Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 1280

Điểm Mấu Chốt

Điểm mấu chốt là thế này : chỉ những ai bước đi trong sự thánh khiết mới thấy Đức Chúa Trời – có thể bước vào sự hiện diện của Ngài. Chúa Giê-su đã nói rất rõ, "Chẳng bao lâu, thế gian sẽ không còn thấy Ta nữa nhưng các con sẽ thấy Ta; vì Ta sống thì các con cũng sẽ sống. Trong ngày ấy, các con sẽ biết rằng Ta ở trong Cha Ta và các con ở trong Ta cũng như Ta ở trong các con. Người nào yêu kính Ta... Ta cũng yêu quý người và sẽ tỏ bày chính Ta cho người.” (Giăng14:19,21)

Chúa Giê-su nói chỉ những người nào gìn giữ các điều răn Ngài thì đó là những người Ngài bày tỏ chính Ngài. Họ sẽ là người nhìn thấy Ngài, bước vào sự hiện diện của Ngài và nhờ đó biết Ngài cách thân mật. Đặc ân này không hứa cho mọi tín hữu, chỉ dành cho người nào theo đuổi vâng theo Lời Ngài - những người theo đuổi sự thánh khiết.

Vào những năm 1980, tôi được yêu cầu nghênh tiếp mục sư quản nhiệm hội thánh lớn nhất thế giới. Tên của ông là Tiến sĩ David Yonggi Cho, ông đến từ Seoul, Nam Hàn. Vào thời điểm đó hội thánh của ông có 750. 000 tín hữu. Một trong các phận sự của tôi trong việc nghênh tiếp ông tại hội thánh chúng tôi ở Hoa Kỳ là chở ông từ khách sạn tới buổi nhóm. Lúc đó tôi mới tin Chúa được vài năm, có được đặc ân này là một điều quí giá. Tiến sĩ Cho đi cùng với khoảng 15 thương gia trong hội thánh của ông. Vị thương gia dẫn đầu đến với tôi trong ngày nhóm và nói, "Anh Bevere là người sẽ chở Tiến sĩ Cho tới buổi nhóm tối nay phải không ?”

"Vâng, thưa ông.”

Với một ánh nhìn rất uy nghiêm, ông nói, "Anh Bevere, tôi có một số vấn đề quan trọng cần bàn với anh. Đầu tiên, đừng nói chuyện với Tiến sĩ Cho trong suốt lúc lái xe đến buổi nhóm. Ông ấy không thích nói chuyện trước khi giảng dạy.” Đây không chỉ là lời hướng dẫn duy nhất, nhưng là ưu tiên hàng đầu danh sách.

Đêm đó tôi lái xe đến khách sạn và chờ trong xe cho đến khi những người cùng đi với Tiến sĩ Cho mở của xe. Tiến sĩ Cho leo lên ghế trước cạnh tôi và sự hiện diện của Chúa đầy dẫy chiếc xe. Thật không thể cưỡng lại. Sự uy nghi và tình yêu thương của Chúa rất thật và rõ ràng.

Khi tôi lái xe, những giọt nước mắt tuôn ra trên mặt tôi dù tôi không phải là người hay khóc. Đi được nửa đường tới khán phòng, chúng tôi dừng lại trước đèn tín hiệu giao thông và tôi không thể nào cưỡng lại được nữa. Tôi đã làm điều mà người phụ tá chính bảo tôi không được làm. Tôi nói với hành khách của mình với lòng kính trọng, "Tiến sĩ Cho ơi, sự hiện của Chúa trong chiếc xe này.”

Ông nhìn tôi và nói, "Vâng, tôi biết.”

Tôi đã dành nhiều thời gian với vị tôi tớ Chúa này trong suốt những chuyến thăm của ông. Chúng tôi cùng chơi gôn với nhau. Tôi đã chở ông tới các buổi lễ khác, ăn với ông và đưa đón ông ở sân bay. Trong mỗi hoàn cảnh, dù là nơi công cộng hay không, Yiến sĩ Cho là một người tin kính, đáng kính nể, thành thật, khiêm nhu trong thái độ và hành động. Tôi suy nghĩ về những thì giờ ông dành mỗi ngày với Chúa. Sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời ông rất mạnh mẽ và lý do thì rất rõ ràng. Ông thật sự theo đuổi sự trung thành với lời của Chúa Giê-su.

Tôi cũng thường kinh nghiệm sự hiện diện của Chúa một cách tương tự trong các buổi nhóm, trong lúc cầu nguyện, khi đọc Lời Chúa, hay trong cuộc sống mỗi ngày. Tôi hiểu tại sao Môi-se từ bỏ mọi thứ vì sự hiện diện tuyệt diệu của Ngài. Trong đời tôi cũng có những thời điểm sự hiện diện của Chúa xa vời, đôi lúc là do tôi không giữ Lời Ngài, mà đôi lúc tôi đang gặp thử thách. Tôi hiểu thử thách thì không thể tránh khỏi, nhưng không vâng lời thì có thể tránh được.

Phao-lô trích lời sấm truyền của Chúa nói với Môi-se. Câu này là một lẽ thật đời đời xuyên suốt Cựu ước lẫn Tân ước. Nó nói cho những người đã thuộc về Ngài.

Vì thế Chúa phán : "Hãy ra khỏi giữa vòng chúng nó, hãy phân rẽ khỏi họ, chớ động đến đồ ô uế, thì Ta sẽ tiếp nhận các con. (2Cô-rinh-tô 6:17)

Rất rõ ràng. Việc Chúa mời chúng ta bước vào sự hiện diện của Ngài là có điều kiện, chứ không tự động. Chúng ta phải làm xong yêu cầu của Ngài trước khi chúng ta được ban cho đặc ân yết kiến Ngài. Câu nói của Phao-lô hoàn toàn hợp với lời của Chúa Giê-su. Bản The Message Bible diễn giải câu này :

Vì thế, Chúa đã kêu gọi : "Hãy lìa bỏ chúng nó, đoạn tuyệt với chúng nó, đừng động chạm đến vật ô uế, Ta sẽ tiếp nhận các con.” Phao-lô sau đó đưa ra sự đáp ứng phù hợp với lời hứa có điều kiện của Đức Chúa Trời : ...Hãy thanh tẩy chính mình cho sạch những điều ô uế về phần thân thể lẫn tâm linh, hãy hoàn thành sự thánh hóa trong niềm kính sợ Đức Chúa Trời. (2Cô-rinh-tô 7:1)

Một lần nữa, chúng ta thấy mục đích của việc theo đuổi sự thánh khiết thật là một niềm vinh dự để được mời bước vào sự hiện diện tỏ bày của Chúa.

Một trong những thành tựu lớn mà hội thánh đã làm được trong hai mươi năm qua là tạo ra bầu không khí thoải mái hơn trong các buổi nhóm thờ phượng. Nhờ vào tài lãnh đạo khôn ngoan, hội thánh đã "thay da đổi thịt”. Bây giờ hội thánh chơi loại âm nhạc vượt trội, rất cảm động và rất hợp thời. Chúng ta xây những nhà thờ rất tiện nghi, có âm thanh và ánh sáng nghệ thuật. Các buổi nhóm rất suýt xao, chúng ta có những khu vui chơi, hấp dẫn cho trẻ em và có các phòng cho thiếu nhi. Nhiều nhà thờ còn có quán cà phê, có khu biệt lập để mọi người trò chuyện thông công và có cửa hàng bán sách rất bắt mắt. Hội thánh tổ chức các buổi nhóm nhằm thu hút tội nhân. Nói đơn giản hội thánh bây giờ đã tạo được bầu không khí tuyệt vời trong các buổi nhóm, và tôi tin Chúa đẹp lòng với tinh thần tối ưu này.

Nhưng có phải hội thánh đã biến những hình thức bề ngoài thành cứu cánh chăng ? Tạo được bầu không khí là tốt khi mà nó dẫn tới điều thật quan trọng : sự hiện diện của Chúa. Tạo ra bầu không khí là do con người tạo ra. Hollywood, Las Vegas, Disney, Broadway và các ngành công nghiệp giải trí khác là chuyên gia khơi dậy nguồn xúc cảm. Có phải hội thánh đã tiêm nhiễm phương pháp của họ chăng ? Phải chăng chúng ta chỉ dừng ở chỗ khuấy động cảm xúc của tín đồ dự nhóm ? Có phải sự hiện diện thật của Chúa có đầy dẫy nơi nhóm lại hay chúng ta chỉ bắt chước "tài năng” của thế gian để áp dụng trong hội thánh hay nhà thờ chúng ta ?

Đây là thực tế : để được thay đổi, chúng ta cần sự hiện diện của Ngài !

Phải chăng đây là lý do mà nhiều người rất thích tin lành, ham thích thờ phượng Chúa và liên tục tìm hiểu, nhưng không hề được biến đổi cuộc đời không ? Nếu vậy, thì hậu quả thật tai hại. Chính những người này sẽ không được biến đổi theo ảnh tượng của Chúa Giê-su. Nhiều năm trước hội thánh chịu đựng một bầu không khí ảm đạm trong nhà thờ, nhưng tôi nhớ lúc đó tôi nhóm trong các buổi nhóm đầy dẫy sự hiện diện của Chúa. Không phải lúc nào tôi cũng cảm nhận sự hiện diện của Chúa nhưng tôi đã thật sự được thay đổi.

Vấn đề là sao chúng ta không thể có cả bầu không khí lẫn sự hiện diện ? Chúng ta không phải chọn một trong hai ! Tuy nhiên, để có sự hiện diện của Chúa, chúng ta phải đeo đuổi sự thánh khiết.

Mặt khác, kế hoạch mưu mô của kẻ thù nhằm tạo ra một Cơ Đốc giáo thiếu vắng sự thánh khiết đã làm cho tin lành của Chúa Giê-su trở thành một tôn giáo không có quyền năng đối với những tội nhân, làm cho việc đi theo Chúa không thấy hấp dẫn – trong khi thực tế thì cuộc đời theo Chúa là một cuộc đời hấp dẫn nhất.

JOHN BEVERE (Đạo Hay Đời)