Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 111

Chuyện... Yêu Thích Thơ Ca

Kinh Thánh: Thánh Thi 23; Thánh Thi 103.

Kính chào quý thính giả, độc giả yêu quý,

Văn chương thơ phú là một trong những lĩnh vực đáng yêu, cần có trong đời sống của con người, vì nó làm cho cuộc đời ta thêm đẹp, thêm đáng yêu, đáng sống.

Không hiểu sao, với tôi cứ mỗi khi nghe ai đề cập đến chuyện văn chương thơ phú là tự nhiên tôi... thích. Tai bắt đầu để ý lắng nghe, tim bắt đầu... rạo rực rung lên, miệng bắt đầu muốn... góp chuyện. Lạ thế đấy! Có ai... lạ như tôi không nhỉ? Tôi đoan chắc cũng có khá nhiều người... lạ như tôi chứ không ít đâu! Nhưng ông Trời đã sinh ra... sở thích mình như thế rồi, nên mình chỉ biết vui lòng nhận lấy và... phát huy nó cho tốt lên thôi phải không bạn?

Vì đã được Đấng Tạo Hóa... set up ... lòng yêu văn chương thơ phú sẵn đâu từ khi còn... nằm trong bụng mẹ rồi, nên tôi dễ thuộc thơ của... người khác lắm, nhất là những bài thơ hay và độc đáo.

Về thơ ... ngoại đạo, thì tôi rất yêu thơ của nhà thơ Nguyễn Bính. Nguyễn Bính là người miền quê và thơ ông viết về miền quê nhiều hơn bất cứ ai. Có thể nói không ai làm thơ về miền quê hay hơn ông. Tôi cũng là người sống ở miền quê, nên tôi thích thơ Nguyễn Bính, vì nó làm cho tôi thêm yêu làng quê, thôn xóm của mình hơn.

Nguyễn Bính thi sĩ có nhiều, rất nhiều những bài thơ về miền quê hay một cách nhẹ nhàng, nhưng đầy ý nghĩa và sâu sắc đáo để. Xin trích ra đây vài bài để... hầu chuyện quý thính giả, độc giả yêu quý của tôi:

Hoa chanh nở giữa vườn chanh
Thầy u mình với chúng mình chân quê
Hôm qua em đi tỉnh về
Hương đồng cỏ nội bay đi ít nhiều.
(Chân quê)

Một bài thơ thật gần gũi, chân chất, mộc mạc như cái mộc mạc, chân chất của người miền quê. Hoa chanh, vườn chanh là loại cây, loại hoa rất đỗi thân thuộc với người dân quê. Cái đẹp của miền quê chính là cái “hương đồng cỏ nội”, nhưng một hôm em lên tỉnh về, nét đẹp đáng yêu đó bổng... bay đi ít nhiều trước cái đẹp... đầy mê hoặc của chốn thị thành. Một chút... trách móc, một chút... tiếc nuối thật dễ thương ở đây phải không bạn?

Hay ở một bài thơ khác:

Nhà em cách bốn quả đồi,
Cách ba ngọn suối, cách đôi cánh rừng.
Nhà em xa cách quá chừng,
Em van anh đấy, anh đừng yêu em.
(Nhà em)

Cách... tỏ tình của cô gái quê trong bài thơ thật... lém lĩnh đáo để. Nói là nhà em xa lắm, nói là em van anh đừng yêu em, nhưng lại như chỉ rõ địa chỉ nhà mình: cách bốn quả đồi, cách ba ngọn suối, cách đôi cánh rừng để cho chàng biết địa chỉ mà đến với mình vậy...

Cũng còn có nhiều nhà thơ... ngoại đạo khác nữa mà tôi cũng yêu thích thơ của họ, nhưng không có thì giờ nhiều để có thể bày tỏ với bạn ở đây. Thật tiếc!

Về thơ... nội đạo, tôi thích thơ của các nhà thơ như Tường Lưu, Thanh Hữu và một số nhà thơ khác nữa.

Tôi thích thơ Tường Lưu bởi lẽ thơ ông nói đúng ... tim đen của tôi cũng như của nhiều người trên linh trình theo Chúa và hầu việc Ngài.

“Tôi không hiểu tại sao mình ... vô lý/ Đi nhà thờ ngại ngùng quá ... đường xa/ Nhưng bạn thân... nếu gọi, rủ đến nhà/ Vài chục dặm đi liền, không do dự!/ Tôi không hiểu tại sao mình ... vô lý/ Mười đồng dâng cho Chúa ... lớn làm sao!/ Nhưng khi tôi... đi bất cứ chợ nào/ Cầm mấy chục tôi thấy như ... ít quá/ ... Tôi không hiểu tại sao mình... vô lý/ Tin báo đăng là lập tức tin ngay/ Dù là tin... rất có thể... tin sai/ Nhưng lời Chúa, tôi từng nêu thắc mắc/ Nếu bạn cũng giống tôi, mình ... cùng loại/ Vì đức tin chưa đạt mức trưởng thành/ Đến bao giờ ta vui vẻ ... thưa rằng: Ở dưới đất, con ước chi... ngoài Chúa!”

(Tôi... vô lý)

Hỡi những anh chị em tin Chúa, bạn có thấy mình ... vô lý như Tường Lưu thi sĩ đã nói không?

Nếu mỗi một chúng ta mà bớt đi cho mình được những điều ... vô lý ấy trong niềm tin theo Chúa của mình, thì chắc hẳn, Chúa sẽ vui lắm lắm.

Bạn có khi nào dám... làm thơ tặng Chúa không? Tường Lưu thì đã... dám làm như thế đấy. Hãy nghe ông nói:

“Chúa ơi, Chúa có thích thơ?/ Con làm tặng Chúa bây giờ được không?/ Chúa cười, Chúa bảo: Hãy làm/ Nếu là chân thật, Ta ban phước nhiều/ Không yêu, mà nói rằng yêu/ Coi chừng, giả dối là điều không nên!/ Những thơ thiên hạ dâng lên/ Ta nghe nhàm lắm, ngợi khen... bề ngoài!/ Trăm người không được một người/ Có lòng chân thật như lời thơ đâu!/ Lặng yên, tôi đứng cúi đầu!”

(Làm thơ tặng Chúa)

Hỡi những anh chị em tin Chúa, anh chị em có thấy mình còn sống thiếu chân thật với Chúa và với anh em mình nhiều không? Tôi tin rằng tôi cũng như anh chị em chúng ta đã rất, rất nhiều lần sống thiếu chân thật với Chúa và với anh em của mình.

Xin Chúa thương xót lấy hết thảy mỗi một chúng ta!

Cảm tạ Chúa đã ban cho Hội thánh của Ngài có được một con cái Chúa làm thơ sung sức và đầy ý nghĩa như nhà thơ Tường Lưu. Sức sáng tác thơ của Tường Lưu thật đáng nể, hơn cả ngàn bài thơ ca ngợi Chúa đã được ra đời từ trái tim yêu Chúa và yêu thơ cháy bỏng của ông.

Tôi rất thích... tuyên ngôn thơ của Tường Lưu: “Thơ tôi ca ngợi một mình Chúa thôi!”

Vâng, chỉ một mình Chúa là Đấng tuyệt hảo đáng để con người chúng ta ca ngợi mà thôi. Ngoài ra, không một ai xứng đáng để chúng ta ca ngợi cả, vì tất cả mọi người đều là tội nhân đáng chết trước mặt Đức Chúa Trời.

Tôi cũng yêu thích thơ của nhà thơ Thanh Hữu nữa, vì thơ Thanh Hữu luôn tràn đầy sức sống từ nơi Chúa, nó luôn khích lệ, luôn nâng đỡ chúng ta muốn “lên chốn cao hơn” trên linh trình theo Chúa.

Đây là những vần thơ trong bài thơ “Nắng đã lên rồi”:

“Nắng đã lên rồi em ngắm xem/ Mà sao cây lá rũ khô mềm/ Đông-âu hoa cỏ tưng bừng nở/ Mà ở quê mình rét buốt thêm/ Nắng đã lên rồi em biết không? Bao năm chờ đợi mắt hao mòn/ Mong cho hơi ấm tràn quê cũ/ Sưởi ấm tâm hồn em héo hon/ Nắng đã lên rồi em khẩn xin/ Hồng ân Thiên Chúa ngập quê mình/ Xua tan tuyết lạnh vào hư ảo/ Kết tụ hương lành nắng Phục sinh.”

(Nắng đã lên rồi)

Thật là những vần thơ chứa đầy hy vọng, đầy sức sống của nhà thơ vào một ngày mai tươi sáng sẽ sớm đến trên quê hương Việt Nam thân yêu.

Trong một bài thơ khác:

“Một kỹ sư, với bàn tay khối óc/ Đã tạo thành một sản phẩm vô tri/ Dù đẹp xinh, nhưng máy chẳng biết gì/ Chẳng thông cảm, buồn vui hay hạnh phúc/ Máy tự động, nhưng chỉ là vật chất/ Biết đứng đi, theo máy tính lập trình/ Biết nói cười, theo bộ nhớ thông minh/ Biết hoạt động, theo quy trình sản xuất/ Máy có thể, dáng hình như người thật/ Biết vẩy tay, biết cong cổ cúi đầu/ Biết đứng ngồi, biết nháy mắt nhìn lâu/ Biết trò chuyện, nhưng vẫn là “robot”/... Ta là một, tuyệt phẩm Ngài mong đợi/ Ban thẩm quyền, trong mục đích tuyệt luân/ Hãy đứng lên, ta chúc tụng vui mừng/ Sống đắc thắng, trong tầm nhìn tuyệt đích.”

(Người và máy)

Nhà thơ có một so sánh khá hay giữa sản phẩm do con người làm ra với sự sáng tạo của Đức Chúa Trời. Người máy do con người làm ra kể cũng khá... dữ dằn đó chứ; nào là nó có thể... biết đứng đi, biết nói cười, biết hoạt động, biết cong cổ cúi đầu, biết đứng ngồi, biết nháy mắt, biết trò chuyện... nhưng nó cũng chỉ làm theo sự cài đặt sẵn của con người mà thôi, chứ nó không hề có cảm xúc như con người mà Đức Chúa Trời đã dựng nên, nó không biết và không thể nào có thể chia sẻ buồn vui hay sự cảm thông với ai cả. Có thể kết luận rằng sự tạo dựng nên con người của Đức Chúa Trời là tuyệt hảo của mọi sự tuyệt hảo, không ai có thể làm được gì vượt hơn được sự sáng tạo tuyệt vời của Đức Chúa Trời.

Tôi cũng thích bài thơ “Nằm mãi trong nôi” của Thanh Hữu với những vần thơ như sau:

“Sao em mằm mãi trong nôi?/ Tin Lành Nam Việt lâu rồi y nguyên?/ Mẹ cha đã tốn nhiều tiền/ Mua sắm áo tốt, góp quyên nhà thờ/ Em có cơ sở nên thơ/ Khang trang rộng rãi bây giờ tiện nghi/ Nhưng buồn em vẫn chưa đi/ Trong nôi nằm mãi biết khi nào ngừng?/ Trăm năm làm lễ ăn mừng/ Buồn lòng, không lớn, chưa từng biết đi/ Bịnh tật “bảo thủ” căn di/ Nằm nôi cứ tưởng Ê-li lên trời.”

(Nằm mãi trong nôi)

Tác giả chắc rất buồn nhưng rất chân thật khi mạnh dạn nói lên tình trạng đáng thương của Hội thánh Chúa tại Việt Nam. Cả trăm năm rồi, nhưng sự phát triển thật chậm chạp. Cả trăm năm rồi, nhưng vẫn còn như đứa trẻ nằm nôi. Nhà thơ thấy được một trong những rào cản lớn khiến cho đạo Chúa chậm phát triển trên quê hương, đó là rào cản giáo phái, rào cản bảo thủ, truyền thống, rào cản cho giáo phái mình mới là chính nghĩa, khiến Chúa Thánh Linh không thể tự do vận hành cách mạnh mẽ để mở mang vương quốc Chúa được. Thật đáng buồn thay cho Hội thánh Chúa tại Việt Nam!

Lạy Chúa, xin thương xót Hội thánh Chúa tại quê hương Việt Nam thân yêu của chúng con mà ban cho một cơn phục hưng, phá tan mọi rào cản giáo phái, bảo thủ, truyền thống, để Hội thánh được phát triển như tại Hàn Quốc, tại Nam Dương và nhiều nước khác ở lục địa châu Phi xa xôi.

Vượt lên trên tất cả những nhà thơ ... ngoại và nội đạo mà tôi thích và đã trích dẫn ở trên, tôi yêu thích nhất là những bài thơ của đại thi hào Đa-vít đã được ghi chép lại trong Kinh Thánh.

Đa-vít làm khá nhiều thơ để dâng lên ca ngợi Đức Chúa Trời, Đấng mà ông yêu mến và tôn thờ.

Một trong những bài thơ nổi tiếng nhất của ông, đó là bài Thánh Thi 23 mà hầu như con dân Chúa nào cũng thuộc và yêu thích bài Thánh Thi ấy. Bài Thánh Thi ấy như sau:

CHÚA là Đấng chăn giữ tôi, Tôi sẽ không thiếu thốn gì. Ngài giúp tôi an nghỉ nơi đồng cỏ xanh tươi, Dẫn tôi đến bên bờ suối yên tịnh. Ngài phục hồi linh hồn tôi, Dẫn tôi vào đường lối công bình Vì cớ danh Ngài Dù khi tôi đi qua Thung lũng bóng chết, Tôi sẽ không sợ tai hoạ gì. Vì Ngài ở cùng tôi, Cây trượng và cây gậy của Ngài An ủi tôi. Ngài bày tiệc đãi tôi Trước mặt kẻ thù nghịch tôi, Ngài xức dầu trên đầu tôi, Chén tôi đầy tràn. Thật vậy, trọn đời tôi, Phúc lành và tình yêu thương sẽ theo tôi. Tôi sẽ ở trong nhà CHÚA Đến muôn đời.”(*)

Một bài thơ nói về sự chăm sóc tuyệt vời của Đức Chúa Trời dành cho người thuộc về Ngài, được Ngài yêu mến là Đa-vít cũng như tất cả những có lòng tin nhận Chúa như ông. Bài thơ đầy những hình ảnh đem lại sự an ninh cho những ai ở trong sự chăn giữ của Ngài, như “đồng cỏ xanh tươi”, “bờ suối yên tịnh”, “đường lối công bình”, “cây trượng”, “cây gậy”, “bày tiệc”, “xức dầu”, “chén tôi đầy tràn”, “phúc lành và tình yêu thương”, “ở trong nhà CHÚA”.

Bài thơ bày tỏ mối liên hệ mật thiết giữa Đấng Chăn Chiên và người chăn thật sinh động. Chính vì vậy, ta không lạ gì khi thấy những từ được lặp đi lặp lại nhiều nhất trong bài thơ chính là từ “Chúa” hay “Ngài” và “tôi”.

Thánh Thi 23 được nổi tiếng không những chỉ giữa vòng những người tin Chúa nhưng cũng được phổ biến giữa những người không tin Chúa nữa. Một số nhà nghiên cứu văn học ghi nhận rằng Thánh Thi 23 là một trong những áng văn tuyệt tác của nhân loại.

Thánh Ambrose thì nói: “Mặc dù cả Kinh Thánh đều tỏa ra ân điển của Đức Chúa Trời, nhưng Thánh Thi thì ngọt ngào hơn các sách khác”.

Bạn có yêu bài Thánh Thi độc đáo nầy không? Bạn có thường đọc và học bài thơ độc đáo nầy không? Riêng tôi, tôi rất yêu quý Thánh Thi 23, tôi thường hay đọc, học nó, và cũng hay... giảng nó nữa, vì nó đem lại cho tôi một niềm tin yêu và hy vọng lớn lao nơi Đức Chúa Trời là Đấng mà tôi đang hết lòng tin cậy, tôn thờ và hầu việc. Nó làm cho tôi cảm thấy thật yên tâm khi sống giữa cuộc đời đầy bất an và tăm tối nầy, vì biết rằng Đức Chúa Trời không bao giờ quên chăn giữ tôi, chăm sóc tôi.

Cảm ơn đại thi hào Đa-vít đã để lại cho Hội thánh của Ngài, đã để lại cho nhân loại một bài thơ tuyệt tác như Thánh Thi 23!

Ngoài Thánh Thi 23, Đa-vít còn sáng tác nhiều Thánh Thi nổi tiếng, đáng yêu khác . Có thể kể như Thánh Thi 27 với những vần thơ mới... đẹp làm sao:

Tôi đã xin CHÚA một điều, Là điều tôi sẽ tìm kiếm. Ấy là tôi được ở trong nhà CHÚA đến suốt đời. Để chiêm ngưỡng sự tốt đẹp của CHÚA. Và cầu hỏi trong đền thờ Ngài.” (câu 4)

Hay Thánh Thi 63 với những câu thơ diễn tả một tâm trạng khao khát Chúa mãnh liệt của tác giả như:

“Lạy Đức Chúa Trời, chính Ngài là Đức Chúa Trời của tôi. Tôi tha thiết tìm kiếm Ngài. Linh hồn tôi khát khao Chúa. Thể xác tôi mong ước Ngài. Như mảnh đất khô khan, nứt nẻ, không có nước.” (câu 1)

Hoặc Thánh Thi 103 với những dòng thơ mở đầu đầy tha thiết với cả một sự khát khao tự trong tâm hồn nhà thơ:

Hỡi linh hồn ta, hãy ca tụng CHÚA; Hãy hết lòng ca tụng Danh Thánh Ngài. Hỡi linh hồn ta, hãy ca tụng CHÚA; Chớ quên tất cả các ân huệ Ngài. Ngài tha thứ hết tội lỗi tôi, Chữa lành mọi bệnh tật tôi. Ngài cứu chuộc mạng sống tôi khỏi mồ sâu; Lấy tình yêu thương và thương xót làm mão triều đội cho tôi. Năm tháng tôi được thỏa mãn với vật ngon; Tuổi trẻ của tôi được tăng thêm sức mới như chim phượng hoàng.” (câu 1-5)

Vâng, còn nhiều, rất nhiều những bài thơ hay và chứa chan tình cảm của nhà thơ đối với Đức Chúa Trời trong Thánh Thi, và tôi tin rằng mỗi khi chúng ta đọc đến, nó đều đem lại sự khích lệ đức tin lớn lao cho chúng ta trên linh trình theo Chúa và hầu việc Ngài của mình.

Ai đó đã nói rất chí lý đại ý rằng: “Thánh Thi là sách dạy cho tín nhân biết cách để bước đi với Đức Chúa Trời, còn Châm Ngôn là sách dạy cho họ biết cách cư xử với con người.”

Quả thật vậy, muốn biết làm cách nào để tương giao, để bước đi với Đức Chúa Trời đẹp lòng Ngài, hãy đọc và suy gẫm các bài thơ trong sách Thánh Thi của Kinh Thánh!

Tôi tin rằng khi bạn và tôi dành thì giờ để đọc và học các bài thơ trong sách Thánh Thi, chắc chắn chúng ta sẽ có một đời sống thuộc linh phong phú và sống động, và chúng ta sẽ kinh nghiệm được sự chăm sóc của Đức Chúa Trời trên đời sống theo Chúa và hầu việc Ngài của mỗi một chúng ta cách rõ ràng.

Nguyện xin Chúa thương xót và giục giã mỗi một chúng ta trên tinh thần yêu mến và vâng giữ lời Chúa, yêu mến nhiều những bài thơ đáng yêu trong sách Thánh Thi.

Với những thính giả và độc giả là những người chưa tin nhận Chúa làm Chúa, làm Chủ cuộc đời mình, tôi kính mời quý vị nếu có thể được, hãy dành thì giờ để tìm đọc các bài thơ trong sách Thánh Thi của Kinh Thánh để hiểu được tình yêu của Đức Chúa Trời dành cho con người lớn là dường nào, và sự chăm sóc của Ngài dành cho họ mới tuyệt vời làm sao. Và bất cứ khi nào bạn bằng lòng đặt niềm tin nơi Chúa, bạn sẽ thực sự kinh nghiệm được tình yêu và sự chăm sóc tuyệt diệu đó của Ngài dành cho chính cuộc đời của bạn vậy.

Kính chào quý thính giả và độc giả yêu quý gần xa của tôi!

Nam California, ngày 28. 6. 2019

Mục sư Nguyễn - Đình - Liễu.

(*): Những câu Kinh Thánh trong bài viết là trích từ Kinh Thánh Bản Dịch Mới (BDM)