Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 1503

Người Biết Ðường Lối Chúa

Có một người khác mà Chúa gọi là bạn hữu của Ngài. Ðó là Môise. Ông là một người biết đường lối Chúa. Xuất 33:11 nói, “Chúa phán với Môise mặt giáp mặt như một người nói chuyện với bạn hữu mình.” Mặt của Môise không bị che lại vì ông kính sợ Chúa. Vì thế, ông có thể nói chuyện với Chúa ở mức độ thân mật. Kết quả là: Ngài bày tỏ cho Môise biết đường lối Ngài, cho dân Y-sơ-ra-ên biết công việc Ngài. Thi Thiên 103:7 Vì dân Y-sơ-ra-ên không kính sợ Chúa nên họ không chịu gần gũi Ngài. Ðường lối và bí mật giao ước của Ngài không được bày tỏ cho dân Y-sơ-ra-ên. Họ biết Ngài rất giống cách tôi biết tổng thống nước Mỹ. Tôi biết tổng thống qua những thành tựu, những sự chu cấp và những hành động của ông. Dân Y-sơ-ra-ên không được chia sẻ để hiểu cái tại sao trong giao ước của Chúa. Họ không hiểu động cơ, ý định và ước ao của tấm lòng Ngài. Dân Y-sơ-ra-ên chỉ biết bản tính của Ðức Chúa Trời như đã được bày tỏ trong thế giới tự nhiên. Họ thường hiểu sai phương cách của Ngài là “lấy đi” hay “giữ lại” khi họ không nhận được đúng điều họ muốn. Không thể nào biết Chúa chỉ qua việc quan sát những gì Ngài làm trong thế giới tự nhiên. Cũng giống như biết một nhân vật nổi tiếng chỉ qua lời tường thuật của giới truyền thông. Ðức Chúa Trời là Thần Linh, và đường lối của Ngài được giấu khỏi khôn ngoan của thế giới tự nhiên (Gi 4:24; 1Cô 2:6- 8).

Chúa chỉ bày tỏ chính Ngài cho những ai kính sợ Ngài. Dân Y-sơ-ra-ên không thấy được sự khôn ngoan hay hiểu biết đằng sau mọi việc Ngài làm. Vì thế, họ liên tục bước trước Chúa. Kính Sợ Chúa Là Biết Ðường Lối Chúa, Môise thường biết tại sao Ðức Chúa Trời làm những việc Ngài làm. Kinh Thánh mô tả cái nhìn này là sự hiểu biết. Thật ra, Môise thường biết những gì Chúa sắp làm trước khi Ngài làm, vì Chúa bày tỏ điều đó cho ông trước. Kinh Thánh gọi đó là sự khôn ngoan. Tác giả Thi Thiên cho biết: Kính sợ CHÚA là khởi đầu của sự khôn ngoan. Tất cả những ai làm theo các mạng lệnh Ngài được nhiều sáng suốt. Thi thiên 111:10 Kính sợ Chúa là vâng lời Ngài, ngay cả khi làm thế dường như không ích lợi cho chúng ta. Khi chúng ta kính sợ Ngài, Ngài gọi chúng ta là bạn hữu và bày tỏ lý do hay ý định và ước ao của lòng Ngài. Chúng ta đi đến chỗ biết Ngài không chỉ qua các hành động của Ngài mà còn qua các đường lối của Ngài. Hãy đọc kỹ những lời của Chúa phán với môn đồ Ngài tại Bữa Tiệc Cuối Cùng, sau khi Giu-đa đã bỏ đi: Các con là bạn hữu của Ta nếu các con thi hành điều Ta truyền. Ta không còn gọi các con là đầy tớ nữa, vì đầy tớ không biết điều chủ mình làm; nhưng Ta đã gọi các con là bạn hữu, vì mọi điều nghe được nơi Cha, Ta đã cho các con biết. Giăng 15:14-15 Tôi có nghe câu Kinh Thánh này được trích như là một lời hứa về tình bạn hữu với Chúa. Tuy nhiên, có một điều kiện đi kèm với tình bạn hữu này. Ðiều kiện đó là: . . . Nếu các con thi hành điều Ta truyền. Giăng 15:14 Theo lời của tác giả Thi Thiên, tình bạn hữu với Chúa như vậy chỉ dành “cho những ai kính sợ Ngài,” cho những ai vâng theo Lời Ngài một cách vô điều kiện. Chúa phán, “Ta không còn gọi các con là đầy tớ nữa.” Các môn đồ Ngài đã chứng tỏ là đầy tớ trung tín suốt ba năm rưỡi. Họ ở lại với Chúa Giê-su trong khi các môn đồ khác bỏ Ngài (Gi 6:66). Có dạo Ngài xem họ chỉ là những đầy tớ. Ðây là giai đoạn thử thách, giống như trường hợp của Áp-ra-ham và Môise. Một bài tập mới bắt đầu; bây giờ những lời phán của Ngài mang tính tiên tri. Bài kiểm tra kết thúc bằng sự vâng lời kiên định ở phòng cao. Trật tự thiên thượng được thiết lập. Phòng cao sẽ bày tỏ bản chất thật mỗi tấm lòng con người. Chúa Giê-su phán, “Vì tôi tớ không biết điều chủ mình làm; nhưng Ta gọi các con là bạn hữu, vì mọi sự Ta nghe nơi Cha Ta, Ta sẽ bày tỏ cho các con [bạn hữu Ta, người kính sợ Ðức Chúa Trời].” Các bạn hữu của Chúa sẽ có ân tứ hiểu biết này, vì Ngài chia sẻ kế hoạch của Ngài với bạn hữu Ngài.

John Bevere (Kính Sợ Chúa)