Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 172

Chuyện... Chữ Nghĩa Tiếng Việt (5)

Kinh thánh: Châm ngôn 21: 31; Ê-sai 55: 12; Khải huyền 20: 10; Lu-ca 18: 7; I Phi-e-rơ 2: 2 (*)

Kính chào quý độc giả thân mến,

Vừa qua, người viết có dịp được thưa chuyện với quý độc giả “Chuyện...chữ nghĩa tiếng Việt” (1), (2), (3), và (4).

Hôm nay, rất vui xin được tiếp tục thưa chuyện với quý vị “Chuyện...chữ nghĩa tiếng Việt” (5) nữa đây.

Trong câu chuyện về chữ nghĩa tiếng Việt lần nầy, xin được thưa chuyện với quý độc giả mấy chữ mới nhìn qua, tưởng như chúng gần nhau, tưởng chúng là...anh em, bà con họ hàng với nhau, nhưng thực ra khi...nhìn kỹ thì chúng chẳng có gần nhau chút nào và cũng chẳng...anh em, bà con gì với nhau hết cả.

Trước hết, là hai từ “Vẻ” và “vẽ”:

+ “Vẻ” (dấu hỏi): Như là “vui vẻ”, diễn tả một trạng thái tình cảm của con người.

Sách Ê-sai, chương 55, câu 12 chép: “Vì các ngươi sẽ đi ra vui vẻ, được đưa đi trong sự bình an.”

Hay “Vẻ mặt” có ý nghĩa như bày tỏ...tính cách một ai đó được hiện lên trên gương mặt (vẻ mặt đăm chiêu, vẻ mặt hân hoan, rạng rỡ...).

“Vẻ vang” là có tiếng tăm tốt được nhiều người biết đến, khen ngợi.

+ “Vẽ” (dấu ngã: ) Là họa sĩ vẽ tranh, hay đẹp như tranh vẽ.

Ca dao có câu:

“Vầng trăng ai xẻ làm đôi
Đường trần ai vẽ ngược xuôi hỡi chàng?”

Thứ hai là hai từ “Sẻ” và “sẽ”:

+ “Sẻ” (dấu hỏi): Như chim sẻ, hay con sẻ của cái kèo nhà (là cái cây tre được vót tròn tròn, nhỏ nhỏ dùng để đút vô lỗ của hai cây kèo để giữ chúng lại với nhau làm thành mái nhà). Hoặc trong các thành ngữ “nhường cơm sẻ áo”, “chia ngọt sẻ bùi”...

Trong sách Thi-thiên 84, tác giả bài thơ nầy có viết:

“Con chim sẻ đã tìm được một nơi ở, và chim én tìm được một ổ đặng đẻ con nó.” (câu 3b)

Ông cha ta có bài đồng dao dành để cho trẻ em học, hát, vui chơi với nhau, nói về chim sẻ thật hay như sau:

“Con chim se sẻ
Nó ăn gạo tẻ
Nó hót líu lo
Nó ăn hạt ngô
Nó kêu lép nhép
Nó ăn gạo nếp
Nó vãi ra sân
O láng giềng gần
Xua con chim sẻ”

+ Còn “sẽ” (dấu ngã), có nghĩa là nói đến điều gì đó ở tương lai, hoặc việc dự định làm trong tương lai.

Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh có bài hát “Lâu đài tình ái” rất nổi tiếng mà rất nhiều người biết đến, trong đó có đoạn lời thật lãng mạn như sau:

“Anh sẽ vì em làm thơ tình ái.
Anh sẽ gom mây kết hình lâu đài.
Đợi chờ một đêm trăng nào tới,
đợi chiều vàng hôn lên làn tóc,
đợi một lần không gian đổi mới,
đón hai đứa chúng ta mà thôi...”

Trong sách Khải huyền có chép về việc Đức Chúa Trời sẽ hình phạt ma quỷ cũng quỷ sứ nó trong hồ lửa như sau:

Còn ma quỷ là đứa đã dỗ dành chúng, thì bị quăng xuống hồ lửa và diêm, trong đó đã có con thú và tiên tri giả rồi. Chúng nó sẽ phải chịu khổ cả ngày lẫn đêm cho đến đời đời.” (Khải huyền 20: 10)

Thứ ba là hai từ “Dể” và “dễ”:

+ “Dể” (dấu hỏi) có nghĩa là coi thường không kính nể một ai đó, như khi dể, khinh dể, dể ngươi.

Tiên tri Ê-sai khi nói tiên tri về sự thương khó của Đấng Mết-si-a, đã viết trong sách của mình như sau:

Người đã bị người ta khinh dể và chán bỏ, từng trải sự buồn bực, biết sự đau ốm, bị khinh như kẻ mà người ta che mặt chẳng thèm xem; chúng ta cũng chẳng coi người ra gì.” (Ê-sai 53: 3)

+ “Dễ” (dấu ngã) có nghĩa là không khó khăn gì, như dễ dàng, dễ chịu, dễ dãi, dễ ợt, khó dễ, khó người dễ ta, dễ làm khó bỏ...

Thứ tư là hai từ “Hải” và “hãi”:

+ “Hải” (dấu hỏi) là nói về những gì thuộc về...biển, thuộc về đại dương, như hàng hải, hải sản, hải cảng, hải âu, hải cảng, hải đảo, lãnh hải, hải quan, hải quân...

Thi thoảng, chúng ta “được” nghe một số người thuyết giảng nói dài lê thê, tràng giang đại hải, mà người tin Chúa thường hay ví sánh những người giảng như thế là giảng từ...Sáng thế đến Khải huyền.

+ “Hãi” (dấu ngã) có nghĩa là khiếp sợ trước một điều gì đó, như kinh hãi, sợ hãi, hãi hùng...

Trong Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du có câu:

“A hoàn trên dưới giục mau,
Hãi hùng nàng mới theo sau một người.”

Thứ năm là hai từ “Lẻ” và “lẽ”:

+ “Lẻ” (dấu hỏi) là số lẻ, khác với số chẵn (chẵn lẻ), như tiền lẻ, riêng lẻ, bán lẻ, chim lẻ bạn, xé lẻ ra cho nhiều, hoặc như lẻ loi, lẻ tẻ...

Ca dao có câu:

“Chim quyên lẻ bạn than thở một mình

Bây giờ mình lẻ bạn, một mình, mình thở than”

+ “Lẽ” (dấu ngã) là điều thường thấy ở đời, và được coi là hợp với đạo lý, như lý lẽ, lời lẽ, chẳng lẽ, lẽ đúng sai; hoặc có ý im lìm như lặng lẽ...

Trong sách Lu-ca, chương 18, câu 7 nói về việc Đức Chúa Trời quan tâm đến những người có tấm lòng kêu xin với Ngài:

Vậy, có lẽ nào Đức Chúa Trời chẳng xét lẽ công bình cho những người đã được chọn, là kẻ đêm ngày kêu xin Ngài, mà lại chậm chạp đến cứu họ sao!

Thứ sáu là những từ “Sửa” và “sữa”:

+ “Sửa” (dấu hỏi): Là làm lại cho đúng, cho đẹp, cho hay, cho phù hợp như sửa nhà, sửa xe, sửa bài, hay tu sửa, sửa đổi...

“Sửa” trong “sửa soạn” có nghĩa là chuẩn bị cho một điều gì đó. Hay “sắm sửa” có nghĩa là mua sắm thêm đồ dùng cho mình, cho gia đình mình.

Chúng ta cũng thường hay nghe thành ngữ “nâng khăn sửa túi”.

Một ví dụ: Anh chàng nói với người mình thương: “Cho anh được làm người nâng khăn sửa túi em nhé!”

Trong sách Châm ngôn, chương 21, câu 31 chép: “Ngựa sắm sửa về ngày tranh chiến; nhưng sự thắng trận thuộc về Đức Giê-hô-va.

Hay trong sách A-mốt, chương 4, câu 12 có chép: “ngươi khá sửa soạn mà gặp Đức Chúa Trời ngươi.

+ “Sữa” (dấu ngã): Là một thức uống bổ dưỡng, như sữa mẹ, sữa bò, sữa chua...

Trong sách Châm Ngôn, chương 30, câu 33 chép: “Vì ép sữa làm ra mỡ sữa, và đánh đập lỗ mũi bèn làm cho phun máu.

Kinh thánh cho biết, Cơ-đốc nhân có một loại sữa rất quý báu, rất bổ dưỡng cho đời sống tin kính Chúa của mình, đó là...sữa gì bạn biết không? Đó chính là...sữa lời Chúa. Thánh Phi-e-rơ cho biết: “hãy ham thích sữa thiêng liêng của Đạo, như trẻ con mới đẻ vậy, hầu cho anh em nhờ đó lớn lên mà được rỗi linh hồn.” (I Phi-e-rơ, chương 2, câu 2)

Ở Việt Nam mình, thì ai cũng đều quen thuộc với một loại sữa có cái tên khá...độc đáo là sữa Ông Thọ (không phải là sữa...Bà Thọ nhé).

Tại sao nói “sữa Ông Thọ” là độc đáo, và thậm chí là...độc nhứt thế giới? Vì chỉ có...đàn ông Việt Nam, và trong hàng triệu triệu đàn ông Việt Nam đó, chỉ có một mình...Ông Thọ mới...có sữa để bán cho mọi người uống thôi?

Bạn có đồng ý không?

Thứ bảy là hai từ “Chửa” và “chữa”:

+ “Chửa” (dấu hỏi): Là có bầu (có thai), như đàn bà có chửa.

Chúng ta có thành ngữ “bụng mang dạ chửa” để chỉ một người sắp đẻ.

+ “Chữa” (dấu ngã): Là sửa lại những chỗ hư hỏng, làm cho lành lại, như sửa chữa nhà cửa, sửa chữa xe cộ, chữa cháy, chữa lành...

Lời Chúa trong sách Sáng thế ký, chương 15, câu 26 cho biết rằng: “vì ta là Đức Giê-hô-va, Đấng chữa bịnh cho ngươi.”

Trong sách Giê-rê-mi, có câu: “Đức Giê-hô-va phán: Ta sẽ chữa lành thân thể ngươi, và chữa vết thương ngươi” (Giê-rê-mi, chương 30, câu 17)

Còn, còn rất nhiều những từ khá giống nhau tưởng giống như...anh em một nhà như thế, nhưng thực ra, “nó”...khác xa nhau lắm về ý nghĩa. Mới thoạt nhìn, chúng ta dễ tưởng rằng chúng là anh em với nhau, nhưng...ngó vậy mà không phải vậy!

Đó cũng là một trong những điều đặc biệt, độc đáo của tiếng Việt chúng ta.

...

Để kết thúc bài viết hơi làm...nhức đầu quý độc giả nầy, người viết xin...chuộc lỗi bằng cách gởi tặng quý vị bài ca dao thật thú vị của người Việt Nam chúng ta, như một cách để...chữa bệnh nhức đầu cho quý độc giả mà người viết đã...gây ra.

Đay là bài ca dao có cách...chơi chữ thật hay:

“Mùa Xuân em đi chợ Hạ
Mua cá Thu về, chợ hãy còn đông
Ai nói với anh rằng, em đã có chồng?
Tức mình, em đổ cá xuống sông, em về.”

Chúng ta thấy có sự hiện diện đủ mặt bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông trong một năm ở đây. Cách...chơi chữ đồng âm ở đây thật tuyệt. “Chợ Hạ” vừa là một địa danh, vừa chỉ mùa Hạ; “Thu” vừa chỉ loại cá ngon, vừa chỉ mùa Thu, và “đông” vừa chỉ đông người, vừa chỉ mùa Đông.

Em chờ đợi anh cả năm trời để chúng mình được đến với nhau làm vợ làm chồng. Vậy mà, không ngờ anh lại nghe ai đó...phao tin đồn nhảm là em đã có chồng, để rồi bỏ em mà đi lấy người khác. Cho nên, em...tức mình, em đổ cá xuống sông, em về, dù đó là loại cá rất ngon, cá thu ở chợ Hạ (có lẽ nàng mua về để chuẩn bị...đãi chàng chăng???). Em không cần gì nữa hết, không có gì quan trọng đối với em nữa hết, khi biết anh không còn chờ đợi để chúng mình được đến với nhau.

Đó là cái...tức mình khiến nhiều người khó quên khi đọc đến những câu ca dao độc đáo nầy.

Nếu quý độc giả có...tức mình khi đọc mấy bài viết về “Chuyện...chữ nghĩa tiếng Việt” của người viết thời gian qua, thì dịp nầy cũng xin cho người viết hai chữ...đại xá, để lần sau, người viết còn có cơ hội trở lại thưa chuyện cùng quý vị “Chuyện...chữ nghĩa tiếng Việt” nữa nhé.

Nói gì thì nói, tức mình gì thì tức, nhưng chắc chắn là quý độc giả đồng ý với người viết là: Ngôn ngữ tiếng Việt của chúng ta hay thiệt là hay vậy!

Cảm tạ Đức Chúa Trời đã ban cho người Việt Nam chúng ta có được một ngôn ngữ thật tuyệt vời có thể diễn tả được mọi cung bậc tình cảm của con người!

Nguyền xin Chúa ban phước cho hết thảy mỗi một chúng ta. A men!

California, ngày 10. 9. 2020

Mục sư Nguyễn - Đình - Liễu.

(*): Những câu Kinh thánh trong bài viết là trích từ Kinh thánh Bản Truyền Thống (BTT)