Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 97

Tha Thứ (Kỳ 3)

Hãy ở với nhau cách nhân từ, đầy dẫy lòng thương xót, tha thứ nhau như Đức Chúa Trời đã tha thứ anh em trong Đấng Christ vậy. ” (Êphêsô 4:32)

Tình yêu thương không thể thiếu yếu tố tha thứ được. Đời sống của người con dân Chúa sẽ được kết quả vô cùng khi biết yêu thương trong tinh thần rộng lượng tha thứ. Qua Kinh Thánh soi dẫn trong sách Êphesô 4:32, chúng ta học biết được sự tha thứ có liên quan rất nhiều đến đời sống kết quả của một người con dân Chúa. Hai tuần qua, chúng ta đã suy gẫm (1) Lẽ Cần Của Sự Tha Thứ và (2) Nền Tảng Của Sự Tha Thứ. Hôm nay, mời bạn cùng tôi suy gẫm điều thứ ba là Kết Quả Của Sự Tha Thứ.

3. Kết Quả Của Sự Tha Thứ. Êphêsô 4:32c chép: “Hãy ở với nhau cách nhân từ, đầy dẫy lòng thương xót, tha thứ nhau như Đức Chúa Trời đã tha thứ anh em trong Đấng Christ vậy. ” Khi tha thứ người khác, con dân Chúa sẽ kinh nghiệm được nhiều phước hạnh trong đời sống. Về phương diện thể xác, tình cảm, và tinh thần, người tha thứ sẽ được ăn ngon miệng, ngủ yên giấc, tinh thần được thoải mái và cảm thấy yêu đời và yêu người hơn. Người tha thứ chẳng những yêu người mà còn được người yêu thương và tha thứ lại (Lu-ca 6:37c). Về phương diện tâm linh, người tha thứ sẽ được Chúa tha thứ lỗi lầm của mình (Mathiơ 6:14). Ê-sai 43:25 còn cho biết Đức Chúa Trời sẽ xóa sự phạm tội và không nhớ đến tội lỗi của con dân Ngài nữa.

Cảm tạ Chúa vì Ngài đã tha thứ và quên đi tội lỗi chúng ta nên chúng ta cũng phải quên đi tội lỗi trong quá khứ của mình. Nguyên tắc để được kết quả trong Chúa là tin cậy Lời Chúa hứa về sự tha tội và hãy tha thứ cho mình cũng như cho người khác. Đây chính là bí quyết của đời sống đắc thắng tội lỗi. Nếu ngày nào con dân Chúa vẫn còn sống trong sự không tha thứ chính mình thì ngày đó con dân Chúa vẫn còn bị cay đắng và đánh mất đi nhiều ơn phước Chúa ban. Chúa muốn đời sống con dân Chúa được kết quả lâu dài trong Ngài (Giăng 15:5). Nếu không ở trong Chúa thì làm sao ta được kết quả lâu dài? Kinh Thánh cũng cho biết nếu ta không tha thứ cho anh em mình thì Chúa cũng sẽ không tha thứ tội lỗi của ta (Mathiơ 6:15). Như vậy, Lời Chúa dạy rõ ràng là nếu ta không tha thứ cho anh chị em mình thì ta không ở trong mối thông công thiêng liêng với Chúa bởi vì Ngài không tha lỗi cho ta.

Lời Chúa trong Gia-cơ 2:13 hứa ban cho người hay thương xót và tha thứ như sau: “Sự đoán xét không thương xót kẻ chẳng làm sự thương xót, nhưng sự thương xót thắng sự đoán xét. ” Hãy sống cách giàu lòng thương xót và tha thứ nhau, để rồi chính mình cũng nhận được sự thương xót từ người khác. Một nhân vật Knh Thánh trong thời Cựu Ước có đầy tình yêu thương và sự tha thứ là Giô-sép. Giô-sép tha thứ cho các người anh của mình được là vì ông vâng phục thánh ý Chúa và chấp nhận hoàn cảnh để chu toàn sứ mạng cứu sống gia đình (Sáng-thế Ký 45, 50).

Một đời sống mới trong Chúa phải luôn thể hiện bằng tình yêu thương với lòng tha thứ. Vì Chúa yêu thương chúng ta, ta cũng phải yêu thương anh chị em mình. Vì Chúa tha thứ tội lỗi chúng ta, ta cũng phải tha thứ mọi lầm lỗi của anh chị em mình. Trong gia đình, hãy bắt chước theo tinh thần tha thứ của Giô-sép đối với các anh em của ông. Trong Hội Thánh, ta hãy làm theo lời khuyên nhủ của Thánh Phao Lô trong thư Êphêsô nầy. Ngày nay, nhiều con dân Chúa quên đi sứ mạng Chúa giao trong đời sống mình. Đó là làm người “peace-maker” – làm cho người hòa thuận. Một người không theo thánh ý Chúa, không chấp nhận hoàn cảnh sống, và không chấp nhận người khác sẽ trở thành mối trở ngại cho công việc phát triển nhà Chúa.

Hội Thánh Chúa như một chiếc thuyền đưa hành khách (các tín hữu) đi trên chuyến hải hành. Vì sống gần nhau nên bị đụng chạm không nhiều thì ít. Nếu không chấp nhận và tha thứ nhau thì không thể chèo đến được bến bờ và khi gặp phải sóng to gió lớn thì con thuyền dễ bị đắm chìm. Hãy yêu thương và tha thứ nhau để hoàn tất công tác đưa thuyền mình vào được bến bờ Thiên Quốc.

Một tài liệu giải thích chữ “tha thứ” trong tiếng Anh “Forgive” như sau: (1) F – Free Yourself. Tha thứ là tháo mình ra khỏi gong cùm thù hận. “Tha thứ là phóng thích cho một tù nhân, và nhận biết người đó là chính mình.” (2) O – Open Door. Mở cửa ơn phước của Chúa. Có câu nói tha thứ là chìa khóa mở cửa Thiên Đàng. (3) R – Rebound Effect. Tác dụng dội ngược. Có tha thứ mới mong nhận được sự tha thứ. (4) G – Good Health. Muốn có sức khỏe tốt, hãy tha thứ. (5) I – In Peace. Tha thứ sẽ cho chúng ta thanh thản, bình an trong tâm hồn. (6) V – Victory. Tha thứ được là thắng chính mình, một chiến thắng lớn nhất trong đời người. (7) E – Err is Human, Forgive is Devine. Hãy nhớ rằng lầm lỗi là chuyện thường tình, tha thứ là siêu nhiên. Vì vậy chúng ta hiểu tại sao sức người không thể tha thứ được. Một tín hữu bày tỏ lòng quyết tâm tha thứ qua vần thơ như sau: “Tôi tha thứ cho chính tôi mọi việc, Thật hoàn toàn, hết tất cả mọi điều! Khi thứ tha, tôi được tha thứ nhiều, Tha thứ người là tha thứ chính tôi.

Nhân Mùa Chay (Lenten Season) bắt đầu từ 06/03/19 đến 18/04/19, hãy dành thì giờ ít nhất 15 phút mỗi ngày để tịnh tâm, xét lòng. Hãy đến với Chúa và với nhau để giải quyết mọi vấn đề ngay hôm nay. Cầu xin Chúa giúp bạn sống yêu thương, biết tha thứ và quên đi lầm lỗi của người khác để vui hưởng cuộc sống bình an mỗi ngày. A-men.

Mục sư Lê Hồng Phúc

Địa chỉ liên lạc:
Hội Thánh Báp Tít Đức Tin
11312 Shiloh Rd., Dallas, TX 75228
(972) 270-1557
Facebook: Viet Faith Dallas; www.VietFaith.org
Email: mspeterhongle@gmail.com
Lễ Thờ Phượng lúc 10 giờ sáng Chúa Nhật
Quản Nhiệm: Mục sư Peter Lê Hồng Phúc