Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 162

Chuyện... Mùa Gặt

Kinh thánh: Lu-ca 10: 2; Giăng 4: 35-38; I Cô-rinh-tô 9: 9; I Ti-mô-thê 5: 18 (*)

Kính chào quý độc giả, thính giả thân mến,

Bạn có bao giờ chứng kiến được cảnh vào mùa gặt hái của người nông dân chưa?

Là người Việt Nam, chắc hẳn hầu hết mỗi chúng ta đều không lạ gì với chuyện...mùa màng, gặt hái cả, vì đất nước chúng ta cho đến nay vẫn là một đất nước nông nghiệp, chứ không phải là đất nước công nghiệp như trước đây người ta đã từng rêu rao nghe rất...kêu là vào năm 2020, Việt Nam sẽ trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Nhưng cho đến hôm nay, đã là giữa năm 2020 rồi, điều đó vẫn chỉ là một...bánh vẽ, một...sự tưởng tượng cho vui mà thôi. Chưa biết đến bao giờ nền nông nghiệp Việt Nam được phát triển một cách hiện đại như nền nông nghiệp của Mỹ và nhiều nước tư bản tiến tiến khác trên thế giới??? Mong cho nền nông nghiệp của đất nước ta sớm được phát triển để cho người nông dân bớt “đổ mồ hôi, sôi nước mắt”, nhưng vẫn có được hạt lúa, củ khoai, củ sắn để sống với người ta.

Mong cho người nông dân Việt Nam mình sớm hết cảnh:

“Gánh cực mà đổ lên non
Còng lưng mà chạy, cực còn chạy theo” (ca dao)

Lạy Chúa, xin thương xót, nhìn thấy những nỗi cực khổ của người nông dân Việt Nam chúng con mà giải thoát họ ra khỏi cảnh cơ cực thuộc thể và cả cảnh cơ cực thuộc linh nữa!

Nói đến chuyện...mùa màng, tôi nhớ ở quê tôi, mỗi khi vào mùa gặt hái, thì nhà nhà, người người đều tập trung toàn lực để thu hoạch mùa màng. Nhìn những cánh đồng lúa chín bao la như một tấm thảm vàng trải dài xuống mặt đất bình yên, ai nấy đều cảm thấy một nỗi niềm khoan khoái, vui tươi, hớn hở trào dâng tận đáy lòng.

Ngày mùa vất vả đáo để, nhưng niềm vui tràn trề. Ngay từ sáng sớm, cả cánh đồng bất tận đã rộn lên vì tiếng cắt lúa, tiếng nói chuyện của mấy bà, mấy cô thôn nữ. Các bà thì thi nhau cắt lúa, còn các ông thì tranh thủ tuốt lúa. Chẳng bao lâu, nhiều đám ruộng chỉ còn trơ ra những gốc rạ lởm chởm vàng tươi và những bờ cỏ xanh mướt như những “bữa tiệc” dọn sẵn thật sự khoái khẩu dành cho trâu bò. Khi mặt trời lên độ chừng một cây sào thì cũng là lúc bà con nông dân nghỉ tay ăn nửa buổi. Bữa ăn nửa buổi thật sự là những bữa ăn đầy thú vị đối với bà con nông dân quê tôi khi vào mùa. Vì đó là bữa ăn tiếp thêm sức lực để tiếp tục công việc còn lại. Nó thú vị không phải là món ăn cao lương mỹ vị gì, nhưng nó thú vị ở chỗ bữa ăn nầy rất xôm tụ, bởi có nhiều câu chuyện vui được kể ra cho mọi người cười cho sảng khoái, xua tan bớt đi cái mệt nhọc mà làm việc. Nhiều câu chuyện đời xưa cũng được những lão nông dày dạn kinh nghiệm sống kể lại làm cho nhiều người thêm lòng yêu quê hương, đất nước, yêu bà con, xóm làng. Ai đã từng sống ở thôn quê thì chắc hẳn sẽ khó lòng quên được những bữa ăn nửa buổi thật đơn sơ, nhưng thắm đượm tình người như thế. Hòa trong tiếng cười nói của bà con nông dân, tiếng nô đùa của những chú bé chăn trâu là tiếng máy tuốt lúa kêu rào rào, tiếng chim sẻ kêu chạch chạch...Tất cả những âm thanh ấy quyện lại tạo nên một không khí rộn ràng, vui tươi đến lạ của một vùng quê khi vào mùa.

Ngày hôm nay, một số ít hộ nông dân đã mua được máy gặt đập liên hoàn, nên việc cắt lúa, tuốt lúa như những năm trước đây hầu như cũng đã giảm đi rất nhiều nếu không muốn nói là hầu như không còn nữa. Đó cũng là một điều vui mừng nho nhỏ cho người nông dân Việt Nam.

Còn nhớ vào thời chưa có máy móc gì để giúp ích cho người nông dân, thì người dân quê tôi hoàn toàn phải dựa vào sức mình và sức của trâu bò để gieo cày, gặt hái. Trâu bò thì dùng để cày bừa, đạp lúa, còn người thì dùng đôi vai để gánh phân, gánh lúa. Tôi còn nhớ như in, thuở nhỏ đến vụ mùa thu hoạch, khi gánh lúa về thì chất thành đống hình vòng tròn trước sân nhà, và rồi chờ đến chiều tối, trời tắt nắng là bắt đầu cho trâu hoặc bò đi vòng quanh đống lúa nhiều lần để đạp cho hạt lúa rụng ra khỏi cây lúa. Những đứa con nhỏ trong nhà như tôi chừng mươi, mười hai tuổi thường là được giao nhiệm vụ điều khiển trâu hay bò đi vòng quanh đống lúa để đạp lúa mà vui làm sao, thích làm sao. Tôi nhớ cha tôi mỗi khi đạp lúa như thế, Người thường nhắc câu Kinh thánh: “Vì Thánh Kinh dạy: "Đừng khớp miệng bò đang đạp lúa," và "công nhân đáng lãnh tiền công.” (Sách 1 Ti-mô-thê, chương 5, câu 18, và Sách 1 Cô-rinh-tô, chương 9, câu 9 ) mà cho đến bây giờ, anh em chúng tôi vẫn còn nhớ.

Vâng, con trâu hay bò ở quê tôi, người ta thường hay khớp cái miệng nó lại bằng cái bịt (một dụng cụ được đan bằng tre, có những lỗ nhỏ và cột hai dây mây hai bên để bịt miệng trâu hay bò lại, kéo dây mây lên trên sừng trâu hoặc bò để giữ cho bịt không rớt, hầu cho trâu hay bò không thể ăn được lúa hai bên đường khi đi ra ngoài đồng cày, bừa. Nhưng khi đạp lúa, thì sau một vài vòng đi, khi những hạt lúa bên trên đã rụng hết ra rồi là người ta thường mở bịt ra để trâu hay bò được tự do...thưởng thức rơm tươi để có sức lực mà đạp lúa. Kinh thánh thật là tuyệt vời. Đức Chúa Trời thật tuyệt vời. Ngài quan tâm đến từng con vật mà chính Ngài đã dựng nên.

Khi thấy những hạt lúa đã rụng hết, thì người ta lấy mỏ sảy (dụng cụ có cán bằng tre dùng để gắn một vật dụng bằng sắt có hai hoặc ba nhánh tương đối nhọn và dài độ chừng 10cm, chỉa ra như hai hay ba ngón tay), sảy rơm rạ qua một bên, còn hạt lúa thì lọt xuống dưới nền sân. Những người đàn bà trong nhà thường là những người hốt lúa vừa đạp xong đi giê cho sạch, rồi phơi khô đem đổ vào bao, hoặc ghè, hay ví để trong nhà.

Về quê tôi vào dịp mùa, bạn sẽ thấy nhà nào nhà nấy cũng toàn lúa là lúa. Lúa đổ trong ghè, trong bồ, trong ví, trong bao chất đầy căng trong nhà, làm cho ngôi nhà vốn đã chật chội lại càng chật chội hơn một cách đáng yêu. Đưa mắt nhìn một lượt, bạn sẽ thấy trong nhà là lúa, trước ngõ là rơm. Có thể nói trước ngõ nhà nào cũng có một cây rơm to tướng, chắc nịch, vàng ươm như những...kim tự tháp uy nghi trông thật xinh dẹp, thật thanh bình. Những cây rơm to tướng, đáng yêu ấy là do từ “một sợi rơm vàng, hai sợi vàng rơm” đan kết lại mà thành đó bạn ạ!

Lúa đầy nhà, rơm đầy sân. Đó là mong ước của người nông dân, nói chung, và của người nông dân quê tôi, nói riêng, từ bao đời nay.

Về quê tôi vào ngày mùa, bạn cũng sẽ được nghe bài ca dao rất quen thuộc “Trâu ơi, ta bảo trâu này” đầy ắp tình cảm giữa người nông dân và con vật nuôi quý nhất của họ (vì “con trâu là đầu cơ nghiệp”) được vang lên trong các đường làng, ngõ xóm thật đáng yêu. Và rồi, bạn cũng sẽ nghe trào dâng lên trong lòng một tình yêu quê hương đất nước thật thiết tha, đằm thắm.

Vào những năm Trời cho thời tiết thuận lợi, “ơn Trời mưa nắng phải thì”, thì mùa lúa ở quê tôi trúng nhìn thật “đã” con mắt. Nhìn những bông lúa oằn xuống, những hạt lúa căng tròn, vàng óng mà thấy thích mắt làm sao. Người dân ở quê tôi gương mặt ai nấy cũng rạng rỡ, tươi vui, bởi đối với người nông dân, còn có niềm vui nào hơn là niềm vui được mùa.

Sau bao tháng ngày vất vả, đổ mồ hôi, sôi nước mắt, dãi nắng dầm mưa, âm thầm mong đợi cho đến ngày thu hoạch được an toàn, không gặp mưa gió bão lụt, và thu hoạch được một vụ mùa bội thu, đó là điều mong ước lớn nhất, niềm vui mừng lớn nhất của người nông dân quê tôi từ bao đời nay vậy.

Nhưng nếu gặp những năm “trái gió trở trời”, “mưa không thuận, gió không hòa”, thì bao nhiêu công lao khó nhọc, tiền của mua phân bón đổ vào mấy đám ruộng với hy vọng lớn lên từng ngày, để rồi cuối cùng mưa gió lụt bão bất chợt từ đâu đó, không mời mà cứ ập tới làm hư hỏng hoặc “để gió cuốn đi” mất sạch, thì người nông dân quê tôi chỉ còn biết...kêu ông Trời mà thôi. Cho nên, cứ đến mỗi khi mùa lúa gần chín là người dân quê tôi đều cầu mong cho ông Trời thương mà cho trời yên bể lặng để gặt hái mùa màng xong, rồi mưa gió, bão lụt gì thì cũng yên lòng...

Nói đến chuyện mùa màng ở quê tôi, tôi bỗng chợt nhớ đến trong Kinh thánh, Chúa Giê-xu cũng đã từng nhiều lần nhắc đến chuyện đồng ruộng, mùa màng. Ở xứ Do-thái ngày xưa, nghề nông cũng khá phổ biến như ở đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta, nên Chúa Giê-xu mới thường xuyên nhắc đến chuyện mùa màng, gặt hái như thế trong khi Ngài giảng dạy trước đám đông.

Có lần, Ngài sai môn đồ của Ngài ra đi làm công việc mà Ngài giao phó, thì Ngài nói với họ rằng: “Ngài bảo họ: "Mùa gặt thật trúng, nhưng thợ gặt lại ít. Vậy hãy nài xin chủ mùa gặt sai thêm thợ gặt vào mùa gặt của Ngài.” (Sách Lu-ca, chương 10, câu 2)

Rồi một lần khác, Chúa cũng nói với các môn đệ của Ngài về mùa gặt:

Chẳng phải chính các con đã nói còn bốn tháng nữa mới đến mùa gặt, nhưng Ta bảo: Hãy ngước mắt lên nhìn đồng lúa chín vàng sẵn cho mùa gặt. Thợ gặt đã lãnh tiền công và thu góp hoa lợi vào sự sống vĩnh phúc để kẻ gieo chung vui với người gặt. Thật đúng như câu người ta vẫn nói: Kẻ thì lo gieo, người thì lo gặt. Chính Ta đã sai các con đến gặt ở chỗ mình không gieo, người khác đã nhọc nhằn để các con vào hưởng công lao của họ." (Sách Giăng, chương 4, câu 35-38)

Hình ảnh về đồng ruộng, mùa màng ở đây hiện lên nhiều thật là nhiều, nào là mùa gặt, con gặt; nào là đồng ruộng đã vàng; nào là hoa lợi; nào là người gieo giống; nào là gieo, gặt... Tất cả đều mô tả về một vụ mùa bội thu, kết quả đang chực chờ. Có điều mùa gặt mà Chúa Giê-xu muốn nói ở đây không phải là mùa gặt hái mùa màng vật chất, lúa gạo bình thường như mùa gặt hái ở quê tôi hay ở một nơi nào khác mà là mùa gặt thuộc linh, mùa gặt linh hồn. Ngài nói “Thợ gặt đã lãnh tiền công và thu góp hoa lợi vào sự sống vĩnh phúc”. Rõ ràng đây là mùa gặt đặc biệt . Con gặt ở đây làm một công việc thật đặc biệt, ấy là thâu chứa hoa lợi cho sự sống đời đời.

Hỡi các tín nhân của Chúa Giê-xu, lời Ngài đang nhắc nhở mỗi một chúng ta rằng: “Mùa gặt thật trúng, nhưng thợ gặt lại ít”, “hãy ngước mắt lên nhìn đồng lúa chín vàng sẵn cho mùa gặt.” Hãy nhớ lời phán dạy của Ngài và luôn luôn ý thức được rằng công việc cần cấp hơn hết trong cuộc đời của mỗi tín nhân chúng ta khi còn sống trên trần gian ngắn ngủi nầy là làm con gặt thuộc linh, gặt những linh hồn hư mất đem vào trong kho đời đời của Ngài. Không có công việc nào quý báu bằng công việc cao cả đó cả.

Nguyện xin Chúa cảm động mỗi một tín nhân trong tinh thần gieo giống Tin Lành, làm những con gặt thuộc linh cho vương quốc đời đời của Đức Chúa Trời.

Có thể nói chưa bao giờ...đồng ruộng thuộc linh đã vàng, đã chín sẵn sàng để cho chúng ta gặt như là thời điểm chúng ta đang sống ngày hôm nay.

Là những tín nhân của Chúa, bạn cùng tôi hãy cùng bắt tay nhau bước vào cánh đồng lúa thuộc linh đang chín vàng sẵn cho mùa gặt để gặt hái những linh hồn tội nhân hư mất về cho Chúa kính yêu của chúng ta trước ngày Chúa Giê-xu sẽ trở lại trong một tương lai không xa bạn nhé!

Mục sư Nguyễn - Đình - Liễu.

(*): Những câu Kinh thánh trong bài viết là trích từ Kinh thánh Bản Dịch Mới (BDM)

@ LỜI CẦU NGUYỆN TIN CHÚA (GỢI Ý):

Nếu quý độc giả, thính giả là những người chưa tin nhận Chúa, đọc hoặc nghe được bài viết nầy mà được Đức Thánh Linh cảm động để tin nhận Chúa Giê-xu làm Chúa, làm Chủ cuộc đời mình, thì có thể thưa với Chúa lời cầu nguyện như sau:

“Lạy Đức Chúa Trời là Cha thiêng liêng của con, con cảm tạ Chúa vì đã ban Chúa Giê-xu xuống trần gian nầy để chịu chết trên thập tự giá chuộc tội cho con. Ngài đã sống lại từ trong kẻ chết để ban sự sống đời đời cho những ai bằng lòng tin nhận Ngài. Con nhận biết con có tội với Ngài. Giờ nầy, con bằng lòng mở lòng ra, tin nhận Chúa, xin Ngài tha thứ mọi tội cho con. Nhận con làm con của Ngài, ban cho con sự sống đời đời. Con thành tâm cầu nguyện trong danh Chúa Giê-xu. A men!” (A men, có nghĩa là “muốn được như lời vừa cầu nguyện”)

Nếu bạn đã thưa với Chúa lời cầu nguyện như vậy là bạn đã trở nên con cái Ngài. Xin mời bạn tìm đến một nhà thờ Tin Lành gần nơi bạn ở để được thờ phượng Chúa và được lớn lên trong đức tin.

Bạn cũng có thể lắng nghe Đài Nguồn Sống, tiếng nói của tình yêu, chân lý và hy vọng được phát thanh mỗi ngày qua mạng lưới internet toàn cầu theo địa chỉ dainguonsong.com để được hiểu biết thêm về Chúa và lời của Ngài.

Rất hân hạnh được đón tiếp bạn vào trong đại gia đình của Đức Chúa Trời!