Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 96

Nói Chuyện... Chữ Nghĩa (2)

Vừa qua, trong bài viết “Nói chuyện ... chữ nghĩa (1)”, tôi đã đề cập đến những từ ngữ như “Không nhiều thì ít”, “Cao bay xa chạy”, “Điểm yếu và yếu điểm”, “Giải phẫu và phẫu thuật” để hầu bạn đọc yêu quý của tôi với mục đích là để chúng ta cùng học hỏi lẫn nhau trong việc chăm chút và trau dồi tiếng mẹ đẻ của mình cho ngày càng tốt đẹp hơn.

Hôm nay, thấy... trong bụng vẫn còn ... ít chữ nữa, nên xin ... hầu chuyện tiếp với bạn đọc đây.

+ “Vô hình trung” hay “vô hình chung”?

Cụm từ nầy cũng có ... cả khối người dùng không chuẩn.

“Vô hình trung” là “trong chỗ vô hình”, vì “trung” có nghĩa là trong; còn “vô hình chung” thì ... không có nghĩa chi cả. Mặc dầu nói “vô hình chung” người ta vẫn hiểu theo thói quen.

Ví dụ: “Anh nói như thế, vô hình trung là anh đã làm người ta hiểu sai về tôi rồi.” Nói và viết thế là... chuẩn. Còn nếu nói hoặc viết “Anh nói như thế, vô hình chung là anh đã làm người ta hiểu sai về tôi rồi.” thì người ta vẫn có thể hiểu được, nhưng dùng từ “vô hình chung” là ... sai.

+ “Tự vẫn” và “Trầm mình”:

Hai từ nầy có khá nhiều người dùng ... lộn.

“Tự vẫn” có nghĩa là một người tự dùng dao cắt cổ mà chết. Còn “Trầm mình” có nghĩa là một người tự nhảy xuống nước mà chết.

Nếu ai đó nói hoặc viết: “Quá tuyệt vọng, cô ấy nhảy xuống sông tự vẫn.” là sai, mặc dù người ta vẫn hiểu. Nói hoặc viết cho đúng phải là “Quá tuyệt vọng, cô ấy nhảy xuống sông trầm mình.”

+ “Nửa” và “Nữa”:

Hai từ nầy coi vậy mà nhiều người viết sai lắm, chứ không phải đùa đâu, do không phân biệt được từ nào dấu hỏi, từ nào dấu ngã.

Từ “nửa” (dấu hỏi) có nghĩa là một phần hai, một nửa, phân nửa.

Ví dụ: “Vầng trăng ai xẻ làm đôi
Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường.” (Nguyễn Du)

Hoặc: “nửa nạc, nửa mỡ”, “nửa nọ, nửa kia”
Còn từ “nữa” (dấu ngã) có nghĩa là tiếp tục, thêm nữa.

Thi sĩ Xuân Diệu có câu thơ như sau:

“Gần thêm nữa! thế vẫn còn xa lắm!” (Xa cách)

Không biết bạn có hay viết sai hai từ ... nho nhỏ nầy không? Khi chúng ta để ý phân biệt được nghĩa của nó thì chúng ta sẽ khó mà viết sai được.

+ “Nghỉ” và “Nghĩ”:

Hai từ ... nho nhỏ nầy cũng khá nhiều người viết sai như hai từ ... nho nhỏ “nửa” và “nữa” vậy.

Lý do viết sai phần lớn cũng đều do không phân biệt được nghĩa của chúng mà thôi.

“Nghỉ” (dấu hỏi) có nghĩa là nghỉ ngơi khi đã làm xong công việc gì đó, khi đã hoàn thành một công việc nào đó.

Lời Kinh Thánh trong sách Sáng Thế chép như sau về việc Đức Chúa Trời hoàn tất công trình sáng tạo trời đất và vạn vật của Ngài: “Thế là hoàn thành trời, đất và tất cả vạn vật. Đức Chúa Trời hoàn tất công việc Ngài đã làm vào ngày thứ bảy, Ngài nghỉ mọi công việc Ngài đã làm.” Sáng Thế 2: 1, 2 – BDM) (*)

Còn “Nghĩ” (dấu ngã) có nghĩa là suy nghĩ, là cho rằng, là nhớ đến một ai đó, một điều gì đó...

Phao-lô khuyên tín đồ tại thành Phi-líp ngày xưa rằng:

Sau hết, thưa anh chị em, bất cứ điều gì chân thật, điều gì đáng kính, điều gì công chính, điều gì thanh sạch, điều gì đáng yêu chuộng, điều gì cao quý; nếu có đức hạnh nào, nếu có điều gì đáng khen, anh chị em hãy suy nghĩ đến.” (Phi-líp 4: 8)

Trong Truyện Kiều, Đại thi hào Nguyễn Du viết về nhân vật Hồ Tôn Hiến như sau:

“Nghĩ mình phương diện quốc gia
Quan trên ngắm xuống, người ta trông vào.”

Hãy cẩn thận để nhận biết nghĩa của hai từ ... nho nhỏ mà dễ viết sai nầy để ... hạ quyết tâm từ nay trở đi sẽ không bao giờ viết sai nữa bạn nhé.

+ “Ngủ” và “Ngũ”:

Lại hai từ ... nho nhỏ nữa mà cũng có không ít người viết sai chứ không phải chơi.

“Ngủ” (dấu hỏi) theo định nghĩa của Wikipedia “là một hoạt động tự nhiên theo định kỳ mà những cảm giác và vận động tạm thời bị hoãn lại một cách tương đối, với đặc điểm dễ nhận thấy là cơ thể bất tỉnh hoàn toàn hoặc một phần và sự bất động của gần như hầu hết các cơ bắp”.

Kinh Thánh ghi lại câu chuyện Chúa Giê-xu cầu nguyện trên núi Ô-liu như sau:

Trong cơn thống khổ, Ngài cầu nguyện càng khẩn thiết, mồ hôi Ngài trở nên như những giọt máu rơi xuống đất. Cầu nguyện xong, Ngài đứng dậy, đến với các môn đệ, thấy họ đang ngủ vì sầu thảm. Ngài gọi họ: “Sao các con ngủ? Hãy dậy cầu nguyện để các con khỏi sa vào bẫy cám dỗ!” (Lu-ca 22: 44-46)

Còn “Ngũ” (dấu ngã), có nghĩa là năm (số), hay quân đội. Ví dụ như “ngũ phúc lâm môn”, nghĩa là năm phúc (phú, quý, thọ, khương và ninh) đến nhà; hay “nhập ngũ”, nghĩa là vào quân đội.

Nhà thơ Nguyễn Công Trứ có câu: “Tước hữu ngũ, sĩ cư kì liệt”, nghĩa là “Tước vị có năm bậc, thì kẻ sĩ cũng được sắp ở trong”.

Nói chuyện về... chữ nghĩa tiếng Việt của chúng ta thì thật là phong phú và ... phức tạp, chứ không phải là chuyện dễ dàng.

Là người dân Việt, chúng ta cần và rất cần phải thường xuyên trau dồi tiếng mẹ đẻ của mình để dùng cho thật nhuần nhuyễn và chuẩn xác phải không bạn?

Tiếng Anh, tiếng Pháp, hoặc một ngoại ngữ nào đó mình có thể nghe, đọc, nói, viết không chuẩn, có thể sai chỗ nầy chỗ nọ, thì cũng không ai chê trách chi mình được, vì chúng không phải là thứ tiếng mẹ đẻ của mình; nhưng tiếng mẹ đẻ của mình mà mình dùng sai những từ, những chữ không đáng sai thì thật là ... đáng trách chứ không phải đùa.

Chúng ta cảm tạ Chúa đã ban cho dân tộc Việt Nam chúng ta có được một ngôn ngữ thật tuyệt vời. Chữ Quốc ngữ của chúng ta hầu như có thể diễn tả được mọi cung bậc tình cảm của người dân trên dãi đất hình chữ S yêu dấu một cách phong phú, không chê vào đâu được.

Chữ Quốc ngữ của chúng ta cũng vô cùng độc đáo và ... hóc búa nữa.

Một ví dụ về điều đó:

Người vùng miền Trung và miền Nam nước ta thường dùng từ “qua” để chỉ anh ấy, ông ấy, cô ấy hoặc bà ấy là những người đã lớn tuổi xưng hô với người nhỏ tuổi hơn.

Có câu nói như là một cách chơi chữ bằng cách dùng từ đồng âm, dị nghĩa với từ “qua” như sau:

“Hôm qua, qua nói qua mà qua không qua, hôm nay qua không nói qua mà qua qua.”

Câu nầy có đến chín từ “qua”, dù đồng âm “qua”, nhưng dị nghĩa: Từ qua thứ nhất nói đến thời gian (hôm qua); từ “qua” thứ hai, thứ tư, thứ sáu và thứ tám chỉ người đang nói câu đó; các từ “qua” thứ ba, thứ năm, thứ bảy và thứ chín là động từ (qua có nghĩa là đến, tới).

Một cách chơi chữ thật ... độc đáo phải không bạn? Người nước ngoài học tiếng Việt mà gặp những câu như thế nầy thì không phải chuyện dễ để hiểu được hết ý nghĩa được đâu. Coi chừng ... điên cái đầu đi mất với nó đó!

Vài hàng tâm sự cùng bạn đọc thân yêu của tôi về ... chuyện chữ nghĩa của tiếng Việt yêu dấu để chúng ta cùng được khích lệ trong việc nói và viết tiếng mẹ đẻ của mình cho càng ngày càng ... chuẩn.

Như tôi đã thưa với bạn đọc trong bài viết trước về ... chuyện chữ nghĩa, ấy là tôi thường hay đọc Kinh Thánh đều đặn mỗi ngày để gia tăng việc nói và viết tiếng Việt được chuẩn. Tất nhiên, ngoài Kinh Thánh ra, tôi cũng tìm đọc những sách về văn chương và nghiên cứu khác để học kinh nghiệm về cách dùng từ thật chuẩn trong các sách ấy mà áp dụng cho việc nói và viết của chính mình. Và tất nhiên, tôi cũng luôn luôn “thủ” sẵn bên mình một quyển “tự điển chính tả tiếng Việt” để ... trợ giúp tôi mỗi khi tôi muốn dùng một từ nào đó mà mình cảm thấy ... chưa tự tin lắm.

Có một sự thật là khi đọc một quyển sách hay một bài viết nào đó mà bắt gặp nhiều lỗi mo-rát (lỗi chính tả) quá là tự nhiên tôi thấy không còn hứng thú để đọc nữa, và tôi bắt đầu nghi ngờ về ... trình độ của tác giả của quyển sách hay bài viết đó. Khi đọc một quyển sách hay bài viết mà trong đó có nhiều lỗi chính tả quá thì giống như khi bạn ăn cơm mà đụng nhằm vài ba hạt sạn là bạn thấy mất ngon rồi, không muốn ăn nữa vậy.

Với tôi, khi viết một bài viết và gởi đi đăng ở đâu đó, tôi thường cố gắng hết sức mình để đọc đi đọc lại và sửa thật kỹ những chỗ sai sót, những lỗi chính tả, khi thấy ... ưng cái bụng rồi, thì mới quyết định ... bấm nút “send” để gởi đi đến nơi mình muốn gởi.

Tôi nghĩ đó là trách nhiệm tự nhiên của một người viết bài, và điều đó cũng thể hiện sự tôn trọng bạn đọc của mình nữa.

Tôi nhớ lời Chúa dạy rằng: “Bất luận làm gì, hãy tận tâm mà làm, như làm cho Chúa, không phải làm cho người ta.” (Cô-lô-se 3: 23)

Khi làm việc gì với sự tận tâm, và luôn luôn nghĩ rằng điều mình đang làm đó là làm cho Chúa, làm vì vinh hiển danh Chúa, thì chắc chắn sản phẩm mình làm ra và gởi đến cho ... công chúng là sản phẩm tốt nhất mà mình đã làm vậy, và khi làm được như vậy, mình cảm thấy rất thỏa lòng và hạnh phúc.

Nguyện xin Chúa cho mỗi một con cái Chúa khi làm việc gì luôn luôn làm theo tinh thần của câu Kinh Thánh trong Cô-lô-se 3: 23, thì chắc chắn danh Chúa sẽ được vinh hiển và chính mình sẽ được thỏa vui thật sự chẳng sai.

Mục sư Nguyễn - Đình - Liễu.

(*): Những câu Kinh Thánh trích trong bài viết là từ Kinh Thánh Bản Dịch Mới (BDM).