Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 1262

Chúa Không Phải Là Đấng Lạm Dụng Con Cái Ngài

Ở chương trước chúng ta đã làm sáng tỏ những biến cố ngay sau khi Chúa chịu báp tem. Thánh Linh dẫn Ngài vào sa mạc nơi Chúa Giê-su chịu cám dỗ bốn mươi ngày đêm. Chính Đức Chúa Trời, chứ không phải ma quỷ dẫn Chúa Giê-su vào sa mạc. Đức Chúa Trời biết con Ngài sẽ chịu thử thách cam go, nhưng Ngài dẫn Con Ngài đến đó cho một mục đích. Nguyên tắc chúng ta học được là Đức Chúa Trời không bao giờ dẫn chúng ta vào cơn bão mà Ngài không ban cho chúng ta quyền năng để chiến thắng. Hãy đóng ấn lẽ thật đời đời này trong lòng bạn, vì điều này sẽ làm bạn mạnh mẽ khi bạn đối diện với nghịch cảnh.

Chúa Giê-su nói rõ rằng Ngài không bao giờ làm hay nói điều gì trừ khi Ngài thấy Cha Ngài làm hay nói trước. Ngài được Thánh Linh Chúa dẫn dắt cách hoàn hảo : "Ta không tự mình làm một việc gì cả, nhưng chỉ truyền lại những gì Cha Ta đã dạy bảo Ta.” (Gi 8:28). Sau này trong chức vụ, sau một ngày dài dạy dỗ cho đoàn dân đông, Chúa Giê-su mệt lả. Tôi có một vài cảm tưởng về cách Ngài đã cảm nhận. Trong một vài trường hợp tôi đã giảng bốn năm lần trong một ngày và bị mệt lả trên đường quay về khách sạn đêm đó nên tôi không thể nói chuyện với người khách chở tôi đi.

Điều này cũng đúng cho Chúa Giê-su. Tối đến, Ngài chuẩn bị nghỉ ngơi qua đêm cho khoẻ, nhưng Thánh Linh cảm động Ngài bảo các môn đồ hãy lên thuyền và vượt qua biển. Có một người bị quỷ ám ở bên kia bờ cần giải cứu. Họ đều lên thuyền, và Chúa Giê-su ngủ thiếp đi.

Một cơn bão dữ dội nổi lên từ biển. Bốn môn đồ của Ngài là những tay đánh cá chuyên nghiệp đã từng sống trên biển cả suốt đời họ. Họ biết những hiểm nguy của nghề biển và biết cách đối phó nó, nhưng cơn bão này không phải cơn bão bình thường. Hết cơn sóng này đến cơn sóng khác ập đến thuyền họ, các tay đánh cá chuyên nghiệp này rốt cuộc phải đánh thức Chúa dậy và la lên, "Thầy không lo chúng ta chết sao ?” Họ không thấy cơ may nào còn sống sót qua cơn hoạn nạn thlipsis này.

Giữa cơn bão, bạn nghĩ Thánh Linh và Chúa Cha run sợ sao ? Bạn có tưởng tượng Hai Ngôi thảo luận nhau, "Chúng ta không thể tin nổi chuyện này ! Chúng ta không hay là cơn bão chết người này lại xuất hiện nhanh thế ! Chúng ta làm gì đây ? ủa mà sao Chúng ta lại bảo Chúa Giê-su đi qua bờ bên kia ? Chúng ta đã phạm một lỗi lầm trầm quan trọng rồi !”.

Thật buồn cười khi nghĩ đến chuyện như thế phải không bạn ? Dĩ nhiên, chuyện đó không hề xảy ra. Thánh Linh biết cơn bão nổi lên, vì Ngài biết sự cuối cùng ngay lúc khởi đầu. "Ta tuyên bố sự cuối cùng từ buổi ban đầu” (Êsai 46:10). Ngài hướng dẫn Chúa Giê-su vào thuyền, thừa biết rằng có cơn bão nguy hiểm đang chờ. Nên Chúa không bao giờ dẫn chúng ta vào cơn bão mà Ngài không ban cho chúng ta quyền năng để chiến thắng. Khi dậy rồi, Chúa Giê-su lên phía trước thuyền và ra lệnh cho cơn bão lặng đi, rồi quay sang các môn đồ hỏi, "Sao các con sợ? Các con không có đức tin sao ?” (Mác 4:40).

Tại sao Chúa Giê-su phán những lời quở trách nặng nề như thế sau khi các tay đánh cá chuyên nghiệp này chống chọi khó nhọc để sống sót ? Tại sao Ngài nói thẳng thừng rằng họ không có đức tin ? Trước khi rời bến, Ngài phán với họ, "Chúng ta hãy qua bờ bên kia” (c.35) Ngài không phán, "Nào chúng ta hãy đi được nửa chừng rồi bị chìm.” Họ đáng lý nên biết rằng có đủ ân điển (quyền năng) trong lời phán của Chúa Giê-su để giúp họ qua bờ bên kia. Họ đáng lý đứng ngay trên thuyền và la to, "Hỡi cơn bão, ngươi sẽ không tiêu diệt chúng ta được, không ngăn cản chúng ta đâu ! Chúng ta sẽ qua được bờ bên kia vì Chúa phán, "Hãy qua bờ bên kia.” Hãy ra khỏi đây ngay !”.

Chúa biết cơn bão sẽ nổi lên. Ngài dẫn dắt họ vào cơn bão, nhưng Ngài cũng ban cho các môn đồ Ngài uy quyền và quyền năng để cai trị trên cơn bão. Và lời dối trá nằm ở đây. Điều mà tách biệt những người bị cuộc sống đánh bại với những người cai trị trong cuộc sống chính là sự hiểu biết rằng cuộc chiến và xung khắc là điều không tránh khỏi và rằng – không như người tự nhiên – chúng ta có quyền năng trên bất cứ thứ gì chống lại chúng ta. Chúng ta có thể và phải chiến trận cách không nao sờn cho đến khi thắng cuộc. Hãy để lẽ thật của 2Côrinhtô 2:14 ăn sâu vào tâm khảm chúng ta : "Nhưng tạ ơn Đức Chúa Trời, Ngài luôn luôn dẫn đầu chúng tôi trong cuộc diễn hành chiến thắng trong Chúa Cứu Thế.”

Nếu các môn đồ bị bỏ mặc cho hoàn cảnh và cho cái nhìn hữu hạn của họ, tất cả môn đồ chắc có lẽ bị chết chìm hết rồi. Tuy nhiên, sự vâng lời không dao động của Chúa Giê-su đối với cuộc chiến không chỉ cứu thoát mạng sống của các môn đồ mà cũng giải cứu người bị quỷ ám ở bên kia bờ nữa. Và ích lợi không dừng tại đây, vì người đàn ông được chữa lành đó đã loan báo tin lành Nước Chúa cho mười thành ở Đêcabôlơ. Nói tóm lại, nhiều cuộc đời được ảnh hưởng cho Nước Chúa. Thánh Linh dẫn Chúa Giê-su và môn đồ Ngài vào cơn bão, họ chịu thử thách, nhưng ý muốn của Chúa là không để họ bị cơn bão đánh bại. Trái lại, sự tập trung của Chúa về khía cạnh vinh hiển của cơn bảo.

Nếu chúng ta hỏi các sứ đồ ngày nay, "Có đáng phải chịu cơn bão để nhìn thấy một người được giải cứu không ?” Họ trả lời dứt khoát, "Chắc chắn rồi !”. Hãy xem một trường hợp khác. Sứ đồ Phaolô đang thực thi sứ mạng được Thánh Linh dẫn dắt lên thành Giê-ru-sa-lem. Nhưng đây là điều đang chờ đợi ông :

Kìa nay được Đức Thánh Linh ràng buộc, tôi đi về Giê-ru-sa-lem, chẳng biết sẽ gặp những gì tại đó. Tôi chỉ biết một điều : trong mỗi thành phố, Thánh Linh đều bảo tôi rằng ngục tù và hoạn nạn đang chờ đón tôi. (Công vụ 20:22-23).

Từ Hylạp hoạn nạn trong câu trên là từ thlipsis. (Chúng ta đã biết từ này trước đây rồi, phải không nào ?) Thánh Linh dẫn dắt Phaolô đến một nơi ông sẽ trải qua một cơn hoạn nạn khốc liệt. Nhưng một lần nữa, Chúa luôn luôn ban cho chúng ta ân điển để chiến thắng bất kỳ trở ngại nào chúng ta gặp phải trên bước đường mà Ngài dẫn dắt.

Kết quả của lập trường và sự chịu thử thách không nao núng của Phaolô là gì ? Không chỉ người Do Thái và Dân Ngoại nghe được Phúc Âm mà nhiều công dân thuộc đế quốc La mã - từ lính tráng, quan quyền đến vua chúa và cả chính Hoàng đế Sê-sa ! Tất cả đều đến từ một con người được Thánh Linh dẫn vào cơn bão. Chúa không phải là tác giả của cơn bão và đau khổ, nhưng Ngài biết rằng Phaolô sẽ đối diện nó chỉ vì thế gian sa ngã này thù nghịch với đường lối của Chúa. Tuy nhiên, tình yêu của Chúa thúc đẩy ông bước theo sự dẫn dắt của Thánh Linh, và Chúa ban cho ông ân điển để chiến thắng nghịch cảnh. Phaolô tóm tắt hành trình khi ông viết, "Chúa đã giải cứu ta ra khỏi hết (mọi hoạn nạn)” (2Ti 3:11). Những lời của ông tương ứng với lời tuyên bố của tác giả Thi Thiên : "Ngài giải cứu tôi khỏi mọi gian nguy” (Thi 54:7). Không phải khỏi một số hay phần lớn mà là mọi gian nan. Một trăm phần trăm gian nan hay hoạn nạn ! Và cùng lời hứa này áp dụng cho bạn và tôi !

JOHN BEVERE (Không Nao Sờn)