Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 1461

Vui Mừng Trong Nghịch Cảnh

Những Cơ Đốc nhân đầu tiên đã phải chiến đấu chống lại những sức mạnh to lớn, những sự bắt bớ và thử thách dữ dội hơn điều chúng ta có thể hiểu được. Họ bị trục xuất khỏi nhà, bị săn đuổi như những con thú, bị tra tấn, ném cho sư tử - phải sống trong các hang động và hầm mộ. Họ có rất ít thực phẩm, nước uống và tiện nghi. Nhưng chính trong những hoàn cảnh đó Đức Chúa Trời đã dạy cho dân Ngài cội nguồn thực sự của sức mạnh và sự vui mừng của họ. Chính tại đó họ đã học ngợi khen Ngài với tấm lòng hoan hỉ.

Nếu chỉ vui mừng và biết ơn khi sự việc như ý thì bạn giống như một em bé nằm trong nôi. Trong các vấn đề bạn đã không bắt đầu dựa vào sức mạnh của Chúa để chống lại sức hút đang kéo bạn xuống. Khi một thảm kịch xảy ra trong đời sống, chúng ta thường nghĩ đến việc xin Chúa giúp đỡ. Còn cố gắng để ngợi khen Ngài về một nan đề có thể là một kinh nghiệm nản lòng bởi vì chúng ta có thói quen cố hữu là phàn nàn trước những điều làm chúng ta thất vọng.

Giống em bé tập đi, chúng ta có thể bắt đầu luyện tập những cơ bắp thuộc linh bằng những vấn đề nhỏ. Cứ mỗi lần đáp ứng cách đúng đắn, chúng ta lại thấy mình được nhắc lên và sẵn sàng đối diện với một vấn đề lớn hơn với niềm tin tưởng mạnh mẽ hơn. Hãy nghĩ đến một điều rất nhỏ, như sự giận dữ khi thấy người khác chiếm mất chỗ đậu xe duy nhất còn sót lại trong khu phố. Bạn để cho cơn giận nhận chìm hay đẩy bạn lên?

Hãy dừng lại tại đây và sử dụng uy quyền trên sự giận dữ của bạn. Hãy thú nhận đó là một lời phàn nàn tội lỗi. Hãy xin lỗi Chúa vì bạn đã không vui mừng, nhưng bạn rất muốn vui mừng. Rồi hãy cảm tạ Ngài vì đã để cho người kia chiếm chỗ của bạn. Anh ta phải có một chỗ đậu tốt hơn. Bạn không thấy vui vì đã không được đậu xe vào chỗ bạn muốn sao?

Có bao giờ bạn phàn nàn vì đã mua lầm một món hàng kém phẩm chất và cửa hàng đã từ chối trả tiền lại cho bạn không? Tôi đã từng bị như vậy và khi còn giận dữ thì điều đó cứ sôi sục trong tôi và làm tác hại đến những suy nghĩ và hành động của tôi trong nhiều ngày. Tôi đã bị kéo xuống rất nhanh. Hãy nhớ bạn là con cái của Chúa với tất cả quyền năng và quyền lực mà Ngài ban. Không ai có thể lợi dụng bạn được. Nếu bạn thấy dường như bạn đang bị lợi dụng thì bạn đã quên rằng Đức Chúa Trời đang kiểm soát mỗi cửa hàng và mỗi người quản lý trên thế giới. Nếu Ngài cho phép họ giữ lại tiền của bạn hay bán quá đắt cho bạn thì chắc chắn là vì bạn cần kinh nghiệm đó. Bạn có thể vui mừng khi điều nầy xảy ra!

Nếu phàn nàn trong những điều bất ưng nho nhỏ thì làm sao bạn có thể chịu đựng nổi cuộc chiến thật sự chống lại tội lỗi. Tất cả những điều xảy đến cho bạn đều do Chúa đưa đến vì một mục đích tốt. Sự thuận phục đưa chúng ta vượt lên trên vấn đề và khiến năng lực và sự vui mừng của Chúa được thể hiện. Sa-tan khuyến khích chúng ta than thở vì biết rằng càng than thở nhiều chúng ta càng đau khổ lâu.

Tôi nhận được thư của một thiếu niên kể về cha em mới mất. Ông chỉ tin Chúa mới có ba tháng, nhưng em thiếu niên rất biết ơn Chúa. Em viết: "Cha mẹ em ly dị và em sống với cha. Mẹ em chưa tin Chúa nhưng bây giờ đã đến sống với chúng em. Em biết đó là lý do tại sao Chúa Giê-xu đem cha em về nhà trên trời với Ngài. Chúng em đang cầu nguyện cho mẹ và chúng em biết Chúa rất yêu mẹ”.

Cô gái đó đã không chìm đắm trong buồn phiền. Cô thuận phục hoàn cảnh và vui mừng vì biết Chúa đang lo liệu. Trong đời sống, chúng ta càng bị kéo mạnh xuống thì càng có cơ hội tốt hơn để phát triển cơ bắp tâm linh. Phao-lô viết: "Tôi làm được mọi sự nhờ Đấng ban thêm sức cho tôi” (Phi lip 4:13). Phao-lô thấy được chân lý nầy khi từng trải những hoàn cảnh rất khó khăn.

Sức mạnh của chúng ta không phải là chúng ta mà là Christ. Chúng ta kinh nghiệm được điều đó khi đầu phục Ngài, nhưng chính qua sự thuận phục hằng ngày mà quyền lực và sức mạnh của Ngài mới kiểm soát đời sống chúng ta.

Một đoạn khác trong Kinh Thánh cho chúng ta biết "Sự vui vẻ của Đức Giê-hô-va là sức lực của ngươi” (Nê-hê-mi 8:10). Đó là sự vui vẻ đến từ sự thuận phục hoàn toàn. Khi chúng ta hoàn toàn nhờ cậy Chúa mà nói: "Con vui mừng vì mọi sự xảy ra như vậy!”, sức lực của Ngài sẽ nâng chúng ta lên và biến mọi vấn đề, mọi nỗi đau đớn thành niềm vui mừng.

Sự vui mừng và sức lực như vậy không bao giờ đến với những người kiêu ngạo mà chỉ đến với người khiêm nhường. Người kiêu ngạo không biết cách giao thác chính mình cho Đức Chúa Trời và không khi nào có thể kinh nghiệm sự hiệp một với Ngài. Chúa Giê-xu đã nói với các môn đồ: "Vậy, hễ ai trở nên khiêm nhường như đứa trẻ nầy, sẽ là lớn hơn hết trong nước thiên đàng” (Mathiơ 18:4).

Sự thuận phục nhằm làm giảm bớt vai trò con người cũ của chúng ta và tăng thêm vai trò của Chúa trong đời sống chúng ta - chúng ta ít đi và Ngài nhiều lên.

Tôi nhận một lá thư của một phụ tá mục sư chia xẻ về niềm vui khi anh ngợi khen Chúa về tất cả mọi sự. Chính âm điệu của lá thư đã gây cho tôi một ấn tượng mạnh. Nguồn vui của thanh niên nầy ở chỗ anh ta thật sự thấy mình tầm thường và thấy Chúa là vĩ đại. "Bằng nhiều cách Chúa đã cho tôi thấy tôi thật sự chẳng là gì cả, và tôi ngợi khen Chúa vì bây giờ tôi hiểu rõ Ngài cao cả làm sao. Biết Chúa yêu tôi là một cảm biết tuyệt vời nhất trên thế gian. Tôi cảm thấy mình nhỏ bé và thiếu khôn ngoan, nhưng tôi cũng như mọi vấn đề của tôi ở trong tay Chúa. Tôi không còn lo lắng về bất cứ điều gì nữa. Chúa đang tể trị mọi sự. Ngợi khen Ngài!”

Bạn có còn lo lắng về điều gì không? Thỉnh thoảng bạn có mất ngủ giữa đêm vì sợ nhận được tin chẳng lành không? Bạn có sợ thất nghiệp? Hay sợ bị ung thư? Có quá nhiều người sống trong sự sợ hãi. Tại sao vậy? Chúng ta chỉ sợ về những điều chúng ta chưa dâng lên cho Chúa.

"Ha-lê-lu-gia! Phước cho người nào kính sợ Đức Giê-hô-va, rất ưa thích điều răn Ngài!...Người cũng chẳng hề bị lay động, kỷ niệm người công bình còn đến đời đời. Người không sợ cái tin hung; lòng người vững bền, tin cậy nơi Đức Giê-hô-va” (Thi Thiên 112:1, 6, 7).

Tôi tin chắc rằng trong tương lai chúng ta sẽ trải qua những thời kỳ khó khăn - khó khăn về kinh tế, về sự sụp đổ của luật lệ và trật tự, sự khan hiếm thực phẩm - những điều đáng sợ nếu chúng ta chưa học để nương dựa vào sức lực của Đức Chúa Trời qua sự thuận phục.

Sợ hãi bơm chất adrenalin vào cơ thể và khiến chúng ta hoạt động. Châ1t nầy cho chúng ta sức lực khác thường để làm những điều mà bình thường chúng ta không làm được. Hãy nghĩ đến tác động của đức tin nếu chúng ta luôn để cho đức tin kiểm soát giống như trước đó chúng ta để cho sự sợ hãi hoành hành - đức tin sẽ khiến chúng ta thuận phục Chúa không chút do dự. Hãy nghĩ đến sức mạnh phi thường Đức Chúa Trời thể hiện qua sự thuận phục của chúng ta!

Để hiểu tại sao Chúa muốn chúng ta thuận phục ý chỉ của Ngài có quá khó không? Ngài biết điều gì sẽ xảy đến trong đời sống chúng ta khi chúng ta thôi không than thở và học để nói: "Chúa ơi, con thật sự vui mừng!”.

Merlin R Carothers (Đem THiên Đàng vào Địa Ngục)