Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 85

Nước Mỹ, Những Điều Tôi Trải Nghiệm

Đến mùa Xuân 2019 này là Chúa cho chúng tôi đã ở Mỹ được gần bốn năm. Thời gian trôi qua thật là nhanh. Thoắt một cái thấy đã gần bốn năm!

Thường mỗi dịp năm mới đến, không biết người khác thì sao chứ với tôi, tôi hay nhớ lại, suy ngẫm lại những gì mà mình đã trải qua trong quá khứ, những gì mà Chúa cho mình đã được trải nghiệm trong cuộc đời để có cơ hội cảm tạ Chúa và ngợi khen Ngài.

Tôi nhớ lời Chúa dạy: “Hỡi linh hồn ta, hãy ca tụng CHÚA. Chớ quên tất cả các ân huệ Ngài.” (Thánh Thi 103: 2-BDM) (*)

Hôm nay, đứng trước thềm năm mới 2019, tôi cũng muốn làm điều đó.

Còn nhớ ngày đầu tiên đặt chân đến đất nước cờ hoa văn minh, giàu có, hiện đại và hùng mạnh nhất hành tinh nầy, tôi hồi hộp và vui mừng đến lạ. Hồi hộp vì là lần đầu tiên được đi du học ở một nơi xa xôi, lạ lẫm như thế nầy, xa đến ... nửa vòng trái đất luôn, chứ có phải ít đâu. Còn vui mừng là vì được đến học ở một đất nước là cường quốc số một thế giới, một đất nước có nhiều trường Đại học đứng đầu thế giới nhất. Theo một bảng xếp hạng 10 trường Đại học hàng đầu thế giới năm 2018, người ta cho biết rằng nước Mỹ chiếm đến 7 trường, gồm Viện Công nghệ California (Caltech), Stanford, Viện Công nghệ Massachsetts (MIT), Harvard, Princeton, Chicago và Pennsyvalnia; Anh quốc có 2 trường là Oxford và Cambridge; Thụy sĩ 1 là Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ (ETH Zuzich).

Thật đáng tự hào cho nền giáo dục của nước Mỹ!

Còn nhớ trước khi bay sang Mỹ, đứa cháu gái con của ông anh vợ nói với chúng tôi một câu thật ... ấn tượng khó quên: “Khi dì dượng bước xuống máy bay đặt chân lên đất Mỹ, xứ sở được mệnh danh là ... Thiên đường trên đất, dì dượng nhớ ... đạp thật mạnh cái chân trên đất cho ... đã nghe dì dượng. Không dễ gì ai cũng được đặt chân lên đất Mỹ đâu.” Câu nói vui vui, nhưng cũng nói lên được cái mong ước được đặt chân đến đất Mỹ của biết bao người trên khắp hành tinh nầy, chứ không chỉ riêng chi người Việt Nam mình. Không hiểu tại sao cả thế giới ai ai cũng đều mong ước được đến Mỹ ít nhất một lần cho biết và nếu được ở luôn lại Mỹ thì càng... tuyệt vời. Còn nhớ mới mấy tháng gần cuối năm 2018, hàng ngàn người từ các nước vùng Trung Mỹ như Honduras, Guatemala và El Salvador bỏ quê hương mình đang sống, lũ lượt kéo đến biên giới Mễ Tây cơ để mong ước được vào Mỹ tị nạn và sống lâu dài ở đó. Thế mới biết được “giấc mơ Mỹ” lớn đến mức nào trong lòng nhiều người trên thế giới nầy. Cái cảm giác lâng lâng nhẹ nhỏm cả người sau một hành trình bay dài đến mười mấy giờ bay... lơ lửng trên bầu trời, rồi sau đó đáp xuống đất được bình yên, bước chân xuống khỏi máy bay và bước những bước đầu tiên trên đất Mỹ đến giờ tôi vẫn không bao giờ quên.

Người ta nói rằng sở dĩ mọi người khắp nơi trên thế giới đều mong ước được đến Mỹ là vì tại xứ sở nầy, quyền con người được tôn trọng thực sự và được luật pháp bảo vệ. Mọi người đều có cơ hội để tiến thân và thể hiện mình trong xã hội một cách tốt nhất mà không hề có bất cứ một sự kìm hãm nào. Thật tuyệt vời!

Còn nhớ trước đây, khi còn nhỏ, học chương trình “English for today” (Anh văn cho ngày nay), tôi đã mê những địa danh như Golden Gate Bridge ở San Francisco, Mississippi River, thành phố New York hiện đại với những tòa nhà chọc trời (skyscraper), thành phố cổ kính Chicago, tiểu bang California giàu có, thành phố không ngủ Los Angeles... của Mỹ vô cùng, và ước mơ trong tương lai sẽ có cơ hội được đến thăm những nơi đáng yêu nầy. Và nay, Chúa cho tôi đã được ở Mỹ và cũng đã có lần được đến thăm những nơi đó khi được mời đến giảng lời Chúa ở những nhà thờ gần những nơi ấy, trừ dòng sông Mississippi, dòng sông lớn nhất của Mỹ thuộc tiểu bang cùng tên là chưa tới mà thôi.

Gần bốn năm ở Mỹ, lại được ở tại tiểu bang California, một tiểu bang có khí hậu có thể nói là tốt nhất nước Mỹ, nắng nhiều mưa ít, nóng nhưng không đổ mồ hôi, và lạnh đủ để mặc đồ ấm, nhưng không có tuyết. Lại được ở vùng Nam California nữa chứ, gần khu Little Sài gòn-thủ đô của người Việt hải ngoại, nơi có đông người Việt sinh sống nhất ở nước ngoài. Khác hẳn thời tiết ở vùng Quảng Nam quê hương yêu dấu của tôi (mùa hè nắng nóng kinh khiếp, mồ hôi đổ ra như... tắm, còn mùa Đông thì mưa hoài không dứt, gió lạnh cả tháng trời và lụt lội, nước ngập khắp nơi), tôi từng bước đi vào ổn định cuộc sống nơi đây, và quen dần với ... cách sống Mỹ.

Có thể nói rằng, ở Mỹ vẫn còn có không ít điều đáng ... phàn nàn, như vẫn có người ... homeless (người vô gia cư); vẫn có người ăn xin đứng ở những góc phố với tấm bảng cartoon trên tay ghi dòng chữ “Please, help me! God bless you!” (nghĩa là “Vui lòng giúp tôi! Chúa ban phước cho bạn!”); vẫn có nạn cướp giật, trộm cắp; vẫn có những vụ xả súng bừa bãi xảy ra ở nơi nầy nơi kia làm chết nhiều người, và nhiều tệ nạn khác như mọi quốc gia khác trên thế giới, nhưng có thể nói rằng những điều ... phiền toái đó không phải là số nhiều, chỉ là thiểu số thôi; còn nhìn chung, Mỹ là một đất nước thật tuyệt vời, một vùng đất đáng sống nhất trên trần gian nầy.

Tại Mỹ, chúng ta có thể tự do thể hiện hết khả năng của mình, mà không bị một sự ràng buộc, hoặc ức chế nào cả. Nước Mỹ sẽ luôn tạo điều kiện cho bạn phát huy tối đã tài năng của mình để làm giàu cho mình và cho nước Mỹ. Ở nước Mỹ sẽ không hề có ... chủ nghĩa lý lịch, con cha cháu ông như ở Việt Nam hoặc ở những quốc gia theo chế độ Cộng sản. Chính nhờ vậy mà nước Mỹ thu hút được nhân tài hầu như của cả thế giới đổ dồn về để cống hiến tài năng và đức độ của mình cho đất nước giàu lòng nhân ái, bao dung và cao thượng nầy. Bạn có thể thấy điều đó rất dễ dàng qua việc Mỹ là nước có nhiều người chiếm giải Nobel-một giải thưởng có giá trị nhất thế giới, hằng năm nhất trên thế giới-người Mỹ chiếm đến 3/ 4 trong số những người nhận giải nầy, không nước nào qua mặt được.

Có nhiều điều thú vị mà tôi được trải nghiệm ở xứ Mỹ thời gian qua mà khi còn ở quê nhà, tôi chưa bao giờ được biết tới.

Dường như mỗi nhà ở Mỹ đều có ít nhất một đến hai chiếc xe hơi, có nhà nhiều thì đến ba, bốn chiếc. Hầu hết, mỗi người trưởng thành ở Mỹ đều có một chiếc xe hơi riêng cho mình để đi lại, chỉ trừ những người già yếu, không còn có thể tự lái xe được nữa thì mới nhờ con cái chở đi đây đi đó mà thôi. Hồi mới qua Mỹ, tôi nhìn thấy xe hơi người ta đậu đầy trước nhà, dọc hai bên lề đường dù ở vùng quê hay thành phố, tôi trố mắt nhìn cách đầy ... ngạc nhiên và thán phục về sự giàu có của đất nước nầy. Xe hơi ở Mỹ nhiều giống như ... lá tre ở quê tôi vậy. Người ta cho biết rằng ở Mỹ mỗi năm tiêu thụ đến không dưới 17 triệu chiếc xe hơi. Một con số thật khủng khiếp! Ai đó đã nói vui rằng xe hơi là ... đặc sản của nước Mỹ!

Đường sá đi lại ở Mỹ phải nói là vô cùng hiện đại và cực tốt. Ở Mỹ có nhiều đường cao tốc (freeway) đếm không xuể và nhìn đến ... ngợp cả mắt. Đâu đâu cũng có freeway được thiết kế theo các hướng East-West (Đông-Tây), South-North (Nam-Bắc) để người dân lái xe đi khắp nơi một cách nhanh chóng và tiện lợi. Mỗi freeway có từ 5-6 làn xe chạy mỗi chiều hoặc nhiều hơn thế. Xe chạy vù vù như mắc cửi, không ngớt. Ở các vùng local (địa phương) thì đường đi cũng được tráng nhựa láng cón đến tận sát nhà ở của người dân và đều có đèn đường sáng trưng, thật tiện lợi. Nhớ ngày mới thi đậu được bằng lái xe hơi, và làm ... bác tài lái xe chở “nhà có tóc” và đứa con trai út của tôi đi nhà thờ cũng như đi công việc, tôi không dám đi freeway, vì ... sợ, bởi có quá nhiều xe chạy và chạy với tốc độ rất nhanh, từ 65miles trở lên đến 75miles hoặc hơn (tức từ độ 100 km đến 120 km/ giờ), chỉ dám đi trong đường local mà thôi. Nhưng bây giờ thì sau mấy năm ở Mỹ, tôi đã dạn đủ để có thể chạy ở tất cả các freeway mà không ... sợ bất cứ chàng Tây, hay anh Tàu nào. Và cái cảm giác chạy xe trên freeway ở Mỹ thật ... đã. Dù chạy với tốc độ trên cả trăm cây số/ giờ, xe vẫn êm như nhung, không hề có cái... ổ chuột nào trên đường, chứ nói chi đến ... ổ gà.

Chỉ cần nhìn nội hệ thống giao thông bằng freeway tầng tầng lớp lớp, chằng chịt như màng nhện ở Mỹ, người ta cũng đã thấy được sự giàu có, hùng cường của đất nước tự do bậc nhất trên thế giới nầy rồi, chưa nói chi đến các thành phố lớn như Newyork, Washington D.C, Los Angeles hay Chicago... hoặc hệ thống sân bay hiện hữu hầu như ở tất cả các tiểu bang của nước Mỹ. Nghe người ta nói ở Mỹ có đến 15. 095 sân bay lớn nhỏ. Một con số nghe ... lùng bùng lỗ tai và ... không thể tin nổi, trong đó có những sân bay lớn nhất thế giới như New York, Atlanta, Los Angeles... Tôi đã có dịp được đặt chân đến phi trường Atlanta, Los Angeles và phải nói là lớn và rộng khủng khiếp, so với phi trường Tân Sơn Nhất ở Việt Nam thì thấy... sân bay ở mình sao nhỏ ơi là nhỏ? Buồn! Chừng nào ở nước mình có được một hay hai sân bay hiện đại cho mình được một lần ... hãnh diện với người ta nhỉ?

Tại sao ở Mỹ lại có quá nhiều freeway và sân bay như thế? Một trong những lý do có thể được nói đến đó là vì nước Mỹ quá rộng lớn. Nếu không có nhiều freeway và sân bay thì làm sao đáp ứng nổi nhu cầu đi lại, làm việc với tốc độ ... con thoi như ở đất nước Mỹ nầy? Diện tích nước Mỹ rộng lớn thứ ba trên thế giới, sau Ca-na-da và Nga mà thôi. Người ta nói phải mất cả tháng trời, bạn mới có thể tham quan hết các thành phố lớn của Mỹ. Và khoảng cách để đi từ bờ biển Thái Bình Dương sang đến bờ biển Đại Tây Dương – hai đại dương ôm lấy nước Mỹ – bạn phải đi qua một chặng đường dài đến ... 4.800km.

Được biết, hệ thống freeway của Mỹ bắt đầu từ đâu hơn 60 năm trước lận. Vào năm 1956, Tổng Thống Mỹ Dwight D. Eisenhower đã ký một đạo luật cho phép chính phủ tài trợ một trong những dự án làm thay đổi bộ mặt giao thông vận tải của nước Mỹ. Đó là bắt đầu xây dựng hệ thống xa lộ liên bang (interstate freeway system) với tổng chiều dài 47,856 miles (77,017 km).

Freeway là một hệ thống đường giao thông không có giao lộ, không có đèn xanh đèn đỏ, nên những tài xế cứ thế mà chạy... tới bến thì thôi. Xe vào ra freeway thông qua các đường dẫn entrance (lối vào) và exit (lối ra). Thường người ta thiết kế lane (làn xe) bên trái trong cùng là làn xe dành cho xe có từ 2 người trở lên đi, gọi là Car pool với biểu tượng là cái hình thoi màu trắng.

Ai đó đã ví von rằng đến Mỹ mà chưa một lần đi xe trên freeway thì kể như ... chưa đến Mỹ vậy. Không biết ví von như thế có đúng không, nhưng nếu bạn đến Mỹ mà bạn chưa trải nghiệm được đi xe trên freeway thì chắc chắn bạn sẽ cảm thấy như thiêu thiếu một cái gì đó khi bạn chia tay nước Mỹ.

Chuyện đổ xăng ở Mỹ cũng là chuyện làm cho tôi... ngạc nhiên. Các cây xăng ở Mỹ, hầu như không có nhân viên đứng để đổ xăng cho khách. Tất cả đều tự động. Khi khách muốn đổ xăng thì cho xe vào cây xăng, và sau đó cho card (thẻ) tính tiền vào khe hở được trang bị trên cây xăng, chọn loại xăng mình muốn đổ, đưa ống xăng vào bình xăng trong xe và ấn nút, xăng sẽ tự động đổ theo đúng số tiền mình muốn đổ hoặc đổ đầy bình tùy thích. Khi đủ số lượng hoặc đầy bình, thì công tấc xăng dừng lại và mình sẽ nhận receipt (biên nhận) tự động từ trong cây xăng nhả ra đúng với số tiền xăng mà mình muốn đổ và có ghi số Gallon cụ thể của nó (Ở Mỹ người ta tính theo gallon chứ không theo lít như ở Việt Nam: 1 gallon Mỹ tương đương 3, 8 lít, khác với gallon Anh tương đương 4, 6 lít). Rất chính xác! Nếu bạn có dịp vào đổ xăng ở hệ thống các cửa hàng bán sỉ Costco ở Mỹ, bạn sẽ rất ngạc nhiên khi thấy lúc nào xe hơi cũng nườm nượp xếp hàng chờ để đổ xăng không ngớt. Vì xăng ở Costco chỉ dành cho những ai mua thẻ thành viên của nó và xăng ở đây bán sỉ nên giá rẻ hơn các cây xăng bên ngoài nhiều.

Chuyện mua sắm ở Mỹ cũng vô cùng ... lạ. Khi bạn mua một số món hàng nào đó về, nhưng nếu sau một thời gian bạn dùng rồi mà thấy không thích, bạn có thể đem trả lại để mua cái khác, hoặc đổi một cái khác thích hợp hơn, mà bạn không phải bị trừ tiền chi cả. Có cửa hàng hay siêu thị cho bạn thời gian trả lại lên đến ... 90 ngày lận. Một điều mà ở Việt Nam mình hoặc ở nhiều nước khác có nằm mơ cũng không thấy. Hầu như ở cửa hàng hay siêu thị nào ở Mỹ cũng đều có quầy trả hàng ngay trước mặt tiền để khách dễ thấy và thuận tiện khi trả đồ.

Ở hệ thống siêu thị Costco, còn có một dịch vụ thú vị, độc đáo khác mà ở các siêu thị hay cửa hàng khác không có, đó là người ta thường hay có những quầy phục vụ đồ ăn cho khách mua hàng ăn thử miễn phí hoàn toàn trước khi quyết định mua món thức ăn đó cho mình. Khách hàng nào cũng có thể ăn thử được cả, dù có mua hay không. Nếu bạn đang đi mua đồ ở Costco, mà lỡ đói bụng, bạn chỉ cần đi dạo quanh một vòng các quầy phục vụ đồ ăn thử nầy, và mỗi quầy chỉ cần ăn thử một miếng thôi là cũng đủ để bạn ... no qua một bữa rồi. Thật đúng là một điều lạ nữa mà chỉ có ở ... xứ Mỹ hào phóng nầy mới có mà thôi! Có lần, tôi dẫn mấy người bạn là Mục sư từ Việt Nam sang thăm nước Mỹ và ghé thăm chúng tôi, đi dạo mua đồ ở Costco, tôi giới thiệu với họ về dịch vụ nầy, họ thích thú đến... không tin được, dù đó là sự thật!

Văn hóa tiền tip (tiền bồi dưỡng cho người phục vụ) cũng là điều làm tôi ... ngạc nhiên không kém khi ở đất Mỹ nầy.

Ở Mỹ, khi bạn đi ăn hay đi sửa xe, rửa xe mà có nhân viên phục vụ, thì sau khi xong công việc, bạn phải có tiền típ cho người phục vụ, thông thường là từ 10% - 20% tùy theo chất lượng phục vụ của nhân viên. Nói chung là bạn phải có tiền bồi dưỡng cho người đã phục vụ mình. Khi mới qua Mỹ, thú thật, tôi chưa có thói quen nầy, và nhiều khi cảm thấy ... bực mình khi phải cho tiền típ. Nhưng đến nay, thì khác, khi đi ăn hay làm gì đó mà không cho tiền típ người phục vụ là ... không chịu được.

Vừa rồi, có vợ chồng đứa cháu con bà chị vợ từ tiểu bang khác đến thăm chúng tôi. Chúng nó mời gia đình chúng tôi đi ăn ở một Nhà hàng Việt Nam khá ngon tại thành phố Garden Grove. Sau khi ăn xong, trả tiền, chúng tôi thấy đứa cháu vợ rút ra tờ $20 để trong khay đựng tiền trên bàn làm tiền típ mà chúng tôi ... ngạc nhiên về cách típ ... quá hào phóng của nó. Tôi thầm nghĩ trong bụng nhà hàng nào mà mỗi ngày gặp chừng chục người khách như vợ chồng đứa cháu nầy thì nhân viên phục vụ ... ấm lòng biết bao!

Hồi mới qua Mỹ, tôi cũng có lúc phải đi làm nhân viên phục vụ tại một tiệm Phở để kiếm thêm chút tiền cho việc học. Tôi nhớ là tôi rất vui khi mỗi cuối ngày chủ tiệm chia đều tiền típ và gởi cho từng nhân viên, và số tiền ấy cũng kha khá đối với tôi. Và cứ mỗi ngày đi làm, tôi trông cho đến hết ngày và háo hức để được nhận tiền típ từ tay chủ tiệm. Cho nên, sau nầy, khi đi ăn ở tiệm, mỗi khi cho tiền típ, tôi đều nhớ đến cảm giác vui mừng khi xưa mỗi khi mình được nhận tiền típ mà cố gắng cho tiền típ kha khá cho người phục vụ, nếu mình có thể.

Văn hóa tiền típ cũng hay đó chứ. Nghe đâu văn hóa tiền típ có nguồn gốc từ nước Anh và bắt đầu từ thế kỷ thứ 16 lận và rồi lan sang nhiều nước khác , trong đó có Mỹ. Và cũng nghe nói người Mỹ là người cho tiền típ ... hậu hĩ nhất thế giới. Có thể nói đó là một nét văn hóa đáng duy trì, vì nó thể hiện sự quan tâm đến người đã phục vụ mình.

Khi ở Việt Nam, mỗi khi tham gia giao thông trên đường, một điều mà ai cũng xem là thường và mọi người cũng thường làm như thế mỗi khi lái xe nữa, ấy là ... bóp còi. Ai cũng có thể bóp còi xe, cho nên tiếng còi cứ kêu inh ỏi lên, đinh cả tai, nhức cả óc, vì ai cũng muốn được đi trước, không muốn nhường đường cho ai cả. Nhưng ở Mỹ thì khác, hoàn toàn khác, hầu như không ai bóp còi khi đi xe cả, chỉ trừ khi ai đó lái xe sai luật, lấn đường sai luật, thì người ta mới bóp còi để... cảnh cáo người ấy thôi. Xe chạy hằng hà sa số trên đường, nhưng không hề nghe lấy một tiếng còi. Thật cũng là điều đáng ... ngạc nhiên và đáng nể đó chứ!

Đó là một số điều mà tôi được tận mắt chứng kiến và trải nghiệm ở Mỹ. Và những điều đó làm cho tôi ... ngạc nhiên về nước Mỹ. Tôi tự hỏi, không biết cái tên Mỹ là ai đặt cho mà lại đúng cho nó đến thế. Nước Mỹ về hình dáng thì thật đẹp, giống như ... còn bò sữa mập mạp, đáng yêu vô cùng, và thật là một xứ “đượm sữa và mật”. Nước Mỹ luôn luôn là nước dẫn đầu thế giới về tinh thần từ thiện, ban cho khi ở đâu đó trên thế giới có những điều bất hạnh xảy ra, cần sự cứu giúp của người khác. Nước Mỹ về con người thì cũng đẹp như tên gọi của nó. Người Mỹ rất thân thiện, rất gần gũi và rất hiếu khách. Gặp bất kỳ người Mỹ nào, dù quen hay lạ, bạn cũng dễ dàng nghe họ chào hỏi mình như đã thân quen từ lâu như “Hi”, “Hello”, “How are you?” (Xin chào, bạn khỏe không?).

Xin cảm ơn Hợp chúng quốc Hoa Kỳ (Hợp chúng (chúng là nhiều) là nhiều tiểu bang hợp lại, chứ không phải là Hợp chủng, là nhiều chủng tộc hợp lại như lâu nay người ta thường nhầm lẫn), xin cảm ơn nước Mỹ, và xin cảm ơn người Mỹ đã cho tôi có được những trải nghiệm thú vị như thế ở xứ sở cờ hoa nầy, dù tôi chỉ mới ở Mỹ chưa đầy bốn năm qua!

Còn chuyện nầy nữa mà tôi thấy cũng thú vị khi ở Mỹ mà không thể không nhắc đến ở đây.

Ở Mỹ thì tiêu tiền Mỹ là chuyện đương nhiên. Dollar là đồng tiền của Mỹ và là đồng tiền được yêu chuộng và phổ biến rộng rãi nhất trên thế giới. Khi còn ở Việt Nam, thi thoảng, những anh em, bạn bè cùng trong chức vụ hoặc những con cái Chúa quen biết đang sinh sống ở Mỹ cũng có lòng thương mà gởi dollar về làm quà cho mỗi dịp Giáng sinh hoặc năm mới. Và mỗi lần nhận được quà dollar từ Mỹ thì khỏi phải nói cũng biết là vui đến cỡ nào rồi. Nếu dịp nào mà quà nhận được từ $100 đến $150 hay $200 thì cả gia đình mừng như ... được vàng, vì bằng cả tháng lương của một người hầu việc Chúa ở một Hội thánh nhỏ ở miền quê như chúng tôi. Nhân tiện đây, một lần nữa, xin cảm ơn những anh em, bạn bè, những đồng lao, những con cái Chúa ở Mỹ trước đây đã có lòng thương nghĩ đến chức vụ của chúng tôi khi còn hầu việc Chúa ở Việt Nam. Xin Chúa ban phước lại cách bội phần hơn cho hết thảy mỗi một ông bà anh chị em.

Khi qua Mỹ thì tiếp xúc với đồng dollar được thường xuyên hơn, và tôi lại ... nhớ đến những anh em đang hầu việc Chúa tại quê nhà. Và mong ước xin Chúa cho tương lai mình có được cuộc sống ổn định, thì sẽ dành dụm gởi ... dollar về làm quà cho các anh em hầu việc Chúa đồng lao tại quê nhà đang còn nhiều vất vả, khó khăn trong chức vụ. Mấy năm qua, nhờ ơn Chúa, tôi có bày tỏ với một số quý tôi, con Chúa nơi vùng chúng tôi đang sống, kêu gọi họ dự phần dâng hiến với chúng tôi để làm quà Giáng sinh cho các Mục sư tư gia tại vùng Quảng Nam quê tôi. Tạ ơn Chúa, khi đến dự buổi gặp mặt Giáng sinh thường niên tại một Hội thánh và sau bữa ăn thông công mừng Chúa Giáng sinh với nhau, mỗi người nhận được món quà Giáng sinh tuy nhỏ nhưng đầy ý nghĩa nầy, các tôi tớ Chúa ai nấy đều rất vui và được khích lệ thật nhiều trong chức vụ.

Tôi đang cầu nguyện để Chúa mở đường cho “Chương trình Quà Giáng sinh năm 2019” tới sẽ được thực hiện tốt hơn, và phần quà sẽ được khá hơn. Tại vùng Quảng Nam, hiện có chừng gần bốn chục Mục sư, Truyền đạo, Nữ Truyền giáo đang phục vụ Chúa tại các Hội thánh tư gia lớn, nhỏ trong nhiều hệ phái khác nhau. Tôi đang cầu nguyện trong tương lai, xin Chúa cho chúng tôi sẽ có đủ khả năng để thực hiện “Chương trình Quà Giáng sinh” nầy hằng năm. Bây giờ, thì chúng tôi chưa có khả năng để có thể làm được điều nầy một mình, nên rất cần sự góp tay của các tôi, con Chúa gần xa có lòng nghĩ đến những tôi tớ Chúa các Hội thánh tư gia tại vùng đất Quảng Nam-cái nôi của đạo Tin Lành ở Việt Nam.

Rất mong sự góp tay dự phần của quý vị cho “Chương trình Quà Giáng sinh năm 2019” tới.

Mỗi khi cầm tờ dollar trên tay, tôi luôn chú ý đến một dòng chữ đặc biệt được in trên đó. Đó là dòng chữ “In God we trust” (nghĩa là “Chúng tôi tin thác vào Chúa”hay “Chúng tôi tin cậy Chúa”. Hầu như bất cứ tờ dollar nào cũng đều được in dòng chữ đặc biệt ấy cả, từ tiền xu bằng kim loại cho đến tiền giấy, từ đồng 1 dollar cho đến đồng 100 dollars.

Theo chỗ tôi tìm hiểu và được biết dòng chữ “In God we trust” được bắt nguồn từ bài thơ “Lá cờ sao lấp lánh” của luật sư Francis Scott Key. Ông viết bài thơ nầy như là lời kều cầu với Đức Chúa Trời để giúp cho dân tộc ông trong cuộc chiến với quân Anh. Ông viết như sau:

“Hãy cùng ca tụng quyền lực nào đã làm nên và bảo toàn Tổ quốc ta! Chiến thắng rồi sẽ đến với những ai mang lý tưởng của sự công bình. Hãy lấy điều này mà làm tiêu ngữ, ‘Chúng ta tin Chúa’!”

Và được nhà soạn nhạc John Stafford Smith phổ nhạc. Đến năm 1931, nó đã chính thức trở thành Quốc ca của đất nước Hoa Kỳ.

Vào ngày 20.11.1861, Bộ Trưởng Nội Vụ Hoa Kỳ, ông Chase đã gởi văn thư chính thức đến Tổng Giám Đốc Sở Đúc Tiền, là ông James Pollock, có những lời như sau:

“Kính thưa ông Tổng Giám Đốc,

Không quốc gia nào có thể vững mạnh, trừ khi được núp dưới sức mạnh của Thiên Chúa. Không quốc gia nào có thể an ninh trừ khi được Thượng Đế che chở. Sự tin cậy của toàn dân vào Thiên Chúa cần phải được thể hiện trên đồng tiền của quốc gia chúng ta.

Mong ông đừng chậm trễ tìm kiếm một khẩu hiệu thật ngắn gọn và súc tích, để in trên các đồng tiền, hầu thể hiện cho niềm tin của quốc gia chúng ta.”

Và rồi vào năm 1864, Quốc hội Mỹ đã cho phép khắc dòng chữ đặc biệt “In God we trust” này trên đồng hai xu sau khi có rất nhiều người dân từ các nơi đưa ra đề nghị. Và người đi đầu trong nỗ lực này chính là Mục sư M. R. Watkinson ở Pennsylvania.

Đó là nguồn gốc của dòng chữ đặc biệt “In God we trust” trên tất cả các đồng tiền dollar của Hoa Kỳ.

Có thể nói rằng, Hoa Kỳ là quốc gia duy nhất trên thế giới mà trên đồng tiền của mình có in một dòng chữ đặc biệt thể hiện niềm tin của dân tộc vào Đức Chúa Trời như thế.

Phải chăng đất nước Mỹ luôn giữ được vị trí là quốc gia hùng mạnh số một thế giới trong suốt bao nhiêu năm qua là nhờ vào lòng tin của dân tộc họ nơi Đức Chúa Trời?

Hầu như các Tổng Thống Mỹ đều đặt tay lên Kinh Thánh để tuyên thệ khi nhậm chức Tổng Thống để điều hành, lãnh đạo đất nước. Tổng Thống đầu tiên là George Washington đã nói, “Không thể nào cai trị thế giới cách đúng đắn mà không có Đức Chúa Trời và Kinh Thánh.”

Vào tháng 3. 1863, Tổng Thống Abraham Lincoln đã tuyên bố lập một ngày cầu nguyện cho cả nước Mỹ và ngày nầy được duy trì hằng năm cho đến tận ngày nay. Đây là ngày toàn dân cầu Trời theo chỉ dẫn của Kinh Thánh.

Cuối mỗi bài Diễn Văn Liên Bang hằng năm, Tổng Thống Mỹ luôn kết thúc bài diễn văn bằng câu “God bless America!” (Cầu xin Chúa ban phước cho đất nước Mỹ).

Đương kim Tổng thống Donald Trump đã có lần nhấn mạnh về niềm tin nơi Đức Chúa Trời và quyền con người như sau:

“Kể từ ngày ký Tuyên ngôn Độc lập vào 241 năm trước, nước Mỹ luôn luôn khẳng định rằng quyền tự do đến từ Đức Sáng Thế của chúng ta. Các quyền lợi của chúng ta là do Đức Sáng Thế ban tặng, không lực lượng nào trên Trái Đất có thể tước bỏ những quyền lợi đó.”

Người ta nói nước Mỹ là một nước tin thờ Trời, điều đó quả không sai. Có chừng gần 80% dân số Mỹ nhận mình là người tin thờ Đức Chúa Trời. Đến Mỹ đi bất cứ nơi đâu, bạn cũng có thể dễ dàng nhìn thấy nhà thờ mọc lên ở khắp nơi để người ta đi thờ phượng Chúa mỗi ngày Chúa nhật. Nhà thờ cũng là nơi thường xuyên làm công tác thiện nguyện như tặng thức ăn, đồ uống cho những người nghèo trong khu vực. Có nhiều những cây thập tự được lắp đặt trên những ngọn đồi cao và bắt điện để về đêm tỏa sáng rực cả một vùng trời thật đẹp.

Đó cũng là điều rất ấn tượng mà nước Mỹ có được.

Thật tuyệt vời khi biết được những điều như thế về đất nước Mỹ xinh đẹp!

Tôi luôn cầu nguyện cho đất nước Mỹ, nơi mà tôi đang sinh sống và học tập để Đức Chúa Trời tiếp tục ban phước cho đất nước nầy như Ngài đã từng ban phước cho họ trong suốt những năm tháng đã qua.

Tôi cũng không quên cầu nguyện cho quê hương, đất nước Việt Nam thân yêu của tôi. Xin Chúa thương xót và ban phước cho dân tộc Việt Nam ngày càng có nhiều người biết tin thờ Trời như người Mỹ; những người lãnh đạo đất nước biết kính sợ Đức Chúa Trời như những Tổng Thống Mỹ (không còn vô thần nữa) và người dân được hưởng đầy đủ những quyền tự do mà Đức Chúa Trời đã ban cho con người như người dân Mỹ đã từng được hưởng, thì chắc chắn Việt Nam của tôi sẽ ... thăng hoa trong một ngày không xa thôi.

Lạy Chúa, xin thương xót và ban phước cho dân tộc Việt Nam của chúng con, và cũng xin đoái đến và ban phước cho vùng đất Quảng Nam, quê hương yêu dấu của chúng con nữa! A men.

Tôi có mong ước trong lòng và cầu nguyện với Chúa là trong tương lai, nếu Chúa cho có cơ hội và điều kiện là tôi sẽ đi thăm hết tất cả 50 tiểu bang của nước Mỹ xinh đẹp để được diện kiến những cảnh đẹp tuyệt vời mà Tạo Hóa đã ban tặng cho xứ sở cờ hoa, và có thêm được nhiều trải nghiệm tuyệt vời khác về vùng đất của tự do và của ước mơ nầy.

Lạy Chúa, xin cho con có thể thực hiện được điều mong ước đó trong tương lai, theo thời điểm của Chúa dành cho con!

Nhân nói chuyện về những trải nghiệm thú vị về nước Mỹ, tôi cũng không thể nào quên được một người anh em đồng lao với chúng tôi hiện đang hầu việc Chúa ở Sài Gòn trong công tác giáo dục Cơ-đốc. Chính nhờ người anh em nầy mà tôi mới có dịp được qua Mỹ du học vào năm 2015. Nếu không thì có lẽ tôi chẳng bao giờ dám mơ rằng một ngày nào đó tôi sẽ đi du học ở Mỹ đâu.

Số là anh ta rủ tôi đi Mỹ cùng học thêm lời Chúa với anh để có thể hầu việc Chúa được tốt hơn trong tương lai. Anh chọn trường và rủ tôi cùng làm hồ sơ, chuẩn bị tiền để đi phỏng vấn. Tôi tin tưởng anh, vì anh em chơi với nhau đã lâu, từ khi còn cùng nhau ... dại dột làm tờ báo “Thông Công” hồi những năm 90 lâu hoắc của thế kỷ trước để nâng đỡ đức tin của các tôi con Chúa khắp Việt Nam, trước khi Nhà nước công nhận pháp nhân để sinh hoạt đạo cho các tôn giáo, nên anh em hiểu nhau nhiều.

Đến ngày phỏng vấn, tôi được đậu, còn anh thì ... rớt. Sự đời thật ... oái oăm. Tôi buồn muốn khóc. Anh rớt thì mình tôi, tôi cũng không còn động lực để đi Mỹ du học nữa.

Thế rồi, tôi cầu nguyện và xin ý Chúa cho việc hệ trọng nầy. Rồi nhiều người thân cũng góp ý là nên đi, vì không dễ gì có cơ hội để được vào Mỹ du học đâu. Nhiều người muốn mà không được, trong khi Mục sư đã phỏng vấn đậu mà lại không đi, uổng lắm. Có mấy người lại sẵn sàng cho mượn tiền, không tính lời và hứa không đòi, khi nào có thì trả, để tôi yên tâm lên đường nữa.

Vậy là, năm 2015, tôi ... đánh liều quyết định lên đường đi du học, dù tuổi cũng đã ... 54 cái xuân xanh rồi. Cả Hội thánh và những người thân yêu đến mấy chục người cùng ra đến sân bay Đà Nẵng tiễn chúng tôi đi thật cảm động. Tôi không bao giờ quên được chuyến đưa tiễn đầy tình yêu thương ấy.

Phần anh bạn của tôi, sau lần phỏng vấn rớt đó, anh tiếp tục phỏng vấn nữa, và lại tiếp tục ... rớt, nên anh quyết định từ bỏ mộng đi du học Mỹ và ở lại để làm công tác Giáo dục Cơ-đốc, đạo tạo người hầu việc Chúa cho Hội thánh của Ngài. Và Chúa đã cho anh làm thật tốt công việc nầy. Nghe tin về kết quả công việc Chúa cho anh đang làm tại Sài Gòn, tôi thật mừng và thầm tạ ơn Chúa.

Cả anh và tôi sau nầy mới nghiệm ra rằng, Chúa có lý do để cho anh không đi Mỹ và ở lại Việt Nam, dù lòng anh rất muốn. Lúc đầu, có thể cả anh và tôi đều có phần nào đó... phiền trách Chúa tại sao không cho chúng tôi được đi du học chung với nhau cho có anh, có em, có bạn, có bè để cùng giúp đỡ nhau? Còn tôi, tôi cũng tin rằng, Chúa có chương trình của Ngài cho đời sống của tôi, nên cho tôi qua Mỹ để học thêm lời Chúa trong thời gian qua. Ngài chẳng những cho tôi qua Mỹ, mà còn cho cả nhà tôi và con trai út của tôi cũng phỏng vấn được đậu cách dễ dàng và cùng qua Mỹ để giúp đỡ tôi trong việc học lời Chúa những năm qua nữa.

Chúa thật tốt lành và luôn luôn tốt lành với tôi cũng như với người anh em đồng lao yêu dấu của tôi tại Sài Gòn. Dù nhiều khi chúng tôi không biết được điều đó và dại dột ... oán trách Chúa.

Cảm tạ Chúa thật nhiều về những điều tốt đẹp mà Ngài ban cho tôi cũng như cho người anh em đồng lao yêu dấu của tôi.

Cũng nhờ những lời ... dụ dỗ đi du học Mỹ của người anh em yêu dấu ấy mà ngày hôm nay chúng tôi mới được ở Mỹ, được học thêm lời Chúa tại đây và được trải nghiệm những điều tuyệt vời ở tại xứ sở tuyệt vời nầy.

Cảm ơn người anh em yêu dấu của tôi nhiều thật là nhiều nơi đây.

Hỡi anh bạn đồng lao yêu dấu của tôi ở Sài Gòn ơi, xin Chúa cho anh em mình sẽ cứ tiếp tục yêu thương nhau và cộng tác hầu việc Chúa với nhau như đã từng yêu thương và cộng tác hầu việc Chúa trong nhiều năm tháng đã qua nhé.

Hy vọng một ngày nào đó trong tương lai đến thời điểm tốt đẹp của Ngài, Ngài sẽ cho người anh em yêu dấu qua Mỹ thăm tôi và rồi chúng tôi sẽ dẫn anh đi thăm đây đó trên đất Mỹ để anh cũng có thể trải nghiệm được những điều tuyệt vời ở nước Mỹ như chúng tôi đã được trải nghiệm và ghi lại trong bài viết nầy.

Mong sẽ được đón tiếp người anh em yêu dấu của tôi tại xứ sở cờ hoa xinh đẹp nầy trong một ngày đẹp trời gần đây trong tương lai. Mong lắm thay!

Viết đến đây tự nhiên tôi nhớ đến mấy câu Kinh Thánh như sau:

Xin CHÚA ban cho ngươi điều lòng ngươi mơ ước. Và hoàn thành mọi kế hoạch của ngươi.” (Thánh Thi 20: 4)

Ngài ban cho người điều lòng người ao ước. Ngài không từ chối điều miệng người cầu xin.” (Thánh Thi 21: 2)

Hãy vui mừng trong CHÚA. Ngài sẽ ban cho ngươi điều lòng mình mong muốn.” (Thánh-Thi 37: 4)

Cảm tạ Đức Chúa Trời vì tặng phẩm không sao tả xiết của Ngài.” (II Cô-rinh-tô 9: 15)

Vâng, Chúa sẽ ban cho những điều mà lòng tôi đang mong muốn.

Tôi đang chờ đợi những điều kỳ diệu Chúa sẽ làm cho chúng tôi trong tương lai.

Nguyện Chúa làm điều đẹp ý Ngài. A men!

Vậy là một năm mới nữa lại đến với tôi tại xứ sở cờ hoa xinh đẹp-Hợp chúng quốc Hoa Kỳ!

Và cũng có nghĩa là lại tiếp tục một mùa Xuân mới nữa xa quê nhà yêu dấu, vùng đất Quảng Nam đầy yêu thương của tôi và đất nước Việt Nam thân yêu của tôi.

Lại một mùa Xuân nữa ... tha hương-Mùa Xuân thứ năm xa Quảng Nam và xa Việt Nam!

Càng xa quê hương lâu thì nhớ thương càng chất ngất, đong đầy và ngày nào đó được về thăm lại quê hương chắc là nhiều cảm xúc lắm lắm đây!

Hãy đợi đấy, quê hương yêu dấu của tôi!

Trước thềm năm mới 2019

-Mục sư Nguyễn - Đình - Liễu-

(*): Những câu Kinh Thánh trích dẫn trong bài viết là từ Kinh Thánh Bản Dịch Mới (BDM).