Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 88

Mùa Xuân, Nói Chuyện... Quê Hương

Một trong những đề tài mà người ta không thể nào không nhắc đến mỗi khi Xuân về, Tết đến, ấy là đề tài về Quê hương, đề tài về Quê nhà yêu dấu của mỗi một người trong chúng ta.

Mỗi một người trong chúng ta ai cũng có một quê hương để nhớ về, để yêu thương và để ... hãnh diện với mọi người. Bạn cũng thế và tôi cũng vậy.

Ngày Xuân nói chuyện về quê hương là không chi bằng và không ai là không thích thú phải không bạn?

Nhà văn Nam Bộ nổi tiếng Sơn Nam có câu thơ tuyệt hay về quê hương đã để lại trong tôi một hình ảnh khó quên: “Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê.

Bạn có nhớ ... đất quê hương không, nhất là vào mỗi dịp năm mới, và nhất là mỗi khi sống ... tha hương?

Nếu bạn là người Việt Nam thì dù cho bạn ở nơi nào trên đất nước hình chữ S thân yêu đi nữa hoặc là bạn đang làm người ... lữ thứ ở tận bất cứ nơi chân trời góc biển nào trên hành tinh nầy, thì tôi và bạn đều có cùng quê Mẹ Việt Nam, vì tôi cũng là người Việt Nam như bạn. Ai đó đã nói rất hay rằng: “Có thể tách con người ra khỏi quê hương; nhung không ai có thể tách quê hương ra khỏi con người.

Bạn quê ở miền nào trên đất nước Việt Nam? Miền Bắc, miền Trung hay miền Nam? Người Việt Nam mình thường hay chia nhau ra ba miền như thế cho dễ hiểu khi hỏi về quê hương của nhau. Muốn cụ thể hơn, thì sẽ hỏi bạn ở Tỉnh nào vậy?

Tôi không biết bạn ở Tỉnh nào, nhưng tôi thì ở Tỉnh Quảng Nam, nói theo đúng giọng quê tôi thì tôi ở Tỉnh Quảng ... Nôm. Nếu bạn ở Tỉnh Quảng ... Nôm thì tôi và bạn là ... đồng hương. Nếu bạn ở Tỉnh khác hoặc đang ở... nước khác, thì tôi và bạn vẫn là ... đồng quốc với nhau, cùng là người Việt Nam máu đỏ da vàng với nhau phải không bạn?

Chúng ta là người Việt Nam.

Nơi tôi sinh ra ở Quảng Nam đó chính là Thôn Tú Ngọc, Xã Bình Tú, thuộc Huyện Thăng Bình, cái Huyện nằm ở ngay chính giữa Quảng Nam, và nằm ở hai bên Quốc lộ 1 (còn gọi là Quốc lộ 1A), một con đường huyết mạch dài hơn 2300 km chạy gần như xuyên suốt dọc dài dãi đất hình chữ S đáng yêu. Với tôi, những cái tên Tú Ngọc, Bình Tú rất đỗi thân thương trong tâm hồn, vì đó là nơi tôi... chôn nhau, cắt rốn. Mỗi khi có ai nhắc đến những cái tên đẹp đẽ đó là tôi đều cảm thấy một niềm vui rộn rã dâng lên trong lòng và một niềm sung sướng đến lạ hiện hữu trong tôi.

Các nhà văn, nhà thơ thường hay lấy tên nơi mình sinh ra để làm bút hiệu. Đó cũng là cách ... yêu quê hương vậy. Tôi chưa phải là nhà văn, cũng chẳng phải là nhà thơ, tôi chỉ là người yêu văn chương, thơ phú và ... liều lĩnh tập tành viết văn, làm thơ để bày tỏ tấm lòng của mình trong đó với bạn bè và người thân thôi. Nhưng tôi cũng bắt chước các nhà văn, nhà thơ, tôi lấy tên nơi tôi ... chôn nhau cắt rốn để làm một bút hiệu cho mình. Đó là Bình Tú Ngọc. Tôi thích cái bút hiệu nầy, vì nó nhắc tôi nhớ đến nơi tôi sinh ra và lớn lên!

Nếu bạn muốn đến thăm quê tôi: Tú Ngọc, Bình Tú, thì bạn chỉ cần đi xe đò, hoặc xe máy trên quốc lộ 1A từ Hà Nội vào hoặc từ Sài Gòn ra, hướng nào cũng được, đến ngã tư Ngọc Phô (cột cây số 975), hoặc đến ngã tư Cẩm Lũ (cột cây số 977) là bạn xuống xe (nếu đi xe đò) và rẽ phải (nếu từ Hà Nội vào), và rẽ trái (nếu từ Sài Gòn ra) là bạn đang trên đường đến nơi... chôn nhau cắt rốn của tôi đó. Bạn đi chừng 1km (độ nửa dặm) là đến.

Mời bạn nhé! Welcome you!

Giờ ở xa quê, sống nơi đất khách quê người, tôi thường hay nhớ về quê nhà với cả tấm lòng yêu thương da diết, nhất là mỗi khi Xuân về Tết đến như thế nầy. Những địa danh rất quen thuộc như hiện lên trước mặt như Tú Ngọc, Bình Tú, ngã tư Cẩm Lũ, ngã tư Ngọc Phô, ngã ba Cây Cốc, ngã tư Hà Lam... Những địa danh nầy ... thường lắm đối với tôi khi còn ở quê nhà, nhưng nay đi xa, thật xa, tự nhiên nó lại trở nên đáng yêu quá chừng quá đổi trong tôi. Thật đúng như nhà thơ tài hoa Đỗ Trung Quân đã viết: “Quê hương nếu ai không nhớ... Sẽ không lớn nổi thành người.

Khi có ai đó ... phân tích về cái tên Huyện Thăng Bình của tôi là anh ở cái Huyện có cái tên nghe ... đã mà không đã. Tôi hỏi tại sao thế? Người ta thường hay nói Huyện anh... đã lúc đầu là ... Thăng (nghĩa là lên), còn sau đó không ... đã là vì... Bình (đứng lại, không lên cao được nữa). Tôi không đồng ý cách hiểu như thế (dù đó cũng là ... một cách hiểu). Tôi thích hiểu nghĩa khác về tên Huyện Thăng Bình của tôi, ấy là nghĩa tên Huyện tôi lúc đầu nghe ... đã và lúc sau nghe càng ... đã hơn. Đó là lúc đầu là Thăng (tiến lên) và sau là Bình (tức bình an). “Tiến lên trong bình an” mà không ... đã từ đầu đến cuối sao được cơ chứ? Tôi không biết là cách hiểu của tôi như thế về tên Huyện Thăng Bình của tôi có đúng với ... sử sách và cách hiểu ... hàn lâm hay không, nhưng tôi thích nhiều người cũng có cách hiểu như thế về tên Huyện của tôi. Hiểu cách khác, tôi ... buồn năm phút đó.

Quảng Nam quê tôi là một vùng đất khắt nghiệt với nắng mưa. Nắng nóng thì khỏi nói, còn mưa lụt, gió lạnh thì cũng khỏi chê luôn. Với một thời tiết khá khắt nghiệt như thế, nên vùng đất Quảng Nam có thể nói là vùng đất ... nghèo, vì làm gì cũng khó, chứ không phải người dân quê tôi không biết làm ăn. Và cũng chính vì vậy mà rất nhiều người dân quê tôi phải ... di cư vào Sài Gòn để làm ăn, kiếm tiền và gởi về lo cho gia đình. Nhiều bạn trẻ sau khi tốt nghiệp Tú Tài cũng thi vào các Trường Đại Học ở Sài Gòn để rồi sau đó ra trường tìm việc làm luôn tại đó, hầu mong ... đổi đời và có tiền bạc gởi về lo cho gia đình. Chính vì vậy mà ở quê tôi, thường sau khi xong mùa vụ rồi, thì chỉ còn lại ... người già với trẻ em thôi, và chờ đến Tết Ta (tức Tết Âm lịch), quê tôi mới... đông người, mới nhộn nhịp ... quần là áo lượt (những người tha phương cầu thực trở về quê ăn Tết, đoàn tự với gia đình). Để rồi sau dăm ba ngày Tết lại ... vắng tanh.

Mỗi khi nói đến xứ Quảng quê tôi, tôi thường hay nhớ đến đây là vùng đất của... văn chương thơ phú. Tôi nhớ đến những con người nổi tiếng về văn chương, báo chí như Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng, Tiểu La, như Phan Khôi (người có công lớn với người Tin Lành ấy là ông đã góp phần dịch Kinh Thánh của người Tin Lành ra Việt ngữ), Bùi Giáng, Tường Linh, Luân Hoán, như Lê Minh Quốc, như Nguyễn Nhật Ánh... Và những nhà văn, nhà thơ Cơ-đốc như Phan Đình Liệu, Ông Văn Huyên, Lưu Tụy, Lưu Văn Mão (Nam Sơn), Tường Lưu, Thanh Hữu, Đinh Thống, Hồ Thi, Nguyễn Văn Huệ...

Một trong những nhà thơ đã có những vần thơ viết về quê hương Quảng Nam thật đặc sắc mà tôi nhớ mãi và thường hay đọc lên mỗi khi nhớ về quê nhà, đó chính là nhà thơ Tường Linh. Tôi tin cũng có nhiều người thuộc những vần thơ đáng yêu nầy của thi sĩ nữa. Đó là bài thơ “Hai miền thương” như sau:

Quê hương tôi bên ni đèo Ải
Nhấp nhô bóng thuyền cửa Đại
Già nua nếp phố Hội An
Ngũ Hành Sơn năm cụm ngắm sông Hàn
Chùa Non Nước trầm tư hương khói quyện
Đêm Đà Nẵng vọng buồn con sóng biển
Bún chợ Chùa, thương nước mắm Nam Ô
Tôi muốn về Trung Phước giữa mùa ngô
Thăm quê ngoại Đại Bình cam đỏ ối
Sáng Duy Xuyên, tơ vàng giăng nghẽn lối
Chiều Điện Bàn, xe đạp nước thay mưa
Sông Thu chẳng thiếu đò đưa
Ngọt khoai Tiên Đoã, mát dừa Kiến Tân
Quế Sơn núi liếp mấy vần
Thương lòn bon Đại Lộc, nhớ rượu cần Trà My
Trăm người đi, vạn người đi
Đưa chân tám hướng còn ghi vết đời
Thuỷ triều sông Cửu đầy vơi
Nước tìm biển cả, tình người tìm nhau
Hai miền thương, một nhịp cầu
Ga xưa còn nhớ con tàu viễn phương

Hầu như xuất hiện gần như đủ những địa danh đáng nhớ ở quê tôi trong bài thơ. Từ đèo Hải Vân hùng vỹ, đến bờ biển Cửa Đại xôn xao; từ phố cổ Hội An trầm mặc đến núi Ngũ Hành thơ mộng; từ Sông Hàn đáng yêu đến Non Nước hữu tình; từ bún Chợ Chùa nổi tiếng đến nước mắm Nam Ô thơm lừng; từ miền trung du Trung Phước hữu tình với ngô thơm ngon đến vùng trái cây Đại Bình trĩu quả; từ vùng dệt nổi tiếng Duy Xuyên đến Điện Bàn trù phú một màu xanh; từ sông Thu Bồn vàng ánh phù sa đến vùng núi Quế Sơn nhiều anh tài; từ khoai lang Trà Đóa thơm bùi nhất hạng đến xứ dừa Kiến Tân nước mát lạnh khó quên; từ lòn bon thơm ngon Đại Lộc đến rượu cần ngây ngất của vùng núi nổi tiếng Trà My thơm hương quế. Chỉ cần nghe thôi là bạn cũng đã thấy ... thích, thấy ... yêu quê tôi rồi, đúng không bạn? Cảm ơn ông Trời đã cho thi sĩ Tường Linh viết được những vần thơ đẹp và đáng yêu, đáng nhớ như thế về quê hương đất Quảng.

Theo tôi, chưa có ai lột tả được hết những đặc điểm của quê hương Quảng Nam tôi như nhà thơ tài danh nầy đã lột tả. Lần đầu tiên bắt gặp bài thơ nầy là tôi... mê ngay và vì mê, nên tôi học thuộc lòng nó tự khi nào không biết nữa. Đến bây giờ, khi gặp ai hỏi về quê hương tôi, tôi thường hay ... tranh thủ quảng bá với họ về quê hương mình bằng cách đọc cho họ nghe bài thơ nổi tiếng nầy. Không biết có bài thơ nào viết về quê hương Quảng Nam hay hơn bài thơ nầy mà tôi chưa biết hay không? Đến bây giờ, với tôi đây là bài thơ viết về vùng “đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm” của tôi hay nhất và sâu sắc nhất mà tôi từng biết.

Mỗi khi nhớ về quê hương, tôi cũng không thể nào không nhớ đến món ăn đặc sản đậm đà tình nghĩa quê hương, đó chính là món Mì Quảng. Đến Quảng Nam, bạn dễ dàng thấy hàng trăm, nếu không muốn nói là hàng ngàn quán Mì Quảng ở khắp các đường đi cho đến tận những ... hang cùng ngõ hẽm của vùng đất giàu tình người nầy. Vùng Quảng Nam quê tôi có những câu ca dao nói về món ăn nổi tiếng nầy của quê mình như sau: “Ai đi cách trở sơn khê. Nhớ tô mì Quảng tình quê mặn nồng”, hay: “Thương nhau múc bát chè xanh. Làm tô mì Quảng mời anh ăn cùng.”...

Ở vùng Nam California của đất nước Hoa Kỳ, chỗ tôi ở, cũng có những người quê Quảng Nam mở một vài quán bán Mì Quảng để người đồng hương ăn cho đỡ... nhớ quê, chứ thú thật là hương vị không thể nào sánh được với những quán Mì Quảng ở ngay bên quê nhà được. Điều đó cũng không có gì khó hiểu, vì con đất, con nước khác nhau, làm sao hương vị giống nhau cho được.

Nhà thơ, nhà báo Lê Minh Quốc, một người Quảng Nam ... chính hiệu, có ... luận về Mì Quảng như sau: “Trước đây tại xứ Quảng, không ai gọi "mì Quảng" mà chỉ gọi đơn độc mỗi một từ "mì". Theo bước chân của những người dân tha hương đi tứ xứ, để phân biệt với các loại mì khác - như mì Tàu chẳng hạn, người ta gọi cụ thể là mì Quảng và tồn tại cho đến ngày nay...

Trước đó, khi mì Quảng gắn với sông nước lênh đênh thì còn được gọi “mì ghe”, đơn giản là người bán trên ghe phục vụ cho khách đi thuyền trên bến sông nào đó. Các bến đò dọc sông Vu Gia, Thu Bồn... nơi nào cũng có “mì ghe” mãi mãi là nỗi nhớ của những người con xứ Quảng xa quê. Hình ảnh đó đã đi vào ca dao:

Đường về phố Hội còn xa

Trên trăng, dưới nước, còn ta... với mì!

Ngoài ra, người ta còn gọi là “mì gánh” một thời hưng thịnh ở các làng quê. Làm sao quên dược hình ảnh người đàn bà Quảng Nam lam lũ, đi chân đất, đầu đội nón tơi gánh mì cất tiếng rao lanh lảnh... Cũng là gánh đi bán, với người Quảng, ta thấy họ mặc đồ bộ nhưng với người Huế lại mặc áo dài màu lam hoặc gam màu nhạt. Ăn một tô mì Quảng, xong, uống một bát nước chè xanh Tiên Phước thì sướng đến mê tơi:

Thương nhau múc bát chè xanh

Làm tô mì Quảng mời anh xơi cùng!”

Tôi nhớ những quán Mì Quảng tiếng tăm ... lừng lẫy ở quê nhà mà tôi thường ... thưởng thức từ ... đầu quê đến cuối quê, như Mì Bà Tự (Hà Lam), Mì gà gốc 37 (Hương An), Mì Toàn (sát cạnh Nhà thờ Tin Lành Thăng Bình (Bình Tú quê tôi), Mì Tiếng Quý, Mì Mỹ Sơn(Duy Châu, ngã ba Nam Phước đi lên), Mì bò Chợ Mới Ba Xã (phía Bắc Điện Bàn sát Quốc lộ 1A), Mì Minh (Hội An, trên đường từ Vĩnh Điện vào Hội An), Mì Tư Châu (ngã tư Kỳ Lý), Mì Bà Dậu (đối diện Nhà thờ Tin Lành Trường Xuân, Tam Kỳ), Mì Long Bình (Tam Nghĩa, Núi Thành)... và còn ... hàng trăm quán Mì khác nữa, tiếng tăm cũng ... lẫy lừng không kém, nhưng không đủ thì giờ để tôi kể ra đây. Kể chừng đó thôi, có dịp bạn cứ thử vô chừng nớ quán mà ăn thôi, thì chắc chắn sẽ thấy những ... lời quảng cáo của tôi là ... đáng tin cậy biết chừng nào. Và có khi chừng đó quán Mì cũng đủ làm bạn... cháy túi rồi đấy.

Trong những quán Mì Quảng kể trên, tôi ... ưng nhất là quán Mì Long Bình ở Tam Nghĩa, Núi Thành (bạn đi đến sát cầu An Tân, rẽ đường xuống hướng biển chừng 1 km là tới). Về độ ngon của quán nầy so với các quán khác thì cũng... ngang ngửa nhau, một chín, một mười thôi; nhưng tôi ... ưng là vì tại đây khi ăn Mì còn có bát chè xanh nóng thơm ngon uống miễn phí thật đã, và có điều nầy, tôi ... ưng nữa, xin ... bật mí với bạn đây, ấy là ông chủ quán là một ... nhà thơ đấy.

Có lần tôi chở một Mục sư ghé ăn Mì tại đây, thì bất chợt nghe ông chủ quán vừa bưng những tô Mì nóng hổi ra cho khách vừa tươi cười chào và ... xuất khẩu thành thơ như sau:

“Về đây, thăm quán Long Bình/Ăn tô mì Quảng cho mình thêm vui/Dù đi công chuyện ngược xuôi/Chu Lai về nhớ tới lui Long Bình” (Quán Mì nầy cách sân bay Chu Lai chừng 1km)

Khi nào có khách hỏi mì Quảng có những nguyên liệu chủ yếu nào, ông liền... xuất thơ ngay tại chỗ: “Long Bình mì Quảng ngon ghê/Ăn rồi thử hỏi còn chê chỗ nào/Tôm rim cùng với thịt xào/Gà ta chặt miếng món nào cũng ngon/Rau sống tươi, bánh tráng giòn/Quán ăn đặc biệt tiếng đồn gần xa”.

Thế đấy, đến quán Mì nầy, vừa được ăn Mì Quảng ngon, vừa được uống bát chè xanh nóng hổi, vừa được ... thưởng thức thơ nữa. Sao không đến được hở bạn? Mỗi khi có dịp đi giảng lời Chúa ở các Nhà thờ hoặc đi công việc về hướng Núi Thành, hoặc Quảng Ngãi, là tôi không bao giờ quên ghé vào ... thăm quán Mì Long Bình cho ... nhẹ bớt túi tiền và để nghe ông chủ quán... tặng thơ mới... ra lò nữa.

Tên ông chủ quán là Phương, và cô vợ là Thủy. Hai vợ chồng tính tình luôn vui vẻ, thân thiện với thực khách. Đó cũng là ... nghệ thuật kinh doanh đáng yêu của Mì Quảng Long Bình, và nhờ đó mà thực khách ra vào nườm nượp cả ngày.

Ông bà ta nói “Trăm nghe không bằng một thấy”, mời bạn có dịp nào đó hãy ghé Long Bình ... làm một tô đi thì sẽ thấy những lời tôi ... quảng cáo ở đây là ... chưa thấm tháp gì đâu nhé. Và sẽ thấy ... tài ứng khẩu thành thơ của chủ quán nầy là ... hiếm có lắm chứ không phải chơi đâu.

Nói về Mì Quảng, thì thưa bạn, tôi có thể ... hầu chuyện với bạn ... cả tháng về món đặc sản nầy của quê tôi. Nhưng ... “ngày Xuân ngắn lắm, chưa tày một gang”, nên thôi, hẹn bạn dịp khác vậy...

Mỗi khi nói đến quê hương Quảng Nam, tôi cũng không bao giờ quên được điều nầy, ấy là Quảng Nam quê tôi, ngoài những đặc điểm như tôi vừa kể, nó còn được mệnh danh là “chiếc nôi của Đạo Tin Lành” nữa. Như bạn biết đấy, Tin Lành cứu rỗi của Chúa Giê-xu được truyền bá vào Việt Nam từ những năm cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19. Đến năm 1911, thì có được Hội thánh đầu tiên được thành lập tại Đà Nẵng, nên người ta lấy mốc năm 1911 làm năm Tin Lành chính thức hiện diện trên mảnh đất hình chữ S thân yêu, và cũng chính vì vậy mà Quảng Nam được trở thành “chiếc nôi của Đạo Tin Lành” ở Việt Nam. Là một tín đồ của Chúa Giê-xu, tôi thật sự thích thú về điều nầy và thầm tạ ơn Chúa, vì Ngài đã chọn quê hương Quảng Nam làm nơi ... khai sinh ra Đạo Tin Lành trên đất nước Việt Nam. Trải qua hơn một thế kỷ từ năm 1911 cho đến ngày hôm nay, từ vùng đất đáng yêu Quảng Nam, đã sản sinh ra rất nhiều, đúng hơn là nhiều nhất những Mục sư để hầu việc Chúa trên khắp mảnh đất Việt Nam cũng như trên toàn thế giới, bất cứ nơi nào có người Việt Nam sinh sống. Đó cũng là một ơn phước Chúa ban cho vùng đất Quảng Nam, quê hương yêu dấu của tôi vậy.

Và tôi cũng luôn vui mừng nhắc đến điều nầy nữa mỗi khi nói đến vùng đất Quảng Nam, “chiếc nôi của Đạo Tin Lành”, ấy là Chúa cũng đã dùng một trong những nhà văn có thể nói là nổi tiếng nhất, tiêu biểu nhất của đất Quảng Nam và của cả nước Việt Nam để góp phần dịch Kinh Thánh của người Tin Lành ra tiếng Việt. Đó chính là nhà văn, nhà báo, học giả Phan Khôi. Bản Kinh Thánh mà nhà văn Phan Khôi góp phần dịch đó được gọi là bản Kinh Thánh 1926 (vì được xuất bản năm 1926), và là một bản dịch được yêu chuộng nhất cho đến nay trong giới những Mục sư và tín hữu người Tin Lành.

Tạ ơn Chúa vì sự ban cho của Ngài trên vùng đất quê hương yêu dấu Quảng Nam!

Trong khi tìm kiếm tư liệu cho bài viết về quê hương nầy, tôi ... lướt web và bất ngờ đọc được bài viết về quê hương Việt Nam của mình mà sao tự nhiên thấy... lòng đau nhói.

Một tác giả tên là Mạnh Kim viết rằng:

“Một người bạn nói với tôi rằng, tôi có thể mua mọi thứ ở Việt Nam, tôi có thể sắm gần như bất kỳ chiếc xe nào, tôi có thể tậu gần như bất kỳ căn nhà nào, tôi có thể ăn bất kỳ nhà hàng sang trọng nào... nhưng có những thứ mà tôi không bao giờ có thể mua: tôi không thể mua được môi trường trong sạch, tôi không mua được ngôi trường có những giáo viên tử tế, tôi không mua được bệnh viện nơi tôi và con tôi không phải nằm vật vờ ở hành lang, tôi không mua được những con đường không bao giờ chứng kiến cảnh ngập lụt, tôi không mua được hệ thống công quyền tận tụy vì dân; và trên hết, tôi không thể mua được sự tự do – tự do cho cá nhân cũng như tự do cho tương lai con cái tôi.”

Và tôi cũng đọc được đâu đó trên các trang mạng về một sự thật đau lòng là vào cuối năm 2018 vừa rồi, có một đoàn gọi là du khách Việt Nam đông đến 152 người tìm cách đi du lịch Đài Loan, và sau khi sang được đó rồi thì tìm cách bỏ trốn ở lại Đài Loan luôn. Nhà chức trách Đài Loan đang truy bắt những người nhập cư bất hợp pháp nầy.

Là người Việt Nam, không thể nào không đau lòng khi đọc được những bài viết như thế, và thấy dân mình cứ thi nhau ... bỏ quê hương ra đi ... tìm đường cứu mạng như vậy.

Lạy Chúa, xin thương xót lấy dân tộc Việt Nam, một dân tộc vốn dĩ đã chịu đựng quá nhiều những đau thương, mất mát, và ban cho dân tộc con một cuộc sống thật sự được bình an ngay chính trên quê hương yêu dấu của mình và thừa hưởng được tất cả những quyền tự do căn bản của con người mà Đức Chúa Trời đã ban cho.

Nhân nói chuyện quê hương, tôi chợt nhớ Kinh Thánh có nhắc đến một quê hương tốt hơn mà mỗi một người chúng ta đang có trên trần gian nầy nữa. Đó chính là quê hương ... Thiên đàng phước hạnh dành cho những người tin nhận Chúa Giê-xu làm Chúa, làm Chủ cuộc đời mình. Lời Kinh Thánh chép:

Những người nói như thế minh định rằng họ đang tìm kiếm một quê hương. Nếu còn nhớ đến quê cũ là nơi họ đã ra đi, tất họ cũng có cơ hội trở về. Trái lại, họ mong ước một quê hương tốt hơn, là quê hương ở trên trời, nên Đức Chúa Trời không hổ thẹn khi được gọi là Đức Chúa Trời của họ vì Ngài đã chuẩn bị cho họ một thành phố.” (Hê-bơ-rơ 11: 14-16 - BDM) (*)

Tôi và bạn đều có một quê hương chung là đất Mẹ Việt Nam. Tôi và bạn đều có một nơi trên đất Mẹ để mình sinh ra và lớn lên, để mình yêu thương và nhớ về.

Cảm tạ Chúa, ngoài quê hương Quảng Nam, ngoài quê Mẹ Việt Nam yêu dấu, tôi cũng đã có được quê hương Thiên đàng vô cùng yêu dấu, vô cùng đẹp đẽ mà Đức Chúa Trời đã sẵn dành cho tôi, từ khi tôi mở lòng ra tin nhận Chúa Giê-xu làm Chúa, làm Chủ cuộc đời mình cách đây mấy chục năm về trước. Đức Chúa Trời cũng sẵn dành quê hương xinh đẹp ấy cho bất cứ ai, trong đó có bạn nữa, là những người có lòng tin và trông đợi sự hiện đến của Chúa Giê-xu trong tương lai.

Mua Xuân mới nầy, tôi cầu mong cho bạn không chỉ quan tâm, yêu thương và nhớ về quê hương đất Mẹ Việt Nam thân yêu của chúng ta, và mong những điều tốt đẹp nhất đến trên quê hương mình, dân tộc mình, tôi cũng mong ước bạn sớm quan tâm và nhận biết được quê hương Thiên đàng tuyệt vời mà Đức Chúa Trời đang sẵn dành cho bạn để mở lòng ra đón nhận lấy với cả tấm lòng chân thành của mình.

Đức Chúa Trời sẽ rất vui khi bạn mở lòng ra đón nhận quê hương Thiên đàng cho mình đó.

Một mai kia, khi tôi và bạn kết thúc cuộc sống ngắn ngủi nầy trên quê hương tạm bợ ở trần gian, thì tôi và bạn đều có một quê hương vĩnh cửu để đến và được ở với Chúa mãi mãi. Thiết tưởng không còn gì phước hạnh hơn thế!

Rất mong được đón bạn vào trong đại gia đình của Đức Chúa Trời để chúng ta cùng có niềm vui được chờ đón quê hương Thiên đàng vĩnh cửu trong tương lai!

Trước thềm Xuân mới 2019

-Mục sư Nguyễn - Đình - Liễu-

(*): Những câu Kinh Thánh trích trong bài viết là từ Kinh Thánh Bản Dịch Mới (BDM)