Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 101

Quyền Năng Thập Tự Giá

Sự chết của Chúa Giê-xu đã xảy ra hơn 20 thế kỷ rồi. Ngài đã chịu chết cách nhục nhã trên cây thập tự. Cây thập tự là một dụng cụ để xử tử tội nhân, như một cái máy chém, như sợi dây treo cổ tử tội. Ðóng đinh vào cây thập tự là lối xử tử người nô lệ của Ðế quốc La-mã. Không có một công dân La-mã nào bị xử tử cách nầy, trừ một số ít người đã phạm những tội trọng.

Phúc Âm Giăng 12:31-33 ghi lại lời phân của Chúa Giê-su như sau: “Bây giờ là lúc thế gian bị phán xét, và kẻ cai trị thế gian nầy sẽ bị truất phế. Còn Ta, khi Ta được treo lên khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người đến với Ta.’ Ngài nói vậy để chỉ cho thấy Ngài sẽ chết cách nào. (Giăng 12:31-33). Câu nói: “Kéo mọi người đến với Ngài” cho biết Thiên Chúa tìm con người lạc mất và kéo tội nhân đến với Đức Chúa Trời qua sự chết trên cây thập tự của Cứu Chúa Giê-su. Thập tự giá tự nó không có quyền năng gì cả. Nó chỉ là một cây gỗ mà thôi. Có câu nói rằng: “Tiền bạc có thể mua cây thập tự, nhưng không mua được Chúa Cứu Thế. ” Nhưng bởi vì có một Ðấng đã chịu treo thân Ngài lên để kéo con người tội lỗi trở lại cùng Ðức Chúa Trời, Thập tự giá đó trở nên có một quyền năng vô cùng. Kinh Thánh cho biết có ba quyền năng của Chúa đã được thể hiện trên cây thập tự.

1. Thể Hiện Sức Mạnh Của Tình Yêu. Câu 32a chép: “Còn Ta khi Ta đã được treo lên khỏi đất. ” Hình ảnh treo lên khỏi đất của Chúa Giê-xu là một hình ảnh tự nguyện. Ðây là hành động tự nguyện hy sinh. Tình yêu thương thật luôn có một sức mạnh thu hút, khiến cho tấm lòng cứng cỏi cũng phải tan chảy.

Có người nói rằng: “Người ta có thể yêu mến một Chúa sống, nhưng người ta phải yêu mến Chúa đã hy sinh chịu chết vì mình. ” Chúa Giê-su Christ đã yêu thương nhân loại, trong đó có bạn và tôi. Ước mong bạn kinh nghiệm được Chúa yêu và yêu kính Ngài mãi.

2. Thể Hiện Sức Mạnh Của Sự Tha Thứ. Câu 32b chép: “Ta sẽ kéo mọi người đến cùng Ta. ” Kinh Thánh cho biết rằng bổn tánh của Ðức Chúa Trời là: “Yêu thương, Thánh khiết, Công bình.” Chúa yêu thương con người, nhưng Ngài rất ghét tội lỗi. Người có tội phải bị hình phạt. Người có tội không thể đến gần Ðức Chúa Trời được vì thánh khiết và bất khiết không thể đứng gần nhau được. Kinh Thánh cho biết con người khi phạm tội rồi thì không thể tự cứu lấy mình được. Vũng bùn không đáy, càng cựa quậy càng tuyệt vọng.

Nhu cầu lớn nhất của con người là được tha thứ. Sự chết của Chúa Giê-xu trên cây thập thể hiện sự tha thứ vô biên của Ðức Chúa Trời dành cho con người. Kinh Thánh chép sự tha thứ phải có sự đổ huyết. Chúa Giê-xu là Sinh tế dâng một lần đủ cả cho nhân loại. Hêbơrơ 9:12 chép: “Ngài đã bước vào nơi Chí Thánh một lần đủ cả, không dùng máu dê đực và bò con, nhưng dùng chính huyết mình để đem đến sự cứu chuộc đời đời cho chúng ta. ” Khi Chúa Giê-xu phán rằng Ngài kéo mọi người đến cùng Ngài, thì câu nói đó có nghĩa là Ðức Chúa Cha đã tha thứ tất cả tội lỗi của một tội nhân và nhìn nhận người đó hoàn toàn mới trong Chúa Giê-su. 2 Côrinhtô 5:17 chép: “Vậy, nếu ai ở trong Đấng Christ, người ấy là tạo vật mới,những gì cũ đã qua đi, nầy, mọi sự đều trở nên mới.

Bạn có chắc rắng tội lỗi mình được Chúa thứ tha chưa? Tội lỗi của con người chỉ được tha thứ ở tại dưới chân cây thập tự của Chúa Giê-su. Có nghĩa là bạn cần nhìn nhận sự chết của Chúa Giê-su không phải chỉ chuộc tội cho người khác nhưng cũng cho chính mình nữa. Hãy đến dưới chân cây thập tự để nhận được sự tha thứ từ nơi Chúa.

3. Thể Hiện Sức Mạnh Của Sự Chiến Thắng. Thập tự giá của Chúa Giê-su là biểu tượng của quyền năng chiến thắng của Chúa trên quyền lực tăm tối của Satan. Câu 32b chép rằng: “Kéo mọi người đến cùng Ta. ” Thập tự giá là nhịp cầu đưa con người trở lại làm hòa cùng với Ðức Chúa Trời. Giăng 14:6 chép: “Đức Chúa Jêsus đáp: “Ta là đường đi, chân lý và sự sống. Chẳng bởi Ta thì không ai được đến với Cha.” Hình ảnh cây thập tự bắt cầu qua Ðức Chúa Trời. Con đường thập tự là con đường khổ nạn, nhưng là con đường duy nhất để đùa con người đến cùng Ðức Chúa Trời. Kinh Thánh cho biết A-đam không vâng phục thánh ý Đức Chúa Trời. Còn Chúa Giê-xu thì vâng phục thánh ý Đức Chúa Trời để chết thay tội lỗi của con người. Phúc Âm Giăng 12:32 là một câu nói chiến thắng Satan trên cây thập tự và chiến thắng thế gian với cây thập tự. Ðừng hổ thẹn khi rao giảng Chúa Giê-su chết trên cây thập tự. Hãy đề cao, hãy nhắc nhở mọi người Chúa chịu đóng đinh trên cây thập tự để cho họ được sống, được đắc thắng tội lỗi và quyền lực của Satan là kẻ cầm quyền của ma quỷ.

Giu-đa Íchcariốt theo Chúa nhưng không tin nơi sự cứu chuộc của Ngài. Phierơ sợ hãi, đi theo Chúa xa xa, chối Chúa, nhưng rồi ăn năn trở lại cùng Chúa. Ðường theo Chúa là con đường hẹp, có ít người chọn nhưng con đường đó dẫn đến sự sống vĩnh hằng. Còn con đường rộng thì có nhiều người chọn, nhưng nó lại dẫn đến sự hư mất đời đời. Ðối với người tin theo Chúa, Thập tự giá mang biểu tượng của tình yêu thương, sự tha thứ, và sự đắc thắng của Chúa Giê-xu trong công tác cứu chuộc con người. Nhờ đó, Thập tự giá có một quyền năng diệu kỳ và chính thập tự giá đó đem đến một Phúc Âm đầy quyền năng. Một Phúc Âm đầy quyền năng sẽ giúp cho một đời sống đầy quyền năng và một HộI Thánh đày tràn quyền năng của Chúa.

Bạn có muốn kinh nghiệm một đời sống đày quyền năng của Chúa ban cho không? Tôi mong rằng có. Hôm nay là cơ hội quý báu cho bạn làm quyết định mời Chúa ngự vào lòng làm Vua và làm Chủ đời sống mình để kinh nghiệm quyền năng của Tin Lành Cứu rỗi của Chúa Giê-su. A-men.

Mục sư Lê Hồng Phúc

Địa chỉ liên lạc:
Hội Thánh Báp Tít Đức Tin
11312 Shiloh Rd., Dallas, TX 75228
(972) 270-1557
Facebook: Viet Faith Dallas; www.VietFaith.org
Email: mspeterhongle@gmail.com
Lễ Thờ Phượng lúc 10 giờ sáng Chúa Nhật
Quản Nhiệm: Mục sư Peter Lê Hồng Phúc