Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 39

Ba Tiếng Nói (II)

“Thưa anh em yêu dấu, nếu Đức Chúa Trời yêu thương chúng ta như thế, chúng ta cũng phải yêu thương nhau. Chưa hề có ai thấy Đức Chúa Trời; nếu chúng ta yêu thương nhau thì Đức Chúa Trời ở trong chúng ta, và tình yêu thương của Ngài được trọn vẹn trong chúng ta.” (1 Giăng 4:11-12)

Trong đời sống tin theo Chúa, chúng ta sẽ đối diện ít nhất là ba tiếng nói thường xuyên. Cách chúng ta lắng nghe và thái độ của chúng ta đối với lời nói là điều quan trọng. Thành công hay thất bại trong cuộc đời cũng đều do sự phản ứng và ảnh động của chúng ta đối với mọi lời nói. Sách Sáng Thế-ký 3:1-24 ghi lại về câu chuyện tổ phụ loài người là A-đam và Ê-va bị phạm tội. Mời bạn cùng tôi suy gẫm phân đoạn Kinh Thánh nầy để tìm một sự dạy dỗ về thái độ của mình đối phó với ba tiếng nói xảy ra thường xuyên trong cuộc đời. Hôm qua, chúng ta đã suy gẫm hai tiếng nói: Lừa Dối & Sửa Phạt. Hôm nay, mời bạn cùng tôi suy gẫm tiếng nói Yêu Thương.

3. Tiếng Nói Yêu Thương. Sáng Thế-ký 3:20-24 chép: “A-đam gọi vợ là Ê-va vì bà là mẹ của cả loài người. Giê-hô-va Đức Chúa Trời lấy da thú kết thành chiếc áo dài cho vợ chồng A-đam rồi mặc vào cho họ. Giê-hô-va Đức Chúa Trời nghĩ: “Nầy, loài người đã trở nên một bậc như Chúng Ta, biết phân biệt điều thiện và điều ác. Vậy bây giờ hãy coi chừng, kẻo loài người đưa tay hái trái cây sự sống mà ăn và được sống đời đời chăng.” Vì vậy, Giê-hô-va Đức Chúa Trời truyền cho loài người ra khỏi vườn Ê-đen để cày xới đất đai, là nơi con người từ đó mà ra. Ngài đuổi loài người ra khỏi vườn. Tại phía đông vườn Ê-đen, Ngài đặt các chê-ru-bim với thanh gươm sáng chói, xoay mọi hướng, để canh giữ con đường đi đến cây sự sống.” Tiếng nói yêu thương của Chúa được ghi lại trong hai điểm của thời gian tính như sau:

a. Hiện Tại: Ðức Chúa Trời đi tìm A-đam và Ê-va qua câu hỏi: “A-đam ngươi ở đâu? ” (3:9) và qua hành động: “Lấy da thú kết thành áo dài cho vợ chồng A-đam, và mặc lấy cho. ” (3:21). Khi con người phạm tội thì sanh sự sợ hãi. Sự sợ hãi và hổ thẹn khiến con người chạy trốn và ẩn núp. Nếu không bị phạm tội thì A-đam và Ê-va chắc chắn là chạy đến gặp Chúa vào mỗi buổi chiều trong vườn địa đàng, nhưng bây giờ họ không làm điều đó được bởi vì họ phạm tội. Tội lỗi làm tê liệt mọi sinh hoạt bình thường của con người. Qua suốt Kinh Thánh, chúng ta tìm thấy, Ðức Chúa Trời luôn đi tìm con người để đưa con người trở lại cùng Ngài.

b. Tương Lai: Hướng về tương lai, Ðức Chúa Trời phán hứa một sự cứu rỗi cho nhân loại qua câu nói: “Ta sẽ làm cho mầy cùng người nữ, dòng dõi mầy cùng dòng dõi người nữ nghịch thù nhau. Người sẽ giày đạp đầu mầy, còn mầy sẽ cắt gót chân người. ” (3:15)Theo ý nghĩa bóng và thuộc linh, đây là lời nói tiên tri về Ðức Chúa Giê-su sẽ được sinh ra trong dòng dõi của người nữ là Ê-va. Còn Sa-tan và kẻ thuộc hạ nó luôn tìm cách ngăn trở chương trình Cứu rỗi của Ðức Chúa Trời trong suốt 3 năm thi hành chức vụ của Đức Chúa Giê-su. Lời tiên tri nầy đã được ứng nghiệm trong Phúc Âm Giăng 12:31-32 và Côlôse 2:15.

Kinh Thánh cho biết Ðức Chúa Trời sẵn lòng tha thứ tội nhân khi người đó biết quỳ xuống dưới chân cây thập tự giá, nhìn nhận Ðức Chúa Giê-su đã chết thế tội cho mình và hết lòng đi theo Ngài cho đến cuối cùng. Hêbơrơ 9:22 chép: “Theo luật pháp thì hầu hết mọi vật đều nhờ huyết mà được sách: không đổ huyết thì không có sự tha thứ. ” Phải nói rằng, nếu tổ phụ loài người là A-đam và Ê-va không phạm tội thì Ðức Chúa Trời không có kế hoạch thứ hai đặt ra để cứu chuộc con người qua sự giáng thế và chịu chết của Ðức Chúa Giê-su. Nhưng kế hoạch thứ hai phải được thực hiện vì tổ phụ loài người đã phạm tội. Kinh Thánh còn cho biết Ðức Chúa Giê-xu chính là A-đam thứ hai. A-đam thứ nhất không vâng phục Thiên Chúa. Nhưng A-đam thứ hai là Ðức Chúa Giê-su đã chịu vâng phục Ðức Chúa Cha cho đến cuối cùng. A-đam thứ nhất là người ăn cắp trái cấm để ăn nên bị hình phạt. Còn A-đam thứ hai là Chúa Giê-su đã phán với tên cướp bị treo bên Ngài rằng: “Hôm nay ngươi sẽ ở với Ta trong nơi vườn Phước Hạnh. ” (Lu-ca 23:43). Như vậy, trong A-đam con người đều bị hư mất. Trong Ðức Chúa Giê-su, con người được sự sống vĩnh hằng. Cầu xin Chúa giúp bạn luôn sống trong tiếng nói yêu thương và tha thứ của Chúa. Hãy nhớ rằng Ðức Chúa Trời luôn muốn chúng ta sống đem tình yêu thương và tha thứ đến cho tất cả mọi người.

Lời Chúa trong sách 1 Côrinhtô 13:4-8 chép: “Tình yêu thương hay nhịn nhục, tình yêu thương hay nhân từ; tình yêu thương không ghen tị, không khoe mình, không kiêu ngạo, không cư xử trái lẽ, không kiếm tư lợi, không nhạy giận, không nuôi dưỡng điều dữ, không vui về điều bất công, nhưng vui trong sự thật. Tình yêu thương hay dung thứ mọi sự, tin mọi sự, hi vọng mọi sự, chịu đựng mọi sự. Tình yêu thương không bao giờ suy tàn. ” Có câu nói: “Yêu thương nhiều thì làm được nhiều. Ban cho nhiều thì nhận được nhiều. Khiêm nhường nhiều thì giữ được nhiều.” Vâng, tình yêu thương thể hiện sự bao dung, tha thứ, và cảm thông. Sách Êphêsô 4:32 dạy: “Hãy cư xử với nhau cách nhân từ và dịu dàng, tha thứ nhau như Đức Chúa Trời đã tha thứ anh em trong Đấng Christ vậy.

Tiếng nói lừa dối luôn đến từ Sa-tan và lòng tư dục của con người. Tiếng nói sửa phạt đến từ Chúa vì Ngài muốn con dân Ngài trở nên tốt hơn. Tiếng nói yêu thương và tha thứ đến từ Chúa để đem lại cho con dân Ngài và nhân loại lòng bình an ở hiện tại và sự sống vĩnh hằng ở đời sau. Bạn đang nghe tiếng nói nào nhiều nhất? Mong rằng không phải là tiếng nói lừa dối từ ma quỷ, từ thế gian tội lỗi, hay từ bản ngã tư dục của mình mà là nghe được tiếng nói chân thật từ Chúa. Cầu xin Chúa giúp bạn trải nghiệm sự yêu thương và tha thứ, sự chăm sóc và sửa phạt của Chúa để trở nên người tốt hơn, trở thành công cụ hữu dụng hơn cho Thiên quốc Chúa. A-men.

Mục sư Lê Hồng Phúc

Địa chỉ liên lạc:
Hội Thánh Báp Tít Đức Tin
11312 Shiloh Rd., Dallas, TX 75228
(972) 270-1557
Facebook: Viet Faith Dallas; www.VietFaith.org
Email: mspeterhongle@gmail.com
Lễ Thờ Phượng lúc 10 giờ sáng Chúa Nhật
Quản Nhiệm: Mục sư Peter Lê Hồng Phúc