Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 125

Chuyện... Chữ Nghĩa (4)

Kinh thánh: Giê-rê-mi 29: 11; Ga-la-ti 5: 19-23; Gia cơ 4: 6; II Phê-rơ 1: 5-7 (*)

Kính chào quý độc giả thân mến,

Trong thời gian qua, tôi có thưa chuyện với bạn về “Chuyện...chữ nghĩa” (1), (2), và (3).

Nay, xin được tiếp tục bày tỏ với quý độc giả và thính giả gần xa “Chuyện...chữ nghĩa” (4)

Rất mong được sự chia sẻ của mọi người để góp phần làm cho tiếng Việt của chúng ta càng ngày càng thêm đẹp đẽ, đáng yêu.

+ Từ đầu tiên trong bài nầy mà tôi muốn nói đến là từ “khiêm tốn.”

“Khiêm tốn”, hay khiêm nhường là một phẩm chất tốt của một người. Một người khiêm tốn, hay khiêm nhường là một người hạ mình trước người khác, biết tôn trọng người khác hơn mình.

Môi-se được Kinh thánh ghi lại là một con người rất khiêm tốn: “Môi-se là một người rất khiêm tốn, khiêm tốn nhất trần gian.” (Sách Dân Số, chương 12, câu 3)

Trái với khiêm tốn, khiêm nhường là kiêu ngạo, tự cao.

Người khiêm tốn được người ta yêu thương thể nào thì người kiêu ngạo bị người ta xa lánh thể đó.

Kinh thánh cho biết Đức Chúa Trời thương yêu những người khiêm tốn, nhưng chống cự những kẻ kiêu ngạo: “Đức Chúa Trời chống kẻ kiêu ngạo. Nhưng ban ân sủng cho người khiêm tốn.” (Sách Gia-cơ, chương 4, câu 6)

Không ít người trong chúng ta dùng không đúng từ “khiêm tốn” trong lời ăn tiếng nói hằng ngày.

Chắc bạn cũng như tôi đã từng nhiều lần nghe ai đó nói những câu đại ý rằng: “Với số tiền khiêm tốn như thế nầy, thì chúng ta khó có thể làm được cái gì.” (Nghĩa là “Với số tiền ít ỏi nầy, thì chúng ta không thể làm được cái gì.”). Dùng từ “khiêm tốn” như thế là...sai, dù người nghe vẫn có thể hiểu được. Đúng và ...chuẩn nhất là dùng từ “ít ỏi” thay cho từ “khiêm tốn” ở đây. Khiêm tốn nói đến điều tốt, trong khi ít ỏi là điều ...chưa tốt.

+ Từ thứ hai là từ “Đức tính”:

Đức tính là nói đến phẩm chất tốt đẹp nào đó của con người. Tỷ như khiêm tốn, chân thật, vị tha...là những đức tính tốt mà con người chúng ta cần phải có.

Còn những tính cách như kiêu ngạo, khoe khoang, ích kỷ, tham lam...thì không thể nói là những đức tính được. Những tính cách đó là những thói xấu của một người.

Trong sách Ga-la-ti, chương 5, câu 19-21a chép về những tính nết xấu xa của con người thiên nhiên: “Các hành động theo xác thịt thật rõ ràng, ấy là: Gian dâm, ô uế, phóng đãng, thờ thần tượng, phù thủy, thù hận, tranh chấp, ganh ghét, giận dữ, tham vọng ích kỷ, chia rẽ, bè phái, ghen tỵ, say sưa, chè chén và những điều khác tương tự.

Và câu 22, 23 thì nói đến những đức tính (mỹ đức) mà một Cơ-đốc nhân phải có trong đời sống theo Chúa của mình: “Nhưng trái của Thánh Linh là: Yêu thương, vui mừng, bình an, nhẫn nại, nhân từ, lương thiện, trung tín, nhu mì, tiết độ, không có luật nào ngăn cấm các điều đó.

Nếu chúng ta không...uốn lưỡi...bảy lần thì dễ lắm, chúng ta sẽ nói sai, dùng sai từ “đức tính” vốn có nghĩa là những điều tốt cho những thói xấu của một ai đó.

+ “Xán lạn” hay “sán lạn”?: “Xán lạn” là một từ Hán Việt ám chỉ sự sáng sủa, tươi đẹp. “Xán” là rực rỡ, “lạn” nghĩa là sáng sủa.

Vậy, từ dùng cho đúng ở đây là “xán lạn” chứ không phải là “sán lạn”. Người ta thường nói “Một tương lai xán lạn.” Còn từ “sán lạn” thì...không có nghĩa gì hết.

Đức Chúa Trời dành cho những người tin Ngài một tương lai tốt đẹp, xán lạn. Lời Kinh thánh trong sách Giê-rê-mi, chương 29, câu 11 chép như sau: “Vì chính Ta biết rõ chương trình Ta hoạch định cho các ngươi. Ta có chương trình bình an thịnh vượng cho các ngươi, chứ không phải tai họa. Ta sẽ ban cho các ngươi một tương lai đầy hy vọng.” (có nghĩa là một tương lai xán lạn)

+ “Tối ưu” hay “tối ưu nhất”?: “Tối” nghĩa là nhất rồi, không cần thêm chữ “nhất” vào sau nữa làm gì cho thừa thải. Đừng nói “Phương án tối ưu nhất là...” Cần nói đúng “Phương án tối ưu là...” Hoặc một cách nói khác cũng thường nghe người ta nói dư nữa: “Điều tối quan trọng nhất là...” là dư một chữ. Nếu đã nói “tối” thì không thêm “nhất” nữa. Ngược lại, nếu đã dùng “nhất” thì đừng thêm “tối” nữa làm gì cho...thêm tối. Cách nói đúng là: “Điều tối quan trọng là...” hay “Điều quan trọng nhất là...” Nói vậy là đủ. Không dư, không thiếu.

Hãy cẩn thận để không phải nói hay viết sai những điều không đáng sai trong tiếng mẹ đẻ của mình bạn nhé!

Chúng ta cũng thường nghe nhiều người nói thừa chữ như “trứng hột vịt lộn” (đã nói “trứng” rồi thì thôi, không dùng “hột” nữa, hoặc đã dùng “hột” rồi thì thôi đừng nói “trứng” nữa làm chi cho...mỏi miệng. Một là “trứng” hai là “hột” là...đủ!
+ “Dành” và “giành”:

-“Dành”: là động từ có nghĩa là tiết kiệm, cất giữ, để riêng cái gì đó ra cho ai đó hay cho việc gì đó, hoặc nói đến quyền sở hữu của ai đó. Chúa Giê-xu lên tiếng binh vực về việc Ma-ri xức dầu thơm cho chân Ngài như sau: “Cứ để mặc nàng, vì nàng đã để dành dầu này cho ngày tẩm liệm Ta!” (Sách Giăng, chương 12, câu 4). Trong Sách Giu-đe, câu 4 cũng có câu: “Vì có mấy kẻ trà trộn vào giữa vòng anh chị em, là những kẻ từ xưa đã dành riêng để bị hình phạt.”

-Còn “Giành”: Cũng là động từ, nhưng lại chỉ về sự tranh đoạt.
Một ví dụ: “Tranh giành quyền lợi vật chất dễ làm mất tình cảm với nhau.”

Hai từ nầy khác nghĩa nhau hoàn toàn nên chúng ta cần lưu ý một cách cẩn thận để không lẫn lộn khi sử dụng chúng...

Thật không dễ để có thể tự nhiên mà nói và viết tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ của chúng ta cho đúng và chuẩn phải không bạn? Theo tôi, như đã nói, cách hay nhất để có thể nói và viết tiếng nước mình cho đúng, cho chuẩn và cho hay nữa, đó là chúng ta phải dành thì giờ đọc sách tiếng Việt nhiều hơn, nhất là kho tàng ca dao, dân ca rất phong phú của ông cha ta và những tác phẩm văn chương Việt Nam có giá trị. Thiết nghĩ, chúng ta cũng cần có riêng cho mình một quyển từ điển chính tả để tra cứu khi có những chữ, những từ nào đó mà mình còn chưa tự tin là nói hoặc viết đúng và chuẩn nó.

Với những Cơ-đốc nhân, thiết tưởng không có gì tốt hơn để có thể nói và viết tiếng Việt cho tốt là hãy dành thì giờ đọc Kinh thánh tiếng Việt thật nhiều, càng nhiều càng tốt. Đọc Kinh thánh có những điều lợi lớn cho chúng ta như chúng ta sẽ hiểu biết và ghi nhớ được nhiều lời Chúa trong lòng. Khi hiểu biết, ghi nhớ lời Chúa nhiều và làm theo thì chúng ta sẽ có được một đời sống khôn ngoan, và chúng ta sẽ được phước. Chúng ta sẽ biết cách và dạn dĩ để chia sẻ niềm tin cho người khác, như lời Chúa dạy: “Nhưng trong lòng anh chị em hãy biệt riêng Chúa Cứu Thế làm Chúa. Luôn luôn sẵn sàng để trả lời cho bất cứ ai hỏi anh chị em lý do nào anh chị em có hy vọng đó. Phải làm điều này với sự nhu mì, kính trọng.” (Sách 1 Phi-e-rơ, chương 3, câu 15)

Ngoài Kinh thánh ra, chúng ta có thể tìm đọc những tác phẩm văn học Việt Nam có giá trị cũng như tìm đọc kho tàng văn chương bình dân của cha ông ta để lại, hầu nâng cao khả năng nói và viết tiếng mẹ đẻ của mình.

Tôi thích những vần thơ trong Thánh Thi 45 như sau: “Lòng tôi cảm tác một chủ đề hay. Tôi sẽ ngâm những vần thơ cho vua. Lưỡi tôi là ngòi bút của văn sĩ đại tài.” (Sách Thánh Thi, chương 45, câu 1)

Hãy trở thành...những ngòi bút của văn sĩ đại tài cho Chúa bằng cách dành thì giờ đọc Kinh thánh hằng ngày bạn nhé, hỡi những Cơ-đốc nhân yêu quý!

Trên đây là thêm vài tâm sự nhỏ của tôi về chuyện...chữ nghĩa tiếng Việt yêu dấu của chúng ta.

Tôi nhớ cố nhạc sĩ tài hoa Phạm Duy đã từng sáng tác bài hát nổi tiếng về tiếng Việt dấu yêu, có một đoạn có lời thật sâu sắc như sau:

“Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi
Mẹ hiền ru những câu xa vời
À à ơi ! Tiếng ru muôn đời
Tiếng nước tôi ! Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui
Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi
Tiếng nước tôi ! Tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi
Thoắt nghìn năm thành tiếng lòng tôi, nước ơi...!”

Vâng, là người Việt Nam, dù là những người đã tin Chúa hay là những người chưa tin Chúa Giê-xu đi nữa, thì chúng ta rất cần phải biết yêu tiếng của nước mình phải không bạn? Để bày tỏ lòng yêu tiếng nước mình thì chúng ta phải học, phải đọc, phải nghe, phải nói tiếng nước mình thường xuyên và cho thành thục, cho nhuần nhuyễn, tránh được nhiều sai sót khi sử dụng tiếng nước mình là điều chúng ta cần hướng tới vậy.

Trong tác phẩm “Tiếng Việt tuyệt vời”, Giáo sư Đỗ Quang Vinh có nhận xét về tiếng mẹ đẻ của mình như sau: “Nhờ hệ-thống dấu gồm tám thanh, khác nào các dấu nhạc trầm bổng trong âm-giai. Người ngoại-quốc nghe ta nói, đều công-nhận tiếng nước ta du-dương, líu-lo, ríu-rít và thật truyền-cảm.” (**)

Tiếng Việt tuyệt vời là vậy!

Hy vọng sẽ có dịp trở lại trò chuyện cùng bạn với đề tài về tiếng Việt yêu dấu của chúng ta trong tương lai.

Nguyện xin Đức Chúa Trời ban ơn phước và sự bình an của Ngài cho mỗi một chúng ta!

California, ngày 10. 10. 2019

Mục sư Nguyễn - Đình - Liễu.

(*): Những câu Kinh thánh trong bài viết là trích từ Kinh thánh Bản Dịch Mới (BDM)

(**): http://doquangvinhvenguon.com