Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 1284

Sức Mạnh Của Lửa

Đó là Trận Đại Hỏa Hoạn năm 1988. Trong năm đó, những ngọn lửa cuồng nộ đã quét qua 1,4 triệu mẫu Anh thuộc Công viên Quốc Gia Yellowstone. Công viên nầy trông giống như một bãi gỗ khổng lồ chất đầy hàng triệu các cột gỗ dựng đứng ở các khoảng cách đủ để cho phép lượng không khí luồn qua, và cũng gần kề đủ để cho mỗi cây thông già cao lớn bắt lửa sang bên cạnh. Các lá kim và cành con chết nằm vương vãi trên đất, cung cấp chất bắt cháy khô cho cơn thèm khát không dập tắt được của ngọn lửa. Vào ngày 6 tháng 9, các đốm lửa rải rác đã được thấy chung quanh Nhà trọ Old Faithful. Được xây cất năm 1904, đây là một cấu trúc gỗ lớn nhất thế giới. Nhà trọ nầy tọa lạc ở gần suối nước nóng được vây quanh bởi vẽ hùng vĩ của những cánh rừng già thuộc Yellowstone, 25 dặm về phía Bắc một cơn bão lửa khốc liệt đã tràn qua năm mươi mẫu Anh của cánh rừng. Sức gió mạnh như một cơn lốc đã xoáy ngọn lửa vượt qua cánh rừng với âm thanh của một chuyến xe lửa chở hàng, biến cánh rừng thành một đống tro trắng và các đọt cây nhỏ bị cháy sém nằm trên mặt đất đen kịt.

Vào ngày 7 thánh 8, gió mạnh thổi giật từng cơn trong khu vực có đám cháy giúp cho ngọn lửa càng quét nhanh hơn. Đến chiều, một bức tường khói màu nâu và đen dày đặc cuồn cuộn bốc mỗi lúc một cao hơn, lởn vởn gần quán trọ, nhưng những người lính cứu hỏa tự tin rằng họ có thể ngăn cản bất cứ cơn bộc phát nào. Thình lình, những ngón tay lửa chung quanh quán trọ cuộn vào nhau để làm thành một quả nắm thật mạnh mẽ và đổ dồn vào ngay khu vực nầy. Sau đó sức gió năm mươi dặm một giờ phát sinh ngọn lửa nổ vang rền, tiếng động giống như tiếng gầm rú liên tục của một chiếc phản lực khi cất cánh. Các đốm lửa bắn lên cao ở rất nhiều nơi gần với tòa nhà đang bị tấn công nầy. Một bức tường lửa cao hơn cả đỉnh của các ngọn cây xông lên với một tốc độ không thể tin được. Những người lính cứu hỏa làm việc điên cuồng, tưới nước quán trọ để bảo vệ nó khỏi ngọn lửa. Thế rồi cũng nhanh chóng như khi ngọn lửa đến, nó quay sang hướng đông bắc. Sự nguy hiểm đã qua. Hai mươi bốn tòa nhà đã bị đốt cháy, nhưng nhà trọ Old Faithful đã được cứu thoát.

Nhiều tháng sau, khu rừng mọc lên với sức sống mới. Sức nóng từ ngọn lửa đã mở tung các lớp vỏ của những trái thông, đổ ra những hạt giống và đang sinh ra một khu rừng với những đọt thông non nhú lên ở khắp mọi nơi. Những cây non héo rũ đã bị đốt sạch. Những mầm cỏ mới đã biến khắp các sườn đồi thành một màu xanh của mùa Xuân, và một vụ mùa bội thu, các bông hoa rừng đã trải thảm lên các cánh đồng.

Sức Mạnh Của Sự Thánh Khiết Đức Chúa Trời : Bất cứ ai đã từng ở gần ngọn lửa lớn như vậy đều hiểu được sức mạnh khủng khiếp của nó. Khi nó gầm rú quét qua một khu vực, mọi thứ đều thay đổi. Các cây cổ thụ biến thành than. Các tòa nhà chỉ còn là đống tro tàn. Không gì có thể đứng nổi trước cơn cuồng nộ của nó. Nhưng nơi nào nó quét qua, các trận cháy cũng đem lại sự sinh sôi và tăng trưởng mới mẻ.

Trong Kinh Thánh, sự thánh khiết của Đức Chúa Trời đôi khi cũng được mô tả như một ngọn lửa. A.W. Posor đã viết rằng :

Chỉ có lửa mới có thể cho ta một chút khái niệm về sự thánh khiết. Trong lửa, Ngài đã hiện ra ở tại bụi gai cháy; trong trụ lửa Ngài đã ngự suốt cuộc hành trình dài băng qua sa mạc. Lửa đã chiếu soi ở giữa hai cánh của Chêrubin trong nơi thánh được gọi là Sêkina; sự hiện diện của Đức Chúa Trời, qua những năm huy hoàng của người Ysơraên, và khi Cựu ước đã nhường chỗ cho Tân ước, Ngài đã xuất hiện ở tại Lễ Ngũ Tuần như ngọn lửa đáp đậu trên mỗi một môn đồ.

Ngọn lửa có thể làm gì ? Nó hủy hoại những gì đã chết, thanh tẩy, biến đổi phong cảnh. Lửa thật mạnh mẽ, đẹp đẽ, và đáng sợ. Không ai có thể đứng giữa sức nóng và cơn cuồng nộ của một trận bão lửa. Không gì có thể đem lại sự sinh sôi nẩy nở như trận hỏa hoạn ở rừng. Sự thánh khiết của Đức Chúa Trời thậm chí còn mạnh hơn như thế. Môise, là người đã nhìn thấy sự thánh khiết của Đức Chúa Trời trong bụi gai cháy, đã thưa rằng : "Hỡi Đức Giêhôva ! Trong vòng các thần, ai giống như Ngài ? Trong sự thánh khiết ai được vinh hiển như Ngài, đáng sợ, đáng khen, hay làm các phép lạ ?”. Trong tất cả các thuộc tánh của Đức Chúa Trời, không điều gì có thể so sánh với vẻ lộng lẩy và oai nghiêm của sự thánh khiết Ngài. Sự thánh khiết đứng đầu giữa vòng các thuộc tánh của Ngài. Điều đó có nghĩa là tâm tánh Ngài trọn vẹn trong mọi đường. Ngài hoàn toàn thánh sạch. Sự tuyệt vời của Ngài về mặt đạo đức là tiêu chuẩn ngay thẳng tuyệt đối và sự trong sạch về đạo lý dành cho hết thảy mọi tạo vật ở trong vũ trụ của Ngài. Sự thánh khiết tuyệt đỉnh của Đức Chúa Trời đặt Ngài cách biệt hoàn toàn với tạo vật của Ngài. Mọi sự Đức Chúa Trời làm ra đều mang dấu ấn của sự thánh khiết Ngài. Sự thánh khiết của Ngài không bao giờ bị suy giảm.

Thật đáng buồn, sự thánh khiết của Đức Chúa Trời đã bị xao nhãng bởi Cơ Đốc Giáo hiện đại ở mức độ lớn, bởi vì chúng ta đầy dẫy những bụi gai chết của tội lỗi và kiêu ngạo. Sự miễn cưỡng của chúng ta để nhận biết một Đức Chúa Trời thánh khiết phản chiếu sự thất bại của chúng ta trong việc nhận biết Ngài thật sự như thế nào. Từ gốc Hêbơrơ của chữ "Hãy nên thánh” có nghĩa là hãy cất bỏ hoặc phân rẽ. Cựu ước bày tỏ rằng Đức Chúa Trời ở bên trên và cách biệt với tất cả những gì Ngài tạo dựng nên. Ngài được tôn cao bên trên mọi vật trong sự oai nghiêm thánh khiết.

Hễ khi nào tôi suy gẫm về sự thánh khiết của Đức Chúa Trời, thì tôi lại được nhắc nhỡ mạnh mẽ về việc Ngài xứng đáng biết bao với sự thờ phượng của chúng ta. Tôi nghĩ đến câu Kinh Thánh : "Hãy mặc trang sức thánh mà thờ lạy Đức Giêhôva; hỡi cả trái đất, khá run sợ trước mặt Ngài.” Tôi muốn trở nên hòa mình vào sự thánh khiết của Ngài, hơn là sức mạnh, sự khôn ngoan, hoặc những thuộc linh lớn lao khác của Ngài.

Khi chúng ta suy gẫm về sự thánh khiết cao cả của Đức Chúa Trời, chúng ta không thể nào không bị chế ngự bởi một cảm xúc kinh sợ. Âm nhạc có thể giúp chúng ta bày tỏ lòng kinh sợ đối với Đức Chúa Trời. Nhiều bài thánh ca xưa cổ đã có được tinh thần thờ phượng nầy. Tôi khuyến khích bạn hãy chọn một trong các bài thánh ca ấy, như là bài Thánh thay, Thánh thay, Thánh thay, và bắt đầu thờ phượng Đức Chúa Trời bằng bài hát và những lời ngợi khen ngay bây giờ.

Sau khi Êsai hạ mình ở trước mặt Chúa trong khải tượng của ông, một trong các Sêraphin đã bay đến bàn thờ trong đền thờ và gắp một hòn than cháy đỏ bằng một cái kiềm. Êsai nói rằng : "Ngài để trên miệng ta, mà nói rằng : Nầy cái nầy đã chạm đến môi ngươi; lỗi ngươi được bỏ rồi, tội ngươi được tha rồi.

Sự thờ phượng Chúa cũng dành cho Chiên Con của Đức Chúa Trời, là Đấng đã bắc chiếc cầu nối sự phân rẽ ở giữa Đức Chúa Trời và tội nhân ăn năn. Bài Thập tự xưa là một thánh ca thuật lại câu chuyện ấy bằng bài hát. Bạn hãy đọc kỹ lời của bản thánh ca cổ điển nầy; sau đó hãy tôn cao danh Thánh của Đức Chúa Trời với tư cách một con cái của Ngài bạn sẽ hiểu được sự thánh khiết và sự cứu rỗi đầy thương xót của Ngài.

BILL BRIGHT (Khám Phá Những Đặc Tính Của Đức Chúa Trời)