Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 83

Ngọn Nến Bình An (Kỳ 1)

Sáng danh Chúa trên các từng trời rất cao, Bình an dưới đất, ân trạch cho loài người. ” (Lu-ca 2:14)

Mỗi năm Giáng Sinh về nhắc nhở người tin Chúa về tình yêu cao cả của Ðức Chúa Trời ban cho con người. Mùa Giáng Sinh là mùa yêu thương, vui mừng, hy vọng, và bình an. Nhưng sự thật, có bao nhiêu người kinh nghiệm được những điều đó! Kinh Thánh cho biết Chúa Giê-su giáng trần để đáp ứng nhu cầu toàn diện (5 nhu cầu căn bản) của con người. Trong 5 nhu cầu đó, nhu cầu tình cảm và nhu cầu tâm linh chịu ảnh hưởng rất nhiều từ chữ bình an. Hay nói cách khác, con người bị bất an vì thiếu nhu cầu tình cảm và thiếu nhu cầu tâm linh liên hệ với Ðức Chúa Trời, là Ðấng Tạo Hóa của mình.

Kinh Thánh cho biết người tin Chúa có sự bình an vì có Chúa ở trong lòng. Thường thì chúng ta chỉ nhấn mạnh đến Chúa Giê-su ở trong lòng mà không để tâm đến sự hiện hữu của Chúa Thánh Linh. Người có bình an thật là người có Chúa Giê-su và Thánh Linh Ngài ngự trong lòng. Như vậy, mỗi con dân Chúa đều có ngọn nến bình an trong lòng mình. Ðiều cần tự hỏi là ngọn nến bình an của tôi có còn cháy sáng không? hay đã dập tắt từ lâu rồi? Có lẽ đây là lúc bạn cần thắp lên ngọn nến bình an cho chính mình, gia đình mình, Hội Thánh mình. Ðể rồi mong rằng, ngọn nến bình an đó sẽ đụng đến cộng đồng bên ngoài chúng ta trong mùa Giáng Sinh nầy. Mời bạn cùng tôi suy gẫm về sự bình an qua sự soi dẫn qua các sách Phúc Âm trong Thánh Kinh.

1. Sự Bình An Xoa Dịu Nỗi Ðau Khổ. Mathi ơ 2:18 cho biết Ra-chên, đại diện cho con người xưa và nay bị bất an, đau khổ vì mất người thân yêu của mình. Sơ lược sự tàn bạo của vua Hê-rốt lúc bấy giờ.

Một trong năm nhu cầu căn bản của con người là nhu cầu tình cảm. Tâm trạng bất an vì mất ngườI thân yêu, lo sợ đơn độc, và lo lắng về tương lai là những nguyên nhân đưa đến sự bất an trong nhu cầu tình cảm con người. Sự giáng sinh của Cứu Chúa Giê-su đã đáp ứng kịp thời nhu cầu của nhân loại, đã xoa dịu những nổi đau khổ của con ngườI lúc bấy giờ và ngày hôm nay. Người Ðàn Bà Hạnh Phúc --Một người được xoa dịu nỗi đau khổ sau khi biết Chúa Giê-su.

Bạn có bị bất an và đau khổ vì những nguyên nhân kể trên không? Bạn có bị bất an vì những ngoại cảnh khác đưa đến không? Hãy tìm đến Cứu Chúa Giê-su. Ngài phán rằng: “Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ... ” (Mathiơ 11:28).

2. Sự Bình An Giải Cứu Khỏi Sự Chết. Lu-ca 2:14 kể rằng trong đêm Chúa giáng trần, các thiên thần đã hòa ca khúc nhạc: “Sáng danh Chúa trên các từng trời rất cao, Bình an dưới đất, ân trạch cho loài người. ” Sự bình an mà các thiên thần loan báo đây là sự bình an tâm linh. Ðây chỉ về sự thuận hòa giữa TrờI và ngườI qua Ðức Chúa Giê-su Christ. Rô-ma 5:1 có chép rằng: “Vậy, chúng ta đã được xưng công bình bởi đức tin, thì được hòa thuận với Ðức Chúa Trời, bởi Ðức Chúa Giê-su Christ chúng ta. ” Con người sẽ không bao giờ kinh nghiệm sự bình an cho đến khi con người kinh nghiệm Chúa Cứu Thế Giê-su. Kinh Thánh cho biết sứ mạng của Chúa Giê-su giáng trần là đem sự cứu rỗi và bình an cho tất cả nhân loại. Tiên tri Ê-sai báo trước Ngài là Vương Tử Hòa Bình cho nhân loại (Ê-sai 9:6).

Nhân loại lúc bấy giờ và con người ngày nay đều cần có sự bình an tâm linh. Niềm khát vọng sự bình an là điều ai cũng muốn có. Con người đi đâu cũng mong ước được mọi sự bình an. Khi chúc nhau, người ta cũng muốn chúc câu: “Mọi sự bình an.” Ðối với người Do Thái, câu chúc “Shalom” “Bình an” là câu chúc thông thường với nhau hằng ngày từ xưa cho đến nay. Hầu như nếu không có câu nói “Bình an” đó thì người Do Thái cảm thấy thiếu vắng đi điều gì trong đời sống của họ. Thật ra, nếu có ai chúc mình câu bình an là sẽ được bình an thì mọi sự đều hài hòa, êm đẹp, và hạnh phúc biết bao, nhưng thực tế không phải vậy. Sự bình an không phải đến từ bên ngoài mà là đến từ bên trong lòng của mỗi người. Sự bình an thật không phải chỉ là một cảm giác (feeling) mà là một sự hiện hữu (presence) của một người đang ở trong mình.

Kinh Thánh trong Phúc Âm Giăng 14 dạy con dân Chúa ít nhất là ba bí quyết để có sự bình an tâm linh.

a. Hết lòng tin lời hứa của Chúa (14:1) . Lời hứa của Chúa trong câu 27 như sau: “Ta để sự bình an lại cho các ngươi; Ta ban sự bình an Ta cho các ngươi; Ta cho các ngươi sự bình an chẳng phải như thế gian cho. Lòng các ngươi chớ bối rối và đừng sợ hãi. ” Sự bình an Chúa Giê-su muốn nói ở đây chính là Ðức Thánh Linh hiện diện trong đời sống con dân Ngài. Một vài công việc làm của Ðức Thánh Linh làm trong đi sống ngườI tin Chúa là an ủi, ban bình an (Chim bồ câu), ban quyền năng, giải cứu khỏi quyền lực tội lỗi, dạy dỗ Lời Chúa, và ban ân tứ để phục vụ Ngài.

b. Hết lòng vâng giữ Lời Ngài (14:15) . Câu 23 chép: “Nếu ai yêu mến Ta, thì vâng giữ lời Ta, Cha Ta sẽ thương yêu người, chúng ta đều đến cùng người và ở trong người. ” Kết quả của sự vâng giữ Lời Chúa là được Chúa thương yêu và ở trong mình. Vâng giữ lời Chúa cũng là bằng chứng đức tin phó thác đời sống mình cho Chúa. Vâng giữ Lời Chúa cũng là bằng chứng cụ thể về lòng yêu mến Chúa của con cái Ngài (câu 15, 21, 23). Có giữ lời Chúa trong lòng chúng ta mới áp dụng trong hoàn cảnh hoạn nạn, thử thách. Lòng vâng phục Chúa xác định vị trí của chúng ta trước mặt Ngài. Chúa là Ðấng Sáng Tạo, chúng ta là tạo vật của Ngài. Chúa là Ðấng Cứu Chuộc, chúng ta là tội nhận. Chúa là Cha, chúng ta là con. Chúa là Thợ Gốm, chúng ta là đất sét. Chúa là Ðấng Chăn Chiên, chúng ta là bầy chiên của Ngài. Vị trí của bạn đang ở đâu và là gì trước mặt Chúa hôm nay?

c. Hết lòng sống cho Chúa (14:19). Chúa Giê-su phán trong câu 19 rằng: “Vì Ta sống thì các ngươi

cũng sẽ sống.” Sự sống của chúng ta tùy thuộc vào sự sống của Chúa Giê-su (Giăng 1:4; 3:15). Vì Chúa Giê-su đã sống lại, đang sống, và còn sống mãi mãi, chúng ta có lý cớ để sống cho Ngài và sống với Ngài sau nầy. Tinh thần sống cho Chúa là thừa nhận Chúa làm Chủ đời sống mình và phó thác mọi sự cho Chúa cầm giữ, dẫn dắt. Chúng ta không đặt trọng tâm vào mình (self-centered) nhưng đặt trọng tâm vào Chúa (God-centered). Sứ đồ Phao Lô đã tuyên bố sự đầu phục Chúa hoàn toàn của ông (Galati 2:20). Ước mong đây cũng là lời tuyên xưng của mỗi chúng ta dâng lên Chúa hôm nay. Chúng ta đang sống với Chúa trong hiện tại và sẽ sống viI Ngài ở tương lai trong Nước Vĩnh hằng nữa.

Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta rằng Chúa Giê-su giáng thế để đem cho nhân loại sự bình an. Sự bình an nầy xóa dịu nổi đau khổ ở hiện tại và giải cứu con người khỏi sự chết ở đời sau. Vì đời sống con ngườI là những chuỗi ngày ra đi (departure) nên chúng ta phải bình tâm mà đối diện với bất cứ sự kiện gì xảy ra. Hãy nắm chắc lời hứa của Chúa Giê-su. Hãy nhờ cậy quyền năng Chúa Thánh Linh để kinh nghiệm sự bình an giữa cảnh chia ly hay trong cơn bão tố của cuộc đời. Bạn có bình an trong giờ nầy không? Nếu có, cảm tạ Chúa. Nếu không, tại sao vậy? Ðiều gì làm cho bạn bị bất an? Tiền bạc có thể mua được nhiều thứ, nhưng trong những thứ tiền bạc không thể mua được đó là sự bình an tâm linh ngay ở hiện tại và ở trong cõi tương lai.

Mỗi mùa Giáng Sinh về tôi thích hát những bài hát Giáng Sinh có nói về “Emmanuên”. Chữ “Emmanuên” có nghĩa là “Ðức Chúa Trời ở cùng chúng ta. ” (Mathiơ 1:23). Khi giáng thế, Chúa Giê-su đã bày tỏ sự ở cùng nhân loại qua chính Ngài. Khi thăng thiên về trời, Chúa Giê-su cũng phán hứa rằng: “Ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế. ” (Mathiơ 28:20b). Vì có Chúa hứa ở cùng, chúng ta không cần phải xin Ngài ở cùng mình nữa, nhưng nên cầu xin Chúa giúp mình luôn luôn ở trong Ngài để kinh nghiệm sự bình an mãi mãi và trở nên ngọn nến bình an cho mọi người xung quanh. A-men.

Mục sư Lê Hồng Phúc

Địa chỉ liên lạc:
Hội Thánh Báp Tít Đức Tin
11312 Shiloh Rd., Dallas, TX 75228
(972) 270-1557
Facebook: Viet Faith Dallas; www.VietFaith.org
Email: mspeterhongle@gmail.com
Lễ Thờ Phượng lúc 10 giờ sáng Chúa Nhật
Quản Nhiệm: Mục sư Peter Lê Hồng Phúc