Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 127

Tự Do Thật

Đấng Christ đã giải phóng để chúng ta được tự do. Vậy hãy đứng vững, đừng đặt mình dưới ách nô lệ một lần nữa.” (Galati 5:1)

Sống tự do là niềm ước mơ chung của tất cả mọi người ở khắp nơi trên thế giới. Tuy nhiên, sống tự do không có nghĩa là muốn nói gì thì nói và muốn làm gì thì làm! Theo quyển Bách Khoa - World Book of 2019, định nghĩa tự do là khả năng lựa chọn và thực hành một điều nào đó. Sự tự do nầy liên hệ đến sự suy nghĩ, lời nói, và hành động. Ở Hoa Kỳ, người công dân Mỹ có bốn đặc quyền: (1) Tự Do Hội Họp; (2) Tự Do Tôn Giáo; (3) Tự Do Ngôn Luận; và (4) Tự Do Báo Chí. Quyền con người ở Hoa Kỳ được luật pháp bảo vệ bằng Hiến pháp và các tu chính án hiến pháp sau này, các hiệp ước quốc tế, được thông qua bởi Quốc hội Hoa Kỳ, cơ quan lập pháp các tiểu bang, và bầu cử. Dân chúng Mỹ trân trọng Bản Tuyên Ngôn Độc Lập từ khi lập quốc. Bản Tuyên ngôn tự do nhân quyền nầy là một phần trong tuyên ngôn độc lập năm 1776. Nội dung bản tuyên ngôn này khá dài nhưng cũng có một số ý liên quan đến nhân quyền như sau: “Sự thật hiển nhiên là mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. ĐấngTạo hóa ban cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được trong đó có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Để đảm bảo những quyền này, các chính phủ phải do dân bầu ra, quyền lực là quyền lực của nhân dân. Nếu chính phủ nào hủy hoại những mục tiêu này thì người dân có quyền thay đổi hoặc lật đổ chính phủ và hình thành nên chính phủ mới, dựa trên những nguyên tắc và tổ chức quyền lực theo hình thức mà người dân cho là chắc chắn sẽ đảm bảo được sự an toàn và hạnh phúc của họ.

Năm 1886, nước Pháp đã tặng cho nước Mỹ “Tượng Nữ Thần Tự Do” – “Statue of Liberty” để kết mối liên hệ bang giao giữa hai quốc gia và nâng cao tinh thần tự do dân chủ của mỗi người khi đến định cư sinh sống tại Hoa Kỳ. Đối với người tin theo Chúa, sau khi đã tiếp nhận Đức Chúa Giê-su làm Cứu Chúa đời sống mình thì biết rõ rằng mình thuộc về công dân Thiên quốc và đang có những đặc quyền tự do trong Chúa. Sứ đồ Phao Lô giải thích rõ những đặc quyền tự do nầy trong bức thư gởi đến tín hữu tại Hội Thánh Galati. Chữ “Tự Do Trong Chúa” cũng chính là chủ đề chính trong bức thư nầy. Mời bạn cùng tôi suy gẫm về đặc quyền tự do nầy.

1. Sự Tự Do Của Cơ Đốc Nhân. Galati 5:1 chép: “Đấng Christ đã giải phóng để chúng ta được tự do. Vậy hãy đứng vững, đừng đặt mình dưới ách nô lệ một lần nữa. ” Có hai câu hỏi liên quan đến sự tự do của Cơ Đốc nhân. Câu hỏi thứ nhất là con dân Chúa được tự do khỏi điều gì? Kinh Thánh cho biết vì Đức Chúa Giê-su đã chết thế tội cho chúng ta nên chúng ta được tự do khỏi:

(1) Sự rủa sả của việc sống dưới luật pháp (5:1,12).

(2) Sự sợ hãi cơn phân xét nặng nề của Đức Chúa Trời (5:10,15).

(3) Lương tâm kiện cáo (1 Côrinhtô 10:29).

(4) Quyền lực của Sa-tan trên đời sống chúng ta (5:9).

Câu hỏi thứ hai là con dân Chúa được tự do để làm gì? Kinh Thánh cho biết:

(1) Tự do để yêu kính Đức Chúa Trời với sự vui mừng thực sự thay vì dưới bàn tay nặng nề của Luật Pháp (5:1). Chúa Giê-su phán hứa cho những ai tin theo Ngài: “Vậy, nếu Con giải phóng các ngươi thì các ngươi thật sự được tự do” (Giăng 8:36).

(2) Tự do để nói với anh chị em trong Chúa Giê-su rằng: “Tôi yêu anh chị em và sẵn sàng phục vụ anh chị em.” (5:13b).

(3) Tự do đến gần Ba Ngôi Đức Chúa Trời. Chúng ta không còn nhờ cậy thầy tế lễ đến với Đức Chúa Trời như dân sự Chúa phải làm trong thời Môi-se nữa (5:4).

(4) Tự do để vui hưởng sự tự do của chúng ta trong Chúa Giê-su (5:13a). Một người ăn chơi phóng túng vào “Tứ Đổ Tường” thì đã đánh mất ý nghĩa đời sống con người và không còn trân quý quyền tự do làm người của một công dân tốt. Những thứ gì chúng ta bị lệ thuộc vào bị nó điều khiển mình thì mình bị mất tự do rồi. Những thứ đó có thể là tiền tài, danh vọng, và những thói quen xấu.

2. Những Giới Hạn Của Sự Tự Do. Galati 5:13 chép: “Thưa anh em, anh em đã được gọi để hưởng tự do; chỉ có điều là đừng dùng tự do ấy như một cơ hội để sống cho xác thịt, nhưng hãy lấy lòng yêu thương mà phục vụ nhau. ” Có một số giới hạn của sự tự do mà con dân Chúa cần phải ghi nhớ:

(1) Sự tự do trong Đấng Christ không phải là một giấy phép để chúng ta phạm tội (5:13); 1 Côrinhtô 6:12 chép: “Tôi được phép làm mọi sự, nhưng không phải mọi sự đều có ích. Tôi được phép làm mọi sự, nhưng không làm nô lệ cho bất cứ điều gì. ” 1 Côrinhtô 10:23 cũng dạy rằng: “Mọi sự đều có phép làm, nhưng chẳng phải mọi sự đều có ích. Mọi sự đều có phép làm, nhưng chẳng phải mọi sự đều gây dựng.

(2) Sự tự do của chúng ta được tự chế bởi tình yêu ta dành cho Đấng Christ. Vì yêu Chúa chúng ta không dám phạm tội (5:14-15). Trong Chúa, chúng ta được tự do không phạm tội.

(3) Tự do quá mức sẽ phá hủy bạn (5:9, 15). Galati 5:9 chép: “Một ít men làm dậy cả đống bột. ” Câu nầy như một con dao hai lưỡi. Nếu nó xấu thì tác hại vô cùng. Còn nếu nó tốt thì gây ảnh hưởng rộng lớn. Câu châm ngôn “Hữu xạ tự nhiên hương.” Nghĩa là việc lành tự nhiên sẽ được vang tiếng thơm. Tuy nhiên, cũng có câu châm ngôn khác rằng: “Khi bạn đúng chẳng ai nhớ. Còn khi bạn sai chẳng ai quên.”

Mỗi Cơ Đốc nhân cần ghi nhớ lời dạy của Thánh Kinh về sự tự do thật trong Chúa và những giới hạn của sự tự do. Điều quan trọng bạn cần ghi nhớ là tội nhân chỉ tìm được sự tự do thật ở trong Đấng Christ. Trước khi tin nhận Chúa, mỗi người đều là tội nhân, làm nô lệ cho tội lỗi, bản ngã xác thịt, ma quỷ, và thế gian mờ tối nầy. Khi một người quyết định đầu phục Chúa bằng cách mời Chúa Giê-su ngự vào lòng làm Chủ đời sống mình và sống trong Lời của Ngài thì đời sống chúng ta có thứ tự lớp lang, kinh nghiệm tự do thật khỏi những ràng buộc của tội lỗi. Cầu xin hồng ân Thiên Chúa giúp bạn trải nghiệm sự tự do thật trong Chúa Giê-su mỗi ngày. A-men.

Mục sư Lê Hồng Phúc

Địa chỉ liên lạc:
Hội Thánh Báp Tít Đức Tin
11312 Shiloh Rd., Dallas, TX 75228
(972) 270-1557
Facebook: Viet Faith Dallas; www.VietFaith.org
Email: mspeterhongle@gmail.com
Lễ Thờ Phượng lúc 10 giờ sáng Chúa Nhật
Quản Nhiệm: Mục sư Peter Lê Hồng Phúc