Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 161

Chuyện... Dòng Sông

Kinh thánh: Giăng 4: 13, 14; 7: 37, 38 (*)

Kính thưa quý độc giả, thính giả thân mến,

“Quê hương tôi có con sông xanh biếc
Nước gương trong soi tóc những hàng tre
Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè
Tỏa nắng xuống dòng sông lấp loáng.
Chẳng biết nước có giữ ngày, giữ tháng
Giữ bao nhiêu kỷ niệm giữa dòng trôi
Hỡi con sông đã tắm cả đời tôi?”

Đó là những câu thơ trong bài thơ “Nhớ con sông quê hương” nổi tiếng của nhà thơ Tế Hanh, mà rất nhiều người trong chúng ta đều biết, đều thuộc.

Trên thế giới, có nhiều những dòng sông nổi tiếng được nhiều người biết đến, xin kể vài dòng sông tiêu biểu như sông Nile ở Bắc Phi, được xem là con sống dài nhất thế giới; sông Amazon ở Nam Mỹ là con sông rất hùng vỹ; sông Dương Tử (hay còn gọi là sông Trường Giang) ở Trung Quốc là con sông dài nhất Châu Á, hoặc như sông Mississippi ở Bắc Mỹ, chảy từ phía tây bắc Minnesota đến Vịnh Mexico, Mississippi là dòng sông dài nhất Bắc Mỹ. Phần lớn lưu lượng của dòng sông này chảy qua nhiều tiểu bang trên lãnh thổ nước Mỹ và cuối cùng đổ ra vịnh Mexico...

Ở nơi nào trên đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta cũng đều có những dòng sông tươi mát cả. Nói về sông rạch thì có lẽ không nơi nào nhiều bằng vùng đồng bằng sông Cửu Long ở Nam bộ nước ta, vì thế mà người ta khi nói đến vùng nầy thì người ta nói đó là vùng sông nước.

Quê tôi ở không có nhiều sông rạch như thế, nhưng Tạo Hóa cũng ban cho quê tôi có một vài dòng sông chảy qua khá là nên thơ và thú vị. Một trong những dòng sông như thế là dòng sông Thu Bồn chạy qua nhiều địa phận trong Tỉnh, rồi chảy vào địa phận các Huyện Duy Xuyên, Điện Bàn của “đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm” yêu dấu của tôi, để rồi từ đó chảy ra biển tại Cửa Đại, thuộc thành phố Hội An cổ kính, và nhánh kia đổ vào sông Hàn, Đà Nẵng.

Thu Bồn là con sông lớn nhất, cũng là con sông nổi tiếng nhất của Quảng Nam. Sông Thu Bồn đã đi vào trong kho tàng ca dao xứ Quảng thật nên thơ:

“Quảng Nam có lụa Phú Bông
Có khoai Trà Đóa, có sông Thu Bồn”

Hay:

“Sáng trăng mà lội Thu Bồn
Lung linh bóng nước in hình của em”...

Nhà thơ nổi tiếng Bùi Giáng, một người con của quê hương xứ Quảng cũng có những câu thơ thật hay viết về dòng sông yêu thương nầy của quê mình như sau:

“Thu nay nằm nhớ Thu Bồn;
Con sông xứ Quảng linh hồn quê hương.
Quê hương xứ Quảng dịu dàng
Có cô thôn nữ có nàng tiên nga”

Đi trên Quốc lộ 1A, đến đoạn giáp ranh giữa hai Huyện Duy Xuyên và Điện Bàn, bạn sẽ gặp một cây cầu xưa cũ thuộc Tỉnh Quảng Nam, đó là cầu Câu Lâu. Cầu Câu Lâu bắt qua sông Thu Bồn. Đứng trên cầu Câu Lâu mà nhìn, bạn sẽ thấy một dòng sông rộng với những bãi cát phù sa phì nhiêu vào mùa Hè và dài hun hút với nước chảy cuồn cuộn vào mùa Đông. Sông Thu Bồn của quê tôi đấy bạn!

Theo Wikipedia cho biết, thì “Sông Thu Bồn với diện tích lưu vực rộng 10,350 km2, là một trong những sông nội địa có lưu vực lớn nhất Việt Nam. Sông bắt nguồn từ khối núi Ngọc Linh thuộc huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum và đổ ra biển tại cửa Đại, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, một nhánh chảy vào sông Vĩnh Điện để đổ nước vào sông Hàn, Đà Nẵng. Trước khi đổ ra biển tại cửa Đại, một phần nước của sông chảy vào sông Trường Giang để đổ ra vịnh An Hòa Tam Quang, huyện Núi Thành.

Sông Thu Bồn là dòng chính của hệ thống sông cùng tên. Phần thượng nguồn của sông còn được gọi với một cái tên khác là sông Tranh. Sông bắt nguồn từ núi Ngọc Linh cao 2,598m thuộc huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Phần thượng lưu, sông chảy theo hướng Nam-Bắc qua các huyện Nam Trà My, Bắc Trà My, Tiên Phước, Hiệp Đức, Nông Sơn, Quế Sơn. Đến Giao Thủy sông chảy vào vùng đồng bằng các huyện Duy Xuyên, Điện Bàn và Thành phố Hội An. Chiều dài của dòng chính đến Cửa Đại dài 198 km với tổng diện tích đến Giao Thủy (nơi hợp lưu với sông Vũ Gia) rộng 3,825 km 2. Tại thị trấn Vĩnh Điện, Huyện Điện Bàn, một phần nước của sông Thu Bồn đổ vào chi lưu Vĩnh Điện dẫn nước vào sông Hàn và đổ ra cửa biển Đà Nẵng”

Hai bên bờ sông, trên những bãi cát phù sa màu mỡ, vàng óng, người dân quê tôi thường trồng khá nhiều dưa hấu và một số loại cây trái khác...Khi dưa hấu chín, người ta đem ra con đường Quốc lộ đoạn sát cạnh hai bên dòng sông, dưới những tán cây mát để bán cho khách qua đường. Dua hấu ở đây nhiều nước và ngọt lịm, thơm lừng. Có lẽ do cái màu mỡ của đất phù sa làm cho dưa có được những ưu điểm như thế thì phải. Dưới dòng sông, bạn sẽ nhìn thấy những thuyền, ghe, dù không tấp nập dập dìu như thuyền ghe ở vùng đồng bằng sông Cửu Long Nam Bộ, nhưng cũng đủ để làm cho dòng sông thêm rộn rịp, sống động. Người ta chèo ghe, lái thuyền để đưa khách sang sông, để giao lưu hàng hóa như cây trái, cá tôm, lúa gạo... từ nơi nầy đến nơi khác. Đó cũng là một trong những cách sinh sống của người dân ở hai bên bờ sông.

Thu Bồn, dòng sông yêu thương của quê tôi đã đem lại biết bao điều tốt đẹp, lợi ích cho người dân trong Tỉnh, đặc biệt là cho những người dân sống ở hai bên bờ sông nầy. Sông cung cấp nguồn tôm cá khá dồi dào để ăn; sông cho nước tưới vào những cánh đồng lúa xanh tốt, đem lại những vụ mùa bội thu cho người dân; sông bồi đắp phù sa phì nhiêu cho người dân trồng tỉa; sông giúp cho sự giao thông, đi lại buôn bán được thuận tiện cho biết bao người. Sông cũng là nơi để cho nhiều người tắm mát vào những trưa Hè dưới cái nắng nóng đến cháy da cháy thịt của miền Trung, và sông cũng là chỗ thuận tiện cho nhiều người rửa chân tay hay giặt giũ áo quần nữa...Và nhiều nhiều những lợi ích khác nữa...

Nếu không có dòng sông yêu dấu nầy thì người dân quê tôi sẽ chịu nhiều thiệt thòi lắm, sẽ gặp nhiều khó khăn lắm, và sẽ thiếu đi nhiều lắm những thi vị của đời sống. Chắc chắn là như thế!

Cảm ơn dòng sông Thu yêu quý đã đem lại cho người dân quê tôi nhiều nguồn lợi quý báu từ bao đời nay. Mời bạn nếu có dịp nào đó có dịp ghé đến thăm quê tôi để được ngắm nhìn dòng sông Thu Bồn đáng yêu, đáng quý nầy một lần cho biết nhé!

Sông Thu Bồn cũng như nhiều dòng sông khác trên đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta hay các dòng sông khác trên thế giới nầy đều là những dòng sông địa lý, dù có đem lại nhiều nguồn lợi cho con người, nhưng đó chỉ là những nguồn lợi có tính chất tạm thời trong cõi vật chất tạm bợ nầy mà thôi, không tồn tại lâu dài, vĩnh viễn, không thể nào làm thỏa mãn được những khát vọng sâu thẳm trong tâm hồn con người chúng ta.

Kinh thánh có nói đến một dòng sông thiêng liêng, vô hình, nhưng mang lại cho con người một nguồn lợi thuộc linh lâu dài, vĩnh viễn, một nguồn lợi đời đời. Dòng sông đó và chỉ có dòng sông đó mà thôi mới làm thỏa mãn mọi khát vọng sâu kín nơi tâm hồn con người ở mọi nơi, thuộc mọi lứa tuổi, trải qua mọi thời đại.

Ngày xưa thật là xưa, bên xứ Do-thái, có một thiếu phụ Sa-ma-ri vào một buổi trưa, đi ra múc nước ở một cái giếng tên là Gia-cốp, thì bất ngờ lại gặp Chúa Giê-xu, nhơn đi đàng mỏi mệt, đang ngồi nghỉ chân bên giếng nước đó. Khi thấy thiếu phụ ra múc nước, Chúa xin bà cho Ngài uống nước làm cho bà ngạc nhiên vô cùng. Vì bà là người Sa-ma-ri, còn Chúa Giê-xu là người Do-thái, mà dân Do-thái thì rất ghét người Sa-ma-ri và không bao giờ muốn giao thiệp với họ cả. Chúa Giê-xu không thành kiến, không phân biệt đối xử như thế thường con người chúng ta. Ngài phá bỏ mọi hàng rào ngăn cách, giỡ bỏ mọi định kiến hẹp hòi, ích kỷ. Ngài thật kỳ diệu quá, vĩ đại quá, không một ai giống như Ngài!

Từ chỗ xin nước uống bình thường cho thể xác, Chúa đã mời bà uống nước siêu nhiên, thỏa mãn tâm linh do Ngài ban. Chúa đã phán với bà: “Đức Giê-xu đáp: "Ai uống nước nầy (nước uống bình thường của giếng Gia-cốp) rồi cũng khát lại, nhưng uống nước Ta ban cho (tức chính mình Ngài) sẽ chẳng bao giờ khát nữa. Nước Ta ban cho sẽ biến thành suối nước trong người, tuôn tràn sự sống vĩnh phúc." (Sách Giăng, chương 4, câu 13, 14).

Trong một lần khác, Chúa Giê-xu kêu gọi dân chúng rằng: “Đến ngày cuối của kỳ lễ là ngày long trọng nhất, Đức Giê-xu đứng dậy, lên tiếng kêu gọi: "Người nào khát hãy đến cùng Ta mà uống! Người nào tin Ta thì sông nước trường sinh sẽ tuôn tràn từ cõi lòng mình, đúng như Thánh Kinh đã dạy." (Sách Giăng, chương 7, câu 37, 38)

Chúa Giê-xu và Thánh Linh của Ngài chính là dòng sông duy nhất đem lại cho con người sự thỏa mãn thuộc linh vĩnh viễn, sâu kín nhất trong tâm hồn. Ngoài Ngài ra, con người không thể nào tìm đâu được sự thỏa mãn quý báu ấy cả. Đó là một chân lý không bao giờ thay đổi và đáng để cho bạn và tôi đem lòng tin trọn vẹn mà nhận lấy ngay hôm nay.

Dòng sông địa lý như dòng sông Thu Bồn ở quê tôi hay các dòng sông khác ở các nơi, chỉ có thể đem lại sự thỏa mãn thuộc thể, tạm thời; nhưng dòng sông thuộc linh sự sống thì sẽ đem lại sự thỏa mãn đời đời cho đời sống tâm linh con người chúng ta.

Hãy nhận lấy Chúa Giê-xu cho chính cuộc đời mình để được tắm mình trong dòng sông thuộc linh vĩnh hằng, hầu kinh nghiệm được những phước hạnh miên viễn từ trời tuôn đổ xuống cho chúng ta. Chúa Giê-xu đã và đang tha thiết kêu gọi mỗi một chúng ta: “Người nào khát hãy đến cùng Ta mà uống!”

Nào bạn, còn chần chờ gì nữa mà không đến với Ngài ngay hôm nay là thì thuận tiện, ngay hôm nay là ngày cứu rỗi dành cho bạn đó.

Hãy mau đến tắm mình trong dòng sông phước hạnh là Chúa Giê-xu bạn nhé!

Chúa Giê-xu đang chờ bạn. Và tôi, tôi cũng đang chờ bạn đến với Ngài nữa.

Mục sư Nguyễn - Đình - Liễu.

(*): Những câu Kinh thánh trong bài viết là trích từ Kinh thánh Bản Dịch Mới (BDM)

@ LỜI CẦU NGUYỆN TIN CHÚA (GỢI Ý):

“Lạy Đức Chúa Trời là Cha yêu thương của con, con cảm tạ Ngài đã ban Chúa Giê-xu xuống thế gian nầy để chịu chết trên thập tự giá đền tội cho con, và Ngài đã sống lại và sống mãi mãi để ban sự sống đời đời cho những ai bằng lòng tin nhận Ngài. Con nhận biết con là tội nhân trước mặt Ngài. Giờ nầy, con bằng lòng mở lòng ra, tin nhận Ngài. Xin Ngài tha thứ mội tội cho con. Nhận con làm con của Ngài và ban cho con sự sống đời đời, ban cho con nước sự sống từ Ngài. Con thành tâm cầu nguyện trong danh Chúa Giê-xu Christ. A men!” (A men, có nghĩa là “muốn được như lời vừa cầu xin.”

Mời bạn lắng nghe Đài Nguồn Sống, tiếng nói của tình yêu, chân lý và hy vọng, được phát thanh mỗi ngày trên mạng lưới internet toàn cầu qua địa chỉ dainguonsong.com để được hiểu biết thêm về Chúa và lời của Ngài.

Rất hân hạnh được đón bạn vào trong đại gia đình của Đức Chúa Trời để cùng thờ phượng Chúa với chúng tôi và hưởng niềm vui của người được cứu và được hưởng phước hạnh từ dòng sông Thánh Linh ban cho.