiên tri Mi-ca đã nói rằng: “Hỡi Bết-lê-hem Ép-ra-ta, ngươi thật nhỏ trong các chi tộc của Giu-đa. Nhưng từ nơi ngươi sẽ xuất hiện một người, người ấy sẽ thay Ta cai trị dân Y-sơ-ra-ên. Gốc tích người từ thuở trước, từ những ngày xa xưa.” (Mi-ca 5: 2-BDM).

Nhưng kể từ khi Chúa Cứu Thế sanh ra tại đây, thì bổng nhiên nó trở thành một nơi nổi tiếng và đáng yêu, khắp thế giới đều biết. Nơi đó chính là Bết-lê-hem, từ nơi đó, phước hạnh từ Trời cao đã được tuôn đổ đến cho muôn người, bình an của Chúa đã đến với thế giới. Thật lạ lùng không kể xiết!

ThTr đã viết về Bết-lê-hem như sau:

Bết-lê-Hem thôn nhỏ nghèo-nàn
Mà Chúa thương rời bỏ thiên Đàng
Mang đến nhân gian nguồn hạnh phước
Cho lòng mến Chúa được bình an.
(Bết-lê-hem, Vua Thánh ra Đời)

Mỗi khi mùa Nô- ên về là mỗi khi chúng ta có cơ hội để lòng mình lắng lại nghĩ suy về Chúa, về tình yêu cao vời của Ngài dành cho nhân loại, dành cho mỗi một con người trên thế giới nầy. Có thể nói không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người chúng ta. Cũng chính vì thế nên không ai có thể diễn tả được hết tình yêu vĩ đại đó bằng ngôn ngữ của loài người. Frederick M. Lehman, tác giả của bài thánh ca nổi tiếng “The Love of God” (Tình yêu Chúa) đã viết những lời rất hay, rất đẹp về tình yêu sâu rộng của Chúa như sau: “Dù mực tràn tuôn như biển mênh mông. Giấy trắng thay bằng cả khung trời cao. Vào rừng thu cây thay viết ghi hoài. Tất cả nhân loại cố công miệt mài. Để tả thánh danh, bác ái thẳm sâu. Không sao chép được hết đâu... ”

Quả thật vậy, ngôn ngữ của loài người không thể nào đủ để diễn tả được hết tình yêu vô cùng sâu rộng, vô cùng diệu kỳ của Đức Chúa Trời dành cho con cái loài người.

Chúa đến thế gian nầy chỉ vì thương yêu chúng ta, muốn cứu chúng ta ra khỏi tội lỗi và ban cho chúng ta một đời sống bình an, phước hạnh ở trong Ngài mà thôi. Chúa yêu ta nên giáng thế làm người, xin đừng để hồn mình lạc mất giữa bể khơi của cuộc đời. Gẫm suy đến tình yêu lớn lao của Thiên Chúa dành cho con người, thi sĩ đã viết những dòng thơ thật sâu lắng:

Chúa đã vì ai đến cỏi trần
Đói no từng trải cảnh cơ hàn
Vì yêu nhân thế Ngài cam chịu
Một trời đau khổ chẳng từ nan.

Mọi người vui đón Lễ Nôêl
Yến tiệc tưng bừng, nhạc trổi vang
Bạn bè vồn vã câu chào đón
Ý nghĩa Nôêl, xin chớ quên.

Hãy lắng tâm tư phút vui đời
Ta cùng thầm gọi “Chúa yêu ơi !''
Xin hãy dìu con cầm tay Chúa
Đừng đễ hồn con lạc bể khơi.
(Hoài Cảm “Đêm Nôêl”)

Sự Giáng sinh của Chúa Giê-xu không phải là một chuyện ngẫu nhiên hay tình cờ, nhưng đó là chương trình đã được hoạch định từ trước buổi sáng thế của Đức Chúa Trời. Vì không có điều gì là ngẫu nhiên hay tình cờ đối với Đức Chúa Trời cả. Đức Chúa Trời luôn luôn có một chương trình và Ngài luôn luôn có mục đích trong mọi công việc làm của Ngài. Chúa giáng sinh là để chịu chết đền tội cho con người tội lỗi, hầu cho hễ ai tin đến Ngài đều được sự sống đời đời.

Trước khi Chúa Giê-xu giáng sinh độ bảy trăm năm, thì Tiên-tri Ê-sai đã dự báo về sự chịu khổ của Ngài sau khi được sanh ra làm người như sau: “Người bị người ta khinh bỉ và ruồng bỏ. Là người chịu đau khổ và biết sự đau ốm. Người như kẻ giấu mặt trước chúng ta. Người bị khinh bỉ, chúng ta cũng không xem người ra gì. Thật, chính người đã mang những bệnh tật của chúng ta. Và gánh những đau khổ của chúng ta. Nhưng chúng ta lại tưởng Người bị Đức Chúa Trời đánh, phạt và bị khổ sở. Chính người bị đâm vì sự vi phạm của chúng ta. Hình phạt người chịu để chúng ta được bình an. Vết thương người mang để chúng ta được chữa lành. Tất cả chúng ta đều như chiên đi lạc. Mỗi người đi theo đường lối riêng của mình. Nhưng CHÚA đã chất tội lỗi của tất cả chúng ta trên người.” (Ê-sai 53: 3-6-BDM)

Đức Chúa Giê-xu giáng sinh làm người không với mục đích là để hưởng vinh hoa, phú quý của thế gian nầy, nhưng Ngài giáng sinh để chịu khổ thay cho con người, và rồi cuối cùng, cao điểm của sự chịu khổ của Ngài là chịu chết trên thập tự giá thay cho chúng ta là những tội nhân; để chúng ta là những tội nhân đáng chết được sống và sống vĩnh cửu nhờ danh của Chúa Cứu Thế. Từ Bết-lê-hem đến đồi Gô-gô-tha, từ Giáng sinh đến chịu chết. Bết-lê-hem, nơi Chúa vào đời. Gô-gô-tha, nơi Chúa chịu chết. Ôi, những địa danh muôn thuở chẳng hề phai trong tâm trí con người chúng ta như thi sĩ đã viết:

Lời tiên tri trong Kinh Thánh Ê-Sai
Rằng đấng Thánh rời thiên đài chịu khổ
Huyết vô tội lán lai trên cây gỗ
Đồi Gô-Tha muôn thuở chẳng hề phai.
(Nôel gợi nhớ)

Nhưng nếu Chúa Giê-xu chỉ chịu chết cho tội lỗi của con người tại đồi Gô-gô-tha, rồi Ngài nằm luôn trong thạch mộ từ đó cho đến ngày hôm nay, thì Chúa Giê-xu cũng chỉ là một giáo chủ chết, vô quyền như bao giáo chủ ra từ con người xưa nay của thế gian nầy mà thôi, không hơn không kém.

Nhưng tuyệt vời thay, kỳ lạ thay, quyền năng thay, siêu việt thay, sau ba ngày trong mộ đá, Ngài đã sống lại cách khải hoàn và sống mãi mãi, không hề chết nữa. Chính vì vậy mà Chúa Giê-xu được mệnh danh là Đấng Hằng Sống, là Đấng Trước hết và cũng là Đấng Sau cùng nữa (Khải huyền 1: 17, 18-BDM). Ngài khắc hẳn với mọi giáo chủ của trần gian. Cảm tạ Chúa! Cũng chính vì sự khác biệt nầy mà bạn và tôi cần tin nhận Ngài để được cứu rỗi linh hồn. Hãy nghe những vần thơ đầy sức sống của ThTr viết về Chúa quyền năng của mình:

Vượt mộ phần trong nắng sớm ban mai
Chúa sống lại mão gai còn in vết
Cả quyền lực tối tăm và sự chết
Đều khiếp kinh run sợ dưới chân Ngài

Danh Giê-xu, danh cao cả quyền oai
Dương quang Chúa sáng soi phần mộ tối
Nầy bạn hỡi! Mau giã từ tội lỗi
Đến với Ngài để được rỗi hồn linh.
(Nôel gợi nhớ)

Thơ viết về Giáng sinh của thi sĩ ThTr không nhiều, nhưng đó là những vần thơ đong đầy tình yêu của thi sĩ dành cho Cứu Chúa của mình. Đọc những vần thơ sâu lắng của ThTr viết về sự Giáng sinh của Chúa Giê-xu, lòng ta thêm nhớ Chúa nhiều hơn, thêm yêu Chúa thiết tha hơn.

Tôi mong ước sẽ đọc được thêm nhiều những bài thơ khác của nữ thi sĩ Cơ-đốc đáng yêu nầy ở nhiều chủ đề khác nhau, đặc biệt là những chủ đề về Mẹ, và về Chúa Giáng sinh, Đấng đã vào đời cách đây hơn hai ngàn năm vì yêu bạn và tôi, vì yêu hết thảy mỗi một chúng ta.

Tình yêu của Ngài cao quá là cao phải không bạn? Sâu quá chừng quá đổi phải không bạn? Rộng vô bờ bến phải không bạn? Và dài vô cùng tận phải không bạn? Chắc chắn bạn và tôi và mỗi một chúng ta, với đầu óc hữu hạn nầy, không ai có thể hiểu hết được tình yêu vĩ đại của Ngài dành cho chúng ta đâu. Dù không hiểu hết được tình yêu kỳ diệu ấy, nhưng bạn và tôi hoàn toàn có thể tiếp nhận tình yêu ấy vào lòng để rồi được bơi lội trong dòng sông tình yêu tuyệt vời ấy, sống trong tình yêu đó và hưởng phước hạnh trong tình yêu đó.

Lời Kinh Thánh chép rằng: “Đây là cách Đức Chúa Trời biểu lộ tình yêu thương của Ngài giữa vòng chúng ta: Đức Chúa Trời đã sai Con Một của Ngài đến thế gian để nhờ Con ấy chúng ta được sống.” (I Giăng 4: 9-BDM).

Mời bạn hãy cùng tôi đến với Ngài, đến với tình yêu của Ngài để được sống trong tình yêu miên viễn đã sẵn dành cho mỗi một chúng ta.

Kính chúc quý bạn đọc cùng thi sĩ ThTr hưởng một mùa Giáng sinh tràn đầy phước hạnh từ Thiên Chúa ban cho và một năm mới sắp đến trong sự bình an đầy trọn và mãn nguyện. A men!

-Bình Tú Ngọc-