Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 175

Chuyện... Chữ Nghĩa Tiếng Việt (6)

Kinh thánh: Châm ngôn 27: 3; Giê-rê-mi 5: 22; Lu-ca 13: 3 (*)

Kính chào quý độc giả,

Thời gian qua, người viết đã thưa chuyện với quý độc giả “Chuyện... chữ nghĩa tiếng Việt” (1-5) rồi. Nay, xin mạo muội tiếp tục gởi đến quý vị “Chuyện... chữ nghĩa tiếng Việt” (6). Quý vị đã chịu khó đọc “Chuyện... chữ nghĩa tiếng Việt” (1-5), thì người viết tin chắc chắn quý vị cũng sẽ tiếp tục... chịu khó đọc “Chuyện... chữ nghĩa tiếng Việt” (6).

Trong “Chuyện... chữ nghĩa tiếng Việt” (6) nầy, xin thưa chuyện với quý vị những từ có âm cuối khác nhau giữa “c” và “t”, mà không ít người thường hay... viết sai như sau đây:

+ “Đặc” và “đặt”:

-“Đặc” (âm cuối “c”), có nghĩa là một điều nổi bật nào đó của người hay vật, như trong đặc điểm, đặc biệt, đặc trưng...

“Đặc” cũng có nghĩa là chất gì đó, cái gì đó không loãng, không rỗng bên trong, như sữa đặc, đặc ruột, đặc quánh...

Trong tiếng Việt có điển tích “dốt đặc cán mai”

Mai là vật dụng gồm một lưỡi sắt nặng, to và phẳng, được tra vào một cái cán dài dùng để đào đất. Cán mai thường làm bằng gỗ táu là thứ gỗ đặc ruột, không có một chỗ trống nào. Khi chê ai đó ngu dốt quá, người ta nói là “dốt đặc cán mai”, nghĩa là không có chỗ nào mà nhét chữ vào được. Cán mai khác với cán xẻng, cán cuốc... Trong khi cán xẻng, cán cuốc làm bằng tre, rỗng ruột thì cán mai làm bằng một loại gỗ đặc ruột. Cho nên, một khi nói “dốt đặc cán mai, dốt dài cán cuốc”, là nói một ai đó dốt hết chỗ nói, dốt đến thế là cùng.

-“Đặt” (âm cuối “t”), có nghĩa là để cái gì đó xuống, như đặt cây viết xuống bàn; hay nêu lên vấn đề gì đó, như cô ta muốn đặt câu hỏi với anh ấy... Hay câu nói của cha ông ta về hôn nhân xưa: “Cha mẹ đặt đâu, con ngồi đó”

+ “Các” và “cát”:

-“Các” (âm cuối “c”), có nghĩa là nhiều hơn một, như các chú, các bác, các cô, các cậu...

Chúa Giê-xu phán: “Ta nói cùng các ngươi, không phải, song nếu các ngươi chẳng ăn năn, thì hết thảy sẽ bị hư mất như vậy.” (Sách Lu-ca, chương 13, câu 3)

-“Cát” (âm cuối “t”), có nghĩa là một vật dụng dùng trong xây dựng nhà cửa, có nhiều ở bờ biển hay sa mạc.

Kinh thánh cho biết có một thứ... rất nặng, nặng hơn cả đá, nặng hơn cả cát nữa. Bạn biết đó là thứ gì không? Hãy nghe Kinh thánh nói:

Đá thì nặng, cát cũng nặng; nhưng cơn tức giận của kẻ ngu dại còn nặng hơn cả hai.” (Sách Châm ngôn, chương 27, câu 3)

Kinh thánh cũng cho chúng ta biết một điều rất kỳ lạ, đó là Đức Chúa Trời không dùng những tảng đá to để làm bờ biển, ngăn giữ biển, mà Ngài lấy... cát mềm làm bờ biển đấy; nhưng muôn đời, nước biển, sóng biển dầu mạnh cỡ nào cũng không qua khỏi được bờ biển chỉ bằng... cát mềm vàng óng đó:

Ta là Đấng đã lấy cát làm bờ cõi biển, bởi một mạng lịnh đời đời, không vượt qua được. Sóng biển dầu động, cũng không thắng được; biển dầu gầm rống, cũng không qua khỏi nó.” (Sách Giê-rê-mi, chương 5, câu 22)

Đức Chúa Trời thật vô cùng kỳ diệu phải không bạn?

Cơ-đốc nhân có bài hát “Dã tràng xe cát” có đoạn lời rất hay như sau:

“Dù có bao nhiêu tài năng khôn ngoan. Dù có bao nhiêu học thức của cải. Nhưng không tin quyền năng Chúa Cha trên trời. Bao công lao tựa như khói vương mây dời. dã tràng xe cát biển Đông. Chỉ là một con số không.”

-“Cát” còn có nghĩa là tốt đẹp, như năm mới người ta thường chúc nhau “Vạn sự cát tường” (năm mới vạn điều tốt lành, may mắn)

+ “Bác” và “bát”:

-“Bác” (âm cuối “c”), có nghĩa là anh ruột của cha mình (con chú con bác), hay là một người đứng tuổi.

Nhà thơ Nguyễn Khuyến có bài thơ “Bạn đến chơi nhà” rất thâm thúy như sau:

“Đã bấy lâu nay bác tới nhà,
Trẻ thì đi vắng, chợ thời xa.
Ao sâu, sóng cả, khôn chài cá;
Vườn rộng rào thưa, khó đuổi gà.
Cải chửa ra cây, cà mới nụ;
Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa.
Đầu trò tiếp khách, trầu không có,
Bác đến chơi đây, ta với ta.”
“Bác” có nghĩa là không chấp nhận, loại bỏ, như bác đơn, bác bỏ...
“Bác” cũng có nghĩa là rất giỏi, tinh thông, như uyên bác, thông kim bác cổ...
“Bác” còn có nghĩa là rộng lượng, như lòng từ bi, bác ái...

-“Bát” (âm cuối “t”), có nghĩa là một vật dụng dùng để ăn hay uống, như bát phở, bát nước chè xanh...

Chúng ta có thành ngữ “Ăn cháo đá bát”

Ca dao xứ Quảng Nam có câu:

“Thương nhau múc bát chè xanh
Làm tô mì Quảng mời anh xơi cùng”

Người ta nói đến xứ Quảng... Nôm mà chưa uống được bát nước chè xanh, chưa ăn được tô mì Quảng là coi như... chưa đến xứ Quảng vậy.

Nói như thế để bạn biết là có khi nào bạn có dịp đến thăm xứ Quảng Nam quê tôi, thì nhớ là đừng quên uống một bát nước chè xanh cho đã khát, cho sảng khoái tâm hồn, và... làm (ăn) một tô mì Quảng cho no cái bụng và cho mặn mà tình nghĩa nơi quê hương mến khách thương người nầy bạn nhé.

“Bát” có nghĩa là tám, như thơ lục bát (sáu tám), hay thơ thất ngôn bát cú (bảy chữ tám câu)

“Bát” cũng có nghĩa là mênh mông, bao la, như bát ngát.

Ca dao có câu:

“Đứng bên ni đồng thấy bên tê đồng mênh mông bát ngát
Đứng bên tê đồng ngó bên ni đồng cũng bát ngát mênh mông.”

+ “Sắc” và “sắt”:

-“Sắc” (âm cuối “c”), có nghĩa là đẹp đẽ, như sắc đẹp, sắc nước hương trời, trai tài gái sắc.

Nguyễn Du mô tả vẻ đẹp của nàng Kiều:

“Kiều càng sắc sảo mặn mà
So bề tài sắc lại là phần hơn.”

“Sắc” có nghĩa là màu sắc, như bảy sắc cầu vồng.

“Sắc” còn có nghĩa là giỏi giang khi đi với từ “xuất” như xuất sắc, sắc sảo...

“Sắc” cũng có nghĩa là một thanh điệu trong tiếng Việt, như thanh sắc, dấu sắc.

Người ta có một câu nói về... quy luật ghi nhớ để giúp phân biệt “hỏi ngã” trong tiếng Việt như sau:

“Sắc hỏi không, huyền ngã nặng.”...

Hoặc câu thơ để dễ nhớ mà viết cho đúng hỏi ngã:

“Chị huyền mang nặng, ngã đau
Anh không, sắc thuốc, hỏi đau chỗ nào?”

-“Sắt” (âm cuối “t”), có nghĩa là một loại kim loại là sắt, như tủ sắt, sắt bị gỉ, xương đồng da sắt, lòng son dạ sắt...

Kinh thánh, sách Thi-thiên 150 có chép:

Hãy thổi kèn ngợi khen Ngài.
Gãy đàn sắt, đàn cầm mà ngợi khen Ngài
” (Thi-thiên 150: 3)

+ “Tắc” và “tắt”:

-“Tắc” (âm cuối “c”), có nghĩa là bị nghẹt, không thông, như trong bế tắc, giao thông tắc nghẽn, tắc giọng, ùn tắc...

“Tắc”, có nghĩa là những quy định, những lề luật, như trong phép tắc, nguyên tắc, quy tắc...

-“Tắt” (âm cuối “t”), có nghĩa là dừng, hay ngưng, như trong tắt điện, tắt quạt, hay tắt thở...

Thánh Lu-ca trong Kinh thánh ghi lại giây phút cuối cùng của Chúa Giê-xu trên thập tự giá như sau:

Đức Chúa Giê-xu bèn kêu lớn rằng: Hỡi Cha, tôi giao linh hồn lại trong tay Cha! Ngài vừa nói xong thì tắt hơi.” (Sách Lu-ca, chương 23, câu 46)

“Tắt”, có nghĩa là rút gọn lại, làm ngắn lại, như trong tóm tắt, vắn tắt, đi ngang về tắt, đi tắt đón đầu...

Ca dao Việt Nam có câu về... làm quan khá thú vị như sau:

“Đàn ông quan tắt thì chầy
Đàn bà quan tắt nửa ngày nên quan.”

Nghĩa là việc làm quan ngày xưa có hai đường là chính và tắt. Đường chính là do học hành, đỗ đạt cao rồi được bổ ra làm quan. Còn đường tắt là từ những thành phần thư lại, bát phẩm, cửu phẩm ở dưới, nhờ có công cán, nên được đề cử lần lên tri huyện, tri phủ, có khi lên đến những chức quan cao hơn. Đường tắt do đó thường mất rất nhiều thời gian mới có được (đàn ông quan tắt thì chầy). Còn đàn bà nhiều khi chỉ cần chút nhan sắc hoặc may mắn cưới được chồng quan là thành... quan bà liền, vì được... ăn theo chồng (đàn bà quan tắt nửa ngày lên quan).

+ “Nhức” và “nhứt”:

-“Nhức” (âm cuối “c”), có nghĩa là đau nhói, khó chịu, như trong nhức đầu, nhức răng, nhức mắt, đau nhức trong người, nhức nhối, hay thành ngữ đinh tai nhức óc...

-“Nhứt” (âm cuối “t”), có nghĩa là nói về thứ hạng, như đứng nhứt (nhất), hạng nhứt (nhất).

Thánh Phi-e-rơ cho biết tình yêu thương là quan trọng hơn cả đối với con cái Chúa:

Nhứt là trong vòng anh em phải có lòng yêu thương sốt sắng; vì sự yêu thương che đậy vô số tội lỗi.” (Kinh thánh, Sách 1 Phi-e-rơ, chương 4, câu 8)

Ca dao Việt Nam có câu thật hay nói về sự nhường nhịn, không hơn thua ở đời:

“Ai nhứt thì tôi thứ nhì
Ai mà hơn nữa, tôi thì thứ ba”

Hoặc một câu khác nói về... những cái khổ trong đời:

“Nhứt là vợ dại trong nhà
Thứ nhì nhà dột, thứ ba nợ đòi.”

+ “Nhạc” và “nhạt”:

-“Nhạc” (âm cuối “c”), có nghĩa là một bộ môn nghệ thuật, như trong văn, thơ, nhạc, họa; hay nhạc công (người chơi nhạc), nhạc cụ (dụng cụ âm nhạc như đàn, kèn, sáo... ), nhạc sĩ (người sáng tác bài hát), nhạc phẩm (bài hát).

Trong Sách Thi-thiên có câu: “Hãy gảy nhạc khí bằng dây và thổi sáo mà ca tụng Ngài!” (Thi-thiên, chương 150, câu 4b)

Có câu chuyện vui: Thấy một người đang vẽ tranh thì ta gọi là họa sĩ. Thấy một người đang hát thì ta gọi là ca sĩ. Thấy một người đang đánh đàn thì ta gọi là nghệ sĩ. Vậy, thấy một người đang... mang cây đàn piano thì gọi là gì? Là nhạc sĩ. Sai. Gọi là... lực sĩ mới đúng.

Vui phải không bạn?

-“Nhạt” (âm cuối “t”), có nghĩa là không mặn mà, như nhạt nhẽo, nhạt thếch, nhạt phai, lạnh nhạt...

Nhà thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm có bài thơ “Thói đời” có ý nghĩa thật thấm thía:

“Thế gian biến cải vũng nên đồi
Mặn nhạt, chua cay lẫn ngọt bùi
Còn bạc, còn tiền còn đệ tử
Hết cơm, hết rượu hết ông tôi
Xưa nay đều trọng người chân thực
Ai nấy nào ưa kẻ đãi bôi
Ở thế mới hay người bạc ác
Giàu thì tìm đến khó tìm lui.”

+ “Việc” và “việt”:

-“Việc” (âm cuối “c”), có nghĩa những điều phải làm, như cộng việc, việc làm, việc công, việc tư, việc ai nấy làm...

Chúa Giê-xu phán: “Nầy ta đến mau chóng, và đem phần thưởng theo với ta, để trả cho mỗi người tùy theo công việc họ làm.” (Sách Khải huyền, chương 22, câu 12)

-“Việt” (âm cuối “t”), có nghĩa là một dân tộc, một đất nước, một ngôn ngữ, như dân tộc Việt Nam, đất nước Việt Nam, người Việt, tiếng Việt, chữ Việt...

...

Đó là một số những từ có âm cuối khác nhau giữa “c” và “t” mà chúng ta thường hay viết sai, do không chú ý, hoặc chưa phân biệt được ý nghĩa của nó.

Còn nhiều, nhiều lắm những từ như thế trong tiếng Việt mà chúng ta chưa nói đến được trong bài viết nầy. Hy vọng, có dịp nào đó, sẽ có dịp được tiếp tục thưa chuyện cùng quý độc giả.

Ai đó đã nói “Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam.” là thật... chính xác vậy! Và tôi nghĩ, đó cũng chính là điều làm cho tiếng Việt của chúng ta trở nên phong phú, đáng yêu và độc đáo.

Ước mong mỗi chúng ta là người Việt Nam, hãy cố gắng trau giồi trong việc nói và viết tiếng Việt để có thể nói và viết tiếng mẹ đẻ của mình được càng ngày càng chính xác và hay, đẹp.

Thiết nghĩ, đó cũng là trách nhiệm của mỗi một con dân nước Việt vậy!

Hy vọng, sẽ được tiếp tục thưa chuyện với quý độc giả "Chuyện...chữ nghĩa tiếng Việt"(7) và nhiều hơn nữa...

California, tháng 9/ 2020

Mục sư Nguyễn - Đình - Liễu.

(*): Những câu Kinh thánh trong bài viết là trích từ Kinh thánh Bản Truyền thống (BTT)