Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 1

Vì Ai?

Mùa chay là thời gian đem lại cho chúng ta cơ hội suy niệm về những khổ nạn và sự chết của Chúa Giê-xu, không phải để thương khóc Chúa, nhưng để nhắc nhớ đến ý nghĩa đích thực và giá trị của cái chết đó. Biết rõ ý nghĩa sự chết của Chúa Giê-xu là biết rõ ý nghĩa cứu rỗi của Kinh Thánh, tất nhiên không chỉ để mở mang kiến thức, nhưng để nhận được sự cứu rỗi. Cái chết của Chúa Giê-xu giữ một vị trí độc đáo có tính cách nền tảng trong Cơ-đốc giáo. Tất cả những ai muốn tìm hiểu Cơ-đốc giáo, phải biết rõ ý nghĩa sự chết của Chúa Giê-xu. Thật ra không có một tôn giáo nào lại nhấn mạnh đến cái chết của giáo chủ như Cơ-đốc giáo đối với Chúa Giê-xu. Trước hết chúng tôi xin nêu lên một số đặc điểm về sự chết của Chúa Giê-xu như sau:

1. Cái chết của Chúa Giê-xu không phải là một biến cố đau buồn không thể tránh như tất cả những cái chết khác của con người. Kinh Thánh khẳng định chính Chúa Giê-xu đã phó sự sống của Ngài và sau đó lấy lại trong biến cố phục sinh. Trong Phúc âm Giăng 10:18 Chúa Giê-xu đã khẳng định, "Không có ai cất sự sống ta đi, nhưng ta tự phó cho; ta có quyền phó sự sống và có quyền lấy lại; ta đã lãnh mạng lịnh này nơi Cha ta." Chúa Giê-xu từng nhiều lần nói trước về sự chết cuả Ngài, "Xưa Môi-se treo con rắn lên đồng vắng thế nào thì Con Người cũng bị treo lên như vậy để hễ ai tin đến Ngài đều được sự sống đời đời" (Giăng 3: 14,15). Nhiều lời tiên tri trong Cựu Ước cũng báo trước sự chết của Chúa Cứu Thế(Ê-sai 53, Thi thiên 22).

2. Cái chết của Chúa Giê-xu không phải là một mất mát đáng tiếc, nhưng là một điều kiện thiết yếu cho chương trình cứu rỗi nhân loại. Nếu Chúa Giê-xu không chết thì cũng không có sự cứu rỗi. Thư Hy-bá 9:22 khẳng định, "không đổ huyết thì không có sự tha thứ." Tất cả các sinh tế bị giết và dâng lên trên bàn thờ của tuyển dân Israel trong thời cựu ước để chuộc tội là hình bóng chỉ về Chúa Giê-xu là sinh tế tối thượng của Đức Chúa Trời.

3. Cái chết của Chúa Giê-xu trên thập tự giá là cái chết thay thế tội nhân. Chúa Giê-xu là Đấng duy nhất vô tội trong khi tất cả mọi người đều là tội nhân. Án phạt của Đức Chúa Trời cho tội nhân là sự chết. Để cứu người khỏi án phạt này, Chúa Giê-xu đã chịu chết thế chỗ con người.

4. Để thoát án phạt của Thượng Đế, con người phải có đáp ứng đúng đắn, kịp thời đối với sự chết của Chúa Giê-xu, đó là nhận rằng Chúa Giê-xu đã chết thế chỗ cho mình.

Qua những nhận định trên, chúng ta thấy nhắc đi nhắc lại một số các ý tưởng sau.

Trước hết là ý niệm về sự chết. Chết là gì? Chúng ta liên tưởng ngay đến cái chết về phương diện thân xác. Cho đến nay, sự chết vẫn là kẻ thù vô địch của con người. Chúng ta không chỉ nghĩ về sự chết như một hiện tượng vật lý, tim ngừng đập, phổi ngừng thở, chấm dứt mọi hoạt động ăn uống, nói năng, suy nghĩ... Nhưng nhìn vào yếu tính của sự chết trong nghĩa của Thánh kinh, chết là cắt đứt vĩnh viễn mọi quan hệ, cắt đứt mọi mối tương giao. Nhìn một người thân qua đời, nằm yên, bất động, thân xác hình hài vẫn còn đó, nhưng người thân thật của chúng ta không còn mà đã vĩnh viễn ra đi. Trong một số các tang lễ, vì quá nhớ thương, nhiều người đã cố nói những lời tha thiết với xác thân lạnh lẽo nằm đó như nói với một người còn sống. Nhưng thực tế phũ phàng là người thân yêu đích thực bên trong thân xác kia không còn ở đây nữa mà đã thật sự bị cắt đứt tương giao với chúng ta, cắt đứt mọi quan hệ với thế giới chúng ta đang sống. Chết theo nghĩa của Thánh Kinh là bị cắt đứt tương giao. Mọi mối quan hệ với người thân bị cắt đứt làm chúng ta đau đớn. Trong đời sống, tất cả những mối tương giao đổ vỡ đều làm chúng ta đau khổ. Khi không còn yêu nhau nữa người ta bảo rằng tình yêu đã chết, tình bạn đã chết. Một tình bạn rạn nứt, một tình yêu đổ vỡ luôn luôn làm con người đau khổ.

Nhưng điều gì đã làm cho mối tương giao đổ vỡ? Tất cả các mối quan hệ giữa con người với nhau bị rạn nứt hay đổ vỡ khi tội lỗi xuất hiện. Tình bạn bị tổn thuơng khi một người khám phá ra rằng người bạn của mình không thành thật. Tình yêu giữa vợ chồng sẽ đổ vỡ khi một người không chung thủy. Tội lỗi có khả năng làm tan rã cả những mối tương giao tốt đẹp nhất. Khi kinh Thánh khẳng định "linh hồn nào phạm tội sẽ chết" chúng ta hiểu rằng tội lỗi đã làm cho mối tương giao giữa con người với Thượng Đế đã bị cắt đứt. Một người ở trong tình trạng chết hay là hư vong khi không được tương giao với Đức Chúa Trời. Nói cách khác, tất cả những tội lỗi trong tư tưởng, lời nói, hành động của một người ngăn cách con người với Thượng Đế thánh khiết. Như vậy, ý niệm thứ hai chúng ta vừa đề cập là ý niệm về tội lỗi, và đặc điểm của tội lỗi là hủy phá các mối quan hệ tốt đẹp, làm hư hỏng các mối tương giao bền chắc nhất. Tội lỗi làm chết các mối tương giao mà mối tương giao căn bản nhất của con người là tương giao với Đức Chúa Trời.

Ý niệm thứ ba chúng ta đề cập ở đây là sự chuộc tội hay đền tội. Mục đích của việc xoá bỏ tội lỗi là để phục hồi tương giao đổ vỡ. Kinh Thánh đưa ra phương thức duy nhất để chuộc tội không phải là cố gắng tu trì hay làm công đức nhưng là chịu chết đền tội đúng như án lệnh của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên thay vì để con người phải lãnh án chết thì Đức Chúa Trời đã tình nguyện nhận án chết này thay cho nhân loại. Chúa Giê-xu chính là Thượng Đế trong thân xác con người để có thể chịu chết chuộc tội cho loài người. Chúa Giê-xu được mệnh danh là chiên con của Thượng Đế, là chiên sinh tế đã chết để chuộc tội cho nhân loại và tất nhiên sự chết chuộc tội này của Chúa Giê-xu sẽ không ích lợi gì nếu không được tiếp nhận.

Trước Thế Chiến thứ hai một hoạ sĩ người Đức thuê một vũ nữ gypsy làm người mẫu. Mỗi ngày đến phòng tranh ngồi cho họa sĩ vẽ, cô vũ nữ gypsy để ý thấy một bức tranh rất lạ vẽ một tử tội với gương mặt đau đớn cùng cực. Vòng gai quấn trên đầu khiến mặt tử tội tươm máu, còn cả thân hình tử tội bị treo trên một cái giá gỗ cao nghễu nghện. Sau một thời gian suy nghĩ về bức tranh, một hôm cô vũ nữ gypsy chợt hỏi hoạ sĩ, "Người kia đã làm gì mà phải bị trừng phạt đau đớn như vậy?" Họa sĩ dừng tay ngạc nhiên, "Cô không biết người đó sao? Đó là Chúa Giê-xu trên cây thánh giá. Chúa là Đấng vô tội, nhưng chịu tội thay cho nhân loại." Suy nghĩ thêm hồi lâu cô vũ nữ hỏi tiếp, "Thế Người có chết thay cho ông không?" Nhà hoạ sĩ dừng tay, ngước nhìn bức tranh nhưng không trả lời rồi tiếp tục vẽ. Tối hôm đó, ông trằn trọc không ngủ được vì câu hỏi của cô vũ nữ gypsy cứ vang lên mãi trong trí, "Thế Người có chết thay cho ông không?" Oâng thầm nghĩ, "chưa từng có ai hỏi mình câu này." Sáng hôm sau nhà hoạ sĩ đến gặp vị mục sư ở ngôi nhà thờ gần đó để cầu nguyện tiếp nhận ơn cứu rỗi của Chúa. Sự chết chuộc tội của Chúa Giê-xu sẽ không có tác dụng gì cho bạn nếu không được tiếp nhận.

Ý niệm cuối cùng liên quan đến mùa chay đó là sau khi chịu thương khó và chịu chết, Chúa Giê-xu đã được chôn trong mộ đá, nhưng sau ba ngày Ngài đã sống lại. Sự sống lại của Chúa Giê-xu cũng quan trọng như sự chết của Ngài, vì đó là một trong những bằng chứng mạnh mẽ nhất khẳng định Ngài là Thượng Đế trong thân xác con người. Thánh Phao-lô nhấn mạnh rằng nếu Chúa Giê-xu không phục sinh thì tất cả những người tin Ngài là những kẻ bất hạnh hơn hết, vì sẽ không có hy vọng gì trong sự sống đời sau. Tất cả mọi người rồi sẽ đi qua một cái cổng chung đó là sự chết để vào cõi vĩnh hằng. Nếu Chúa Giê-xu không phục sinh, những người tin Ngài sẽ không có hy vọng gì trong thế giới bên kia vì cũng sẽ hư vong như bao nhiêu người khác.

Mùa xuân 1981 một thanh niên bay tới một vùng tuyết giá hoang vu phía bắc Alaska để chụp ảnh cảnh thiên nhiên hoang dã của vùng địa cực. Anh đem theo 500 cuốn phim, nhiều súng đạn với 1400 cân lương thực và vật dụng. Từng tháng trôi qua, những lời anh ghi trong nhật ký thay đổi dần, từ những dòng đầy kinh ngạc, hứng khởi, kỳ thú đến những trang đầy kinh hoàng. Vào tháng tám, anh viết như sau, "Đúng ra tôi đã phải biết tiên liệu kỹ lưỡng hơn khi chuẩn bị lên đường. Tôi khám phá ra sai lầm này chỉ một thời gian rất ngắn sau khi ra đi." Vào tháng 11 anh ta đã chết trong một thung lũng không tên, bên một cái hồ vô danh, ở khoảng 225 dậm đông bắc Fairbank. Công cuộc điều tra về cái chết của người thanh niên này cho biết rằng dù anh đã chuẩn bị hành trình này khá kỹ lưỡng, nhưng anh đã không nghĩ đến việc chuẩn bị cho chuyến bay trở về.

Con người hôm nay, đã chuẩn bị mọi thứ cho hành trình vào đời nhưng nhiều người đã không hề chuẩn bị gì để từ giã cõi đời. Trên đất nước này trung bình một người dùng trên 12 năm để học hành, có người dùng đến 20 năm hoặc hơn nữa, sau đó lao vào làm việc để xây dựng cuộc sống trên trần gian, để càng ngày càng vướng mắc sâu hơn vào trong bao nhiêu mối quan hệ chằng chịt khác của bổn phận, của trách nhiệm với gia đình, với công việc, với bạn bè... Lỗi lầm nghiêm trọng nhất nhiều người phạm là đã chuẩn bị rất nhiều cho hành trình vào đời, nhưng không nghĩ đến hành trình ra khỏi cuộc đời. Người thanh niên trong câu chuyện trên đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho chuyến đi, nhưng không nghĩ đến phương tiện trở về từ giữa vùng băng giá hoang vu, cho nên đã phải bỏ xác trong một thung lũng không tên, bên một cái hồ vô danh! Không nghĩ đến cách ra khỏi cuộc đời, ra khỏi những vướng mắc chằng chịt không tên của vô số những ràng buộc trong cuộc sống thì trong ý nghĩa tâm linh chúng ta rồi cũng sẽ chết trong một cánh đồng hoang xa lạ đầy băng giá. Nhiều người đã từng nghe câu chuyện con ếch chết trong chảo nước sôi. Ban đầu một con ếch sống được để trong chảo nước lạnh. Nó nằm yên thoải mái, không có phản ứng gì. Người ta bắt đầu tăng nhiệt độ chảo nước lên thật chậm. Cơ thể loài ếch thích ứng ngay với nhiệt độ bên ngoài, vì vậy nó vẫn nằm yên, không phản ứng. Nhiệt độ tiếp tục tăng, con ếch tiếp tục thích ứng được và vẫn nằm yên. Nhiều giờ sau, khi nước gần sôi thì con ếch chết, dù trư&o circ;ùc đó, nó có đủ thì giờ và thừa sức phóng ra khỏi chảo nước. Con ếch chết vì nó không nhận ra hiểm họa trong chảo nước và đã không quyết định hành động.

Chúng ta đã chuẩn bị vào đời, nhưng chúng ta có chuẩn bị gì để từ giã cuộc đời? Trước sau mọi người đều phải ra đi. Có người phải ra đi trong tuổi thanh niên, có người thì đến lúc cao niên trường thọ, nhưng không ai ở mãi. Tất cả đều phải ra đi. Bạn đã chuẩn bị gì cho chuyến đi đó, hoặc có ai sẽ đón bạn trong thế giới bên kia? Chúa Giê-xu đã chết để chuộc tội cho nhân loại, nhưng Ngài cũng đã sống lại đển ban sự sống vĩnh hằng cho những người tin Ngài. Đó chính là tin mừng thật đơn sơ nhưng cũng thật màu nhiệm đối với những người bằng lòng đặt lòng tin nơi kế hoạch cứu rỗi đó của Đức Chúa Trời.

Mục sư Nguyễn Đăng Minh
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành