Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 270

Phước Cho Người Đoái Đến




“Phước cho người nào đoái đến kẻ khốn cùng! Trong ngày tai họa Đức Giê-hô-va sẽ giải cứu người.” - Thi-thiên 41:1

Lòng nhân từ của Đức Chúa Trời luôn là nguồn hỗ trợ và an ủi cho con dân Ngài, khi họ gặp những hoạn nạn, khó khăn. Vua Đa-vít đã kinh nghiệm được điều này khi ông nằm trên giường bịnh; ông thấy kẻ thù của ông rất hung bạo, nhưng Chúa của ông rất nhân từ. Trong Thi-thiên 41, vua Đa-vít cho thấy rằng, nguồn yên ủi của ông đến từ sự tương giao với Chúa, với đức tin vào lời hứa của Ngài cho ông (Thi thiên 41:1-3) và qua sự cầu nguyện giữa ông với Chúa sẽ nâng đỡ tâm linh ông dậy (Thi thiên 41:4). Ông đã trình bày những sự gian ác của kẻ thù đối với ông (TT 41:5-9); và ông đã trao cho Chúa xét xử họ, bởi vì ông biết rằng Chúa sẽ bênh vực cho ông (Thi-thiên 41:10-12). Thi-thiên 41 kết thúc bằng lời ngợi khen Chúa, “Đáng ngợi khen Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên, Từ trước vô cùng cho đến đời đời! A-men, A-men!”

Vua Đa-vít đã bắt đầu Thi-thiên 41 bằng những lời hứa cho ai “đoái đến”, có lòng nhân từ, thương xót người khốn cùng, nghèo khổ: “Phước cho người nào đoái đến kẻ khốn cùng! Trong ngày tai họa Đức Giê-hô-va sẽ giải cứu người” (Thi-thiên 41:1). Động từ “đoái đến” có nghĩa là “đoái thương”, hay “đoái xem”, là hành động chú ý đến và bày tỏ lòng thương xót, lòng quan tâm, chăm sóc, để ý tới người nào đó. “Kẻ khốn cùng” là những người khốn khổ, cùng cực; là những người đang gặp hoàn cảnh khó khăn tột bực và cần sự giúp đỡ của người khác. Như vậy, người “đoái đến kẻ khốn cùng” là người có hành động thương xót, quan tâm, đoái xem, và sẵn sàng giúp đỡ những người đang khốn khổ, nguy nan… Trong Kinh Thánh, động từ “đoái” đi kép với những từ khác, như là, đoái tiếc, đoái xem, đoái đến, đoái trông, đoái nghe, đoái hoài (Gióp 10:12, "Chúa đã ban cho tôi mạng sống và điều nhân từ; Sự Chúa đoái hoài tôi đã gìn giữ tâm hồn tôi."), đoái thương (Phục-truyền Luật-lệ Ký 13:18, "thì Đức Giê-hô-va nguôi cơn giận Ngài, làm ơn cho, và đoái thương ngươi, khiến cho ngươi thêm nhiều lên, y như Ngài đã thề cùng tổ phụ ngươi”).

Xuyên suốt Kinh Thánh, lòng thương xót của Đức Chúa Trời đối với con dân ngài được bày tỏ qua động từ “đoái tiếc”, “đoái đến”, “động lòng thương xót”. Chúa rất đau lòng khi thấy con người phạm tội, Ngài rất muốn họ trở về với Ngài, như Ngài đã bày tỏ đối với dân thành Ni-ni-ve. Chúa nói với ông Giô-na rằng, “… Ngươi đoái tiếc một dây mà ngươi chưa hề khó nhọc vì nó, ngươi không làm cho nó mọc, một đêm thấy nó sanh ra và một đêm thấy nó chết. Còn ta, há không đoái tiếc thành lớn Ni-ni-ve, trong đó có hơn mười hai vạn người không biết phân biệt tay hữu và tay tả, lại với một số thú vật rất nhiều hay sao” (Giô-na 4:10-11). Hơn nữa, đối với cả thế nhân, Chúa đã đoái đến và ban cho một Đấng Cứu Thế được sanh ra bởi bà Ma-ri. Bà đã ca ngợi Chúa rằng, “… Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, Tâm thần tôi mừng rỡ trong Đức Chúa Trời, là Cứu Chúa tôi. Vì Ngài đã đoái đến sự hèn hạ của tôi tớ Ngài. Nầy, từ rày về sau, muôn đời sẽ khen tôi là kẻ có phước; Bởi Đấng Toàn Năng đã làm các việc lớn cho tôi. Danh Ngài là thánh, Và Ngài thương xót kẻ kính sợ Ngài từ đời nầy sang đời kia” (Lu-ca 1:46-50). Tiếp theo đó, khi Chúa Giê-xu đến thế gian, trong hành trình giảnh đạo của Ngài, Đức Chúa Giê-xu đoái thương, động lòng thương xót những người hư mất, “Khi Ngài thấy những đám dân đông, thì động lòng thương xót, vì họ cùng khốn, và tan lạc như chiên không có kẻ chăn” (Ma-thi-ơ 9:36). Một hành động “đoái thương” khác được Chúa Giê-xu mô tả trong ví dụ về “người Sa-ma-ri nhân lành”, “Song có một người Sa-ma-ri đi đường, đến gần người đó, ngó thấy thì động lòng thương” (Lu-ca 10:33).

Chúa Giê-xu là gương về tấm lòng “đoái đến”, thương xót tất cả mọi người – ngay cả những ai không xứng đáng! “Ngài nâng đỡ người khốn cùng lên khỏi bụi tro, Cất kẻ thiếu thốn khỏi đống phân” (Thi-thiên 113:7); “Đức Giê-hô-va có lòng thương xót, hay làm ơn, chậm nóng giận, và đầy sự nhân từ” (Thi-thiên 103:8). Chúa muốn chúng ta bắt chước Ngài mà đoái thương đến những ai khốn cùng cần giúp đỡ về thể chất, cũng như những người chưa tin -cần nghe đế Tin Lành của Ngài. Lời Chúa dạy, “Kẻ hà hiếp người nghèo khổ làm nhục Đấng Tạo hóa mình; Còn ai thương xót người bần cùng tôn trọng Ngài” (Châm-ngôn 14:31 ); “Ai thương xót kẻ nghèo, tức cho Đức Giê-hô-va vay mượn; Ngài sẽ báo lại việc ơn lành ấy cho người” (Châm-ngôn 19:17). Lời Chúa hứa rằng Ngài sẽ ban ơn lành, giải cứu, gìn giữ, bảo tồn mạng sống, được phước trên đất, chữa lành khi đau bịnh, cho những ai đoái đến người khốn cùng, cần giúp đỡ, bất kể là ai! “Phước cho người nào đoái đến kẻ khốn cùng! Trong ngày tai họa Đức Giê-hô-va sẽ giải cứu người. Đức Giê-hô-va sẽ gìn giữ người, bảo tồn mạng sống người: Người sẽ được phước trên đất, và Ngài chắc không phó người cho ý muốn của kẻ thù nghịch người. Đức Giê-hô-va sẽ nâng đỡ người tại trên giường rũ liệt; Trong khi người đau bịnh, Chúa sẽ cải dọn cả giường người.” (Thi-thiên 41:1-3). Nguyện xin Chúa giúp chúng con biết quan tâm đến những người chung quanh, và bày tỏ lòng thương xót qua những hành động cụ thể, như Chúa đã đoái thương chúng con mà đã chết trên thập tự giá để cứu chược chúng con; xin tình yêu đời đời của ngài tràn ngập trong chúng con để chúng con có thế yêu thương và giúp đỡ mọi người, nhất là mạnh mẽ rao giảng Tin Lành cho những người còn hư mất! Amen!


Bởi lòng thương xót, Ngài đã đến,
Đã cứu chúng ta khỏi tội tình,
Đấng Christ hy sinh trên thập tự,
Vì Ngài đoái đến cả chúng sinh!
Theo gương Cứu Chúa, ta luôn sống,
Bày tỏ tình yêu, chẳng tiếc mình,
Giúp đỡ tha nhân, người khốn khổ,
Tin Lành rao giảng thật hiển vinh!

Ngọc Huỳnh Bích