Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 98

Làm Một Điều (Kỳ 1)

Hỡi anh em về phần tôi, tôi không tưởng rằng đã đạt đến mục đích, nhưng tôi cứ làm một điều: quên lững sự ở đằng sau, mà bươn theo sự ở đằng trước, tôi nhắm mục đích mà chạy, để giựt giải về sự kêu gọi trên trời của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Giê-su Christ. ” (Phi-líp 3:13-14)

Bắt đầu một ngày mới, mỗi chúng ta thường mong muốn thực hiện nhiều điều theo mục tiêu đeo đuổi của mình. Như ở sở làm thì muốn làm việc đạt năng xuất cao hơn; trong trường học thì muốn học hành thành đạt hơn; trong gia đình thì muốn xây dựng sao cho hôn nhân và gia đình mình hài hòa hạnh phúc hơn; và trong Hội Thánh thì muốn góp phần xây dựng Hội Thánh ngày càng vững mạnh hơn.

Trong đời sống hằng ngày, chúng ta cũng biết rõ có điều quan trọng, có điều kém quan trọng. Có điều cần phải làm hôm nay và cũng có điều cần phải làm ở ngày mai. Tuy nhiên, có một điều mà Kinh Thánh cho biết là quan trọng và cần thiết nhất cho mỗi chúng ta phải làm hôm nay. Thư Tín Phi-líp 3:13-14 chép: “Hỡi anh em về phần tôi, tôi không tưởng rằng đã đạt đến mục đích, nhưng tôi cứ làm một điều: quên lững sự ở đằng sau, mà bươn theo sự ở đằng trước, tôi nhắm mục đích mà chạy, để giựt giải về sự kêu gọi trên trời của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Giê-su Christ. ” Đời sống từ khi biết Chúa của Phao Lô là một đời sống hướng thượng. Những kinh nghiệm bước theo Chúa của Phao Lô trong đoạn kinh văn ở trên dạy dỗ chúng ta một điều cần phải làm hôm nay. Bước thứ nhất của một điều cần phải làm hôm nay là quên đi sự ở đằng sau.

1. Quên Đi Sự ở Đằng Sau. Sự ở đằng sau chỉ về quá khứ. Câu 5 và 6 nói về quá khứ của Sứ đồ Phao Lô. Óng quên đi nguồn gốc, gia phả, địa vị, lòng sống sốt sắng bắt bớ con dân Chúa. Có ba khía cạnh trong quá khứ của Phao Lô: (a) Quá Khứ Tội Lỗi. Phao Lô nói rằng: “Trong những kẻ có tội đó ta là đầu.” (1 Timôthê 1:15) Phao Lô là người đã bắt bớ con dân Chúa, bỏ họ vào tù, và khiến cho nhiều gia đình bị đau khổ. Chúng ta cũng là tội nhân giống như Phao Lô. Kinh Thánh cho biết: “Chẳng có một người nào công bình, dẫu một người cũng không.” (Thi-thiên 14:3). (b) Quá Khứ Thất Bại. Phao Lô tưởng rằng mình đã thành công khi tìm cách tiêu diệt những người tin theo Chúa Giê-su. Nhưng ông đã thất bại. Thất bại vì ông làm theo ý riêng mình. 1 Ti-mô-thê 1:13 chép rằng: “Ta ngày trước vốn là người phạm thượng, hay bắt bớ, hung bạo…” Trong đời sống tin theo Chúa, chúng ta cũng đã nhiều lần bị thất bại vì làm theo ý riêng mình. (c) Quá Khứ Đau Buồn. Phao Lô là một trong nhiều người đã chịu khổ vì danh Chúa nhiều nhất. Óng bị tấn công từ bên ngoài Hội Thánh. Nhưng nỗi đau buồn nhất là ông bị tấn công từ các anh em giả dối trong Hội Thánh.

Phao Lô còn có một chứng bệnh đau đớn thể xác. Óng gọi đó là một cái giằm xóc vào thân thể mình. Óng muốn nó lìa khỏi mình. Nhưng Đức Chúa Trời không cho. 2 Côrinhtô 12:7-10 chép rằng: “… (Chúa) đã cho một cái giằm xóc vào thịt tôi…” Giống như Phao Lô, mỗi chúng ta đều có quá khứ vui buồn lẫn lộn. Chúng ta đều có quá khứ thành công và cũng có quá khứ thất bại. Chúng ta đều có quá khứ phước hạnh cũng có quá khứ đau buồn. Lý do chúng ta thường buồn rầu như là mất việc làm, mất của cải, tiền bạc, bệnh tật, người thân yêu qua đời, người khác làm tổn thương mình, những sự việc bực mình xảy ra hằng ngày trong đời sống.

Các nhà tâm lý học cho biết thông thường một người trong hoàn cảnh đau buồn cần ít nhất là 2 năm để họ có thể trở lại sinh hoạt với một cái “bình thường mới”! Nếu bạn đang sống trong quá khứ đau buồn hơn 2 năm thì bạn đang ngăn trở phước hạnh của Chúa đến với mình không những ở hiện tại mà còn trong tương lai nữa. Kinh Thánh cho biết Đức Chúa Trời ở gần những tâm hồn đau thương thống hối, nhưng Ngài không muốn nhìn thấy con dân Ngài tiếp tục sống trong sự buồn rầu, đau thương, thống hối đó mãi.

Có người cho rằng người sống nội tâm thường hay buồnrầu. Còn người hoạt bát thì ít buồn rầu hơn. Người khác thì lý luận rằng phái nam ít buồn rầu hơn là phái nữ. Thật ra, con người là tình cảm nên ai cũng bày tỏ cảm xúc của mình. Dù là phái nam hay phái nữ, sống nội tâm hay hoạt bát, ai ai cũng đều đau buồn. Chỉ khác nhau một điều là có người giấu kín sự đau buồn mình còn người khác thì phơi bày nó ra. Kinh Thánh cho biết Tiên tri Samuên là người lãnh đạo dân sự Chúa cũng bị buồn rầu trong một thời gian dài. 1 Samuên 16:1 chép: “Người buồn rầu cho đến bao giờ?” Chữ “buồn rầu” nầy còn có nghĩa là than khóc cho đến bao giờ? Có thể hôm nay Đức Chúa Trời đang hỏi bạn, “Con buồn rầu cho đến bao giờ?” Đừng chôn vùi tương lai của mình bằng sự buồn rầu dai dẳng đó. Hãy quên đi quá khứ đau buồn của mình và sống lạc quan với mỗi một ngày mới Chúa ban cho.

Cầu xin Chúa giúp bạn bắt đầu làm một điều quan trọng hôm nay là quên đi sự ở đằng sau. Hãy quên đi quá khứ tội lỗi, thất bại, và đau buồn của mình. Hãy đứng dậy rời khỏi chỗ mình đang nằm để bước đi với Chúa, tôn vinh Ngài, hướng về sự kêu gọi trên trời mỗi ngày. A-men.

Mục sư Lê Hồng Phúc

Địa chỉ liên lạc:
Hội Thánh Báp Tít Đức Tin
11312 Shiloh Rd., Dallas, TX 75228
(972) 270-1557
Facebook: Viet Faith Dallas; www.VietFaith.org
Email: mspeterhongle@gmail.com
Lễ Thờ Phượng lúc 10 giờ sáng Chúa Nhật
Quản Nhiệm: Mục sư Peter Lê Hồng Phúc