Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 346

Tin Cậy Vâng Lời

Từ bài giảng luận "Đứng Trên Lời Hứa"

CN March 04, 2018 - Hội Thánh North Hollywood

Hỡi Chúa Giê-hô-va! Ngài là Đức Chúa Trời, và các lời của Ngài là chân thật; Chúa đã hứa cùng kẻ tôi tớ Chúa làm cho nó những ơn phước nầy. (2 Sa-mu-ên 7:28) [đọc Sa-mu-ên 7:17-29]

Biết được ý Chúa là đã khó khăn lắm rồi, tiền bối Đa-vít lại phải trực diện với câu trả lời "không" từ Đức Giê-hô-va. Mà có phải nhà vua làm điều gì không đúng đắn đâu, người muốn cất một đền thờ cho Chúa Giê-hô-va, để tôn vinh Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên. Với tôi ngày nay, có thể hiểu được khi Chúa trả lời "không" với sự xin phép của tôi, bởi công việc của tôi suy định có thể không phải là một điều theo ý muốn của Chúa. Điều khó ở đây là nếu tôi muốn làm một điều gì đó có ích cho Hội Thánh, cho công việc chung của tập thể Cơ-đốc, muốn thực hiện những cống hiến để tôn cao danh Chúa, mà giả sử như tôi nghe Chúa phán rằng "không" thì tôi sẽ có phản ứng ra sao? Với tôi, hành động đó là tốt, với mọi người ai cũng nhìn thấy đó là một điều nên làm, mà câu trả lời từ Chúa là "không" thì tôi nghĩ ra làm sao đây?

Câu trả lời từ bài giảng luận là cứ "đứng trên lời hứa" mà không nghi ngờ gì hết, cứ "tin cậy vâng lời" mà không chống nghịch, thắc mắc hay xuống tinh thần trong đời sống theo Chúa. Tôi có làm được như thế không? Làm sao tôi có đủ sức mạnh để chấp nhận một nghịch cảnh tâm linh không thể hiểu nổi nhường ấy?

Như tiên tri Na-than, mọi người đều khích lệ tôi hầu việc Chúa chân thành, chứ có ai nghe được lời phản bác từ Chúa mà ngăn tôi lại?

Chính vì nan đề này mà tôi chuyển suy tư của mình về vấn đề làm sao có thể chấp nhận được một sự nghịch lý đến như vậy? Nhất là bây giờ, Chúa đâu có hiện ra trực tiếp để phán với tôi như xưa kia Ngài đã làm với người sống đẹp lòng Ngài. Cũng không chắc có ai như một tiên tri Na than được trực tiếp nghe lời Chúa phán dạy để truyền đạt chính xác ý định của Chúa.

Tại sao vua Đa-vít có thể sáng suốt để tuân theo ý muốn của Giê-hô-va Đức Chúa Trời? Hãy đọc những lời thưa chuyện của người trước mặt Chúa.

Từ câu 18 cho đến câu 24. Vua Đa-vít đã dùng cả tấm lòng mình để ca tụng, tôn cao danh Chúa. người biết Chúa là trên tất cả, là người có đủ mọi thẩm quyền, mọi thông biết, và Ngài có ở khắp mọi nơi để làm ơn cho dân sự Ngài chọn, và cho cả ông cùng dòng dõi hèn mọn của ông. Tôn cao Chúa và hạ mình xuống địa vị chỉ là phận tôi tớ trước mặt Chúa là những điều vua Đa-vít đã làm khi ở trước mặt Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Nếu ngày nay, tôi cũng có thái độ đó với Chúa, thì tôi chắc rằng tôi cũng có thể chấp nhận một quyết định khó hiểu từ Chúa về vấn đề tương tự như Đa-vít đã phải đối mặt. Đó chính là "tin cậy vâng lời", một thái độ hoàn toàn thuận phục Chúa: "Tin cậy vâng lời, Nào nhờ cách gì trong đời. Muốn hưởng phước thiêng thượng ai ơi! Hằng duy tin cậy vâng lời" (thánh ca 430).

Và, nếu đọc phần còn lại của bài khẩn nguyện này, tôi thấy ở đó là sự vâng theo Lời Chúa dạy, một bài cầu nguyện thuận theo ý muốn của Chúa một cách hết sức chuẩn mực. Đó chẳng phải là điều được nhắc đến trong Rô-ma 8:26, "Cũng một lẽ ấy, Đức Thánh Linh giúp cho sự yếu đuối chúng ta. Vì chúng ta chẳng biết sự mình phải xin đặng cầu nguyện cho xứng đáng; nhưng chính Đức Thánh Linh lấy sự thở than không thể nói ra được mà cầu khẩn thay cho chúng ta". Đa-vít là người đẹp lòng Đức Chúa Trời, chính Thần của Đức Giê-hô-va luôn cảm đông người để làm nên những việc đẹp lòng Đức Chúa Trời. Đó là nguyên lý muôn đời cho những người thuộc về Chúa. Tôi hiếm khi lâm vào những trường hợp khó xử như Đa-vít, nhưng nếu có, với lòng kính sợ Chúa chân thật và có Chúa Thánh Linh ở với luôn luôn, tôi chắc rằng tôi cũng sẽ trải nghiệm những tình huống khó có thể hiểu được như tiền bối đức tin này ngày trước.

Chắc tôi chẳng cần nói thêm gì nữa. Đọc lại câu gốc đã nêu ở trên: Hỡi Chúa Giê-hô-va! Ngài là Đức Chúa Trời, và các lời của Ngài là chân thật; Chúa đã hứa cùng kẻ tôi tớ Chúa làm cho nó những ơn phước nầy. Ở đó là thái độ TIN CẬY VÂNG LỜI, và ở đó cũng chỉ rõ ra hành động ĐỨNG TRÊN LỜI HỨA, mà tôi ngày nay phải học và suy gẫm để noi theo dấu của người xưa. A-men!