Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 12

Đám Tang Hay Đám Tiệc?

Tuần vừa qua tôi đi dự một đám tang và trong đám tang nầy tôi được nghe câu Thánh Kinh sau đây: "Đi đến nhà tang chế hơn là đến nhà yến tiệc vì tại đó thấy sự cuối cùng của mọi người và người sống để vào lòng."

Có bao giờ Bạn nghĩ đến điều nầy không? "Đi đến nhà tang chế hơn là đến nhà yến tiệc vì tại đó thấy sự cuối cùng của mọi người và người sống để vào lòng." Đi ăn tiệc thì thích hơn đi đám tang, ai cũng nghĩ như vậy nhưng Bạn có thấy là đi đám tang chúng ta học được rất nhiều không? Lời Thánh Kinh dạy rằng trong đám tang ta thấy được cuối cùng của mọi người và người sống để vào lòng.

Không cần là một triết gia, ai cũng thấy rõ điều nầy. Bước vào một đám tang, ta thấy lòng chùng xuống dù đó là đám tang của người lớn hay trẻ con, dù người đó đến tuổi thọ hay vẫn còn quá trẻ, dù cái chết đến thình lình hay từ từ, trong cái chết bao giờ cũng có hình ảnh của chia ly, mất mát, trống vắng. Những chia ly, mất mát và trống vắng mà chỉ người trong cuộc mới hiểu và thấy được tất cả vấn đề.

Chúng ta có thể là người ngoài cuộc, chỉ đến dự đám tang, nhưng cái chia ly, mất mát và trống vắng đó phải là một bài học cho chúng ta suy gẫm, nếu không, chúng ta sẽ không bao giờ thật sự sống cả, bởi vì như đã có lần nói với Bạn, biết chết, đó mới thật là biết sống.

Bạn thấy gì trong một đám tang? Trước hết đám tang hay cái chết là điều không ai được miễn trừ cả. Các nhà quàng cho biết họ thường có ba loại xếp đặt cho người qua đời, đó là sắp đặt từ trước cho người chưa chết, sắp đặt cho người đang hấp hối sắp chết và sắp đặt cho người đã chết. Chưa chết, sắp chết hay đã chết thì cũng đều là chết cả dù nhà quàng cố dùng những danh từ thật đẹp cho người sống đỡ cảm thấy hãi hùng thì tất cả cũng chỉ là chết mà thôi. Có bao giờ Bạn nghĩ đến điều đó không? Có lẽ Bạn cho rằng tôi nói gở, đang sống mà nói chuyện chết như thế nầy. Nhưng thưa Bạn, cái chết không miễn trừ ai cả. Gần đây chúng ta nghe tai nạn máy bay xảy ra liên tiếp, tai nạn xe lửa, bão táp, lụt lội nữa và cái chết đã xảy ra cho mọi người khắp thế giới mỗi giờ, mỗi phút.

Lời Chúa dạy: "Theo như đã định cho loài người phải chết một lần rồi chịu phán xét." Cái chết của con người là điều đã được ấn định, không ai có thể tránh được. Từ khi con người đầu tiên phạm tội thì cái chết đã đi vào nhân thế và từ đó đến nay, không ai tránh được cái chết. Nếu cái chết là điểm tận cùng của con người và sau đó không còn gì nữa thì không nói làm gì nhưng chúng ta biết rằng chết rồi không phải là hết. Qua đời là từ giã cõi đời nầy đi vào một cõi đời khác. Người vô thần cũng nói đến thế giới bên kia và Thánh Kinh cho biết con người phải chết một lần rồi chịu phán xét. Cái chết là bước thứ nhất. Tất cả mọi người đều sẽ sống lại để chịu xét xử và khi nhận án phạt, Thánh Kinh gọi đó là sự chết thứ hai, và cái chết thứ hai mới là điều đáng sợ vì chết lần thứ hai là đời đời xa cách mặt Chúa.

Hai vấn đề đáng cho chúng ta để tâm suy nghĩ ở đây là:

1. Cái chết không chừa ai cả.

2. Chết rồi không phải là hết nhưng có sự xét xử của Thiên Chúa.

Sự xét xử của Thiên Chúa là điều tự nhiên và dễ hiểu vì công lý phải có thưởng phạt. Con người tội lỗi mà còn có hệ thống thưởng phạt thì Thượng Đế chí công cũng có tòa án của Ngài. Thiên Chúa đã ban cho con người ý chí tự do, con người không bị bắt buộc làm điều gì cả, con người đã lựa chọn và quyết định, vì vậy con người phải chịu trách nhiệm về hành động của mình.

Lời Chúa dạy: "Ai nghe lời Ta và tin Đấng đã sai Ta thì được sự sống đời đời và không đến sự phán xét nhưng vượt khỏi sự chết mà đến sự sống." Câu Thánh Kinh nầy cho chúng ta biết làm thế nào để thoát khỏi án phạt đời sau. Chúng ta cần nghe lời Chúa và đặt lòng tin nơi Chúa. Tin không chỉ có nghĩa là chấp nhận, tin rằng có Chúa nhưng là giao thác trọn vẹn cuộc đời, sống theo lời dạy và tiêu chuẩn của Ngài.

Tôi đi dự nhiều đám tang và đám tang nào cũng buồn nhưng buồn không có nghĩa là tuyệt vọng. Trong đám tang của những người tin Chúa tôi thấy tràn đầy hy vọng, hy vọng về cuộc sống đời sau, hy vọng cho những người còn ở lại. Trong đám tang ta thấy cuối cùng của cuộc đời trên trần gian nầy nhưng là điểm khởi đầu cho cuộc sống vĩnh cửu. Cuộc sống vĩnh cửu đó được bảo đảm bằng đức tin nơi Thiên Chúa và sống theo lời dạy của Ngài.

Tôi nói đến chuyện chết hơi nhiều đang khi chúng ta đang sống, có lẽ Bạn sẽ nghĩ như vậy. Có lẽ Bạn nghĩ đúng, nhưng có một vấn đề khác chúng ta cũng cần suy nghĩ, đó là tính cách hữu hạn của đời nầy và sự vô hạn của đời sau. Bảy tám mươi năm hay trăm năm của cõi đời nầy làm sao so sánh được với cõi vĩnh hằng. Và cõi vĩnh hằng đó sung sướng hay đau khổ, tùy thuộc vào quyết định của chúng ta hôm nay. Vấn đề chính thật ra không phải là đau khổ hay sung sướng nhưng là ý nghĩa của cuộc đời, mục tiêu tối hậu của con người. Nếu chúng ta chỉ sống ở đời bảy tám mươi năm rồi hết, rồi không còn gì nữa, thì cuộc đời vô nghĩa thật. Nhưng cõi vĩnh hằng, cõi đời đời là điều có thật. Thánh Kinh dạy và từ trong đáy lòng chúng ta cũng biết rõ điều đó. Thánh Kinh dạy: "Thiên Chúa khiến cho sự đời đời ở nơi lòng loài người." Lòng ta biết rằng cuộc đời nầy chỉ là một khoảng thời gian quá ngắn trong cõi đời đời. Chúng ta không chỉ sống cho đời nầy mà còn có những giá trị của cõi vĩnh hằng. Đức tin nơi Thiên Chúa và làm theo lời Ngài dạy chính là sống cho những giá trị đó.

Nếu không có cõi vĩnh hằng, nếu không có những giá trị đời đời, con người không cần phải sống đạo đức, ngay lành trong đời nầy làm gì vì tất cả đều sẽ qua đi. Nhưng vì tin và biết về cõi vĩnh hằng, con người phải suy nghĩ lại để sống đúng với mục đích Thiên Chúa đặt chúng ta trên cõi đời nầy.

Cái chết ghê rợn vì chúng ta không biết bên kia cõi chết có gì. Cái chết ghê rợn vì tính cách phân ly, chia cách của nó. Nhưng đức tin nơi Thiên Chúa và lời dạy của Ngài đem cho chúng ta hy vọng và tin yêu.

Dầu vậy, tôi muốn trở lại với sự ghê rợn của cái chết để Bạn thấy được cái giá mà Thiên Chúa đã trả để cứu chúng ta. Giá Thiên Chúa đã trả để cứu chúng ta là cái chết của Chúa Giê-xu. Bạn thấy không? Để cứu chúng ta khỏi chết Chúa Giê-xu phải chịu chết. Chúa Giê-xu đã chết thế chỗ của chúng ta. Khi suy nghĩ về cái chết của Chúa Giê-xu, chúng ta phải suy nghĩ về tất cả nỗi ghê rợn của sự chết để thấy được chương trình cứu rỗi của Thiên Chúa. Chúa Giê-xu phải chịu chết mới có thể cứu chúng ta vì bản án của chúng ta là bản án chết. Chúa Giê-xu đã đi qua cái ghê rợn của cõi chết, phân cách với Đức Chúa Trời chí thánh để đem chúng ta vào cõi sống. Cái chết của Chúa Giê-xu đã chấm dứt trong sự phục sinh của Ngài và Chúa phán: "Ta là sự sống lại và sự sống, người nào tin Ta thì sẽ sống mặc dù đã chết rồi, còn ai sống và tin Ta sẽ không bao giờ chết."

Chúa Giê-xu đã chết để chuộc tội chúng ta, Ngài đã sống lại để ban ơn cứu rỗi cho chúng ta. Niềm tin nơi Đấng duy nhất đã chết và đã sống mới có thể giải thoát chúng ta khỏi án phạt của Thiên Chúa chẳng những trong đời sau mà ngay cả trên đời nầy, ngay trong phút hiện tại. Sự cứu rỗi của Chúa ban cho chúng ta sự sống và sức sống để vượt thắng cám dỗ, khó khăn trong hành trình vào cõi vĩnh hằng.

Không ai trong chúng ta thích nói tới cái chết nhưng cái chết đã đến và vẫn tiếp tục đến. Nó đến với những người xa ta nhưng cũng đến rất gần. Nếu trong tuần nầy hay tháng tới, năm tới Bạn dự một đám tang, hãy nhớ những điều tôi nói hôm nay. Đó là:

1. Cái chết sẽ đến với tất cả mọi người, không sớm thì muộn, bất cứ lúc nào.

2. Chết rồi không phải là hết nhưng mỗi người sẽ chịu xét xử trước tòa án chí công của Thượng Đế.

3. Con đường giải thoát là đức tin nơi Thiên Chúa, đức tin nơi cái chết chuộc tội của Chúa Cứu Thế Giê-xu, Đấng đã gánh thế tội cho chúng ta, chịu chết thay cho chúng ta và đã sống lại để ban cho chúng ta sự sống và sức sống.

Niềm tin nơi Chúa chính là phương cách dẫn chúng ta vào cõi sống đó. Bạn đang sống nhưng Bạn có sẵn sàng để chết không?

Mục sư Nguyễn Thỉ