Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 182

Chuyện... Chữ Nghĩa Tiếng Việt (10)

Kinh thánh: Đa-ni-ên 12: 3; Rô-ma 3: 10; Phi-líp 4: 9; II Ti-mô-thê 2: 15 (*)

Kính chào quý độc giả thân mến,

Người viết rất vui được trở lại thưa chuyện với quý độc giả “Chuyện... chữ nghĩa tiếng Việt” (10).

Trong “Chuyện... chữ nghĩa tiếng Việt” (10) nầy, người viết sẽ nói đến một số cách để chúng ta phân biệt được những chữ có dấu “hỏi”, “ngã” hầu viết khỏi bị sai.

Trước hết, chúng ta cần biết tiếng Việt chúng ta có hệ thống thanh điệu, gồm các thanh không (ngang), sắc, hỏi, huyền, ngã, nặng. Người ta chia sáu thanh điệu nầy ra làm hai nhóm là “bổng”, gồm các thanh không (hay còn gọi là thanh ngang), hỏi và sắc; và “trầm”, gồm các thanh huyền, ngã, nặng.

Còn nhớ khi còn học ở Tiểu học, thầy cô giáo dạy Việt văn thường bày cho cách để học sinh có thể nhớ mà viết “hỏi”, “ngã” cho đúng. Có... câu thơ như sau:

“Chị HUYỀN mang NẶNG NGÃ đau, anh KHÔNG SẮC thuốc HỎI đau chỗ nào?”

với ý nghĩa rằng: những từ láy thường có thanh bổng đi với thanh bổng.

Ví dụ: Những từ như: Âm ỉ, vẻ vang, vớ vẩn, nghỉ ngơi, ngớ ngẩn, lẻ loi, lẻ tẻ, mới mẻ, mắng mỏ, sôi nổi, trôi nổi...

Và thanh trầm đi với thanh trầm.

Ví dụ: Những từ như: ầm ĩ, nghĩ ngợi, vẽ vời, vội vã, lời lãi, lời lỗ, lẫy lừng, cãi lẫy, lộng lẫy, lững lờ, đẹp đẽ, suồng sã, vặt vãnh...

Theo cách của... câu thơ ghi nhớ thanh điệu trên đây, chúng ta có thể viết đúng “hỏi”, “ngã” khá nhiều từ. Nhưng nói như thế, không phải là tất cả các trường hợp đều... chuẩn; mà cũng có khá nhiều ngoại lệ, như những từ: bền bỉ, khe khẽ, lý lẽ, ngoan ngoãn, ve vãn... lại không theo... quy luật trên, nên bắt buộc ta phải... cố gắng nhớ vậy...

Đó là một cách giúp cho ta nhớ để viết khá chính xác nhiều từ có dấu hỏi, ngã trong tiếng Việt của chúng ta.

Hy vọng, quý độc giả sẽ... ghi nhớ... quy luật về thanh điệu trên để giúp ích cho mình tránh được những sai sót không nên có trong khi viết mà gặp phải những từ... hóc búa đó.

Thứ hai, những từ Hán Việt bắt đầu bằng M, N, NH, L, V, D, NG thì ta viết dấu ngã. Còn các từ Hán Việt khác thì viết dấu “hỏi”.

Có người đã có câu để giúp chúng ta ghi nhớ những từ ấy như sau: “Mình Nên Nhớ Là Viết Dấu Ngã”

Ví dụ: Mỹ nhân, mẫu giáo, mãn nguyện, mãnh lực, mẫn cán; não bộ, nữ nhi, nỗ lực; nhẫn tâm, nhãn tiền, nhã nhặn; lễ nghi, lĩnh hội, lỗi lạc, lữ khách, lẫm liệt; vãn hồi, viễn xứ, vĩ đại, võ sư, vĩnh hằng, vững chãi; diễm phúc, dũng khí, dõng dạc, diễu hành, dã tâm; nghĩa hiệp, ngũ cốc, ngẫu nhiên, ngưỡng mộ...

Tiếp theo, là có những từ mà chúng ta cần dựa vào nghĩa của nó để xác định cho đúng từ đó là dấu hỏi hay dấu ngã?

Sau đây là những từ mà thiết nghĩ, chúng ta rất hay sử dụng khi viết, nhưng đã có khá nhiều người viết... sai, có lẽ do không chú ý hay chưa hiểu nghĩa của nó.

+ “Củng” và “cũng”:

-“Củng” (dấu hỏi), chỉ có trong “củng cố”, và “lủng củng”: “Củng cố”, có nghĩa là sửa chữa lại, chỉnh đốn lại cho đúng một điều gì đó đã bị lộn xộn, bỏ bê, như củng cố lại tổ chức, củng cố lại đơn vị.

“Lủng củng”, có nghĩa là không đúng trật tự, cần phải điều chỉnh lại cho đúng, như củng cố lại những chỗ còn lủng củng. Chúng ta có thành ngữ “lủng ca lủng củng”

-“Cũng” (dấu ngã), (ngoại trừ hai từ “củng” trong “củng cố” và “lủng củng”) còn lại tất cả các từ “cũng” khác đều mang dấu “ngã”, có nghĩa là có một cái gì đó giống cái kia, như thành ngữ “lòng vả cũng như lòng sung”.

Trong sách Rô-ma có chép lời nầy:

Chẳng có một người công bình nào hết, dẫu một người cũng không.” (Sách Rô-ma, chương 3, câu 10)

Phao-lô đã viết về việc Chúa Giê-xu được Đức Chúa Cha tôn cao như sau:

Cũng vì đó nên Đức Chúa Trời đã đem Ngài lên rất cao, và ban cho Ngài danh trên hết mọi danh.” (Sách Phi-líp, chương 2, câu 10)

+ “Những” (dấu ngã): Hầu như tất cả những chữ “những” đều có dấu ngã, không có chữ “những” nào là dấu hỏi cả.

Phao-lô đã khuyên người học trò yêu dấu của mình là Ti-mô-thê như thế nầy:

Về phần con, hãy đứng vững trong những sự con đã đem lòng tin chắc mà học và nhận lấy, vì biết con đã học những điều đó với ai,” (Sách 2 Ti-mô-thê, chương 3, câu 14)

+ “Đả” và “đã”:

-“Đả” (dấu hỏi), có nghĩa là muốn bỏ cái gì đó đi, như đả đảo.

“Đả”, có nghĩa là chống lại nhau, như đả kích, đả phá, ẩu đả, loạn đả...

-“Đã” (dấu ngã), có nghĩa là điều gì đó được thực hiện xong, như đã làm, đã đi, đã ngủ, đã ăn, đã uống. Chúng ta thường hay dùng cụm từ “cực chẳng đã... ”

Kinh thánh chép: “Vì điều chi luật pháp không làm nổi, tại xác thịt làm cho luật pháp ra yếu đuối, thì Đức Chúa Trời đã làm rồi: Ngài đã vì cớ tội lỗi sai chính Con mình lấy xác thịt giống như xác thịt tội lỗi chúng ta, và đã đoán phạt tội lỗi trong xác thịt,” (Sách Rô-ma, chương 8, câu 3)

+”Mải” và “mãi”:

-“Mải” (dấu hỏi), có nghĩa là đang say sưa một việc gì đó, không còn quan tâm đến cái gì nữa, như mải mê, mải miết.

-“Mãi” (dấu ngã), có nghĩa là dài thêm ra, như mãi mãi hoài hoài.

Kinh thánh cho biết những người dắt đem nhiều người đến tin nhận Chúa sẽ rất được phước, những người ấy như những ngôi sao sáng láng không bao giờ tắt:

những kẻ dắt đem nhiều người về sự công bình sẽ sáng láng như các ngôi sao đời đời mãi mãi.” (Sách Đa-ni-ên, chương 12, câu 3b)

“Mãi”, có nghĩa là mua, như thương mãi, mãi lộ...

+ “Chia sẻ” và “chia xẻ” đều là dấu hỏi hết (không bao giờ là dấu ngã), dù nghĩa của hai từ đó không giống nhau. “Chia sẻ”, có nghĩa là san sớt cho nhau, thường mang ý nghĩa về tinh thần, về sự hiểu biết, về tình cảm hơn, còn “chia xẻ” có nghĩa là san sẻ bớt cho người khác, thường nghiêng về ý nghĩa vật chất hơn. Chúng ta có thành ngữ “nhường cơm xẻ áo”.

Hai từ nầy rất nhiều người dùng sai (dù người ta vẫn có thể hiểu được), và viết sai dấu hỏi thành dấu ngã.

Hãy cố gắng... nhớ để không còn viết sai hai từ nầy nữa.

+ “Nổi” và “nỗi”:

-“Nổi” (dấu hỏi), có nghĩa là nói đến những gì vượt trội hơn mức bình thường, như nổi bật, nổi trội, nổi tiếng, nổi nóng, nổi điên, nổi sóng, nổi dậy, làm nổi...

-“Nỗi” (dấu ngã), có nghĩa là nói đến những gì mang tính biểu lộ tình cảm nhiều hơn, như nỗi nhớ, nỗi niềm, nỗi lòng, nỗi oan, nỗi nhục...

Nhạc sĩ Anh Bằng có bài hát “Nỗi lòng người đi” nổi tiếng mà hầu như không ai không biết, với mấy câu mở đầu làm rung động trái tim biết bao chàng trai cô gái tuổi đang yêu:

“Tôi xa Hà Nội năm lên mười tám khi vừa biết yêu

Bao nhiêu mộng đẹp yêu đương thành khói tan theo mây chiều... ”

+ “Mảnh” và “mãnh”:

-“Mảnh” (dấu hỏi), có nghĩa là nói đến hình dáng, như mảnh sân, mảnh ruộng, mảnh vườn, mảnh đất, mỏng mảnh, mảnh mảnh...

-“Mãnh” (dấu ngã), có nghĩa là nói đến tính chất, như dũng mãnh, ma mãnh, mãnh liệt, mãnh lực...

+ “Kỷ” và “kỹ”:

-“Kỷ” (dấu hỏi), có nghĩa là nói đến những gì liên quan đến sự ghi nhớ nơi con người, như kỷ vật, kỷ niệm, kỷ luật, ích kỷ, tư kỷ, tự kỷ, tri kỷ, kỷ yếu, kỷ lục...

Kinh thánh cảnh báo con dân Chúa về lòng người thời kỳ cuối cùng như sau:

“Hãy biết rằng trong ngày sau rốt, sẽ có những thời kỳ khó khăn. Vì người ta đều tư kỷ, tham tiền, khoe khoang, xấc xược, hay nói xấu, nghịch cha mẹ, bội bạc, không tin kính, vô tình, khó hòa thuận, hay phao vu, không tiết độ, dữ tợn, thù người lành, lường thầy phản bạn, hay nóng giận, lên mình kiêu ngạo, ưa thích sự vui chơi hơn là yêu mến Đức Chúa Trời.” (Sách 2 Ti-mô-thê, chương 3, câu 1-4)

-“Kỹ” (dấu ngã), có nghĩa là nói đến những gì liên quan đến thao tác nơi con người, như kỹ thuật, kỹ xảo, kỹ năng, kỹ nghệ, kỹ sư, tuyệt kỹ...

+ “Hãy”:

-“Hãy” (dấu ngã), có nghĩa là một mệnh lệnh làm một việc gì đó.

Kinh thánh dạy về trách nhiệm của người giảng dạy lời Chúa: “Hãy chuyên tâm cho được đẹp lòng Đức Chúa Trời như người làm công không chỗ trách được, lấy lòng ngay thẳng giảng dạy lời của lẽ thật.” (Sách 2 Ti-mô-thê, chương 2, câu 15)

“Hãy”, có nghĩa là một sự việc gì đó còn đang tiếp diễn, như trời hãy còn mưa...

*Chú ý: Không có chữ “hãy” nào là dấu hỏi cả.

+ “Hể” và “Hễ”:

-“Hể” (dấu hỏi), có nghĩa là thỏa chí, như hể hả.

-“Hễ” (dấu ngã), có nghĩa là nói đến một điều gì đó chắc chắn sẽ được thực hiện, hay kết quả của một việc gì đó, như hễ nói là làm, hễ hứa là thực hiện, hễ có chơi thì có chịu...

Phao-lô khẳng định: “Hễ sự gì anh em đã học, đã nhận, đã nghe ở nơi tôi, và đã thấy trong tôi, hãy làm đi, thì Đức Chúa Trời của sự bình an sẽ ở cùng anh em.” (Sách Phi-líp, chương 4, câu 9)

*Chú ý: Chỉ có duy nhất một chữ “hể” (dấu hỏi) là trong từ “hể hả” mà thôi.

Còn tất cả các chữ “hễ” khác đều là dấu ngã.

+ “Vẩn” và “Vẫn”:

-“Vẩn” (dấu hỏi), có nghĩa là làm cho trạng thái xấu hơn, tệ hơn, như nước bị vẩn đục, trời còn vẩn nhiều đám mây...

“Vẩn”, có nghĩa là chuyện không đâu vào đâu, như nghĩ vớ va vớ vẩn, chuyện vớ va vớ vẩn...

-“Vẫn” (dấu ngã), có nghĩa là tiếp tục, hay tốt hơn, như vẫn chứng nào tật nấy, có chuẩn bị trước vẫn hơn...

Kinh thánh nhắc nhở chúng ta về sự khuyên bảo rằng:

Vậy thì anh em hãy khuyên bảo nhau, gây dựng cho nhau, như anh em vẫn thường làm.” (Sách 1 Tê-sa-lô-ni-ca, chương 5, câu 11)

“Vẫn”, có nghĩa là tự cắt cổ mà chết, như tự vẫn.

*Chú ý: Ngoài hai từ “vẩn đục” và “vớ vẩn” là dấu hỏi, còn tất cả các chữ “vẫn” còn lại đều là dấu ngã.

+ Có một... tin mừng cho chúng ta là hầu như tất cả những từ trong họ của tên người và tên của các nước đều mang dấu “ngã”.

-Họ: Nguyễn, Đỗ, Võ, Mã, Nhữ, Lữ, Doãn... Trừ họ Khổng.

-Nước: Mỹ, Mễ Tây Cơ, A Phú Hãn, Thụy Sĩ, Mã Lai, Ái Nhĩ Lan, Gia Nã Đại. Trừ Mông Cổ, Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Điển.

...

Trên đây là một số từ mà người viết thường thấy nhiều người viết sai, dấu hỏi thành dấu ngã, hoặc ngược lại. Có lẽ do không chú ý, hoặc chưa hiểu nghĩa của những từ đó, nên đã viết sai chăng?

Hy vọng, với một số những cách giúp chúng ta ghi nhớ mà người viết xin nhắc lại trong bài viết nầy, sẽ giúp cho chúng ta viết được đúng dấu hỏi hay dấu ngã của những từ mà không ít người thường... viết sai.

Như đã thưa chuyện với quý độc giả trong những bài “Chuyện... chữ nghĩa tiếng Việt” trước đây, để chúng ta có thể viết đúng chính tả tiếng mẹ đẻ của mình, hạn chế đến mức thấp nhất những sai sót không đáng có, thì chúng ta nên cố gắng dành thì giờ để đọc sách, nhất là những sách văn học, và đặc biệt là Kinh thánh, quyển sách của mọi quyển sách. Khi chúng ta làm những điều đó, người viết tin chắc rằng khả năng viết đúng chính tả trong tiếng mẹ đẻ của mình sẽ tăng lên không ngờ, và khả năng viết lách của chúng ta cũng sẽ tốt lên trông thấy. Và không chừng, chúng ta sẽ trở thành... nhà văn nổi tiếng lúc nào mà không hay nữa đó.

Và cũng xin nhắc lại một điều nữa, là để hạn chế đến mức thấp nhất việc viết sai chính tả, mỗi chúng ta cần và rất cần nên... thủ sẵn cho mình một quyển “Từ điển chính tả tiếng Việt”, để sử dụng khi chúng ta thấy có những chữ, những từ nào mà chúng ta còn chưa tự tin là chuẩn khi viết, hầu tránh được những sai sót không đáng có.

Kính cảm ơn quý độc giả đã... chịu khó và kiên nhẫn đọc loạt bài về “Chuyện... chữ nghĩa tiếng Việt” (1 – 10) khá khô khan nầy của người viết, dù người viết đã cố gắng tìm nhiều cách làm cho nó... ướt át một chút.

Chắc chắn trong loạt bài nầy cũng không thể nào tránh khỏi những sơ sót ngoài ý muốn, cũng như vượt quá khả năng hiểu biết rất hạn hẹp của người viết. Rất mong được quý độc giả thương mà cho hai chữ... đại xá.

Người viết cảm ơn thật nhiều!

Trong thời gian tới, nếu có còn chút gì để viết (chứ không phải “còn chút gì để nhớ”) về “Chuyện... chữ nghĩa tiếng Việt” yêu quý của chúng ta nữa, thì người viết sẽ mạnh dạn viết và gởi đến quý độc giả.

Kính chúc quý độc giả luôn mạnh khỏe và bình an trong ơn của Chúa Giê-xu, Đấng mà người viết đang tin cậy và tôn thờ!

Trân trọng,

California, cuối tháng 10/ 2020

Mục sư Nguyễn - Đình - Liễu.

(*): Những câu Kinh thánh trong bài viết là trích từ Kinh thánh Bản Truyền Thống (BTT)