Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 374

Lãnh Đạo Tốt

Từ bài giảng luận “Thành Tín &Trung Tín

CN Sept 16, 2018 - Hội Thánh North Hollywood

Nhà ta dầu chẳng phải như vậy trước mặt Đức Chúa Trời, Song Ngài đã lập với ta một giao ước đời đời, Vững bền trong mọi sự và chắc chắn. Vì đó là cả sự cứu rỗi và cả sự ước ao ta, Dẫu Ngài không làm cho điều đó nẩy nở ra. (2 Sam 23:5) [đọc 2Sa-mu-ên đoạn 23]

Nếu đọc câu gốc trên theo bản Hiệu Đính, sẽ có nội dung như sau:

Nhà ta chẳng như thế trước mặt Đức Chúa Trời sao?
Vì Ngài đã lập với ta một giao ước đời đời,
Tất cả điều khoản đã được sắp xếp và giữ gìn.
Chẳng phải mọi sự giải cứu và ước ao của ta
Sẽ được chính Ngài làm thành tựu đó sao?

Theo cách nói của vua Đa-vít trong bản dịch này, gia tộc người xứng đáng được hưởng lấy giao ước đời đời của Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Còn nhìn dưới sự trình bày của bản dịch cũ, nhà vua hạ mình, cho rằng mình không xứng đáng gì hết, chỉ là do ân sủng từ Chúa Giê-hô-va mà thôi. Tôi không nêu vấn đề này để phản biện hay tranh cải, chỉ muốn nói rằng cho dù không cần phải đem các bản dịch ra để làm một việc gọi là hiểu cho thấu đáo, Lời Chúa vẫn có một chủ đích, một động lực rõ ràng là hướng tôi đến nhận thức tôn vinh Đức Chúa Trời, Đấng tôi phải đem hết lòng mà thờ phượng và tin cậy.

Đây là thi thiên cuối cùng, chỉ với vài câu đơn giản, nhưng vua Đa-vít được cảm tác bởi Chúa Thánh Linh để tôn ngợi sự thành tín của Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Dù không được xem là di ngôn, nhưng nếu viết những lời này cho người kế tự Sa-lô-môn thì cũng không phải là không thích hợp. Và còn hơn thế nữa, một hình mẫu cho những ai chăn dắt dân sự của Chúa, những đầy tớ trong nhà Chúa, cho tất cả mọi người mang danh Cơ-đốc Nhân của mọi thời đại. Chúng ta thấy ở đó tính cách của một người thuộc về thế giới của Đức Chúa Trời.

Đó là người sống trong giao ước đời đời của Đấng Chí Cao (câu 1-7). Đa-vít là người được gọi là người Chúa yêu. Tuy nhiên, không phải vì Đa-vít đáng yêu nên mới có được giao ước này. Đây là một sự ban cho của Chúa Giê-hô-va, bởi lòng nhân từ và thương xót của Ngài. Chúa nhìn thấy trong lòng và Ngài chọn nhà vua để giao cho trọng trách đối với con dân của Nước Trời. Trong sự quan phòng của Chúa, gia tộc Đa-vít được hưởng mọi ơn lành từ Chúa, được gìn giữ, được bình an mà vui hưởng mọi hạnh phúc. Phước hạnh đó được gồm tóm trong hai từ “CỨU RỖI”, ghép từ hai động thái , một của Chúa và một dành cho con người, với ý nghĩa “CỨU để được (nhàn)RỖI”. Tôi muốn liên kết với chương trình cứu rỗi qua Đấng chịu xức dầu sau này.

Phần tiếp theo là bản liệt kê tên những con người tập hợp xung quanh nhà vua để bảo vệ cho sự an nguy của người được Chúa chọn và của cả dân tuyển của Chúa Giê-hô-va (câu 8-29). Bài giảng luận nêu ra hai tiêu đề rất có ý nghĩa mà tôi không thể nào không nhắc đến: Tôn Trọng Thuận Phục và Thương Yêu Tận Hiến.

Đó là những điều mà các thuộc hạ đã đối xử với vua Đa-vít, mà cũng là điều chúng ta phải đối xử với Chủ Lớn ở trên trời của chúng ta. Từ sự tôn trọng Chúa hết linh hồn hết lòng hết ý hết sức, chúng ta sẵn lòng thuận phục mọi ý chỉ của Vua. Đó là lời tâm niệm của tôi mỗi khi bắt đầu cho một ngày mới :”Lạy Cha chúng tôi ở trên trời; Danh Cha được thánh; Nước Cha được đến; Ý Cha được nên, ở đất như trời! ” (Math 6:9,10).

Với một lòng kính yêu Chúa thành thật như thế, nhà vua Đa-vít trở nên một tấm gương tốt để chiêu tập được những đồng chí, những anh em để theo đuổi một lý tưởng cao trọng với một khởi đầu nằm trong bốn chữ đẹp “Tôn Trọng Thuận Phục”. Họ đã đối đãi với nhau và với Chúa đúng như vậy, một tập thể khá lý tưởng. Trước đây, tôi có đọc một bài viết với tựa đề khá ấn tượng, xin mạo muội nối kết với ý tưởng này, đó là “Đồng Chí với Đấng Christ”. Không cần phải nói gì thêm nữa ở đây. Lúc nào chúng ta cũng phải sống như vậy! (Phil. 2:5)

Cuộc sống của mỗi chúng ta đều nên như thế, để bằng tấm lòng kính yêu Chúa trung tín, trung thành, trung thực; chúng ta có thể đem Tin Lành đến với anh em, trong cũng như ngoài nhà Chúa, để trước nhất chúng ta hoàn thành thánh chức Chúa giao, và sau đó là mở mang bờ cõi của thiên quốc ngay khi còn có cơ hội sống trên đất này. Chỉ có tính cách tuyệt vời của một Cơ-đốc Nhân thật thụ mới đáng đại diện cho Chúa. Thế giới này cần được thay đổi và sự thay đổi đó với sự tiếp tay của chúng ta, những Cơ-đốc Nhân sẽ phát huy tình yêu của Chúa luôn sẵn dành cho loài người phản nghịch này.

Hãy suy gẫm bài học từ vua Đa-vít để quyết tâm góp một bàn tay xây dựng cộng đồng thánh ngày càng tuyệt vời hơn vì cớ Danh Chúa. Chỉ có thể làm được điều lớn lao này khi mọi người đều “Tôn Trọng Thuận Phục” và “Thương Yêu Tận Hiến”.