Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 367

Thế Giới Mới

Từ bài giảng luận “Tất Cả Cho Chúa

CN July 29, 2018 - Hội Thánh North Hollywood

Ai không vác cây thập tự mình mà theo ta, thì cũng chẳng đáng cho ta. (Ma-thi-ơ 10:38) [đọc Ma-thi-ơ 10: 34-42]

Hầu như tất cả những câu Kinh Thánh được trích dẫn trong phân đoạn này đều mang cùng một sắc thái nghịch lý nếu diễn giải theo cách nhìn của một người bình thường. Vì thế nếu có thể được hãy lắng nghe lời chính thức của bài giảng luận này để có thể thông hiểu đôi chút về một sự đòi hỏi theo tiêu chuẩn của Chúa đặt trên một tình yêu dành cho Ngài hơn tất cả mọi tình cảm khác, một quyết tâm theo Chúa trong mọi tình huống và một tinh thần phục vụ mọi lúc mọi khi như là phục vụ chỉ cho chính Chúa mà thôi.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào những nghịch lý được nêu ra trong lời giảng hết sức khác biệt này từ Thánh Kinh, cũng sẽ nhận ra chân lý của đời sống Cơ-đốc, không có gì là khó khăn hay dị biệt, để tạo nên một xã hội vô cùng chuẩn mực đang được tìm kiếm, đề cao và ngưỡng vọng, nhưng chưa bao giờ thực hiện được.

Câu 34 đến câu 36. Chớ tưởng rằng ta đến để đem sự bình an cho thế gian; ta đến, không phải đem sự bình an, mà là đem gươm giáo. Ta đến để phân rẽ con trai với cha, con gái với mẹ, dâu với bà gia; và người ta sẽ có kẻ thù nghịch, là người nhà mình. Thật ngạc nhiên khi Đức Chúa Giê-xu không đề cập đến hòa bình, ổn định mà Ngài nhắc đến gươm giáo, đến phân rẽ, đến nghịch thù. Đó lại là một thực tế, một sự lựa chọn, một biệt riêng, một sự tách rời từ cộng đồng lớn hiện tại để có một cộng đồng thánh cho Đức Chúa Trời, khi Chúa nhặt từng đối tượng ra khỏi thế gian để tạo nên một thế giới cho riêng Ngài. Để được đứng vào hàng ngũ của những người thánh thì chắc chắn phải có một sự phân rẽ khỏi những liên hệ, những tình cảm trong hiện tại; vì sẽ có một cuộc sống, một mục tiêu, một con người mới hoàn toàn không theo chuẫn cũ nữa. Từ đó đưa đến những sự phân ly, những cách biệt, những bất đồng … xảy ra đương nhiên trong định chế cũ để tạo nên một định chế mới theo ý muón của Đức Chúa Trời.

Câu 37 đến câu 39. Ai yêu cha mẹ hơn ta thì không đáng cho ta; ai yêu con trai hay là con gái hơn ta thì cũng không đáng cho ta; ai không vác cây thập tự mình mà theo ta, thì cũng chẳng đáng cho ta. Ai gìn giữ sự sống mình, thì sẽ mất; còn ai vì cớ ta mất sự sống mình, thì sẽ tìm lại được. Đức Chúa Giê-xu trong những lời này nhắc đến hai điều quý giá nhất của một con người, đó là gia đình và chính bản thân mình. Tuy vậy, người được chọn cho cộng đồng thánh lại là người biết phải xem tình cảm gia đình nhẹ hơn, là thứ yếu đứng sau tình yêu dành cho Chúa; phải coi nhẹ danh dự và mạng sống mình, tức dành những điều quý trọng nhất của mình cho Chúa. Chúa muốn đưa tôi ra khỏi một thế giới nhỏ bé và bất toàn để hiện hữu trong một thế giới của tình yêu rộng lớn và thiết thực hơn; vẫn với quan điểm cha con, vợ chồng, anh em, gia đình nhưng trong một phạm trù vĩ mô; tôi không còn chỉ nhìn vào sự đề cao chính mình như cái rốn của vũ trụ, nhưng nhìn thấy một vũ trụ đáng sống hơn quanh mình với mọi điều kỳ diệu của những quan hệ gia đình mới trong một thế giới mới đã được cất bỏ mọi sự cách biệt, gắn bó với nhau bởi những đời sống được đánh giá là xứng đáng trong nhà của Chúa.

Câu 40 đến câu 42. Ai rước các ngươi, tức là rước ta; ai rước ta, tức là rước Đấng đã sai ta. Ai rước một đấng tiên tri vì là tiên tri, thì sẽ lãnh phần thưởng của đấng tiên tri; ai rước một người công chính vì là công chính, thì sẽ lãnh phần thưởng của người công chính. Ai sẽ cho một người trong bọn nhỏ nầy chỉ uống một chén nước lạnh, vì người nhỏ đó là môn đồ ta, quả thật, ta nói cùng các ngươi, kẻ ấy sẽ chẳng mất phần thưởng của mình đâu. Bắt đầu với những việc làm rất bình thường, nhưng đều quy về một mối hết sức to lớn là làm cho Chúa, và đoan chắc sẽ nhận được phần thưởng từ Chúa. Chúa không buộc tôi vào những công việc vĩ đại, không cần tôi phải bỏ ra quá nhiều công sức, chỉ với những việc làm tốt thật bình thường, tôi vẫn có những kết quả đáng kể, miễn là mục tiêu của tôi trong tất cả mọi hành động là vì cộng đồng của Chúa. Để tâm lo cho một tiên tri, một người công chính, một anh em nào đó trong Chúa, dù đó chỉ là một đứa trẻ con, đều được xem là lo tưởng đến Chúa, đến một Đức Chúa Trời mà tôi không nhìn thấy được, sẵn lòng xem trọng những đối xử tốt của tôi với những người thuộc về Ngài.

Đức Chúa Trời có thể dùng tôi để thực hiện một thế giới lý tưởng ngay giữa thế gian này. Người ta thường nói đến thế giới đại đồng, một xã hội chủ nghĩa, một nền hòa bình thế giới, hay một trật tự thế giới không tưởng gì đó, nhưng thật sự chỉ có một định chế vi diệu trong Chúa là hiện thực, là thực dụng nếu chịu bước vào tiến trình thay đổi mà Chúa đã lên kế hoạch khả thi, Ngài cần những tấm lòng thuận phục và trung tín để thiên đàng thành hình một cách mầu nhiệm giữa cuộc đời đầy biến động xấu và tối tăm này.