Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 32

Giống Chúa

Từ bài giảng luận “THEO DẤU CHÂN CHÚA

CN Aug 25, 2019 - Hội Thánh North Hollywood

Hãy có đồng một tâm tình như Đấng Christ đã có (Phi-Líp 2:5)

(đọc Phi-Líp 2:5-8)

Sau khi post bài viết vừa rồi, có người hỏi tôi lấy đâu ra mấy chữ “một chữ đồng”? Xin thưa, đó là từ hai câu thơ trong văn chương Việt Nam mình, để nói đến tình nghĩa vợ chồng sâu đậm:

Trăm năm tạc một chữ đồng,
Dù ai thêu phụng vẽ rồng cũng không.

Điều này cũng có ý nghĩa cho đời sống Cơ Đốc nói riêng và sự liên hệ giữa Hội Thánh và Đấng Christ nói chung. Bài viết hôm nay cũng có thể xem như tiếp nối trong ý nghĩa sâu nhiệm đó.

Thư Phi-líp đặc biệt nhắc đến Đấng Christ trong bốn phương diện ảnh hưởng đến đời sống của Cơ Đốc Nhân. Chương một đã trình bày Đấng Christ là mục đích của đời sống được biệt riêng cho Chúa. Chương hai này chỉ ra Đấng Christ là mẫu mực duy nhất và trọn vẹn để Cơ Đốc Nhân theo đó mà hành sử moi sinh hoạt trong đời sống thường nhật của mình, cũng tương tự như Phi-e-rơ đã nói: “Đấng Christ cũng đã chịu khổ cho anh em, để lại cho anh em một gương, hầu cho anh em noi dấu chân Ngài” (1 Phiero 2:21).

Đức Chúa Jesus đã sống trên thế gian này như một con người bình thường, đúng hơn là một đầy tớ ngay lành và trung tín của Đức Chúa Trời để hoàn thành một sứ vụ đem lại sự thay đổi cho vận mệnh của loài người phản nghịch. Tính cách đó trở thành hình mẫu cho các thế hệ tiếp nối, những người mang danh Chúa đem Tin Lành cứu rỗi loan ra khắp nơi trên mặt địa cầu.

Trở nên giống như Chúa, không có nghĩa là rập khuôn như hình thức bề ngoài của Cứu Chúa xưa kia, như phong trào hippy phản chiến giữa những năm 1960, mà phải có một tư duy hành động như Đấng làm đầu của mọi kẻ chăn.

Ngài vốn có hình Đức Chúa Trời, song chẳng coi sự bình đẳng mình với Đức Chúa Trời là sự nên nắm giữ (câu 6). Địa vị của Ngài cao ngất, không ai sánh kịp, nhưng Ngài sẵn lòng xem nhẹ điều đó, QUÊN MÌNH đi để thi hành nhiệm vụ cao trọng được Cha giao phó. Trong cái xã hội luôn đề cao cá nhân ngày nay, ai cũng chú mục tìm kiếm cho mình một chỗ đứng càng cao hơn nhiều người càng tốt để dễ dàng thực hiện những mơ ước của bản thân. Trong Chúa thì ngược lại, Đức Chúa Jesus đã từng dạy môn đồ mình rằng: “Trong các ngươi thì không như vậy; trái lại, trong các ngươi, kẻ nào muốn làm lớn, thì sẽ làm đầy tớ các ngươi” (Mathio 20:26). Ngài đã thực hiện trước điều đó để làm gương, chính Ngài đã TỰ BỎ MÌNH đi, lấy hình tôi tớ và trở nên giống như loài người (câu7). Hằng ngày, trên các phương tiện truyền thông, chúng ta luôn được nghe đến những con người vì đại cuộc sẵn sàng hi sinh, quên mình, bỏ mình để chiến đấu cho một lý tưởng nào đó. Là những người hầu việc Chúa, anh em mình càng phải tỏ ra xứng đáng hơn như vậy khi được sống hạnh phúc trong ơn Chúa và hầu việc Ngài.

Hãy tự khích lệ mình khi nhìn vào tấm gương Cứu Chúa để lại: “Ngài đã hiện ra như một người, tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự” (câu 8).Một cuộc sống HÒA MÌNH và HẠ MÌNH. Cơ Đốc Nhân nhập thế, không mang ý nghĩa là phải hòa đồng, pha trộn với mọi việc của thế gian, nhưng là những cuộc đời, những con người biết thông cảm và sẵn sàng chịu thương chịu khó để làm nhịp cầu đưa dắt tội nhân trở về cùng Đức Chúa Trời đầy lòng nhân từ va hay thương xót.

Trong tinh thần kính Chúa, Cơ Đốc Nhân sẽ có ước vọng học tập để được nên giống như Chúa, để yêu người. Từ đó mới đủ sức mạnh để quên mình, bỏ mình, vì thiên chức cứu người cao cả mà sống hòa mình, hạ mình để đem lại lợi ích thiên thượng cho những người còn đang sống mê muội chung quanh ta. Khi mà chúng ta “có đồng một tâm tình như Đấng Christ đã có”; thì không khó để chúng ta làm điều này với mọi người quanh ta : “Chớ làm sự chi vì lòng tranh cạnh hoặc vì hư vinh, nhưng hãy khiêm nhường, coi người khác như tôn trọng hơn mình. Mỗi người trong anh em chớ chăm về lợi riêng mình, nhưng phải chăm về lợi kẻ khác nữa” (câu 3,4).