Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 17

Mắc Nợ

Đừng mắc nợ ai điều gì, ngoại trừ món nợ yêu thương nhau; vì ai yêu người lân cận mình là đã làm trọn luật pháp. ” (Rô-ma 13:8)

Theo thống kê của US Federal Debt Clock 2018 (www.usdebtclock.org), Hoa Kỳ đang mắc nợ gần 21 nghìn tỉ (trillion). Chia bình quân số tiền nợ nầy ra, thì mỗi công dân Hoa Kỳ nợ $64,913. Hoa Kỳ hiện đang có 325 triệu dân. Có 85 triệu người phải đóng thuế hằng năm. Để thanh toán món nợ kể trên, mỗi một người đóng thuế (tax payer) phải trả $175,081. Hầu như mọi người sống tại xứ Tây Phương đều quen với chữ “nợ”. Mắc nợ là chuyện bình thường đối với người dân xứ Tây phương. Tất cả mọi thứ ta đang có như nhà, xe, đồ dùng v.v… đều thuộc sở hữu của ngân hàng cho đến khi ta trả hết nợ. Nếu không “mắc nợ” thì làm sao ta có được sở hữu những thứ ở trên. Người Việt ta có câu: “Nợ mòn con lớn.” Chỉ có một số ít người có khả năng mua sắm mọi thứ bằng tiền “cash” để không bị mắc nợ! Muốn trả hết nợ đòi hỏi một kế hoạch có kỷ luật trả nợ hằng tháng. Kế hoạch trả nợ nào nghe cũng hay nhưng thực hành thì không dễ! Làm sao ta có thêm tiền để trả nợ cho nhanh được! Chắc là phải đi làm thêm một công việc nữa để có tiền trả nợ. Nếu giải quyết vấn đề như vậy thì không lẽ cuộc sống mình chỉ biết đi làm để trả nợ! Khi muốn mượn tiền ngân hàng để mua nhà, nhân viên ngân hàng góp ý cho ta biết không nên có số nợ trả tiền nhà hơn 25% mức lợi tức thu nhập hàng tháng của mình. Có nghĩa là ta phải “liệu cơm gắp mắm”!

Kinh Thánh dạy con dân Chúa phải sống với tinh thần trách nhiệm. Có mượn thì phải trả. Đừng mắc nợ quá lâu! Châm Ngôn 22:7 chép: “Người giàu cai trị kẻ nghèo, ai vay mượn là đầy tớ của kẻ cho vay mượn. ” Chúa Giê-su cũng dạy rằng: “Ta bảo ngươi, ngươi sẽ không bao giờ ra khỏi tù được cho đến khi trả nốt đồng tiền cuối cùng. ” (Lu-ca 12:59). Trong Phúc Âm Mathiơ 6:25-34, Chúa Giê-su dạy con dân Ngài chớ nên lo lắng về của cải vật chất đời nầy. Người mắc nợ là người “lo lắng” nhiều nhất! Hãy tập sống thỏa lòng. “Sự tin kính cùng sự thỏa lòng chính là nguồn lợi lớn. ” (1 Timôthê 6:6).

Có một thứ nợ mà Kinh Thánh cho biết ta nên “mắc” – đó là nợ yêu thương. Thư tín Rô-ma 13:8 chép: “Đừng mắc nợ ai điều gì, ngoại trừ món nợ yêu thương nhau; vì ai yêu người lân cận mình là đã làm trọn luật pháp. ” “Nợ yêu thương” nầy chỉ về tình yêu thương Chúa đã chết thay để cứu chúng ta thoát khỏi hình phạt đời đời. Chúng ta không thể làm ngơ để người khác phải đi vào hỏa ngục đời đời (1 Giăng 3:16; Châm Ngôn 24:11-12). Sứ đồ Phao Lô đã thốt rằng: “Tôi mắc nợ cả người Hy Lạp lẫn người bán khai, cả người thông thái lẫn người dốt nát. Vì vậy tôi cũng tha thiết được rao giảng Tin Lành cho anh em, là những người đang sống ở Rô-ma nữa. ” (Rô-ma 1:14-15). Khi một người tin theo Chúa sốt sắng chia sẻ Phúc Âm Cứu rỗi của Chúa cho người xung quanh mình thì người đó đang làm công tác “trả nợ yêu thương”.

Kinh Thánh cho biết truyền giáo là Đại Mạng Lệnh của Chúa nhưng mà là trách nhiệm của con dân Ngài. Chúng ta truyền giáo vì những lý do sau đây: (1) Bởi lòng yêu thương (1 Giăng 3:16); (2) Bởi lòng biết ơn (1 Côrinhtô 15:10); (3) Bởi lòng vâng phục (Công vụ 26:19; 2 Timôthê 4:1-5); và (4) Bởi kết quả trong đời sống mới (1 Côrinhtô 9:16). Điều quan trọng không phải là bạn tin nhận Chúa được bao nhiêu năm qua nhưng mà là từ khi biết Chúa đến nay, bạn đã nói về Chúa cho bao nhiêu người nghe rồi. Kinh Thánh chép: “Đức tin đến từ những điều người người ta nghe, mà người ta nghe là khi Lời của Đấng Christ được rao giảng. ” (Rô-ma 10:17).

Cầu xin Chúa giúp bạn tích cực dự phần trong công tác “trả nợ yêu thương” mỗi ngày. Đây là cách tốt nhất để mở rộng Vương Quốc Chúa trên đất. Hãy sốt sắng làm công tác truyền giáo khi bạn còn có nhiều cơ hội hôm nay. Chắc chắn Chúa Giê-su rất vui lòng khi nhìn thấy bạn đang nhiệt tâm nói về Ngài cho nhiều người nghe hôm nay. Mong lắm thay!

Mục sư Lê Hồng Phúc

Địa chỉ liên lạc:
Hội Thánh Báp Tít Đức Tin
11312 Shiloh Rd., Dallas, TX 75228
(972) 270-1557
Facebook: Viet Faith Dallas; www.VietFaith.org
Email: mspeterhongle@gmail.com
Lễ Thờ Phượng lúc 10 giờ sáng Chúa Nhật
Quản Nhiệm: Mục sư Peter Lê Hồng Phúc