Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 45

Sống Theo Mục Ðích

Vì kính sợ Đấng Christ, hãy thuận phục nhau. ” (Êphêsô 5:21)

Một đời sống có ý nghĩa là đời sống có mục đích và chu toàn theo mục đích. Khi một người tin theo Chúa đã lập gia đình thì biết rõ mục đích sống không phải là chỉ cho riêng mình mà là cho Thiên quốc Chúa, cho gia đình, và cho thế hệ tiếp nối. Qua sách Êphêsô 5 soi dẫn, có ít nhất là ba mục đích sống của người tin theo Chúa.

1. Sống Kính Yêu Chúa. Êphêsô 5:21 chép: “Vì kính sợ Đấng Christ, hãy thuận phục nhau.” Sống yêu kính Chúa là khởi đầu của tất cả mọi sự. Có yêu kính Chúa thì mới được khôn ngoan trong mọi công việc mình. Châm ngôn 9:10 chép rằng: “Sự kính sợ Đức Giê-hô-va, ấy là khởi đầu sự khôn ngoan, Sự nhận biết Đấng Thánh, đó là sự thông sáng. ” Trong khi giới phụ nữ đi tìm mối liên hệ với nhau, sống bằng tình cảm thì ngược lại, người nam giới đi tìm sự thành công trong các công việc làm của mình. Nếu không có sự khôn ngoan thì làm sao được thành công?

Bạn có sống kính yêu Chúa đủ chưa? Bạn có dành thì giờ tương giao với Chúa mỗi ngày không? Nếu chưa, xin hãy dành từ ít nhất là 15 phút đọc Lời Chúa và cầu nguyện với Chúa mỗi ngày. Hãy tìm thì giờ nào thích hợp nhất cho mình. Hãy nhớ rằng chúng ta không thể nào trở thành người cha tốt cho đến khi chúng ta biết rõ Cha Thiêng liêng của mình ở trên trời. Chúa cho chúng ta 1,440 phút một ngày. Hãy dành ít nhất là 15 phút để tương giao với Chúa mỗi ngày kể từ hôm nay. Có kính sợ Chúa & thực hành Lời Chúa dạy thì chắc chắn bạn sẽ được Chúa ban cho sự khôn ngoan thông sáng để sống làm đẹp lòng Chúa và hữu ích cho nhiều người.

2. Sống Yêu Thương Gia Ðình. Êphêsô 5:25, 28-29 chép: “Hỡi người làm chồng, hãy yêu vợ mình như Đấng Christ đã yêu Hội Thánh, xả thân vì Hội Thánh… Cũng vậy, chồng phải yêu vợ như chính thân mình. ” Mục đích Chúa ban người nữ cho người nam là để thương yêu, bảo vệ, và chăm sóc. Khi nói thương yêu là nói đến sự đáp ứng toàn diện mọi nhu cầu trong đời sống. Ðời sống con người có năm nhu cầu căn bản: Thể chất, tình cảm, tinh thần, xã hội, và tâm linh. Yêu thương gia đình là đáp ứng được năm nhu cầu căn bản đó cho gia đình của mình. Tiến sĩ Chapman chia xẻ cách bày tỏ tình yêu qua 5 ngôn ngữ: (1) Lời nói với nhau; (2) Thì giờ dành cho nhau; (3) Tặng quà cho nhau; (4) Phục vụ nhau; (5) Cử chỉ âu yếm nhau.

Bạn có bày tỏ 5 ngôn ngữ tình yêu của mình cho người thân yêu nhất của mình trong gia đình chưa? Sống tại xã hội Tây phương nầy, chúng ta áp dụng 5 điều kể trên không những vun xới, bảo vệ được hôn nhân của mình mà còn làm gương tốt cho con cái noi theo nữa. Nan đề xảy ra trong nhiều gia đình là người chồng không đặt hôn nhân và gia đình của mình đứng hàng đầu. Họ cưới vợ nhưng rồi cũng cưới luôn công ăn việc làm và những sở thích vui chơi nữa. Thành công trong gia đình và xã hội không phải là một việc dễ làm. Nhưng không có nghĩa là làm không được.

3. Sống Ðể Lại Di Sản Thuộc Linh Cho Gia Ðình. Êphêsô 5:29 chép: “Vì không hề có người nào ghét chính thân mình, nhưng nuôi nấng, chăm sóc nó như Đấng Christ đối với Hội Thánh” Trong gia đình, cha mẹ luôn nuôi nấng, chăm sóc con cái của mình. Cha mẹ nào cũng có di sản để lại cho gia đình mình. Chữ “gia đình” gồm có chồng, vợ, con, cháu, chít. Cho dù muốn hay không muốn, sau khi qua đời, cha mẹ nào cũng có để lại một di sản cho gia đình. Di sản đó có thể tốt hoặc xấu, tạm thời hay đời đời. Tục ngữ có câu: “Hùm chết để da, người ta chết để tiếng.” và câu: "Trăm năm bia đá thì còn, Nghìn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ." Sách Minh Tâm Bảo Giám có dạy rằng: “Ðể lại tiền bạc cho con cháu, chưa chắt con cháu giữ được. Ðể lại sách vở cho con cháu, chưa chắt con cháu đọc được. Ðể lại đạo đức trong lòng con cháu mới là điều có giá trị nhất.

Trong niềm tin của người theo Chúa, để lại đức tin cho con cháu, đó là giá trị đời đời. Người có đức tin là người biết kính sợ Chúa, biết yêu thương gia đình. Người đó không những chỉ sống đạo đức trong mối liên hệ chiều ngang với người mà còn sống tin kính trong mối liên hệ chiều đứng với Ðấng Tạo Hóa của mình. Bạn đang để lại di sản gì? Di sản đó có giá trị vĩnh cữu hay chỉ là tạm thời mà thôi? Những di sản có giá trị vĩnh cữu gồm có: (1) Di sản gia đình. Chúng ta có thể đem con cháu mình vào được nước Trời; (2) Di sản Hội Thánh. Qua Hội Thánh, chúng ta được chăm sóc, nâng đỡ, giáo dục, huấn luyện để phục vụ Chúa và mở mang Vương Quốc Ngài trên đất; (3) Di sản Tiền bạc. Bởi đồng tiền dâng hiến, chúng ta có thể mở rộng Vương quốc Chúa qua các công tác xã hội và truyền bá Ðạo Chúa.

Hãy đầu tư vào các di sản thuộc linh có giá trị vĩnh cữu. Ðó là yêu kính Chúa, yêu thương gia đình, và để lại di sản thuộc linh cho thế hệ tiếp nối. Một gia đình có khỏe mạnh thì Hội Thánh mới khỏe mạnh. Một gia đình có khỏe mạnh thì xã hội và quốc gia mới bình an, giàu có, và hùng cường. Cầu xin Chúa giúp bạn có thể tuyên bố cách tự tin giống như Giô-suê rằng: “Nhưng tôi và nhà tôi sẽ phục sự Ðức Giê-hô-va.” (Giô-suê 24:15b). A-men.

Mục sư Lê Hồng Phúc

Địa chỉ liên lạc:
Hội Thánh Báp Tít Đức Tin
11312 Shiloh Rd., Dallas, TX 75228
(972) 270-1557
Facebook: Viet Faith Dallas; www.VietFaith.org
Email: mspeterhongle@gmail.com
Lễ Thờ Phượng lúc 10 giờ sáng Chúa Nhật
Quản Nhiệm: Mục sư Peter Lê Hồng Phúc