Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 35

Tại Sao Tôi Phải Chịu Khổ? (Kỳ III)

Cho đến khi con vào nơi thánh của Đức Chúa Trời, Thì mới hiểu được sự cuối cùng của chúng.” (Thi-thiên 73:17)

Khi ở trong nghịch cảnh, con người thường hỏi “Ông Trời”: “ Trời ơi, sao tôi phải khổ thế nầy? ” Đây là sự thắc mắc bình thường của con người. Chính A-sáp cũng đã từng hỏi Đức Chúa Trời như vậy. Qua Thi-thiên 73, chúng ta tìm được ba câu trả lời của A-sáp và đây cũng là câu trả lời của Chúa cho chúng ta là những ai đang phải chịu khổ trong nhiều cảnh ngộ khác nhau. Hai ngày qua, chúng ta đã suy gẫm hai câu trả lời “ Vì Con Người Tội Lỗi” và “ Vì Cần Được Xây Dựng Nhân Cách”. Hôm nay, mời bạn cùng tôi suy gẫm câu trả lời thứ ba là Vì Cần Hướng Tâm Lên Thiên Đàng.

3. Vì Cần Hướng Tâm Lên Thiên Đàng. Thi-thiên 73:17 chép rằng: “ Cho đến khi con vào nơi thánh của Đức Chúa Trời, Thì mới hiểu được sự cuối cùng của chúng. ” A-sáp được thay đổi cái nhìn và kể từ đó được tăng trưởng thuộc linh nhờ sự bước chân vào bên trong đền thờ. Khi còn ở ngoài đền thờ, ông nghe quá nhiều ý kiến của người nầy, kẻ nọ; ông thấy việc làm của kẻ nọ, người kia. Nhưng bây giờ, A-sáp bước chân vào đền thờ, ông chỉ còn thấy riêng Chúa và chiêm nghiệm chỉ một mình Ðức Chúa Trời mà thôi. Nhờ vào Lời của Chúa trong nơi thánh, ông biết rõ số phận của các kẻ ác về ngày sau như thể nào. Con dân Chúa biết rõ đời sống mình là ngắn ngủi trên đất tạm bợ nầy. Chỉ có nhà trên trời là thiên đàng mới là cõi đời đời. Chính Chúa Giê-su đã phán hứa rằng “ Ta ở đâu thì các con cũng ở đó. ” (Giăng 14:1-3). Sự chết của con dân Chúa chỉ là sự thay đổi địa chỉ từ hạ giới lên thiên đàng mà thôi. Linh mục Nguyễn Sang đã viết bài hát “Sự sống thay đổi mà không mất đi. ” như sau: “ Sự sống này chỉ thay đổi mà không mất đi, lúc con người nằm yên giấc ngủ, mắt nhắm lại rồi là thấy tương lai. Cuộc sống nầy nay không còn nước mắt nụ cười, nhưng con tin rằng ngày mai trong Chúa, chẳng có nỗi buồn, đẹp mãi niềm vui. Sự sống không mất nhưng chỉ đổi thay, đã qua bao ngày trọn cuộc sống này. Dù sống hay chết tin vào ngày mai, sự sống không mất nhưng chỉ đổi thay. ” Vì biết rõ mình sẽ đi về đâu nên A-sáp không còn bị chi phối tinh thần nữa. Ông cảm thấy thật tốt lành khi được ở bên cạnh Chúa vì Ngài là nơi nương náu của ông. Ông nói trong câu 28 rằng: “ Nhưng thật phước hạnh cho con được đến gần Đức Chúa Trời; Con chọn Chúa Giê-hô-va làm nơi nương náu mình, Để thuật lại tất cả công việc của Ngài.

Mỗi tín nhân cần học Lời Chúa và đến với cộng đồng dân Chúa để được soi sáng niềm tin và bước đi trong sự tương giao với Chúa mỗi ngày. Con dân Chúa được Chúa ban cho sự sống đời đời bởi ân sủng của Chúa và qua đức tin phó thác nơi Ngài. Ðức tin đặt nơi Chúa giúp chúng ta trân quý hai điều có giá trị đời đời - đó là Lời Chúa và linh hồn bất diệt (Giăng 3:16). Muốn đức tin được tăng trưởng càng hơn mỗi ngày, chúng ta phải bước vào sự hiện diện của Chúa. Chúng ta có thể gặp gỡ Chúa mỗi ngày qua sự học Kinh Thánh và cầu nguyện. Chúng ta cũng có thể thờ phượng Chúa cùng với anh chị em cùng niềm tin với mình vào mỗi ngày Chúa Nhật. Giống như A-sáp, có bước vào sự gặp gỡ Chúa thì chúng ta mới bước ra với quan điểm mới và tâm tình mới trong công tác phục vụ tha nhân.

Hai thái độ cần có trong thời gian chịu khổ nạn. Thứ nhất là Lòng Tin Cậy Chúa. Có nhiều việc xảy ra trên thế giới nầy mà chúng ta không biết và cũng không hiểu gì cả. Chúng ta chỉ biết hết lòng tin cậy nơi Đức Chúa Giê-su là Ðấng nắm giữ tương lai của chúng ta. Trong sách Giăng 13:7, Chúa Giê-su phán dạy các môn đệ thân yêu của Ngài rằng: “Bây giờ, con chưa hiểu việc Ta làm, nhưng về sau sẽ hiểu. ” Vâng, trong đời sống có nhiều điều chúng ta không biết hôm nay, không có câu trả lời bây giờ, nhưng tin rằng Chúa sẽ bày tỏ cho mình biết rõ ở ngày mai. Câu nói “In God We Trust” trong đồng tiền Mỹ nhắc nhở dân chúng Mỹ tin cậy Chúa mỗi ngày. “Tin cậy Chúa” có nghĩa là chúng ta không còn dựa vào sức riêng, sự khôn ngoan của người khác hay của chính mình nữa. Thứ hai là Lòng Cảm Tạ Chúa. Lởi Chúa dạy chúng ta phải cảm tạ Ngài trong mọi sự (1 Têsalônica 5:18a). Mọi sự chỉ về thuận cảnh hay nghịch cảnh. Trong nghịch cảnh, chúng ta cần thưa với Chúa rằng: “Lạy Chúa, con cảm tạ Ngài qua sự trải nghiệm khổ nạn nầy.” Người dạy chim hót thường đóng cửa chuồng chim lại kín mít. Chim sẽ học hót nhanh hơn trong bóng tối. Cũng vậy, nếu Chúa không đóng kín “các cửa” của chúng ta, chúng ta vẫn chưa học được những bài hát cảm tạ và trở nên mạnh mẽ trong Ngài. Bạn được tăng trưởng thuộc linh như thế nào trong sự khổ nạn? Mong rằng khi bạn ở trong sự khổ nạn, hãy bước vào mối liên hệ với Chúa qua sự thờ phượng riêng và chung với Hội Thánh để lòng được tin cậy Chúa nhiều hơn.

Người tin theo Chúa tin hoàn toàn vào quyền tể trị tuyệt đối của Đức Chúa Trời trên đời sống mình và thế giới vũ trụ nầy. Có nhiều việc xảy ra không phải do ý muốn Chúa mà là Chúa cho phép xảy ra như trường hợp Gióp bị hoạn nạn (Gióp 1-2). Thật vậy, nếu Đức Chúa Trời không cho phép sự khổ nạn xảy ra thì nó sẽ không bao giờ đến trong đời sống con dân của Ngài đâu! Qua sự khổ nạn đến từ bên trong hay bên ngoài, mỗi chúng ta được đến gần Chúa hơn; kinh nghiệm sức mạnh Ngài nhiều hơn; tin cậy Chúa càng hơn; cảm tạ Ngài nhiều hơn; vui mừng càng thêm; và trở thành con người tốt hơn, hữu dụng hơn, giúp đỡ được nhiều người khác. Sứ đồ Phao Lô chia sẻ mục đích của những sự khổ nạn đến trong đời sống của ông như sau: “Ngài an ủi chúng tôi trong mọi hoạn nạn, để chúng tôi có thể dùng chính sự an ủi mà Đức Chúa Trời đã an ủi chúng tôi để an ủi những người khác trong bất cứ hoạn nạn nào họ gặp! ” (2 Côrinhtô 1:3-5) A-men.

Mục sư Lê Hồng Phúc

Địa chỉ liên lạc:
Hội Thánh Báp Tít Đức Tin
11312 Shiloh Rd., Dallas, TX 75228
(972) 270-1557
Facebook: Viet Faith Dallas; www.VietFaith.org
Email: mspeterhongle@gmail.com
Lễ Thờ Phượng lúc 10 giờ sáng Chúa Nhật
Quản Nhiệm: Mục sư Peter Lê Hồng Phúc