Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 17

Thượng Đế Và Con Người

Nên Tìm chân Đạo

Đường đời danh lời có rồi không
Chen lấn làm chi chốn bụi hồng
Vân cẩu bức tranh treo trước mắt
Tang điều cải dạng ở bên hông
Đạo trời thiện ác sau còn trả
Người thế phong trần đã quá đông
Cái cõi tương lai ta đang tới
Hãy tìm về với Đấng cao tông


NGẮM CÕI THIÊN NHIÊN

Trăm năm trước mắt người đời
Cảnh thiên nhiên đẹp khó lời tả nên
Trời cao đất rộng thêng thang
Mây trôi nước chảy sóng ghềnh bể khơi
Núi sông một bức tuyệt vời
Ngày đêm năm tháng như khơi mối tình
Mối tình càng gẫm càng xinh,
Càng thêm ý thức cho mình hoan ca
Tình ban sắc đẹp như hoa
Tình làm bông lúa trổ ra đầy đồng
Tình cung nước ngọt đầy sông
Tình cho sự sáng ánh hồng nơi nơi
Mối tình ấy bởi Chúa Trời
Ngài là Tạo Hóa muôn đời quyền oai
Dựng nên muôn vật muôn loài
Con người là bậc chí tài hiền lương
Ai ơi hãy xét cho tường
Để tìm vĩnh phước tránh đường luân vong
Thiện căn vốn sẵn bên lòng

Bài thơ nói lên cõi sự vật phải có một Đấng tạo dựng, và đề tài mà tôi muốn nêu ra đây ấy là "Thượng Đế và con người"

THƯỢNG ĐẾ VÀ CON NGƯỜI

Xét lịch sử của nhân loại thì con người trên mặt đất này, từ ngàn xưa cho đến ngày nay; đại đa số người nơi thâm tâm của họ đều biết và tin có một ông Trời là Đấng cao cả, có quyền trên hết muôn loài; vì vậy mà mỗi khi gặp hoạn nạn hay lúc nguy biến thì họ thường mở miệng than với Trời và kêu Trời; như: Trời ơi! Sao mà tôi khổ vậý! Trời ơi! Xin cứu tôi. Đấng mà người đời gọi là ông Trời thì Đức Khổng Tử xưa gọi là Thượng Đế, như ông đã nói: "Giao xã chi lễ, sở dĩ tự Thượng Đế dã" (Nghĩa là lễ tế giao, tế xã để mà thờ phượng Đấng Thượng Đế vậy) còn Chúa Giê Xu gọi Đấng ấy là Đức Chúa Trời. Chúa Giê Xu đến trong thế gian cách đây đã gần hai ngàn năm, khi Ngài dạy đạo thì khuyên loài người phải hết lòng mà kính thờ và mến thương Đức Chúa Trời. Ngài phán với dân Do-Thái rằng: "Hỡi Y-sơ-ra-ên hãy nghe; Chúa Đức Chúa Trời chúng ta, là Chúa có một: ngươi phải hết lòng, hết linh hồn, hết tri khôn, hết sức mà kính mến Chúa là Đức Chúa Trời ngươi"! (Mác 12:30). Đó là một lẽ đạo trọng yếu hơn hết mà Ngài muốn dạy cho mọi người đều biết cùng phải làm theo. Nên ở đây tôi muốn chúng ta tìm hiểu về Đấng Thượng-Đế hay cũng gọi là Đức Chúa Trời vậy.

I. ĐỨC CHÚA TRỜI LÀ AI?

1. Ngài là Đấng đã dựng nên trời đất:

Danh Đức Chúa Trời có nghĩa là Đấng chủ tể của cõi trời đất; tức là Đấng đã tạo thành trời đất dựng nên muôn loài; dầu con mắt xác thịt của loài người không ai có thể xem thấy được Ngài; song những sự vật ở trong cõi trời đất là một bằng chứng cụ thể chứng minh có Ngài! quả đất của chúng ta đang ở đây, có ngày, có đêm, có tháng, có năm, có bốn mùa tám tiết, rất hữu tình hữu lý; nó xoay chuyển không sai trật, không ngưng đứng, nó đi chung quanh mặt trời giáp vòng là một năm, đúng 365 ngày. Rồi cũng đi lại vào vị trí nó. Trong khi đi nó vẫn quay mình, để trên mặt đất có ngày, có đêm, có tối và có sáng; một lần quay trở mình là đúng 24 tiếng đồng hồ. Rất đều đặn, không mau không chậm một giây phút nào. Nó quay mình lại theo tuần tự chứ không bậy bạ, nên ta thấy mặt trời cứ mọc hướng đông và lặn ở hướng tây. Để con người nhận định được phương hướng. Quả đất là vật vô tri vô giác, vô tri vô ý, mà nó được nên, như thế, buộc phải có một Đấng quyền năng vô cùng; có ý chí, có tri khôn, mới tạo nó ra và đặt để cái qui cũ cho nó vậy. Xét rộng nữa sự vật ở ngoài quả đất: thì mặt trời hành động có diệu dụng, mặt trăng luân chuyển có ý nghĩa; muôn ngàn ngôi sao ở trên các từng trời có ngôi thứ, có hàng lối, nó xoay trở đều có trật tự cả. Nói tóm lại, cõi trời đất đều có sự sắp xếp rất rành mạch, rất khoa học, rất khéo léo, rất tinh tế, cho chúng ta thấy có Đức Chúa Trời ở trong đó. Kinh thánh cũng dạy rằng: "Các từng trời rao truyền sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, bầu trời giải tỏ công việc tay Ngài làm" (Thi 19:1).

Vậy Đức Chúa Trời là Đấng đã dựng nên trời đất. Muôn loài trên mặt đất này cũng là bởi Chúa đã dựng nên.

2. Ngài là Đấng đã sanh dựng con người cũa chúng ta và nuôi nấng chúng ta.

Con người của chúng ta có cái thân thể tầm thước rất tốt đẹp, bên trong có lục phủ tạng; ngoài có lông, da, thịt, xương tay chân mắt mũi; mỗi bộ phận, mỗi cơ thể đều có sự sắp đặt khéo léo đều là bởi sự dựng nên của Đức Chúa Trời. Chúng ta có đây tuy bởi công ơn của cha mẹ sanh đẻ, nhưng gốc là bởi sự sanh dựng của Đức Chúa Trời. Ngài đã dựng nên ông bà thỷ tổ chúng ta và đặt để công lệ sanh hóa ở trong ông bà: nên cứ cha mẹ sanh ra con, con sanh ra cháu.

Một bà mẹ khi mang con ở trong bụng. Nếu hỏi rằng: Bà có biết đứa con trong bụng là trai hay gái hay chăng? thân hình nó bà có đảm bảo sự tốt đẹp và toàn vẹn hay chăng? Chắc bà ấy không dám trả lời và không thể trả lời được. Người mẹ mang con trong bụng, không ai biết được con mình trai hay gái, cũng không biết cái thân thể con mình có lành mạnh chăng; đến khi đứa con lọt lòng; cha mẹ nhìn con. Thấy con thân thể khỏe mạnh; hình dáng dể thương, mặt mày tốt đẹp, mắt biết nhìn, miệng biết khóc biết cười, thì tự nhiên trong lòng có sự cảm biết rằng: Trời đã cho tôi một đứa con. Sự biết có Đức Chúa Trời hay là ông Trời là một sự biết tự nhiên từ trong lòng người, chớ không cần phải nhờ ai dạy; vì lẽ đó con người từ ngàn xưa đã biết có Đức Chúa Trời rồi, mặc dầu họ không nghe đến sự chứng minh của khoa học, triết hoc hay triết lý. Họ biết có ông Trời nên họ giữ được cái bản tâm đạo đức hơn người đời nay. Những câu thơ, câu ca dao của họ truyền lại, cho chúng ta thấy rõ điều đó như những câu sau:

"Trơi sinh, Trời chẳng phụ nào;
Phong vân gặp hội anh hào ra tay"

Ca dao cũng có câu:

"Ví dầu Trời mới hư,
Nào ai có hại cũng như phấn dồi"

Con người biết có Đức Chúa Trời cũng như biết về điều thiện, ác, phải quấy là do lương tri mà Đức Chúa Trời đã phú cho. Kinh Thánh cho biết, khi Đức Chúa Trời dựng nên muôn vật thì duy chỉ có loài người được Ngài dựng nên cách khác biệt hơn mọi loài. Ngài trực tiếp nắn nên hình người giống như hình ảnh của Ngài và Ngài hà sanh khí vào lỗ mũi thì người nên loài sanh linh. Hà sanh khí tức là Ngài truyền và trút một phần sự sống của Ngài vào trong con người. Vì vậy mà loài người có phần linh hồn và lòng người có lương tâm và lương tri.

Nói tóm lại, con người của chúng ta có đây gốc là bởi Đức Chúa Trời đã dựng. Ngài là cha cao cả của mọi người; là cha cao cả của chúng ta, của cha mẹ, của ông bà, tổ tiên chúng ta.
Chúng ta đang sống đầy đều thọ ơn của Ngài mới sống được. Những nhu cầu của chúng ta để sống, như cơm ăn, nước uống, áo mặc đều là vật Chúa đã dựng nên để nuôi sống chúng ta.

Để nhắc lại đề tài Thượng-Đế và con người (hay Đức Chúa Trời và con người), ta thử hỏi Đức Chúa Trời là ai?

Ngài là Đấng dựng nên trời đất. Ngài là Đấng sanh dựng con người của chúng ta và nuôi nấng chúng ta, nói cách tổng quát thì loài người có trên mặt đất này là bởi Đức Chúa Trời đã dựng nên; loài người khôn ngoan hơn muôn loài; biết điều phải trái, thiện ác, biết suy lý, có lương tri biết Đức Chúa Trời. Loài người là hình ảnh của Đức Chúa Trời ở giữa cõi tạo vật, và là Chúa của vạn vật. Tài năng và sự khéo léo của con người gần giống như Đức Chúa Trời. Người xưa có câu rằng:

"Bách ban đạt đắc Thiên công xảo;
Nhất điểm do lưu Tạo Hóa quyền".

Loài người sống trên mặt đất này được thừa kế sự nghiệp mà Đức Chúa Trời đã dựng nên. Thọ hưởng ân huệ của Đức Chúa Trời hơn muôn loài. Như vậy loài người có biết đền đáp lại cái công ơn của Đức Chúa Trời hay chăng? Loài người đối với Đức Chúa Trời đã như thế nào?

II. LOÀI NGƯỜI ĐỐI VỚI ĐỨC CHÚA TRỜI ĐÃ NHƯ THẾ NÀO?

1. Loài người đã sống trái với pháp luật của Ngài (Rô 1:29)

Loài người đối với Đức ChúaTrời chẳng có chút tình gì cả. Chẳng nghĩ đến Ngài, chẳng biết đến Ngài, chẳng ngó đến Ngài, mà còn sống trái với luật pháp của Đức Chúa Trời nữa! loài người khác xa loài vật, quí hơn loài vật, ấy là lòng người biết điều thiện, ác, phải quấy. Biết vậy để mà làm theo; biết thiện để làm thiện, biết ác để tránh điều ác. Biết phải để giữ lẽ phải, biết quấy để bỏ việc quấy. Song con người đâu có làm theó! Hễ được lợi cho mình thì người ta không kể gì điều bất công, bất chính, bất nghĩa, bất nhân, cũng không kể đến việc gian ác nữa. Kinh Thánh cho biết rằng: "Họ đầy dẫy sự không công bình, độc ác tham lam, hung dữ, chan chứa những điều ghen ghét, giết người, cải lẫy dối trá, giận dữ" (Rô 1:29). Như vậy con người đã sống trái với luật pháp của Đức Chúa Trời. Lại còn một điều trái ngược hơn nữa là:

2. Loài người đã bỏ Đức Chúa Trời ra khỏi cuộc sống của mình.

Đức Chúa Trời sanh dựng loài người; con người đang sống đều nhờ Ngài mà sống; ai cũng biết: Trời sanh ra muôn vật để nuôi mình; Trời làm cho có mưa, có nắng để cho cây cối được lớn lên và tốt tươi. Năm được mùa người ta nói: Trời cho năm nay được mùa! Vậy mà không ai biết kính thờ Đức Chúa Trời mà lại đi thờ tà thần, ma quỷ; có chổ họ còn thờ lạy loài điểu thú côn trùng! Dân Ấn Độ họ thờ lạy con bò, con heo. Ở Việt Nam ta tuy có ít nhưng cũng có số người thờ con cọp, con cá voi, con chuột, loài người không kính thờ Đức Chúa Trời mà lại đi thờ lạy một ông thần nào đó; thì chẳng khác gì một đức con hoang đàng bỏ cha mẹ mà đi theo kẻ cừu địch của cha mẹ mình. Loài người tội lỗi dường ấy, thì Đức Chúa Trời cư xư với loài người làm sao?

III. Ngài vẫn yêu thương bảo tồn cuộc sống cho loài người

Lẽ ra Ngài phải đoán phạt loài người, vì Ngài là Đấng chí công, chí thánh. Ngài biết giận, biết buồn vì loài người đối với Ngài rất tệ bạc; vô tình đối với Chúa, không muốn biết đến Ngài; ngày nay có số người lại phủ nhận Ngài, họ cho rằng: khoa học nói không có Đức Chúa Trời mặc dầu họ không hiểu biết về khoa học bao nhiêu, tội của con người đáng cho Ngài phải hình phạt họ; nhưng mà lòng Ngài vẫn thương đến con người; chẳng khác nào như lòng của một bà mẹ thương con, nên Ngài vẫn bảo tồn sự sống cho con người. "Ngài khiến mặt trời mọc lên soi sáng cho kẻ dữ cùng kẻ lành; làm mưa cho kẻ công bình và người độc ác" (Math 5:45). Nhiều kẻ làm điều tội ác; nhiều người dám xúc phạm đến Ngài. Nhưng Ngài vẫn nhịn nhục đối với họ, mong họ có thì giờ biết ăn năn, nên Ngài không đoán phạt họ liền; cũng có trường hợp Ngài báo trả nhãn tiền cho kẻ ác, nhưng đó là trường hợp đặc biệt mà thôi. Chữ nho có câu:

"Bình sanh hành thiện, thiện gia phước,
Nhược thị ngu hoang thọ họa ươn;
Thiện ác đáo đầu chung hữu báo,
Cao phi viển tẩu dã nan đào".

Thiện ác đều có báo trả chắc chắn, nhưng sự báo trả là lúc đáo đầu. Kinh thánh cũng chép rằng: "Đức Chúa Trời là Đấng sẽ trả lại cho mỗi người tuy theo công việc họ làm" (Rô 2:6). "Theo như đã định cho loài người phải chết một lần rồi chịu phán xét." Nếu Ngài báo trả liền thì thiên hạ chết hết.

Luật công bình buộc Ngài phải đoán phạt con người; nhưng lòng thương xót của Ngài, thì Ngài để cho con người có dịp ăn năn. Song nếu cuối cùng con người không biết ăn năn thì không thể tránh được sự đoán phạt của Ngài ở trong đời này và đời sau. Đời sau linh hồn phải bỏ vào Địa ngục mà chịu sự hình phạt đời đời. Đáng ra thế gian nầy bị hủy diệt từ lâu. Nhưng lòng nhân từ của Đức Chúa Trời cứ không nỡ. Để làm trọn luật pháp của Ngài cũng như tình thương của Ngài:

2. Ngài đã lập ra một phương pháp để cứu người:

Cái phương pháp ấy là điều khó vô cùng. Dựng nên trời đất là việc dễ cho Đức Chúa Trời; Dựng nên loài người cũng không gì khó cho Ngài; nhưng để cứu người phạm tội là việc khó vô cùng cho Ngài. Một vị hoàng đế kia quyết bài trừ cái tệ đoan tà dâm trong dân chúng, nên đã ra một sắc lệnh rất nghiêm là từ đây: nếu ai phạm tội tà dâm nữa thì sẽ mất cặp con mắt, cũng có nghĩa là phải có hai con mắt để đền tội tà dâm nữa; nhưng sau một thời gian khá lâu; người ta bắt được một người đã phạm sắc lệnh của vua. Họ giải đến trước mặt vua và người đó chính là Hoàng Tử, một đứa con yêu quí của vua. Vậy đối với Hoàng Tử vua tha bổng cho được chăng! Đó thật là một nan đề cho nhà vua... Để cứu con và cũng làm tròn quốc pháp. Khi xử án con, vua ra lệnh móc một con mắt của đứa con, rồi nhà vua tự móc một con mắt của mình, rồi đưa ra trước tòa án để đền cái tội tà dâm ấy. Nhờ đó vị Hoàng Tử cũng còn được một con mắt để thấy đường mà sống.

Để cứu người đã phạm tội lỗi, chính Đức Chuá Trời phải chịu đau thương! Ngài phải hi sinh mới cứu người được. Ngôi Chúa Con trong Ba Ngôi Đức Chúa Trời, chính Ngài cũng là Đức Chúa Trời đã giáng sanh làm người, rồi chịu đổ huyết trên cây thập tự là một cực hình đau đớn thê thảm không cùng! Ngôi Chúa Con ấy tức là Chúa Cứu Thế Giê-Xu...

Ngài chịu chính quyền Do Thái đóng đinh Ngài trên thập tự giá hầu hễ ai tin đến Ngài mà quay về với Đức Chúa Trời, biết để lòng kính mến Đức Chúa Trời; thì sẽ được tha tội. Người được tha tội thì tấm lòng sẽ được vui mừng và thỏa lòng; rồi khi mãn cuộc dương trần linh hồn được về chốn Thiên đàng là nơi phước hạnh cực lạc vô biên (xem Gi 3:6; 7:38; Luca 12:32)

Để kết thúc bài nầy; Tôi xin nhắc lại mấy điều; ấy là nơi thâm tâm của con người ai cũng tin rằng; có một ông Trời hay là Đức Chuá Trời là Đấng dựng nên trời đất muôn vật, Ngài là cha cao cả của loài người, cũng là cha cao cả của mỗi chúng ta; nhưng chúng ta đối với Ngài rất bội bạc, mà lòng nhân từ và tình thương của Ngài đối với chúng ta lớn lao quá còn hơn lòng cha mẹ thương con. Ngôi Chúa Con đã chịu khổ hình chết trên cây gỗ để cứu chúng tá! Vậy chúng ta đáp lại tình thương của Ngài như thế nào???

Ai muốn đáp lại tình thương của Ngài xin quyết định trở về thờ phượng Ngài cùng tiếp nhận ơn cứu độ của Chúa Cứu Thế Giê-xu mà cầu nguyện rằng: "Lạy Đức Chúa Trời, trong danh Chúa Cứu Thế Giê-xu xin Ngài tha tội cho con và tiếp nhận con làm con của Ngài; Từ đây con quyết một lòng thờ Chúa trọn đời con. A-men."

Cầu Thượng Đế đoái thương đến quí ông bà anh chị em.

Thiên Kim



Thượng Đế và con người

Hóa công tạo dựng cõi trần hoàn
Vị trí con người có kỷ cang
Vì trái luật trời mà phạm tội
Nên ra nhân thế lấm lầm than
Thương người Thượng Đế ban Con Thánh
Cứu chúng Giê-xu xuống thế gian
Chúa chết thay người trên thập giá
Ai tin được hưỡng phước thiên đàng.